Suy niệm
Chúa Nhật V TN - B, Mc 1,29-39: Cầu nguyện là đỉnh cao của sứ vụ
CẦU NGUYỆN LÀ ĐỈNH CAO CỦA SỨ VỤ
(Mc 1,29-39)
Tùng Linh
Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô cho chúng ta thấy một ngày làm việc của Chúa Giêsu tại Capharnaum. Chúa Giêsu vào hội đường giảng dạy, Ngài chữa bệnh và trừ quỷ, và đỉnh cao của ngày làm việc là Chúa Giêsu tìm một nơi hoang vắng để cầu nguyện với Chúa Cha. Tại sao Chúa Giêsu cần phải cầu nguyện và Ngài cầu nguyện trong những hoàn cảnh nào? Noi gương Chúa Giêsu chúng ta phải cầu nguyện thế nào?
Qua một ngày làm việc mệt mỏi, sáng sớm ngày hôm sau, lúc trời còn tối mịt, Đức Giêsu đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện. Chúa Giêsu cần phải cầu nguyện, vì dường như cầu nguyện làm cho Ngài là Ngài hơn, cầu nguyện giúp Ngài kết hợp với Thiên Chúa hơn, làm Ngài triển nở và trọn vẹn hơn. Cầu nguyện diễn tả Ngài là một với Thiên Chúa mặc dù lúc nào Ngài cũng kết hợp với Thiên Chúa. Cầu nguyện diễn tả Ngài tùy thuộc hoàn toàn Thiên Chúa là Cha, Chúa Cha muốn gì Ngài sẽ thực hiện như vậy. Qua cầu nguyện, Ngài là Ngài, Ngài triển nở và hạnh phúc[1]. Qua việc cầu nguyện, Chúa Giêsu đón nhận thánh ý Chúa Cha. Người coi việc thi hành ý Chúa Cha quan trọng và cần thiết như lương thực của Người. Người nói với các môn đệ: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34).
Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu thường xuyên cầu nguyện. Người thường lui vào nơi hoang vắng, kể cả lúc ban đêm để cầu nguyện. Người cầu nguyện trước những thời điểm quyết định của sứ vụ của mình hay của các tông đồ. Thật vậy, cả cuộc đời của Người là cầu nguyện, vì Người luôn sống trong sự hiệp thông tình yêu với Cha của mình. Khi phải quyết định những gì khẩn cấp và phức tạp, Đức Giêsu cầu nguyện sâu sắc, tha thiết và lâu giờ hơn[2].
Vừa khi nhận phép rửa của Gioan Tẩy giả, Chúa Giêsu chìm sâu trong cầu nguyện và đồng thời cửa trời mở ra (Lc 3,21). Đêm trước ngày Chúa Giêsu chọn mười hai tông đồ, Ngài đã lên núi và cầu nguyện suốt đêm (Lc 6,12). Trước khi Chúa Giêsu hỏi các tông đồ nhìn nhận thế nào về Ngài, Ngài đã tìm nơi thanh vắng và cầu nguyện cùng với các ông (Lc 9,18). Trước khi biến hình, Chúa Giêsu đã lên núi cầu nguyện (Lc 9,28) và trong khi cầu nguyện thì Ngài biến hình. Hơn nữa, trong giờ hấp hối trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã cầu nguyện thống thiết: Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha (x. Lc 22,40-45).
Chúa Giêsu, ngay cả trong lúc bi thảm nhất của cuộc đời dương thế của Người, với sự thân tình của người con yêu dấu, Người đã không bao giờ đánh mất sự tín thác nơi Chúa Cha[3].
Theo Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16, lời cầu nguyện của Đức Giêsu như một con kênh bí mật chảy qua suốt cuộc sống, các tương quan, các cử chỉ và lời nói của Người, và nó hướng dẫn Người một cách từ từ nhưng mạnh mẽ tới chỗ tận hiến hoàn toàn theo chương trình của Chúa Cha[4]. Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta cũng sống đời sống cầu nguyện kết hiệp với Chúa Cha, tín thác nơi Chúa Cha và kêu lên Abba! Cha ơi!
Việc cầu nguyện phát xuất do chức tư tế vương giả sau khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Công đồng Vatican II đã xác nhận điều này: “Phần các tín hữu, nhờ chức tư tế vương giả, tham dự vào việc dâng Thánh Thể và thi hành chức tư tế đó bằng việc lãnh nhận các bí tích, cầu nguyện và tạ ơn, bằng chứng tá đời sống thánh thiện, từ bỏ mình và bác ái tích cực”[5].
Vậy phải cầu nguyện như thế nào? Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã dạy chúng ta cách cầu nguyện khi viết: “Con làm như những đứa trẻ không biết đọc, muốn nói gì là con cứ tự tiện ngỏ lời với Chúa, điều đó không cần văn hoa chải chuốt, thế mà lúc nào Chúa cũng hiểu con. Con cho rằng cầu nguyện là tâm tình vươn lên, là ngước mắt nhìn về trời, là một tiếng kêu biết ơn và yêu mến giữa lúc đau khổ cũng như được hạnh phúc; và sau hết cầu nguyện là cái gì cao cả siêu nhiên mở rộng tâm hồn và kết hợp con với Chúa Giêsu”[6].
Chúa không đòi chúng ta phải cầu nguyện bằng những lời lẽ hoa mỹ hay bằng những hình thức gò bó, mất tự nhiên, nhưng hãy cầu nguyện đơn sơ như một em bé nói chuyện với cha mình, nói lên tất cả tâm tình của mình, nói lên những việc lớn cũng như việc nhỏ trong cuộc sống, cầu nguyện như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng đã làm. Về điểm này Cha Charles khuyên: “Khi bạn quỳ gối trước nhan Chúa, bạn đừng xua đuổi những cái khác ra ngoài, nhưng hãy làm ngược lại. Khi bạn thưa chuyện với Chúa Giêsu Kitô, bạn đừng bỏ bớt ba phần tư từ ngữ quen dùng của bạn đi, bạn đừng dùng những từ ngữ ít gặp và đừng tránh không nói đến những chuyện tầm thường. Đừng giả vờ biến thành một người khác. Bạn hãy dám thưa với Chúa Giêsu rằng: “Bạn bị nhức đầu, bạn bị bực mình khó chịu, bạn làm bữa cho gia đình trễ quá rồi”” (Charles, La prière de toutes les heures, trang 10)[7].
Nhưng cầu nguyện cao nhất là sự thinh lặng tuyệt đối, trong đó chẳng ai nói mà cũng chẳng ai nghe vì lúc đó giữa Chúa và ta có một sự kết hợp mật thiết rồi, một sự kết hợp cao độ đến nỗi không còn phân biệt giữa Chúa và ta nữa. Tư tưởng này đã được Cha Anthony de Mello diễn tả trong câu chuyện sau đây:
Sau một ngày học hành mệt nhọc, người bạn trẻ thường có thói quen ghé ngang qua nhà thờ để viếng Chúa, và lần nào cũng bắt gặp một cụ già ngồi yên lặng trước Thánh Thể trong Nhà Tạm. Ngày kia, người bạn trẻ chờ cho cụ cầu nguyện xong, tiến đến gần và hỏi:
– Cụ ngồi lâu giờ như vậy, có nghe Chúa nói gì với cụ không?
– Cụ già chậm rãi trả lời:
– Chúa không nói gì hết, Ngài chỉ nghe thôi.
– Vậy thì cụ nói những gì với Chúa?
– Lão cũng chẳng nói gì cả, chỉ nghe thôi.
Thấy người bạn trẻ có vẻ ngỡ ngàng, cụ nói tiếp:
– Lão thấy có bốn giai đoạn trong đời sống cầu nguyện.
Thời gian đầu thì lão nói, Chúa nghe, sau đó thì Chúa nói, lão nghe.
Giai đoạn kế tiếp thì không ai nói hết vì cả hai cùng nghe và giai đoạn cuối là lúc không ai nói mà cũng không ai nghe.
Tất cả chỉ là một sự thinh lặng tuyệt đối[8].
Lời cầu nguyện của chúng ta mang lại hiệu quả, vì được kết hợp với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong đức tin. Trong Người, lời cầu nguyện Kitô giáo trở thành sự hiệp thông tình yêu với Chúa Cha. Lúc đó, chúng ta có thể dâng những lời cầu xin lên Thiên Chúa và sẽ được nhậm lời: “Anh em hãy xin, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16,24)[9]. Trong lời cầu nguyện, chúng ta hãy rộng mở tâm hồn mình ra với Chúa, để Người có thể đến cư ngụ trong sự yếu đuối của ta, để biến đổi sự yếu đuối đó thành sức mạnh cho Tin Mừng[10].
[1] Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật 5 Thường Niên B – Giáo phận Cần Thơ (gpcantho.com), Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm
[2] ĐGH Biển Đức 16, Cầu Nguyện Trên Nền Tảng Kinh Thánh, Chuyển ngữ Giuse Phan Văn Phi, Nxb Đồng Nai, p. 178.
[3] ĐGH Biển Đức 16, Cầu Nguyện Trên Nền Tảng Kinh Thánh, Chuyển ngữ Giuse Phan Văn Phi, Nxb Đồng Nai, p. 305.
[4] ĐGH Biển Đức 16, Cầu Nguyện Trên Nền Tảng Kinh Thánh, Chuyển ngữ Giuse Phan Văn Phi, Nxb Đồng Nai, p. 173.
[5] Hiến chế về Giáo hội, số 10.
[6] x. Một Tâm Hồn, Kim Thiếu dịch, p. 204.
[8] Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật 5 Thường Niên B – Giáo Phận Cần Thơ (gpcantho.com), Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy
[9] Toát Yếu Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2615-2616
[10] ĐGH Biển Đức 16, Cầu Nguyện Trên Nền Tảng Kinh Thánh, Chuyển ngữ Giuse Phan Văn Phi, Nxb Đồng Nai
-
Chúa Nhật II TN, C, Ga 2,1-11: Tiệc cưới Cana - Biểu tượng của tình yêu (18/01)
-
Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Lc 3,15-16.21-22: Người môn đệ của Đức Giêsu sống tinh thần tự hủy (11/01)
-
Thứ Tư sau Lễ Hiển Linh, Mc 6,45-52: "Chính Thầy đây, đừng sợ!" (08/01)
-
Lễ Hiển Linh, Mt 2,1-12: Trông thấy ngôi sao, họ vui mừng (04/01)
-
Lễ Hiển Linh, Mt 2,1-12: Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình (04/01)
-
Lễ Hiển Linh, Mt 2,1-12: Hành trình tìm gặp Thiên Chúa (04/01)
-
Thứ 2, Ngày VI Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, Lc 2,36-40: Nói về Chúa cho mọi người (30/12)
-
Lễ Thánh Gia, Lc 2,41-52: Giáo dục con cái theo gương Chúa Giêsu trong Gia Đình Thánh (28/12)
-
Lễ Thánh Gia, Lc 2,41-52: Con Thiên Chúa hiển ngự trong gia đình (28/12)
-
Lễ Chúa Giáng Sinh 2024, Ga 1,1-18: "Đất trời xe duyên" (23/12)