Suy niệm

Chúa Nhật V Phục Sinh, Ga 13,31-33a.34-35: Vinh quang Thiên Chúa

Vinh quang của Thiên Chúa là một mầu nhiệm sâu thẳm, được hé lộ qua dòng chảy lịch sử cứu độ và đạt đến sự viên mãn trong Đức Giêsu Kitô. Chúng ta đã chiêm ngưỡng vinh quang ấy, qua lời rao giảng đầy sức mạnh, được thể hiện qua điều răn yêu thương cụ thể, và được chiếu tỏa rạng ngời nhất qua sự hy sinh và phục sinh của Chúa Giêsu.

 

 

VINH QUANG THIÊN CHÚA

(x. Cv 14,21b-27; Kh 21,1-5a; Ga 13,31-33a.34-35)

Trường Kha

 

Trong cuộc sống của con người vinh quang và đau khổ luôn song hành với nhau, bởi những thử thách, khó khăn và đau khổ, là cái bàn đạp để con người có được vinh quang. Vì vậy mà qua các bài đọc hôm nay, mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa, không phải chỉ qua sự huy hoàng bề ngoài, mà qua những gian truân và hy sinh mà chúng ta trải qua. Từ lời rao giảng của các tông đồ, qua những việc làm yêu thương, cho đến sự hiến dâng mạng sống của Đức Giêsu trên thập giá, tất cả đều là những dấu chỉ thể hiện vinh quang Thiên Chúa trong thế giới này.

 

1. Bằng lời rao giảng

 

Với tư cách là người môn đệ của Chúa, chúng ta có bổn phận phải rao giảng lời Chúa “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân”(Mt 28,19). Bên cạnh đó, trong bài đọc từ sách Công vụ Tông đồ (x. Cv 14,21b-27) vẽ nên hình ảnh những người mang Tin Mừng, đặc biệt là hai vị tông đồ Phaolô và Barnaba. Sau bao hành trình gian lao, đối diện với muôn vàn chống đối và thử thách, các ngài vẫn kiên trì củng cố đức tin cho những cộng đoàn Kitô hữu non trẻ. Lời khuyên nhủ của các ngài vẫn vang vọng đến ngày nay: “Phải trải qua nhiều gian truân mới vào được Nước Thiên Chúa” (Cv 14,22). Phải chăng vinh quang của Thiên Chúa không hề tách rời những khó khăn của cuộc sống? Chính trong những thử thách ấy, sức mạnh và sự hiện diện của Ngài mới thực sự được tỏ lộ, như ngọn lửa thử vàng, tôi luyện đức tin và làm chứng cho quyền năng của Ngài.

 

Ngoài ra, lời rao giảng của các tông đồ không chỉ là những lý thuyết khô khan, mà là chứng tá sống động của những con người đã kinh nghiệm được sự giải thoát và bình an mà Đức Kitô mang lại, ngay giữa những gian truân. Câu nói “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29) đã trở thành kim chỉ nam cho sự kiên định của các ngài trong việc trung thành với sứ mệnh, dù phải đối mặt với sự phản kháng và hiểm nguy. Chính qua sự kiên trì này, vinh quang Thiên Chúa đã chiếu sáng rực rỡ, như Thánh Phaolô đã cảm nghiệm: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Thật vậy,  việc rao giảng Lời Chúa là lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ” (Mc 16,15-16; x. Mt 28,19-20). Do đó, chúng ta được mời gọi phải loan báo Tin Mừng , đây là ý muốn của Thiên Chúa, Người muốn cho mọi người nhận biết chân lý và được cứu độ nhờ việc tin vào Đức Giêsu Kitô (x. 1Tm 2,4). Chính vì thế mà, sách Khải Huyền (x. Kh 21,1-5a) đã mở ra trước mắt chúng ta một viễn cảnh tuyệt mỹ về tương lai viên mãn khi đón nhận Lời thì  đồng nghĩa là đón nhận vinh quang của Thiên Chúa. Thánh Gioan đã được thị kiến về một “trời mới đất mới” (Kh 21,1), nơi mà mọi dấu vết của khổ đau và sự chết sẽ bị xóa bỏ hoàn toàn. Hình ảnh “Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang” (Kh 21,2) diễn tả vinh quang vĩnh cửu. Cho nên, vinh quang Thiên Chúa trong bức tranh này không chỉ là sự huy hoàng bên ngoài, mà còn là sự hiện diện yêu thương, chữa lành và đổi mới tất cả mọi sự (x. Kh 21,3-5a). Đây không chỉ là lời hứa về một tương lai không còn đau khổ, mà là lời khẳng định về vinh quang của Thiên Chúa sẽ mang lại sự chữa lành vĩnh cửu, một sự đổi mới toàn diện cho nhân loại và toàn bộ vũ trụ.

 

Như vậy, bằng lời rao giảng mà làm cho vinh quang Thiên Chúa, bởi nhờ Lời mà dẫn tới nguồn mạch bất tận của niềm vui và bình an, động lực để chúng ta vượt qua những gian truân hiện tại.

 

2. Bằng việc làm

 

“Thế giới ngày hôm nay cần chứng nhân hơn thầy dạy” đây là câu nói bất hủ của Đức Thánh Giáo hoàng Phao-lô VI. Câu nói đó không chỉ bởi tính đúng đắn, nhưng trên hết, vì sứ điệp của câu nói mang tính hiện sinh đối với sứ mạng của người môn đệ Chúa. Chúng ta đang sống trong một thế giới mang tên là văn minh, nhưng ẩn đàng sau nó là hận thù, chết chóc, khổ đau, áp bức một thế giới thiếu vắng tình thương đang dần qua đi. Chính vì thế, Thiên Chúa đã ban  nhân loại một giới răn là: “Anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34). Giới răn này được ban trong bầu khí trang nghiêm của Bữa Tiệc Ly, ngay trước khi Chúa Giêsu bước vào cuộc khổ nạn. Vì đây là điều răn mới, là dấu chỉ căn bản để nhận diện những người thuộc về Ngài, dấu hiệu đặc trưng của người môn đệ trong mọi thời đại và hoàn cảnh (x. Ga 13,34-35).

 

Thật vậy, nếu thiếu vắng tình yêu thương, mọi sự đều trở nên cũ kỹ và trống rỗng. Trong thư gửi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô đã nhấn mạnh tầm quan trọng tuyệt đối của việc thực hành đức ái (x. 1Cr 13,1-3). Những hành động yêu thương cụ thể nào chúng ta đã thực hiện để trở thành dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa giữa những người xung quanh? Chúng ta có đang thực sự sống theo “điều răn mới” của Chúa Giêsu không?

 

Mà “yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13,10). Do đó, khi chúng ta thực hành điều răn yêu thương, chúng ta không chỉ đơn thuần làm những việc tốt lành, mà còn trở thành hiện thân của tình yêu Thiên Chúa. Những hành động bác ái, sự cảm thông, lòng tha thứ và tinh thần phục vụ vô vị lợi chính là những tia sáng của vinh quang Thiên Chúa chiếu tỏa qua cuộc đời mỗi người chúng ta.

 

Vì vậy, bằng việc làm là cách thế chiếu giải vinh quang của thiên Chúa cho thế giới, đúng như thánh Giacôbê tông đồ đã nói: “Đức tin mà không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,17). Cho nên, thế gian sẽ nhận ra sự khác biệt của những người tin vào Đức Kitô không phải qua những lời nói suông, mà qua chính tình yêu thương cụ thể và chân thành trong cuộc sống, như cách Đức Giêsu đã nêu gương khi sống phục vụ và hiến dâng mạng sống vì nhân loại (x. Mc 10,45).

 

3. Bằng chính mạng sống

 

Trong mầu nhiệm thập giá, việc hy sinh mạng sống là điều không thể tránh “đã đến giờ Con Người được tôn vinh... Nếu hạt lúa mì gieo xuống đất mà không chết đi, thì nó vẫn chỉ là trơ trọi một mình” (x.Ga 12,20-33). Sự hiến thân trọn vẹn của Chúa Giêsu là nền tảng cho việc tôn vinh Chúa Cha. Quả thật, thánh Gioan trong bài Tin Mừng hôm nay đã thuật lại một khoảnh khắc đặc biệt. Khi Giuđa rời khỏi phòng tiệc để thực hiện hành động phản bội, Chúa Giêsu đã nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người” (Ga 13,31-32). Trong bối cảnh của sự phản bội và khổ đau sắp tới, lời nói về sự tôn vinh này dường như chứa đựng một nghịch lý sâu sắc. Tuy nhiên, chính trong nghịch lý ấy, lại diễn tả một chân lý vĩ đại được mạc khải: vinh quang của Thiên Chúa được tỏ lộ một cách trọn vẹn nhất qua con đường thập giá và sự phục sinh của Đức Giêsu.

 

Thật vậy, việc “giương cao” để bày tỏ cho nhân loại biết Thiên Chúa và tình yêu của Người (x. Ga 3,14; 8,28) và để lôi kéo mọi người đến với Người (x. Ga 12,32-33), việc ấy là thiết yếu cho sự hiến thân mình vì yêu thương, ngang qua việc rửa chân là biểu tượng (x. Ga 13,1.5b) được thể hiện một cách trọn vẹn. Cho nên, ngay khi Giuđa đi thì Đức Giêsu đã tuyên bố “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,22). Mà giương cao trên thập giá chính là lúc Ngài được tôn vinh và cũng sẽ tôn vinh Thiên Chúa (x. c. 31c), nghĩa là biểu lộ vinh quang Thiên Chúa ra (δόξα τοῦ θεοῦ doxa tou theou). Nói cách khác, thập giá chính là thời gian và không gian mà Thiên Chúa được mặc khải một cách rõ ràng nhất, vinh quang và tình yêu của Ngài, được biểu lộ cho nhân loại trong sự hiến dâng tột cùng của Đức Giêsu trên thập giá. Bởi vì, chính trong sự hạ mình đến tận cùng và sự phục sinh vinh hiển, tình yêu vô biên và quyền năng cứu độ của Thiên Chúa được mạc khải một cách đầy đủ. Mạng sống của Chúa Giêsu, được trao hiến vì chúng ta, không chỉ là hành động yêu thương cao cả nhất, mà còn là đỉnh cao của vinh quang Thiên Chúa, một vinh quang mang lại sự sống vĩnh cửu và niềm hy vọng không bao giờ tàn phai cho tất cả những ai tin vào Ngài. Chúng ta đã học được điều gì về tình yêu và sự hiến dâng của Chúa Giêsu qua mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh? Chúng ta có sẵn sàng hy sinh những gì để sống theo gương Ngài?

 

Như vậy, vinh quang của Thiên Chúa là một mầu nhiệm sâu thẳm, được hé lộ qua dòng chảy lịch sử cứu độ và đạt đến sự viên mãn trong Đức Giêsu Kitô. Chúng ta đã chiêm ngưỡng vinh quang ấy, qua lời rao giảng đầy sức mạnh, được thể hiện qua điều răn yêu thương cụ thể, và được chiếu tỏa rạng ngời nhất qua sự hy sinh và phục sinh của Chúa Giêsu.

 

Như vậy, vinh quang Thiên Chúa là chúng ta sống các giới răn của Ngài và trao ban các gới răn này bằng việc rao giảng, bằng việc làm và nhất là hy sinh bản thân “Con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật họ cũng được thánh hiến” (Ga17,19.). Với tư cách là những người đã được tham dự vào vinh quang này qua Bí tích Rửa Tội, chúng ta hãy luôn hướng lòng về mầu nhiệm Vượt Qua, nguồn mạch của mọi vinh quang và hy vọng, để cuộc sống của chúng ta trở thành một bài ca không ngừng ca ngợi vinh quang của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta đến cùng. Amen.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á