Suy niệm

Chúa Nhật V Phục Sinh, B, Ga 15,1-8: Hãy ở lại trong Thầy và sinh nhiều hoa trái

Mệnh lệnh “hãy ở lại trong Thầy” mà Chúa Giêsu đòi hỏi người môn đệ thi hành mỗi ngày trong cuộc sống, người môn đệ phải luôn gắn liền với Đức Giêsu như cành nho gắn liền với thân nho thì mới có thể sinh hoa trái.

 

 

 

HÃY Ở LẠI TRONG THẦY VÀ SINH NHIỀU HOA TRÁI

(Ga 15,1-8)

 

M. Matthêu Lê Văn Viết

 

Bài Tin Mừng Chúa Nhật V Phục Sinh chỉ cho chúng ta thấy con đường và cung cách sống của người môn đệ theo Chúa. Xuyên suốt bài Tin Mừng, thánh sử Gioan làm nổi bật mối tương quan của người môn đệ với Chúa Giêsu qua việc Người tự ví mình như cây nho thật. Quả thế, lời của Chúa Giêsu nói với các môn đệ năm xưa cũng là mời gọi tất cả chúng ta kết hợp với Người để sinh nhiều hoa trái (x. Ga 15,1-2). Tuy nhiên, bí quyết để người môn đệ sinh nhiều hoa trái được thánh sử Gioan diễn tả qua động từ “ở lại trong Thầy”. Vậy chúng ta hiểu ý nghĩa của động từ “ở lại” này như thế nào?

 

Ở lại trong Thầy” là khước từ những nơi khác, mà trong cách suy nghĩ của chúng ta sẽ được bảo đảm. “Ở lại trong Thầy” là lắng nghe, tuân giữ và thực hành lời của Chúa; là tích cực lãnh nhận các bí tích và sống kết hợp với Chúa qua lời cầu nguyện; là xác tín có một nhu cầu cần cắt tỉa những cơ cấu, những phương pháp, những lối tiếp cận và những điều khác nữa khi chúng ta đã trở nên già cỗi, lỗi thời để mở ra một con đường cho những điều mới, và việc đổi mới phải diễn ra mỗi ngày dựa trên nền tảng Chúa Kitô là cây nho thật. Nói cách khác, “ở lại trong Thầy” để can đảm thoát ra khỏi con người thật của mình, thoát ra khỏi những tiện nghi, những dự tính, những khoảng không gian mà chúng ta cho rằng chúng mang lại cho chúng ta cảm giác an toàn. Vì thế, “ở lại trong Thầy” là từ khước tất cả những gì là bảo đảm và an toàn theo cách nghĩ của thế gian để sống gắn bó cách mật thiết thân tình với Chúa.

 

Mệnh lệnh “hãy ở lại trong Thầy” mà Chúa Giêsu đòi hỏi người môn đệ thi hành mỗi ngày trong cuộc sống, người môn đệ phải luôn gắn liền với Đức Giêsu như cành nho gắn liền với thân nho thì mới có thể sinh hoa trái: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Ga 15,4). Thật thế, cành nho tự mình không có sự sống, điều này đồng nghĩa với việc nó cũng không thể tự mình sinh hoa kết trái. Vì thế, cành nho cần được gắn liền với thân nho và phải được liên tục làm mới bằng sự sống mà nó đón nhận từ thân nho. Cũng vậy, người môn đệ phải luôn ở lại trong Đức Giêsu và để cho Người cắt tỉa mới có thể thực hiện đức ái Tin Mừng. Cắt đứt tương quan với Đức Giêsu là tự loại mình ra bên ngoài và tự cắt đứt với nguồn mạch sự sống đích thực. Hậu quả của việc cắt đứt này là sự cằn cỗi, không thể sinh hoa kết trái, thậm chí có thể “bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Ga 15,6).

 

Kết quả của việc “ở lại trong Thầy” là hiệu lực của lời cầu nguyện được dâng lên nhân danh Thầy: “Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15,7-8). Điều này giả thiết một thực tế đó là khi Đức Giêsu không còn hiện diện hữu hình giữa các môn đệ nữa thì người môn đệ phải siêng năng cầu nguyện. Nhưng sự ra đi của Người không có nghĩa là Người bỏ rơi các môn đệ. Người vẫn ứng đáp với sự gắn bó và tin tưởng của các môn đệ, bằng cách hoàn toàn liên kết với họ trong các hoạt động của họ, và là liên kết một cách không giới hạn khi người môn đệ cầu nguyện “bất cứ anh em muốn gì”. Điều kiện duy nhất được đưa ra là: “Anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em”. Sự hiệp thông của các môn đệ với Đức Giêsu được diễn tả trong hai khía cạnh không thể tách biệt nhau: gắn bó với bản thân Người và với sứ điệp của Người[1].

 

Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay nói về Hội Thánh, mà mỗi chúng ta là những người tin, những Kitô hữu làm thành Hội Thánh, trong tương quan với Chúa Cha và với Đức Giêsu. Trong tương quan với Chúa Cha, Hội Thánh là cây nho đích thực do chính tay Chúa Cha vun trồng, chăm sóc và cắt tỉa. Trong tương quan với Chúa Kitô, Hội Thánh là chi thể được gắn bó, được sống và phát triển nhờ sự sống của Người. Nhờ các mối tương quan này mà Hội Thánh hoàn thành sứ mạng của mình là sinh nhiều hoa trái cứu độ. Tuy nhiên, vấn đề cốt yếu là sự gắn bó với Chúa Kitô và lời của Người.

 

Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta sống thân tình với Chúa như thân nho và cành nho hợp thành thân tình với nhau, lúc đó chúng ta có thể sinh hoa kết trái. Hoa trái đó được xem là đời sống mới, là lòng thương xót, là sự cảm thông, là sự dấn thân sống tình bác ái với tha nhân bằng cách yêu thương một cách chân thành không vì mưu cầu cho bản thân.

 

Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết ở lại trong Thầy Giêsu như cành nho gắn liền với thân nho và không bao giờ để cho mình tách khỏi tình yêu của Người. Bởi chúng ta không thể làm gì nếu không có Người đồng hành và nâng đỡ.

 

 

 

 

[1] Giuse Nguyễn Thể Hiện, Tin Mừng Chúa Nhật: Mùa Vọng - Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay - Mùa Phục Sinh, tr. 249.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á