Suy niệm
Chúa Nhật IX TN, A - Lễ Chúa Ba Ngôi: Sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh
SỐNG MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI CỰC THÁNH
(Ga 3,16-18)
M. Giuse Tuấn
Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, bản toát yếu số 44, định nghĩa: “Mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô giáo là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh. Các Kitô hữu được rửa tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”[1]. Đây là mầu nhiệm vượt tầm trí khôn và hiểu biết của con người, chúng ta không thể hiểu nhưng có thể sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh này.
Vì thế, bài Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh. Mà sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh, là sống tương quan với Thiên Chúa và sống tương quan liên đới yêu thương với anh chị em của mình, khi đó chúng ta sẽ cho người khác biết Thiên Chúa hiện diện như thế nào trong cuộc sống của chúng ta.
Bài đọc thứ nhất trích từ sách Xuất Hành cho chúng ta thấy mối tương quan này: Đức Chúa khẳng định với Môsê đó là Ngài là Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín (x. Xh 34,6). Điều này cho chúng ta thấy rằng, mối tương quan tốt đẹp giữa Thiên Chúa với con người, con người với con người và con người với tạo vật đã bị con người phá đổ do con người sống bất tuân với Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã không bỏ rơi con người, Thiên Chúa luôn nhân hậu và từ bi với con người. Ngài luôn nhân nghĩa và thành tín với con người. Do đó, Ngài hứa ban Đấng Cứu Độ cho tất cả nhân loại. Thật vậy, đọc lại Kinh Thánh Cựu Ước, chúng ta thấy rằng, trải dài suốt hành trình lịch sử cứu độ luôn là hình ảnh Thiên Chúa thi ân và giáng phúc trên dân riêng của Ngài, dù rất nhiều lần dân của Ngài đã bội phản lòng thương xót của Chúa, nhưng Ngài vẫn yêu thương và gìn giữ họ, Ngài vẫn nhân hậu từ bi, chậm giận và hay thương xót đối với họ. Nói rõ ra, đó là Thiên Chúa luôn yêu thương họ bằng lòng nhân nghĩa và sự trung tín của Ngài.
Về phần dân của Ngài thì sao? Môsê đại diện cho dân của Ngài nhìn nhận con người yếu đuối, bất toàn, tội lỗi của ông và dân tộc mà ông là người lãnh đạo, để xin Thiên Chúa tha thứ và chọn làm cơ nghiệp. Có thể nói, Môsê đã khiêm tốn nhìn nhận dân tộc ông cần được cứu độ và thành thật dâng lên cho Thiên Chúa tội lỗi của dân tộc ông, nên ông cùng với dân Israel đã nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhận biết mình cũng là một con đường để nhận được hồng ân của Thiên Chúa.
Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan nhấn mạnh sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh, đó là sống tình yêu cho đi. Thật vậy, chính Đức Giêsu đã sống tình yêu cho đi, Ngài không chỉ cho bằng tấm lòng nhưng cho cả chính con người của Ngài: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Thiên Chúa ban cho con người chính Con Một Yêu Dấu của Ngài để cứu độ con người, để nối lại mối tương quan tình yêu mà con người đã đánh mất. Khi Người ban Con Một cho chúng ta cũng chính là ban chính mình Người, vì Chúa Cha yêu Chúa Con đến nỗi luôn ở trong Con, làm một với Con: “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 17,21); “Ta với Cha là một” (Ga 10,30). Hơn thế nữa, thánh Gioan còn viết tiếp: “Thiên Chúa sai con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,17).
Như vậy, sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh, có nghĩa là sống yêu thương, hiệp nhất như Thiên Chúa là tình yêu. Bởi vì không sống yêu thương, chúng ta vẫn mãi là người xa lạ với mầu nhiệm này: “Vì mầu nhiệm này là mầu nhiệm tình yêu, muốn hiểu được thì phải yêu: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8), nên “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8). Như tình yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa đã trào tràn trên mọi thụ tạo, thì tình yêu thương của người Kitô hữu cũng vậy, phải mở ra cho hết mọi người, sẵn sàng ban tặng, chia sẻ, đón nhận nhau, gắn bó với nhau”[2]. Do đó, để sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh, Chúa đòi hỏi mỗi người chúng ta hãy sống hiệp nhất, hiệp thông và chia sẻ với nhau trong tình yêu của Chúa và hiệp nhất với nhau trong cùng một đức tin.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh. Sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh là chúng ta sống hiệp nhất, yêu thương, có nghĩa là chúng ta sẵn sàng ban tặng, chia sẻ, đón nhận nhau và gắn bó với nhau như mầu nhiệm tình yêu. Chúng ta hãy đón nhận tình yêu từ Thiên Chúa với lòng tri ân và cũng biết trao lại tình yêu đó cho tha nhân, vì Chúa muốn chúng ta chính hoạ lại chân dung tình yêu của Chúa cho mọi người. Vì con người là “hình ảnh của Chúa”, nên con người phải biết sống yêu thương. Hơn nữa, sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh là chúng ta cần biết bỏ mình, bỏ ý riêng, để hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa. Khi hoàn toàn quên mình để sống cho tình yêu, chúng ta sẽ được kết hiệp với tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh. Đó chính là hạnh phúc Thiên Đàng, là đích điểm của cuộc đời chúng ta.
Ước gì trong ngày Lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, nguyện xin Chúa Ba Ngôi là suối nguồn tình yêu dẫn chúng ta đi sâu vào sống mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh, để nhờ đó mỗi người chúng ta cũng biết thở ra hơi ấm tình thương cho anh chị em đồng loại của mình. Xin Chúa cũng cho chúng ta biết sống xứng đáng với tình yêu của Chúa Ba Ngôi, biết đáp lại tình yêu vô biên ấy. Đồng thời cũng cho chúng ta biết thể hiện tình yêu ấy trong cuộc sống hằng ngày bằng cách yêu thương, phục vụ mọi người và hiệp nhất với nhau trong cùng một Hội thánh để xây dựng Hội thánh của Chúa. Amen.
____________________________
[1] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, Bản toát yếu, HĐGM Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Nxb Tôn Giáo 2009, tr. 49.
[2] Nt Lặng Thầm, Fmsr
-
Chúa Nhật XXVIII TN, B, Mc 10,17-30: Sống yêu thương chia sẻ (12/10)
-
Chúa Nhật XXVIII TN, B, Mc 10,17-30: Đánh đổi gì để lấy Nước Trời (12/10)
-
Chúa Nhật XXVIII TN, B, Mc 10,17-30: Sự sống đời đời (12/10)
-
Thứ Ba, Tuần XXVII TN, B, Lc 10,38-42: Mácta và Maria (07/10)
-
Chúa Nhật XXVII TN, B, Mc 10,2-16: Hôn nhân bất khả phân ly (04/10)
-
Chúa Nhật XXVI TN, B, Mc 9,38-43.45.47- 48: Giáo huấn của Chúa Giêsu (28/09)
-
Chúa Nhật XXVI TN, B, Mc 9,38-43.45.47- 48: Óc bè phái và tính độc quyền (28/09)
-
Chúa Nhật XXVI TN, B, Mc 9,38-43.45.47- 48: Đừng gây gương xấu cho người khác (28/09)
-
Chúa Nhật XXV TN, B, Mc 9,30-37: Tinh thần phục vụ (21/09)
-
Chúa Nhật XXV TN, B, Mc 9,30-37: Đấng Messia - Đấng Phục Vụ (21/09)