Suy niệm
Chúa Nhật III Phục Sinh, B, Lc 24,35-48: Sám hối để được tha thứ
SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC THA THỨ
(Cv 3,13-15.17-19; 1Ga 2,1-5a; Lc 24,35-48)
M. Aelredo Quản
Thiên Chúa dựng nên con người và để con người hưởng hạnh phúc của Ngài. Nhưng khi con người phạm tội, họ xa lìa Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc viên mãn. Quả vậy, khi phạm tội con người tách lìa khỏi các tương quan với chính mình, với Thiên Chúa, với tha nhân, và với thiên nhiên vạn vật. Nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi con người và đã hứa ban Đấng Cứu Tinh.
Theo mặc khải Kitô giáo, con người được Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh Người và được mời gọi tham dự sự sống vĩnh cửu. Tuy nhiên, “vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian” (Kn 2,24). Nói cách cụ thể hơn, Nguyên Tổ nhân loại đã kiêu ngạo, bất tuân phục Thiên Chúa, nghe theo quỷ dữ, vì vậy tội lỗi đã xâm nhập trần gian và gây nên cái chết. Để cứu độ con người, Thiên Chúa đã ban cho cho thế gian Con Một của Ngài, là Đức Giêsu. Những ai tin Đức Giêsu thì được Thiên Chúa sinh ra, và có sự sống. Tuy nhiên, con người được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa, như lời thánh Augustino diễn tả sau đây: “Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người; nhưng để cứu con người, thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người”.
Do đó, con người được mời gọi sám hối và trở về với Thiên Chúa, để được Người thứ tha (Bài đọc I, Cv 3,19). Sám hối là bước đầu nhận biết tội lỗi của mình xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng nhân từ, Đấng trung tín. Ngài là Đấng từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương (Tv 103,8). Người không thích tiêu diệt, thay vì muốn cho tội nhân phải chết, Người muốn họ ăn năn hối cải, từ bỏ đường tà để được sống (Hs 11,8; Ed 18,23). Điều này quả là đúng, vì Thiên Chúa đã thể hiện tình yêu tha thứ qua Đức Kitô. Đức Kitô là Đáng Bảo Trợ và là Trung Gian trước mặt Thiên Chúa. Thánh Gioan đã diễn tả điều này: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính. Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (Bài đọc II, 1Ga 2,1-3).
Đức Giêsu lên án tội lỗi nơi con người, nhưng không vì vậy mà ghét bỏ tội nhân, mà là yêu thương tội nhân và ghét tội lỗi của họ. Bởi vậy, sau khi sống lại, Ngài đã truyền cho các môn đệ đi rao giảng cho muôn dân và kêu gọi người ta sám hối. Câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình giúp chúng ta hiểu biết hơn về tình yêu tha thứ được Đức Giêsu thực hiện (Ga 8,1-11). Theo luật Môsê, người phụ nữ đó sẽ bị ném đá cho đến chết (Lv 20,10; Đnl 22,22). Các kinh sư và những người Pharisêu hỏi Đức Giêsu về cách thức xử lý trường hợp này. Chúng ta biết rằng nếu Đức Giêsu bảo ‘tha thứ’ thì họ sẽ kết án Ngài lỗi luật; nếu Đức Giêsu bảo ‘hãy ném đá’ thì họ sẽ cười nhạo Ngài về giáo lý tình yêu tha thứ. Đức Giêsu nói với họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7). Thế rồi, đám đông bỏ đi, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11).
Như vậy, Đức Kitô đã uỷ thác cho các môn đệ hãy nhân danh Ngài mà tha thứ tội lỗi (x. Mt 16,18-19; Ga 20,22-23). Thánh Stephano là một trong bảy phó tế đầu tiên đã tin tưởng vào Đức Giêsu và giáo huấn của Ngài. Thấm nhuần chương trình của Thiên Chúa được thực hiện nhờ Đức Giêsu, trước những kẻ bách hại, ngài đã xin tha thứ cho những người bách hại mình: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (Cv 7,60).
Sách Giáo lý Công Giáo, số 983 dạy: việc dạy giáo lý phải cố gắng khơi dậy và nuôi dưỡng nơi các tín hữu niềm tin về sự cao cả khôn sánh của hồng ân mà Chúa phục sinh đã làm cho Hội Thánh là sứ mạng và quyền tha tội nhờ thừa tác vụ của các tông đồ và những người kế nhiệm: “Chúa muốn các môn đệ của Người có một quyền năng vô biên: Người muốn các tôi tớ thấp hèn của Người nhân danh Người mà thực hiện tất cả những gì Người đã làm khi còn tại thế” (x. Ambrosio, Bàn về phép giải tội 1, 34). Nếu Hội Thánh không có quyền tha tội, thì chúng ta không còn hy vọng nào, không còn hy vọng được sống đời đời và được ơn giải thoát vĩnh cửu. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban cho Hội Thánh một hồng ân như vậy (x. Augustino, Bài giảng 213,8).
Tóm lại, sám hối là điều kiện để đón nhận sự tha thứ và niềm vui trọn vẹn của Thiên Chúa, để được sống hạnh phúc với Ngài. Thiên Chúa luôn đi trước chứng ta, chính Ngài mời gọi mỗi người hoán cải, việc còn lại của chúng ta là mở lòng ra đón nhận lời mời gọi của Chúa như thế nào. Nhận ra tình yêu thương Chúa dành cho mình và sống niềm tin đó sẽ là động lực căn bản thúc đẩy chúng ta hoán cải mỗi khi mắc phải lầm lỗi. Và cùng với ơn Chúa trợ giúp, chúng ta bắt đầu đổi mới đời sống. Đức Kitô không ngừng mời gọi chúng ta trở nên hoàn thiện như Cha trên trời, nhưng sự hoàn thiện chỉ có được khi đời sống chúng ta ở trong Đức Kitô, nghĩa là sống kết hợp với Ngài, quy hướng về Ngài như trung tâm của đời mình. Ở trong Ngài chúng ta sẽ “sinh hoa trái là sự bình an, hoan lạc qua những điều tốt đẹp ta chia sẻ và sống cho người khác”. Người là đường, là sự thật và là sự sống, Người sẽ dẫn ta tới chân lý vẹn toàn và sự sống viên mãn.
Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi, tội con thật nặng nề, vượt quá sức lực con, vì Thánh Danh Ngài xin tẩy xoá tội con. Lạy Thiên Chúa, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài. Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con (Tv 50).
-
Chúa Nhật XI TN - Lễ Chúa Ba Ngôi, Ga 16,12-15: Mầu nhiệm tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi (14/06)
-
Chúa Nhật XI TN - Lễ Chúa Ba Ngôi, Ga 16,12-15: Chúa Giêsu - Nhà giáo dục đức tin (14/06)
-
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Ga 20,19-23: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần" (07/06)
-
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Cv 2,1-11: Chúa Thánh Thần - Ngọn lửa canh tân tâm hồn tín hữu (07/06)
-
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Ga 20,19-23: Hãy nhận lấy Thánh Thần (07/06)
-
Chúa Nhật VII Phục Sinh, Ga 17,20-26: Phút tâm giao (31/05)
-
Chúa Nhật VII Phục Sinh, Ga 17,20-26: Xin cho tất cả nên một (31/05)
-
Chúa Nhật VII Phục Sinh, Ga 17,20-26: "Để họ được nên một" (31/05)
-
Chúa Nhật VII Phục Sinh, Ga 17,20-26: Hiệp nhất trong Chúa (31/05)
-
Lễ Chúa Thăng Thiên, Lc 24,46-53: Chúa Kitô lên trời vinh hiển (28/05)