Suy niệm
Chúa Nhật III Mùa Chay, B, Ga 2,13-25: Trở nên đền thờ của Thiên Chúa
TRỞ NÊN ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA
(Ga 2,13-25)
M. Thomas Aquino Ân
Hôm nay, Chúa Nhật III Mùa Chay, năm B, Giáo Hội cho chúng ta nghe trích đoạn Tin Mừng của thánh Gioan 2,13-25, thuật lại việc Đức Giêsu tẩy uế Đền thờ Giêrusalem và tiên báo việc Người sẽ xây đền thờ mới đó chính là thân thể Người.
Đền thờ Giêrusalem là nơi linh thiêng nhất của người Do Thái. Đền thờ là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người. Đền thờ cũng là nơi dân Chúa đến bày tỏ niềm tin kính với Thiên Chúa qua việc thờ lạy, ngợi khen và cầu xin. Đền thờ Giêrusalem được thiết kế làm ba phần: Nơi Cực Thánh, nơi đặt hòm bia giao ước; thứ đến là Nơi Thánh chỉ dành riêng cho người Do Thái, được phân chia thành nhiều khu vực khác nhau: khu vực của các tư tế, khu vực nam giới và khu vực nữ giới; phần cuối cùng của Đền thờ là Tiền Đình rộng rãi dành cho dân ngoại.
Vào thời Đức Giêsu, người Do Thái đã biến Tiền Đình dành cho dân ngoại thành nơi buôn bán các lễ vật: chiên, bò và bồ câu. Ở đây cũng có những bàn đổi tiền, đổi tiền Rôma sang “tiền đền thánh”, vì người Do Thái không được nộp thuế cho Đền thờ bằng những đồng tiền “ô uế” được đúc hình của hoàng đế hay của các vị thần ngoại giáo. Đền thờ là nơi trang nghiêm dành cho việc thờ phượng Thiên Chúa. Nhưng người ta đã biến thành nơi buôn bán ồn ào nhộn nhịp; thành nơi để cho các con buôn và người đổi tiền kiếm lợi trên xương máu của những người nghèo; thành nơi giới tư tế quản lý đền thờ nhận tiền hối lộ của những người muốn có chỗ buôn bán trong Tiền Đình dân ngoại.
Đức Giêsu lên thành Giêrusalem tham dự lễ Vượt Qua. Theo Tin Mừng của thánh Gioan, đây là lần đầu tiên kể từ khi Ngài bắt đầu sứ vụ công khai. Đức Giêsu thấy cảnh tượng ồn ào của người bán người mua hay sự hôi hám của mùi các con vật trong khuôn viên Đền thờ. Đức Giêsu bừng bừng nổi giận: “Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò ra khỏi đền thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,15-16).
Chúa Giêsu rất tôn kính Đền thờ Giêrusalem. Người lên đền thờ vào những dịp lễ hành hương của Người Do Thái và Người yêu mến với một tình yêu tha thiết nơi Thiên Chúa ở giữa loài người[1]. Đối với Người, Đền thờ là nhà của Cha Người, nhà cầu nguyện và Người phẫn nộ bởi vì tiền đường Đền thờ đã trở thành nơi buôn bán. Sở dĩ Người xua đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Đền thờ, đó là vì lòng yêu mến nhiệt thành đối với Cha Người: “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán. Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: ‘Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân’ (Tv 69,10; Ga 2,16-17)[2].
Trước hành động “lo việc nhà Chúa” của Đức Giêsu, người Do Thái chất vấn Người rằng: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế? Đây là một câu hỏi về thẩm quyền. Người Do Thái đòi Chúa phải chứng minh cho thấy thực sự Chúa hành động nhân danh Thiên Chúa. Đức Giêsu đáp: “Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”. Với câu trả lời này, Chúa Giêsu báo trước rằng, dấu lạ cho thấy thẩm quyền của Chúa chính là cái chết và sự phục sinh của Ngài. Thật vậy, với cuộc Vượt Qua, Chúa Giêsu mở ra một sự thờ phượng mới, thờ phượng trong tình yêu mến và Đền thờ mới chính là Thân Thể Người[3].
Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô đã nhắc nhở chúng ta rằng, mỗi người chúng ta nhờ bí tích Rửa tội, đã trở nên đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong tâm hồn chúng ta (x. 1Cr 3,16). Thế nhưng, vì những lo toan trong cuộc sống trần thế, nhiều lúc chúng ta đã làm cho đền thờ tâm hồn của chúng ta trở nên nhơ bẩn, ô uế. Mùa Chay thánh là dịp thuận tiện để chúng ta thanh tẩy toàn diện con người của mình, trang trí lại đền thờ tâm hồn của chúng ta, để tâm hồn của chúng ta trở nên đền thờ của Thiên Chúa. “Chúng ta hãy tự hỏi chính mình rằng liệu Thiên Chúa có thực sự cảm thấy cuộc sống của chúng ta như là ngôi nhà của Ngài hay không? Chúng ta có để cho Ngài tẩy rửa con tim của chúng ta và quét sạch khỏi đó những ngẫu tượng, như là những thái độ tham lam, ghen ghét, lối sống trần tục, tỵ hiềm, hận thù và cả thói quen nói xấu người khác không? Chúng ta có để cho Ngài tẩy trừ những cách ăn nết ở chống lại Thiên Chúa, chống lại người thân cận và chống lại chính mình không? Đức Giêsu sẽ tẩy uế cùng với sự âu yếm, với lòng thương xót và cả tình yêu. Lòng thương xót là cách thức Ngài dùng để thanh tẩy. Mỗi người chúng ta hãy để cho Chúa bước vào cùng với lòng thương xót của Ngài để thanh tẩy cõi lòng chúng ta”[4].
-
Chúa Nhật II TN, C, Ga 2,1-11: Tiệc cưới Cana - Biểu tượng của tình yêu (18/01)
-
Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Lc 3,15-16.21-22: Người môn đệ của Đức Giêsu sống tinh thần tự hủy (11/01)
-
Thứ Tư sau Lễ Hiển Linh, Mc 6,45-52: "Chính Thầy đây, đừng sợ!" (08/01)
-
Lễ Hiển Linh, Mt 2,1-12: Trông thấy ngôi sao, họ vui mừng (04/01)
-
Lễ Hiển Linh, Mt 2,1-12: Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình (04/01)
-
Lễ Hiển Linh, Mt 2,1-12: Hành trình tìm gặp Thiên Chúa (04/01)
-
Thứ 2, Ngày VI Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, Lc 2,36-40: Nói về Chúa cho mọi người (30/12)
-
Lễ Thánh Gia, Lc 2,41-52: Giáo dục con cái theo gương Chúa Giêsu trong Gia Đình Thánh (28/12)
-
Lễ Thánh Gia, Lc 2,41-52: Con Thiên Chúa hiển ngự trong gia đình (28/12)
-
Lễ Chúa Giáng Sinh 2024, Ga 1,1-18: "Đất trời xe duyên" (23/12)