Suy niệm

Chúa Nhật III Mùa Chay, B, Ga 2,13-25: Cách thức thờ phượng mà Thiên Chúa yêu thích

Sự thờ phượng đích thực đối với Chúa không phải dựa trên Đền Thờ vật chất, nhưng là: “Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha không phải trên núi này hay tại Giêrusalem” (Ga 4,21). Nhưng chính giờ đã đến – và chính lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật” (Ga 4,23).

 

 

 

CÁCH THỨC THỜ PHƯỢNG MÀ THIÊN CHÚA YÊU THÍCH

(Ga 2,13-25)

                                                                           

 M. Raphael Dũng

 

Đền thờ Giêrusalem là trung tâm tôn giáo và là trái tim của cả dân tộc Do Thái. Đền Thờ là nơi thánh thiêng riêng biệt để Thiên Chúa ngự trị. Thế nhưng, nơi đây đã trở nên ồn ào, xáo trộn, hỗn loạn bởi việc mua bán, đổi chác như phường chợ búa. Khi phải đối diện với cảnh tượng xấu xa sa đọa ấy, Chúa đã lập tức ra tay hành động để thanh tẩy Đền Thờ nhằm phục hồi sự linh thánh của Nhà Chúa bằng một loạt hành động như xua đuổi con buôn, phá bỏ cách thức thờ phượng cũ kỹ lỗi thời và ban bố phương thức thờ phượng mới. Vậy, chương trình của Chúa diễn ra như thế nào?

 

Khi Chúa đã tận mắt chứng kiến cảnh ồn ào, náo nhiệt mang tính chợ búa diễn ra tại sân Đền Thờ, Ngài đã thẳng thắn đề nghị: Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,16). Đức Giêsu hành động với tư cách là chủ nhân tuyệt đối của Đền Thờ. Ngài ở lại nhà Cha của mình. Ngay từ thời niên thiếu, Đức Giêsu đã ý thức Đền thờ là nhà của Cha mình: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49). Chắc hẳn là Chúa sẽ rất đau lòng vì:

 

Ở trong Đền Thờ này, sự thờ phượng Thiên Chúa đã bị biến chất vì nhiễm mùi tục hóa. Ở đây, Thiên Chúa không còn là đối tượng và là cứu cánh nữa mà chỉ còn là phương thế phục vụ cho những tính toán, lợi lộc nhỏ nhen, ích kỷ của một nhóm người. Nơi thờ phượng đã trở thành hang trộm cướp. 

 

Chúa đã ra quyết định đầy mạnh mẽ và rất dứt khoát: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,16), ý của Chúa muốn bãi bỏ các vật thường dùng để dâng cúng và tế hiến mà phụng tự của giao ước cũ đặt căn bản trên việc tế hiến các súc vật. Thiên Chúa không muốn nữa và Ngài thay thế bằng phụng tự mới mà Đền Thờ sẽ là thân mình Ngài và cách thức thờ phượng là trong Thần Khí và sự thật[1].

 

Vì Chúa muốn bãi bỏ phương thức thờ phượng lỗi thời nên Ngài nói: “Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi; nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Chắc hẳn, những ai hiện diện trong bối cảnh mà Chúa đề nghị “phá Đền Thờ” sẽ hiểu theo nghĩa đen là phá Đền Thờ vật chất, nhưng thực ra ý của Chúa là phá đổ não trạng ham mê của cải tiền tài của người Do Thái đã đẻ ra cảnh chợ búa ngay trong Đền Thờ. Chính vì họ cứng đầu, cứng cổ không vâng lời Thiên Chúa, không để cho Lời Chúa uốn nắn giáo dục, nên Đền Thờ của họ trở thành chốn thương mại. Chúa Cứu Thế muốn cải tạo não trạng này chứ không phải phá hủy Đền Thờ. Phải chăng, Chúa muốn thay thế những tâm hồn chai đá bằng những trái tim mềm mại biết yêu mến và vâng nghe Lời Ngài?  

 

Nhìn vào lối sống đạo của người Do Thái thời đó, người Kitô hữu thời nay cũng cần xem xét lại cách sống đạo của mình thực sự đã làm hài lòng Chúa chưa? Nhiều Kitô hữu ngày nay cũng rất siêng năng nhiệt thành trong việc tham dự thánh lễ, các việc đạo đức của giáo xứ, tham gia các hội đoàn... như một cơ chế giữ đạo đầy đủ. Thế nhưng, đời sống thực tế của họ vẫn chưa thay đổi mấy, vẫn sống theo con người cũ với đủ thứ thói hư tật xấu...Mùa Chay là thời gian giúp người Kitô hữu thay đổi đời sống, đồng thời phải ra sức xây dựng lối sống vững chắc dựa trên nền tảng căn bản là mến Chúa và yêu người cách đích thực.

 

Tóm lạ, sự thờ phượng đích thực đối với Chúa không phải dựa trên Đền Thờ vật chất, nhưng là: “Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha không phải trên núi này hay tại Giêrusalem” (Ga 4,21). Nhưng chính giờ đã đến – và chính lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật” (Ga 4,23). Phương thức thờ phượng mới là lộ trình dẫn dắt con người tìm gặp Thiên Chúa và kín múc sự sống từ nơi Ngài, chứ không phải là phương thế phục vụ cho những tính toán như kinh doanh, quyền lực thống trị và những mưu đồ khác.

 

 

 

 

[1]Lm. Phêrô Hoàng Minh Tuấn, Đọc Tin Mừng Theo Thánh Gioan Tập 1, Lời Thành Xác Phàm, Nxb Tôn Giáo, tr 423.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á