Suy niệm

Chúa Nhật II Phục Sinh, B, Ga 20,19-31: Sợ hãi và bình an

Đức Giêsu Phục sinh tỏ mình ra cho các môn đệ. Các môn đệ thấy trực diện Đức Giêsu Phục sinh bằng giác quan, được Đức Giêsu tiếp sức bằng hơi thở bình an trong Thánh Thần, từ trạng thái hoang mang, sợ hãi, các môn đệ trở nên vui tươi phấn khởi.

 

 

 

SỢ HÃI VÀ BÌNH AN

(Ga 20,19-31)

 

Duy Khang

 

Sợ hãi là một xúc động mạnh hình thành trong nội tâm của con người khi tiếp xúc với hoàn cảnh nguy hiểm hoặc bị đe dọa bởi một cá nhân hay tập thể… Hoàn cảnh và thời điểm đó, có vẻ ăn khớp với nỗi sợ hãi và hoảng hốt của các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay. Nỗi sợ hãi mà các môn đệ trải qua, là “sợ người Do thái, nên các cửa đều đóng kín”. Vì sợ, nên các môn đệ sống trong hoan mang, do đó, một số đã bỏ về quê chẳng hạn như hai môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24,13-23). Cuộc sống của chúng ta hôm nay, có lẽ cũng cảm nghiệm đôi phần khi sống trong hoang mang sợ hãi như các môn đệ. Khi sự sợ hãi qua đi, chúng ta nhìn lại, ghi nhận và có kinh nghiệm trong cuộc sống. Chúng ta cũng như các môn đệ, lúc sợ hãi, dễ mất bình tĩnh, thiếu bình an, thiếu can đảm và có thái độ đóng kín tâm hồn trước mọi sự vật chung quanh.  

 

Sáng sớm, lúc bình minh vừa ló rạng của ngày thứ nhất trong tuần, bà Maria Mác-đa-la đi đến mộ Đức Giêsu, bà thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Bà liền chạy về loan tin cho ông Phêrô và các môn đệ Đức Giêsu biết: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (Ga 20,2b), khiến các ông bàng hoàng.

 

Buổi chiều của ngày thứ nhất trong tuần là một ngày đẹp trời, lúc màn đêm bắt đầu buông xuống, Đấng Phục sinh đã hiện ra với các môn đệ khi họ đang ở trong phòng cửa đóng then cài vì sợ người Do Thái, và còn đang bàn về những biến cố xẩy vừa. Nghe tin Đức Giêsu đã sống lại, niềm hy vọng đã lóe lên trong tâm trí các ông, nhưng còn yếu ớt. Đức Giêsu đến khai mở cho các ông ra khỏi tình trạng bế tắc do tội phản bội, do sợ hãi mà mất bình an. Đức Giêsu đến, đứng giữa các môn đệ mà nói: “Bình an cho anh em” (Ga 20,19). Người cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn. Ngài thổi hơi và phán bảo các môn đệ: “Hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22), và Ngài trao cho các ông sứ vụ đi khắp thế gian loan báo Tin Mừng để ban ơn tha tội và ban sự bình an.

 

Đức Giêsu Phục sinh tỏ mình ra cho các môn đệ. Các môn đệ thấy trực diện Đức Giêsu Phục sinh bằng giác quan, được Đức Giêsu tiếp sức bằng hơi thở bình an trong Thánh Thần, từ trạng thái hoang mang, sợ hãi, các môn đệ trở nên vui tươi phấn khởi. Thánh Gioan nói: “Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa” (Ga 20,20). Tuy nhiên hôm đó, Tôma không có mặt trong ngày mọi người được chiêm ngưỡng Chúa Phục sinh, nên ông vẫn sống trong sự sợ hãi và sự sợ hãi đó làm cho ông hoài nghi và không tin khi nghe các môn đệ nói: “Chúng tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,25). Có lẽ, phản ứng và tâm trạng của Tôma cũng giống như các môn đệ trước đó: khi nghe bà Maria Mác-đa-la kể lại về “ngôi mộ trống và thấy Chúa sống lại”. Vì thế, sự hoài nghi không tin của Tôma là một phản ứng rất bình thường và tự nhiên khi sống trong sự vây kín của sợ hãi và nghi ngờ.

 

Tám ngày sau, Đức Giêsu lại hiện ra lần thứ hai với các môn đệ. Cũng một thể thức ấy, Ngài nói: “Bình an cho anh em”. Lần này có cả Tôma, người đang mang trong mình của sợ hãi, nghi ngờ, cứng lòng tin được tiếp xúc với Chúa Phục sinh. Cũng như các môn đệ, ông Tôma có được sự bình an và tràn đầy niềm vui của Chúa Phục sinh. Tôma thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28). Tôma đi theo một lộ trình dài hơn các môn đệ khác, nhưng Tôma đã đến gần Đức Giêsu hơn các môn đệ. Vì đối với cá nhân của Tôma, Đức Giêsu là Đức Chúa và Thiên Chúa. Người là Đức Chúa, có quyền năng cứu độ. Người có tính vững bền trọn vẹn mãi mãi, vì Người là Thiên Chúa.

 

Lời tuyên xưng của Tôma là một chứng từ hào hùng của Đức Giêsu Phục sinh, là động lực dẫn đưa các môn đệ và mọi người đến đức tin vào Đấng Phục Sinh, vì Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Đức tin nối kết chúng ta với Người, và nhờ Người là Chúa Con, chúng ta được đưa vào sự thông hiệp với Chúa Cha. Đó là sự sống đời đời.

 

Tâm trạng sợ hãi của các môn đệ sau cái chết của Đức Giêsu lại thêm những tin “về ngôi mộ trống” làm cho các môn đệ hoang mang sợ hãi, trước khi thấy Chúa Phục sinh. Chúng ta nhận thấy rất gần gũi với thân phận con người trong cuộc đời. Trạng thái này có thể xẩy đến cho mỗi cá nhân, cho gia đình, cộng đoàn, môi trường làm việc cạnh tranh khốc liệt, nơi những căng thẳng ngoài xã hội như thiên tai, chiến tranh, khủng bố… tất cả những lo lắng, bất an, hoảng sợ đó gặm nhấm sự bình an trong tâm hồn chúng ta. Có khi chúng ta hoang mang vì sợ bị thất bại, những lo lắng thái quá đó làm chúng ta sống thiếu bình an. Dante, đại thi hào Italia nói: “Tôi vẫn luôn tìm kiếm điều mà bất cứ ai cũng tìm kiếm: đó là sự bình an” (x. Nắng Lên. Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ, tr. 144).

 

Vâng! Chúng ta cần có sự hiện diện của Chúa Kitô Phục sinh trong cuộc đời như Ngài hiện diện giữa lúc các môn đệ cũng như ông Tôma đang hoang mang sợ hãi được bình an. Chúng ta cần “lòng thương xót của Thiên Chúa” là lời “bình an” của Đức Giêsu mang hơi thở Thánh Thần để chúng ta được trở nên vui tươi. Chúng ta cần sự bình an của Chúa Phục sinh mang lại cho một thế giới đầy biến loạn và tục hóa như lời hứa của Đức Kitô: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Như vậy, chúng ta đừng bao giờ khép lại niềm hy vọng trong cuộc sống, trong tâm hồn, hay muốn đóng cửa tâm hồn vì sợ hãi, vì lo âu thống khổ. Hãy tin rằng, Chúa vẫn luôn hiện diện, bảo vệ và chở che chúng ta như Chúa đã đến với các môn đệ lúc cùng cực nhất và nói: “Bình an cho anh em”.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á