Suy niệm
Chúa Nhật II Mùa Chay, Lc 9,28b-36: Cầu nguyện và thực hiện cuộc xuất hành với Chúa
CẦU NGUYỆN VÀ THỰC HIỆN CUỘC XUẤT HÀNH VỚI CHÚA
(St 15,5-12.17-18; Pl 3,17-4,1; Lc 9,28-36)
Minh Triệu
Chúa Nhật II Mùa Chay, phụng vụ Lời Chúa cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng về Chúa Biến Hình. Lần này, với những sắc thái đặc trưng của Phúc Âm thánh Luca. Xin chọn hai ý tưởng cho bài suy niệm hôm nay: 1) cầu nguyện; 2) Cuộc Xuất hành Chúa Giêsu sẽ hoàn thành tại Giêrusalem.
1. Cầu nguyện
Thánh Luca là người nhấn mạnh hơn về đề tài cầu nguyện. Qua cầu nguyện, Chúa Con luôn gắn bó với Chúa Cha trong lời cầu nguyện cá nhân, đôi khi thân mật, kín đáo, đôi khi ở trước mặt các môn đệ, nhưng luôn tràn đầy niềm vui qua Chúa Thánh Thần.
Chúng ta chú ý đến thực tế Luca là người duy nhất trong số các Tin Mừng Nhất Lãm bắt đầu trình thuật theo cách này: “Chúa Giêsu (...) lên núi cầu nguyện” (Lc 9,28), và do đó, chính Luca là người chỉ rõ rằng sự biến hình của Chúa Giêsu đã xảy ra “trong khi Người đang cầu nguyện” (Lc 9,29).
Lời cầu nguyện được trình bày ở đây như bối cảnh lý tưởng và tự nhiên cho viễn tượng về vinh quang của Chúa Kitô: khi Phêrô, Gioan và Giacôbê “hoàn toàn tỉnh thức (…) và thấy vinh quang của Người” (Lc 9,32).
Thật tốt khi nhớ rằng, trong Mùa Chay này, nếu chúng ta để tinh thần đạo đức xuất hiện trong cuộc sống của mình, nếu chúng ta thiết lập mối quan hệ thân tình và không tách rời với Chúa, chúng ta sẽ tận hưởng được ân sủng của Mùa Chay, hay nói trong bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta sẽ chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Thật cấp thiết để có được ấn tượng bởi viễn tượng về khuôn mặt Biến hình: chúng ta phải cầu nguyện, nghĩa là dành thời gian cho Chúa; và chúng ta phải sống trong tâm tình cầu nguyện, nghĩa là biết kết hiệp với Chúa ngay trong những truân chuyên của từng ngày sống, ngay trong những niềm vui nỗi buồn, khi thịnh vượng cũng như lúc gian khó. Có lẽ kinh nghiệm Kitô giáo của chúng ta có quá nhiều lời nói trong khi lại thiếu sự kinh ngạc, thiếu cảm nghiệm cụ thể về Chúa, một kinh nghiệm đã khiến Phêrô và các bạn tông đồ kinh ngạc và trở thành những nhân chứng thực sự của Chúa Kitô. Chúng ta cần phải bắt đầu lại, bắt đầu ngay, phải đến với Chúa với tất cả những yếu đuối và những gì mình là, trong tâm tình đơn sơ và tín thác.
2. Cuộc Xuất Hành mà Chúa Giêsu sẽ hoàn thành tại Giêrusalem
Bài Tin Mừng không chỉ nói về vinh quang của Chúa Giêsu Kitô, mà còn nói về vinh quang mà Thiên Chúa đã biểu lộ trong Luật và các Ngôn sứ, nghĩa là theo thánh sử Luca, Môsê và Êlia “xuất hiện trong vinh quang” (Lc 9,31). Các ngài thực sự tìm thấy sự huy hoàng của chính mình trong tình yêu của Chúa Thánh Thần khi Chúa Con thưa chuyện với Chúa Cha. Vì vậy, trong Chúa Ba Ngôi, Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu, “cuộc xuất hành mà Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem” (Lc 9,31), là dấu chỉ biểu lộ kế hoạch của Thiên Chúa, được thực hiện trong lòng lịch sử Israel, cho đến khi hoàn thành chắc chắn, thông qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập thể.
Chúng ta được mời gọi hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô trong cuộc Xuất Hành của Người qua việc “vác thập giá hằng ngày” để có thể thông chia sự đau khổ và vinh quang với Người như Người đã trải qua khổ nạn để đến vinh quanh. Chính Chúa Phục Sinh đã khẳng định: “Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (Lc 24,46). Vác thập giá có thể hiểu theo hai nghĩa:
Thứ nhất là sẵn sàng từ bỏ. Chúng ta dâng lên Chúa những hy sinh mất mát, theo nghĩa là biết bớt hưởng thụ những gì không cần thiết để chia sẻ với những người cần hơn; biết từ bỏ những thói quen xấu như lười biếng, phung phí thời gian vào việc chơi điện thoại, lướt mạng quá nhiều thời gian; bớt càm ràm khi không vừa ý; bớt những thù hận hoặc định kiến về tha nhân, nhất là thói quen nói hành nói xấu và thích xét đoán người khác.
Thứ hai là sẵn sàng đón nhận. Chúng ta hiệp thông với Chúa Kitô chịu khổ nạn để vui lòng đón nhận những điều trái ý, những vất vả, những khổ đau, bệnh tật xảy ra trong cuộc sống; tập đón nhận những yếu đuối của bản thân và quyết tâm sửa đổi, đồng thời cũng mở lòng đón nhận những yếu đuối của tha nhân và giúp nhau khắc phục. Tóm lại là tập vâng theo ý Chúa trong cuộc sống của chính chúng ta và của tha nhân.
Xin Chúa Giêsu dẫn chúng ta vào đời sống thân tình mật thiết với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, và luôn biết chiêm ngắm Chúa Giêsu là mẫu gương tuyệt vời nhất trong việc hoàn thành cuộc Xuất hành của đời mình, để có thể tận hưởng niềm vui cứu độ Chúa ban thông qua những vui buồn sướng khổ thường ngày và để có thể tận hưởng vinh quang mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta.
Xin Đức Mẹ cùng bước với chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin này và dẫn chúng ta đến bến hạnh phúc vĩnh cửu. “Chúng ta phải cầu nguyện không ngừng, dù hiện diện ở bất cứ nơi nào và khi làm bất cứ việc gì trong cuộc sống, chúng ta cần có thói quen nâng tâm hồn lên Chúa, liên tục kết hợp với Người” (Thánh Elizabeth Ann Seton, thế kỷ 19).
-
Chúa Nhật Phục Sinh, Ga 20,1-9: Thấy Đấng Phục Sinh (19/04)
-
Chúa Nhật Phục Sinh, Ga 20,1-9: Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết - Biểu tượng của sự sống vĩnh cửu (19/04)
-
Chúa Nhật Phục Sinh, Ga 20,1-9: Đức Kitô phục sinh mở ra niềm hy vọng mới cho các Kitô hữu (19/04)
-
Thứ Sáu Tuần Thánh - Tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa: Passio Iesu Christi (18/04)
-
Chúa Nhật Lễ Lá, C, Lc 22,14-23,56: Yêu đến cùng (12/04)
-
Chúa Nhật Lễ Lá, C, Lc 22,14-23,56: Tôi là ai? (12/04)
-
Chúa Nhật Lễ Lá, C, Lc 19,28-40: Chúa là Vua hiền hậu và khiêm nhường (12/04)
-
Chúa Nhật Lễ Lá, C, Lc 22,14-23,56: Đón nhận thánh ý Thiên Chúa (12/04)
-
Chúa Nhật V Mùa Chay, Ga 8,1-11: Trở về với con người thật của mình (05/04)
-
Chúa Nhật V Mùa Chay, Ga 8,1-11: Đức Giêsu - Đấng giàu lòng thương xót (05/04)