Suy niệm

Chúa Nhật I Mùa Vọng, C, Lc 21,25-28.34-36: Tỉnh thức và cầu nguyện

Mùa Vọng là cơ hội để chúng ta quay về với Chúa, canh tân đời sống và làm mới lại mối tương quan với Ngài. Tuy nhiên, lời mời gọi tỉnh thức và cầu nguyện của Chúa Giêsu không chỉ dành riêng cho thời điểm này, mà còn là lời nhắc nhở chúng ta trong suốt hành trình cuộc đời.

 

 

 

TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN

(Gr 33,14-16; 1Tx 3,12-4,2; Lc 21,25-28.34-36)

 

Viết Trung

 

Hãy tỉnh thức và cầu nguyện là một lời mời gọi sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Lời mời gọi đó giúp Kitô hữu luôn ý thức và cảnh tỉnh trong đời sống đức tin, để không bị cuốn vào những cám dỗ hay mê muội của thế gian. Cầu nguyện không hẳn chỉ là một công việc, nhưng đúng hơn, cầu nguyện là một tâm tình, là con đường tươi đẹp dẫn chúng ta vào nguồn mạch vô tận của Thiên Chúa là Đấng hằng sống và vô cùng tốt lành.

 

Bài Tin Mừng hôm nay chính Chúa mời gọi chúng ta “tỉnh thức và cầu nguyện”. Lời Chúa thúc giục chúng ta đừng để lòng mình ngủ mê trước những cám dỗ của đời sống vật chất, nhưng hãy kiên trì trong đời sống cầu nguyện, sẵn sàng đón nhận Chúa đến bất ngờ như một người chủ trở về nhà.

 

1. Lời mời gọi tỉnh thức

 

"Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét" (Lc 21,25). Bài Tin Mừng hôm nay mở ra với hình ảnh sống động về ngày cánh chung. Đây không chỉ là những mô tả mang tính biểu tượng, mà còn nhắc nhở chúng ta biết thế giới này không tồn tại mãi mãi. Chúa Giêsu kêu gọi mỗi người tỉnh thức để nhận ra ý nghĩa của những biến cố trong cuộc sống, và chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa trong niềm tin và hy vọng.

 

Cuộc sống hiện đại thường cuốn chúng ta vào những lo toan, vui thú tạm bợ hay cám dỗ của thế gian. Những điều đó làm tâm hồn chúng ta trở nên u mê, lười biếng và xa rời Chúa. Tỉnh thức không có nghĩa là sống trong lo sợ, mà là sống với một tâm hồn nhẹ nhàng, trong sáng, và biết đặt Thiên Chúa làm trung tâm của cuộc đời mình.

 

Thánh Phaolô cũng nhấn mạnh trong bài đọc II (1 Tx 3,12–4,2): "Chúng tôi khuyên nhủ anh em: Hãy ăn ở thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa”. Tỉnh thức, vì thế, không chỉ là trạng thái của lý trí mà còn là sự chọn lựa sống đẹp lòng Chúa qua đời sống thánh thiện và yêu thương. Mùa Vọng mở đầu cho năm phụng vụ mới, là thời gian mời gọi mỗi người chúng ta sống trong tinh thần sẵn sàng và mong đợi ngày Chúa đến. Vì thế, Chúa Giêsu mới răn dạy chúng ta: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện”. Tỉnh thức không phải là trạng thái lo âu hay hoảng sợ, mà là sống với ý thức rõ ràng về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống. Cho dù, thế giới này đầy dẫy những lo toan, xao nhãng và cám dỗ.

 

2. Cầu nguyện – sức mạnh nội tâm

 

Chúa Giêsu không chỉ kêu gọi tỉnh thức mà còn nhấn mạnh đến việc cầu nguyện. Ngài nói: “Cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến”. Qua cầu nguyện, chúng ta kết hợp với Thiên Chúa, lắng nghe tiếng Ngài và nhận được sức mạnh để vượt qua thử thách.

 

Cầu nguyện có thể mang nhiều hình thức như đọc kinh, nguyện gẫm, chiêm niệm…nhưng bản chất của cầu nguyện chính là sự gặp gỡ liên vị giữa Chúa và ta. Và chính sự gặp gỡ ấy, ta mới cảm mến được Thiên Chúa, mới hiểu về Ngài. Khi cầu nguyện, nếu không thực sự gặp gỡ Thiên Chúa, thì có thể nói chúng ta chưa đạt được bản chất và mục đích của cầu nguyện. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 2558 cho rằng bản chất của cầu nguyện là “mối tương quan sống động và riêng tư với Thiên Chúa Hằng Sống và Chân Thật”. Cầu nguyện không phải là lặp lại những công thức khô cứng, nhưng là thể hiện mối tương quan thân tình với Thiên Chúa. Khi cầu nguyện, người Kitô hữu sống tương quan giao ước với Thiên Chúa trong Đức Kitô. Như thế, tâm hồn chúng ta được soi sáng để sống trong sự thật và tình yêu của Chúa. Đồng thời, qua đó chúng ta học được cách yêu thương và đón nhận tha nhân, như chính Chúa đã yêu thương ta và hiến thân phục vụ họ theo gương của Chúa Giêsu, Đấng đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ.

 

3. Mùa Vọng – thời gian chuẩn bị tâm hồn

 

Trong bài đọc I (Gr 33,14-16), ngôn sứ Giêrêmia loan báo lời hứa của Thiên Chúa về một “chồi non công chính” thuộc dòng dõi Đavít. Điều ấy phản ảnh một Đấng Cứu Độ sẽ xuất hiện đem lại sự công bình và công chính: “Này, sẽ đến những ngày Ta thực hiện điều tốt lành mà Ta đã phán về nhà Israel và nhà Giuđa.” Lời hứa này của Thiên Chúa khuyến khích chúng ta sống trong niềm hy vọng, chuẩn bị tâm hồn để đón nhận ơn cứu độ qua Chúa Giêsu.

 

Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị không chỉ để đón Chúa Giáng Sinh mà còn hướng tới ngày Chúa lại đến trong vinh quang. Do đó, tỉnh thức và cầu nguyện là hai yếu tố cốt lõi giúp chúng ta sẵn sàng cho cả hai sự kiện này.

 

Chúng ta hãy tự hỏi: Tôi đã tỉnh thức như thế nào trong đời sống đức tin của mình? Có dành thời gian cầu nguyện hàng ngày để gắn bó với Chúa không? Có kiên tâm bền vững trong đời sống thánh thiện không?

 

Thánh Phaolô, trong bài đọc II (1Tx 3,12–4,2), đã cầu nguyện với Chúa cho các tín hữu Thessalonica như sau: "Xin Chúa làm cho anh em được bền tâm vững chí trong sự thánh thiện...”. Tại sao thánh nhân lại cầu nguyện như thế cho các tín hữu của ngài? Thưa, vì sự thánh thiện là mục tiêu của người tín hữu phải hướng tới. Chúa Giêsu cũng đã từng dạy các tông đồ: ‘Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện’ (Mt 5,48). Để đạt được điều này, chúng ta cần sống mỗi ngày với lòng yêu thương, sự kiên nhẫn và niềm hy vọng vững vàng vào Chúa.

 

Vì thế, Mùa Vọng là cơ hội để chúng ta quay về với Chúa, canh tân đời sống và làm mới lại mối tương quan với Ngài. Tuy nhiên, lời mời gọi tỉnh thức và cầu nguyện của Chúa Giêsu không chỉ dành riêng cho thời điểm này, mà còn là lời nhắc nhở chúng ta trong suốt hành trình cuộc đời.

 

Hãy sống Mùa Vọng này với tâm tình tỉnh thức, bằng cách chuẩn bị tâm hồn trong sự thinh lặng và cầu nguyện. Hãy sẵn sàng đón nhận Chúa với lòng tin tưởng và yêu mến, để khi Chúa đến, chúng ta có thể đứng vững trước mặt Ngài, như lời Ngài đã hứa.

 

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một trái tim biết tỉnh thức và cầu nguyện, để luôn sẵn sàng đón Chúa trong từng giây phút của cuộc đời. Xin ban cho chúng con lòng can đảm, sự kiên nhẫn, nhất là sống trong niềm tin, cậy, mến để đối diện với mọi khó khăn trong cuộc sống này. Amen.

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á