Suy niệm
Chúa Nhật I Mùa Vọng, C, Lc 21,25-28.34-36: "Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện"
“ANH EM HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN”
(Lc 21,25-28.34-36)
Duy Khang
Hôm nay chúng ta bước vào Mùa Vọng, khoảng thời gian thiêng liêng trong năm phụng vụ, chuẩn bị đón mừng Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Mùa Vọng không chỉ là thời gian chuẩn bị cho đại lễ Giáng Sinh mà còn là thời gian chuẩn bị tâm hồn, canh tân đời sống để đón chờ Ngài đến trong vinh quang vào ngày sau hết. Lời Chúa trong Tin Mừng Luca 21,25-28.34-36, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải luôn tỉnh thức và cầu nguyện để sẵn sàng chờ đón ngày Ngài đến: “Sẽ có những dấu lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ đợi những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21,25-28).
Và Ngài nhấn mạnh: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa và lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em… Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21,34-36).
Ý nghĩa của sự tỉnh thức và cầu nguyện
Qua đoạn Tin Mừng trên, Chúa Giêsu không chỉ nói về những biến cố xảy ra trước ngày tận thế, mà còn nhắc nhở chúng ta luôn trong tư thế sẵn sàng. Sẵn sàng không phải là điều gì xa vời, mà là điều chúng ta có thể thực hiện mỗi ngày. Tỉnh thức nghĩa là không để lòng mình mê đắm vào vật chất, lạc thú, và lo toan sự đời. Chúng ta hãy nhớ: “đời là vô thường”, không có gì là mãi mãi trên thế gian này. Chúa Giêsu muốn chúng ta luôn tỉnh thức, không phải vì sợ hãi nhưng vì yêu mến. Tỉnh thức để không bị mê muội trong những thú vui tạm bợ, để có thể nhận ra tiếng gọi của Chúa trong cuộc sống.
Cầu nguyện cũng là một phần quan trọng trong việc tỉnh thức. Cầu nguyện giúp tâm hồn chúng ta được bình an và lắng nghe lời Chúa. Vì“một ngày không cầu nguyện là một ngày mất đi sự bình an”. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta giao phó bản thân cho Chúa, xin Ngài dẫn dắt, an ủi và bảo vệ.
Những tấm gương về tỉnh thức và cầu nguyện
Lịch sử Giáo Hội có rất nhiều gương sáng về tỉnh thức và cầu nguyện. Các thánh đã dạy chúng ta rằng cầu nguyện không phải là xa rời cuộc sống, mà là hòa nhập với cuộc sống qua sự tin tưởng vào Chúa. Thánh Gioan Maria Vianney từng nói: “Cầu nguyện chính là hơi thở của linh hồn”. Thánh nhân dành nhiều giờ mỗi ngày để cầu nguyện và đã giúp hoán cải bao nhiêu tội nhân trở về với Chúa.
Thêm vào đó, chúng ta cũng được mời gọi nhìn vào đời sống của Đức Mẹ Maria, người đã sống trong tinh thần tỉnh thức và cầu nguyện suốt đời. Đức Mẹ là người đầu tiên luôn sẵn sàng và mở lòng đón nhận ý Chúa. Nhờ vậy, khi thiên thần truyền tin, Mẹ đã đáp lời: “Xin vâng như lời Ngài truyền”. Chính nhờ sự tỉnh thức, Đức Mẹ đã trở thành người Mẹ của Đấng Cứu Thế, mang lại niềm hy vọng cho nhân loại.
Tỉnh thức và cầu nguyện trong cuộc sống hôm nay
Lời Chúa trong Mùa Vọng là lời mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm hồn đón Chúa. Chúng ta đang sống trong một thế giới xô bồ, lắm bon chen và đầy dậy sự cám dỗ, do vậy lời Chúa mời gọi chúng ta tỉnh thức lại càng thiết thực hơn, nhưng tỉnh thức là điều không dễ dàng. Xã hội ngày nay dễ làm chúng ta phân tâm, cuốn theo những lối sống hiện đại, những trò giải trí tức thời và nhu cầu vật chất. Do đó, Chúa vẫn thường nhắc chúng ta đừng để lòng ra nặng nề, đừng lo toan quá mức về sự đời.
Để giữ vững được tinh thần tỉnh thức, chúng ta cần xây dựng một đời sống cầu nguyện mạnh mẽ. Cầu nguyện không chỉ là những lời kinh, mà là sự đối thoại thân mật với Chúa. Hãy dành ít phút mỗi ngày để lắng đọng, để nói chuyện với Ngài, và dâng lên Ngài những nỗi niềm, những lo lắng của cuộc sống. Thánh Phaolô cũng đã dạy: “Anh em hãy cầu nguyện không ngừng” (1Tx 5,17).
Tỉnh thức cùng gia đình và cộng đoàn
Cuối cùng, tỉnh thức và cầu nguyện cũng là trách nhiệm chúng ta dành cho gia đình và cộng đoàn. Là người Kitô hữu, chúng ta không chỉ lo cho phần rỗi của riêng mình mà còn có trách nhiệm với gia đình, bạn bè và cộng đồng. Trong Mùa Vọng, hãy dành thời gian để xây dựng mối tương quan với Chúa và với người thân. Đừng quên cùng gia đình cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ và giúp đỡ người khác.
Cầu nguyện cho tha nhân cũng là bổn phận của chúng ta, vì khi cầu nguyện chúng ta kết hợp với Chúa. Cha Biển Đức Thuận dạy con cái của ngài rằng: “Cầu nguyện thì phải tin cậy Chúa, vì Chúa dạy chúng ta phải cầu nguyện, phải siêng năng đọc kinh cầu nguyện. Nhà này mà không cầu nguyện, thì hoá ra một nhà nông phu” (DN 118). Như thế, khi cầu nguyện, chúng ta xin Chúa ban cho mình một trái tim biết yêu thương và bao dung, để biết nghĩ đến anh chị em xung quanh mình. Có đôi mắt để nhìn thấy nỗi đau của người khác, đôi tai để nghe tiếng kêu cầu của những người đang cần sự giúp đỡ, và đôi tay để sẵn sàng nâng đỡ họ trong mọi hoàn cảnh, để chúng ta biết chia sẻ niềm vui và gánh nặng với tha nhân trong cầu nguyện và hy sinh, hầu con có thể là dấu chỉ tình yêu của Chúa trên thế gian này.
Mùa Vọng là thời gian để mỗi người chúng ta xét mình, tỉnh thức và cầu nguyện. Chúng ta hãy luôn nhớ rằng“tỉnh thức và cầu nguyện” không phải là một mệnh lệnh xa vời mà là lời nhắn nhủ yêu thương từ Chúa. Đó là lời mời gọi chúng ta sống đời sống tỉnh thức trong ân nghĩa của Ngài, chuẩn bị đón nhận ơn cứu độ và niềm vui trọn vẹn mà Ngài hứa ban.
Sự tỉnh thức không chỉ giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn cho sự trở lại của Chúa mà còn mang lại hạnh phúc thật cho cuộc sống hiện tại. Chính khi chúng ta sống một đời sống trong ơn nghĩa của Chúa, chúng ta không còn sợ hãi trong ngày sau hết, thay vào đó, là niềm vui, bình an vì biết mình luôn có Chúa đồng hành.
Xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta ơn tỉnh thức và luôn kiên trì trong đời sống cầu nguyện, để khi Ngài trở lại, chúng ta sẽ được đón Ngài trong bình an và niềm vui vĩnh cửu. Amen.
-
Thứ Ba, Tuần II MV, Mt 18,12-14: Bao dung tha thứ (10/12)
-
9/12 - Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (07/12)
-
Chúa Nhật II Mùa Vọng, C, Lc 3,1-6: Sám hối - đoạn tuyệt với tội lỗi (07/12)
-
Thứ Sáu, Tuần I Mùa Vọng, Mt 9,27-31: Kiên trì trong đức tin (05/12)
-
Chúa Nhật I Mùa Vọng, C, Lc 21,25-28.34-36: Tỉnh thức và cầu nguyện (30/11)
-
Chúa Nhật XXXIV TN, B, Ga 18,33b-37: "Tôi là Vua" (23/11)
-
Chúa Nhật XXXIV TN, B, Ga 18,33b-37: Vua Giêsu: Vua sự thật, Vua tình yêu (23/11)
-
Chúa Nhật XXXIV TN, B, Ga 18,33b-37: Chúa Kitô Vua Vũ Trụ (23/11)
-
Chúa Nhật XXXIV TN, B, Ga 18,33b-37: Vua Giêsu (23/11)
-
Chúa Nhật XXXIII TN, B, Mc 13,24-32: Ngày Chúa quang lâm (16/11)