Suy niệm
Chúa Nhật I Mùa Chay, Năm B, Mc 1,12-15: Vượt thắng cám dỗ
VƯỢT THẮNG CÁM DỖ
(St 9,8-15; 1Pr 3,18-22; Mc 1,12-15)
M. Irene Nguyễn Văn Điều
Hôm nay, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, năm B, Lời Chúa tóm gọn trong câu Chúa tuyên bố trong bài Tin Mừng: “Thời kỳ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
Trước hết, thời kỳ đã mãn, Nước trời sắp đến, Chúa thúc dục trong lương tâm mỗi người chúng ta, hãy trở về với Chúa, hãy sám hối, hãy cải thiện đời sống, thành tâm thú nhận những gì xấu, không tốt, không đẹp trong đời sống chúng ta; rồi sau đó là từ bỏ tội lỗi, nói khác đi là chúng ta thẳng thắn đối diện với tội lỗi rồi cương quyết uốn nắn sửa đổi. Nếu mọi người đều biết hối lỗi như thế, thì Chúa sẽ lập giao ước với loài người như qua Bài đọc I, Chúa sẽ không để trận lụt đại hồng thủy tiêu diệt loài người nữa. Vậy bước vào Mùa Chay, Giáo hội muốn chúng ta sống trong mùa đổi mới, mùa hy vọng, mùa tình thương. Thánh Phaolô trong thư gửi Giáo đoàn Rôma đã nói lên một câu khiến chúng ta tràn đày hy vọng: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.” (Rm 5,20).
Trong khi Bài đọc II được trích từ thư thứ nhất của thánh Phêrô có tính cách như một bài giáo huấn cho tân tòng sắp chịu phép rửa tội, cũng nói đến chúng ta là những người đã chịu phép rửa là Ơn của Chúa tràn đầy rằng: “Chính Ðức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi, Ðấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương, hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa”. Qua Bí tích rửa tội, thánh Phêrô nhắc lại sự tích ông Noe xưa, ông đã vâng lời Thiên Chúa, đóng một chiếc tàu giữa tiếng bàn tán, dị nghị, chế diễu, nhưng nhờ đó mà cả gia đình ông được cứu sống, thì ngày nay, nhờ phép rửa tội, chúng ta cũng được cứu thoát, nhờ công nghiệp của Chúa Kitô Phục sinh, Ngài đã chiến thắng sự chết và tội lỗi để ban cho chúng ta sự sống của chính Thiên Chúa. Ở đâu tội lỗi tràn ngập thì ở đó ơn Chúa cũng tràn đầy.
Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết, Chúa Giêsu đã được Chúa Thánh Thần đưa vào sa mạc bốn mươi ngày đêm để chịu thử thách, tương tự như Ađam khi xưa ở vườn Eden - Địa đàng, hay dân Do thái bốn mươi năm trong sa mạc. Ađam khi xưa trong vườn địa đàng đã nghe theo lời xúi dục của Xa-tan đội lốt con rắn, đã bất tuân lệnh Thiên Chúa, ăn trái cấm nên kéo theo hậu quả khôn lường muôn đời cho con cháu là phải vất vả khổ sở lầm than không được thấy Thiên Chúa, không được sống trong cảnh vườn địa đàng như ông bà nguyên tổ một thời hạnh phúc. Bốn mươi năm trong sa mạc cũng là thời gian thử thách lâu dài đối với dân Do Thái, họ cũng đã sa ngã trước thử thách, bao lần họ phản loạn, chống đối ông Môsê, kêu trách Thiên Chúa, họ muốn quay trở lại Ai cập với kiếp sống nô lệ, với nồi thịt củ hành hơn là tiến về miền đất mà Chúa hứa ban cho họ.
Trong ba tường thuật Phúc âm Nhất lãm về việc Chúa bị ma quỷ cám dỗ, Phúc âm của thánh Marcô ngắn gọn và chỉ có ý đưa dẫn chúng ta đến sứ vụ Thiên sai của Chúa. Ngài chỉ viết: “Sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa, Thần khí liền đẩy Người vào hoang địa, Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày chịu xatan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các Thiên thần hầu hạ Người” (Mc 1,12-13). Chúa Giêsu trong sa mạc bốn mươi đêm ngày đã cương quyết trung thành với Thiên Chúa, dứt khoát chọn lựa, từ chối sự cám dỗ của ma quỷ và đứng về phía Thiên Chúa. Còn theo thánh Matthêu và Luca thì Xa-tan đã dùng cơm bánh, quyền phép, danh vọng để cám dỗ Chúa Giêsu. Nhưng Ngài đã dùng Lời Kinh Thánh để cương quyết khước từ cám dỗ để nói lên ý muốn dứt khoát chọn lựa thánh ý của Chúa Cha, đó là con đường khổ nạn thập giá và Ngài đã chiến thắng. Cuối cùng Xa-tan phải chịu rút lui. Nhường chỗ cho các Thiên thần đến phục vụ Ngài.
Hoang địa hay sa mạc là nơi không có nhà cửa, làng mạc và là chốn thinh không, là nơi không có tiếng nói, nhưng chỉ có tiếng gió vi vu hay tiếng kêu gầm rú của cầm thú, đói ăn đi tìm mồi. Nhưng đối với con người, thì hoang địa lại là một nơi linh thiêng. Trong thinh lặng có tiếng nói của chính lương tâm mình, tiếng nói của dĩ vãng, của một đoạn đời đã qua, một khoảng đời tương lai sắp tới. Nhất là tiếng nói của Chúa vì Người thích nói trong im lặng. Cho nên, ngày xưa một số vị thánh đã theo gương Chúa Giêsu vào trong hoang địa, như thánh Antôn vào Thebes bên Ai cập là nơi rừng rú để sống đời khổ hạnh. Hoặc như thánh Hieronimo xa lánh sự ồn ào thành phố Lamã, vào nơi thanh vắng gần Nazareth để suy niệm Thánh Kinh.
Nhưng hoang địa cũng là nơi thần bí, như Lời Chúa phán: “Khi tà thần xuất khỏi người nào, thì nó đi dong dài những nơi khô cháy tìm chỗ nghỉ ngơi …” (x. Mt 12,43). Thật vậy, trong nơi thanh vắng, ma quỷ thường hay hoạt động, quấy phá, cho nên chúng ta thấy Chúa Giêsu trong hoang địa bốn mươi đêm ngày ma quỷ đã tìm mọi cách để cám dỗ Ngài. Ma quỷ đã hiện ra nhiều lần dưới nhiều hình thức ma quái ghê sợ để buộc thánh Antôn bỏ cuộc, nhưng với sự trợ lực của Chúa, ngài đã xua đuổi chúng và trở nên tổ phụ đời sống đan tu. Ngoài ra còn có nhiều vị thánh khác cũng bị cám dỗ nhưng nhờ ơn Chúa các ngài đã chiến thắng.
Còn cơn cám dỗ đối với mỗi người chúng ta thì sao? Những cơn cám dỗ trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta có thể mang thiên hình vạn trạng, ẩn khuất bên trong, tấn công bên ngoài chúng ta, đó là những ước muốn xấu như: thù hằn, ganh tỵ, tham lam, danh vọng tiền tài …. làm lu mờ lương tâm chúng ta. Cuộc chiến với ma quỷ, xác thịt, thế gian cả thù trong lẫn giặc ngoài nơi con người chúng ta quả thật không hề dễ dàng.
Chúng ta có nhiều kinh nghiệm về sự sa đi ngã lại, nhưng đồng thời chúng ta cũng có trải nghiệm chắc chắn tình thương tha thứ vô bờ bến của Thiên Chúa. Ngài không ngừng trao vào tay chúng ta mọi ân huệ cần thiết để bước theo Ngài, vì mỗi giây mỗi phút trong cuộc đời chúng ta đều được Chúa quan phòng và gìn giữ chở che. Và mỗi khi bị cám dỗ thử thách, chúng ta hãy mạnh dạn can đảm như lời thánh Phêrô qua kinh nghiệm của ngài khuyên dạy: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ thù địch của anh em như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé, anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1Pr 5,8-9a).
Trong đức tin, cộng với lời cầu nguyện và chăm nghe Lời Chúa, Chúa sẽ soi sáng cho chúng ta biết phân biệt tốt xấu, và can đảm tránh xa tội lỗi, biết yêu mến Chúa, yêu thương mọi người bằng trọn vẹn trái tim của mình, không những trong Mùa Chay thánh này, mà chúng ta cũng phải thực hành giữ các giới răn Chúa, nhằm tránh xa tội lỗi, cám dỗ trong suốt cả cuộc đời chúng ta. Xin Chúa nâng đỡ và cứu giúp mỗi người chúng ta. Amen.
-
Chúa Nhật II TN, C, Ga 2,1-11: Tiệc cưới Cana - Biểu tượng của tình yêu (18/01)
-
Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Lc 3,15-16.21-22: Người môn đệ của Đức Giêsu sống tinh thần tự hủy (11/01)
-
Thứ Tư sau Lễ Hiển Linh, Mc 6,45-52: "Chính Thầy đây, đừng sợ!" (08/01)
-
Lễ Hiển Linh, Mt 2,1-12: Trông thấy ngôi sao, họ vui mừng (04/01)
-
Lễ Hiển Linh, Mt 2,1-12: Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình (04/01)
-
Lễ Hiển Linh, Mt 2,1-12: Hành trình tìm gặp Thiên Chúa (04/01)
-
Thứ 2, Ngày VI Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, Lc 2,36-40: Nói về Chúa cho mọi người (30/12)
-
Lễ Thánh Gia, Lc 2,41-52: Giáo dục con cái theo gương Chúa Giêsu trong Gia Đình Thánh (28/12)
-
Lễ Thánh Gia, Lc 2,41-52: Con Thiên Chúa hiển ngự trong gia đình (28/12)
-
Lễ Chúa Giáng Sinh 2024, Ga 1,1-18: "Đất trời xe duyên" (23/12)