Suy niệm

Chúa Nhật I Mùa Chay, Năm B, Mc 1,12-15: Mệnh lệnh sám hối

Mua Chay là một thời gian giúp chúng ta sám hối, là dịp giúp chúng ta “chạy đua” trên đường nhân đức, là cơ hội giúp mọi người “chiến đấu” với bản tính yếu hèn nơi bản thân. Chúng ta được kêu gọi để đương đầu với “thần dữ” qua việc cầu nguyện, để nhờ ơn Chúa, chúng ta có khả năng chiến thắng sự dữ trong cuộc sống thường nhật.

 

 

 

MỆNH LỆNH SÁM HỐI

(Mc 1,12-15)

 

M. Matthêu Lê Văn Viết

 

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho các Tông Đồ và mọi Kitô hữu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Còn trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trước khi thi hành sứ vụ mà Chúa Cha ủy thác, cũng để lại cho chúng ta mệnh lệnh: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Nếu như chúng ta hiểu mệnh lệnh truyền giáo là một đòi buộc mọi thành phần trong Hội Thánh phải thi hành, thì mệnh lệnh sám hối mà Chúa Giêsu đề cập trong bài Tin Mừng hôm nay cũng quan trọng không kém.

 

“Sám hối”, theo nghĩa thông thường, là hãy cải thiện đời sống, thành tâm thú nhận những gì xấu, không tốt, không đẹp trong đời sống chúng ta, rồi sau đó là từ bỏ chúng, quay lưng lại với chúng, nói khác đi là thẳng thắn đối diện với những tội lỗi trong đời sống, rồi cương quyết uốn nắn sửa đổi. Còn dưới cái nhìn của Kinh Thánh, “sám hối” dịch từ tiếng Hy Lạp: μετάνοέω (metanoeô), theo nghĩa gốc, là nghĩ khác trước, đổi ý, đổi tâm tình, đổi não trạng, hối tiếc, hối hận. Ở đây, phải hiểu hối cải (metanoeô) theo chủ đề căn bản trong Cựu Ước, cách riêng, từ ngôn sứ Giê-rê-mi-a đó là: thay đổi hướng đi, triệt để quay về với Thiên Chúa của Giao Ước và dấn bước vào một cuộc sống mới[1].

 

Từ hai định nghĩa trên, chúng ta thấy “sám hối” không khác gì hơn là thay đổi lối sống, cải biến con người cũ đã bị hư hỏng bởi những hành động sai trái. Tuy nhiên, việc thay đổi này không phải theo kiểu “nghỉ mệt” nhưng là hướng tới một lối đi theo đường hướng của Chúa. Còn trong Mùa Chay, “sám hối” là khoảng thời gian để ăn năn đền tội, nhưng đó không phải là một thời gian u buồn, tang chế! Đây là một sự cam kết vui tươi và nghiêm chỉnh cách tự nguyện, để trút bỏ tính ích kỷ ra khỏi con người chúng ta, trút bỏ con người cũ, và canh tân đổi mới con người chúng ta dựa theo ơn Bí tích Thánh tẩy mà mỗi người đã lãnh nhận[2].

 

Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta cần hoán cải mỗi ngày. Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ quy hướng về Thiên Chúa một cách đầy đủ bao gồm tinh thần và và thể xác. Bởi chúng ta vẫn còn đó một con người đầy những bất toàn và ảnh hưởng môi trường xung quanh. Vì thế, chúng ta phải không ngừng quy hướng thần trí và con tim về Thiên Chúa. Để làm được thế, phải can đảm xua đuổi tất cả những gì làm cho chúng ta đi lệch đường ngay nẻo chính, đó có thể những lời nói xấu, dèm pha hay những hành động bất chính và ngay cả những tư tưởng xấu vừa chớm nở, chúng ta cũng cần dập tắt. Bên cạnh đó, hãy loại bỏ những giả trá lừa gạt, tính ích kỷ, xảo quyệt khỏi đời sống của chúng ta. Chúng ta cần phải tin tưởng vào tình thương, sự tốt lành và những dự định đầy quan phòng của Chúa dành cho mỗi người.

 

Qua lời mời gọi sám hối của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta khẳng định chỉ mình Thiên Chúa mới có thể ban cho chúng ta hạnh phúc đích thật. Vì thế, chúng ta đừng để mất thời giờ khi đi tìm hạnh phúc đích thật trong của cải vật chất, trong những thú vui thể xác, trong quyền bính, trong công việc và trong những điều tầm thường của cuộc sống mà hãy sám hối và trở về cùng Thiên Chúa. Tuy nhiên, trở về cùng Chúa mà thôi chưa đủ, tâm tình sám hối còn đòi hỏi chúng ta phải trở về cùng anh em. Hòa giải với Chúa mà thôi chưa đủ, chúng ta còn phải hòa giải với người khác, vì tất cả chúng ta đều là anh em, con cùng một Cha trên trời, sống trong cùng một gia đình, đó là cộng đồng nhân loại.

 

Mua Chay là một thời gian giúp chúng ta sám hối, là dịp giúp chúng ta “chạy đua” trên đường nhân đức, là cơ hội giúp mọi người “chiến đấu” với bản tính yếu hèn nơi bản thân. Chúng ta được kêu gọi để đương đầu với “thần dữ” qua việc cầu nguyện, để nhờ ơn Chúa, chúng ta có khả năng chiến thắng sự dữ trong cuộc sống thường nhật.

 

 

 

 

 

[1] Chú giải Mc 1,15, Kinh Thánh ấn bản 2011, Nhóm CGKPV.

[2] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tin Mừng Chúa Nhật và Lễ Trọng – năm B, chuyển ngữ JB Lưu Văn Lộc, nxb Đồng Nai, 2020, tr. 113.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á