Suy niệm

Chúa Nhật I Mùa Chay, Lc 4,1-13: Vượt thắng cám dỗ

Chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu, biết lắng nghe và giữ Lời Chúa, thì trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng sẽ chiến thắng, vì không sức mạnh nào có thể khuất phục được những ai biết nắm giữ Lời Chúa.

 

 

 

VƯỢT THẮNG CÁM DỖ

(Lc 4,1-13)

 

M. Ephraem

 

Sống trong thời đại khoa học kỹ thuật, kinh tế thị trường và xã hội tiêu thụ, con người dễ bị phân tâm, bị lôi cuốn chạy theo những khuynh hướng duy khoa học, tôn thờ vật chất và chủ nghĩa tương đối. Trên hành trình đức tin cũng vậy, không thiếu những khó khăn và thách đố, đặc biệt là những thách đố và những cám dỗ của thân xác, những quyến rũ của tiền tài, chức quyền, những áp lực của danh vọng. Biết Chúa và mến Chúa không phải là không có những khó khăn, những gian truân, những nghịch cảnh. Như Chúa đã từng căn dặn :“Ai muốn theo tôi, phải tự bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Đó là một thách đố, làm sao có đủ đức tin và lòng mến Chúa, mà không chối Chúa trước những cám dỗ như trong bài Tin mừng hôm nay.

 

Thánh sử Luca cho chúng ta biết Đức Giêsu vào hoang địa, ở đó Người chịu cám dỗ (Lc 4,1-13). Vậy Đức Giêsu đã chịu cám dỗ như thế nào?

 

Con người muốn sống thì phải ăn. Đức Giêsu đi trong hoang địa 40 đêm ngày, không ăn uống gì, chắc Người rất đói. Ma quỉ có thể nghe biết được câu nói của chúng ta: “Có thực mới vực được đạo”, cho nên nó cám dỗ miếng ăn là đúng tâm lý. Ma quỉ biết được sự cần thiết đó, nên đã cám dỗ Đức Giêsu: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!” (Lc 4,3). Thế nhưng, Đức Giêsu đã không chiều theo ý của ma quỉ. Người đã dùng lời Kinh Thánh để hướng tới một loại bánh khác cao trọng hơn, đó là bánh Lời Chúa: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4,4). Đức Giêsu cho thấy, con người không chỉ sống cuộc sống vật chất, mà còn phải sống bằng lời của Thiên Chúa. Vì thế, vượt xa hơn những đòi hỏi của sự sống thế tạm và vật chất, là đòi hỏi của sự sống thiêng liêng được nuôi bằng lời Thiên Chúa.

 

Tiếp đến, ma quỉ đem Đức Giêsu lên cao, rồi nói với Người: “Nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông” (Lc 4,7). Đây là cạm bẫy khá hấp dẫn, con người rất dễ sa ngã. Trong thực tế, đã không ít người vì tham lam lợi lộc trần thế, họ đã đánh mất chính mình, bán rẻ linh hồn cho ma quỉ. Bản chất của cơn cám dỗ là sự quyến rũ. Bất cứ một cơn cám dỗ nào cũng đều mang một bộ mặt quyến rũ giả tạo, một sự hứa hẹn hão huyền, và một vị ngọt ngào lừa phỉnh. Trong cuộc sống công khai, Chúa Giêsu đã bị cám dỗ này tấn công. Dân chúng luôn kéo Người vào cơn cám dỗ trở nên một Đấng Cứu Thế mang tính chính trị, một vị vua trần gian đầy quyền lực vinh quang. Nhưng Người đã nhất mực khước từ. Người muốn trở nên “tôi tớ” của Thiên Chúa (Ga 13,1-20). Bởi vì, không có quyền lực thế gian nào có thể cứu độ được thế gian, nhưng chỉ có quyền lực của Thiên Chúa, qua tình yêu thập giá mới cứu độ thế gian. Vì vậy, tất cả những ai cầu khẩn Danh Ngài, đều được cứu độ (Rm 10,13).

 

Cuối cùng, ma quỉ đem Đức Giêsu lên nóc Đền Thờ và thử thách Người: “Nếu ông là con Thiên Chúa, thì đứng dậy mà gieo mình xuống đi” (Lc 4,9). Ma quỉ đã khiêu khích Đức Giêsu nhưng không thành. Người không chiều theo ý muốn của ma quỉ, nhưng đáp lại: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi!” (Lc 4,13). Thử thách Thiên Chúa là dùng lời nói hay hành động để thử lòng nhân hậu và quyền toàn năng của Thiên Chúa. Thách đố như vậy là xúc phạm đến Thiên Chúa là Đấng chúng ta phải cậy trông vì là Đấng Sáng Tạo, sự quan phòng và quyền năng của Thiên Chúa[1].

 

Một điều cơ bản mà Giáo Hội xác tín dựa trên Lời Chúa đó là con người chẳng có quyền đòi hỏi Thiên Chúa bất cứ điều gì, tất cả là ơn Chúa. Khi con người nhận ân sủng thì không phải do họ xứng đáng, đặc biệt sự sống và sự tự do của con người cũng là một quà tặng của Thiên Chúa[2].

 

Cuộc chiến thử lửa giữa Chúa Giêsu và tên cám dỗ là cuộc vận dụng Lời Chúa. Satan thông thạo Thánh Kinh, nhưng nó vận dụng méo mó Lời Chúa để phục vụ những tham vọng đen tối của nó để lường gạt chúng ta. Còn Đức Giêsu vận dụng Lời Chúa để sống, để tôn phục ý Cha. Chúa Giêsu dễ dàng cho thấy rằng Người là Người Con trung thành của Thiên Chúa, không để cho sự ham muốn, thành đạt, vinh quang hão huyền hoặc kiêu căng làm sai lệch sứ vụ của mình. Mặc dầu là con Thiên Chúa, nhưng Đức Giêsu không cậy sức mình. Khi bị cám dỗ, Ngài luôn luôn bám lấy và sử dụng Lời của Thiên Chúa để làm vũ khí chiến đấu với ma quỉ.

 

Cuộc đời chúng ta cũng vậy, còn lắm vất vả bon chen và không hề thiếu vắng những cạm bẫy thử thách hôm nay, chỉ có sự chuyên cần cầu nguyện, thường xuyên đón nhận ánh sáng Lời Chúa soi dẫn và sự đỡ nâng của Chúa, chúng ta mới thoát khỏi sự hoang mang sợ hãi hay trạng thái mê ngủ, trốn tránh thực tại trần thế với những bổn phận và trách nhiệm phải thi hành. Đành rằng quê hương vĩnh cửu ở trên trời nhưng đường lên trời lại khởi đi từ mặt đất. 

 

Chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu, biết lắng nghe và giữ Lời Chúa, thì trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng sẽ chiến thắng, vì không sức mạnh nào có thể khuất phục được những ai biết nắm giữ Lời Chúa. Vì con người sống vì Chúa, con người không thử thách quyền năng của Thiên Chúa và con người chỉ tôn thờ Thiên Chúa mà thôi.

 

Xin cho chúng ta biết lắng nghe Lời Chúa như lời bài hát: “Lắng nghe tiếng Chúa” của Linh mục Nguyễn Duy: Lời Ngài là sức sống đời con, Lời Ngài là ánh sáng đời con, Lời Ngài đổi mới cho cuộc đời, Lời Ngài hạnh phúc cho trần ai.    

 

 

 

[1] GLHTCG, số 2119

[2] Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 55.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á