Suy niệm
Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, B, Ga 20,19-23: Sống bằng “hơi thở” Chúa Thánh Thần
SỐNG BẰNG "HƠI THỞ" CHÚA THÁNH THẦN
(Ga 20,19-23)
M. Gioan TG Nguyễn Đình Ủy
Nếu không thở con người sẽ chết về thể lý, cũng vậy nếu không thở Thần khí Chúa Thánh Thần, người Kitô hữu sẽ chết về đời sống tâm linh. Như thế, hơi thở tự nhiên và hơi thở Chúa Thánh Thần thật cần thiết, quyết định đến sự sống của con người và cách đặc biệt với đời sống người Kitô hữu. Nhưng làm thế nào để chúng ta đón nhận dồi dào và sống đầy tràn hơi thở Chúa Thánh Thần?
Trước hết, chúng ta hiểu về hơi thở Chúa Thánh Thần. Tin Mừng Thánh Gioan hôm nay tường thuật, Chúa Giêsu đã trao ban hơi thở Thần Khí cho các tông đồ vào chiều ngày thứ nhất trong tuần: “Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Ở đây, chúng ta cần lưu ý, thánh Gioan dùng động từ ἐμφυσάω – emphysao, để chỉ việc thông truyền Thánh Thần cho các môn đồ. Động từ này không gặp thấy nơi nào khác trong Tân Ước. Thường người ta sẽ nói Thần Khí được ban cho, được sai đến, hay là được tuôn đổ, chứ không bao giờ nói được thổi.
Trở lại những trang Kinh Thánh, chúng ta nhận thấy trong những câu đầu tiên của Kinh Thánh Cựu Ước có sử dụng động từ נָפַח – naphach. Sách Sáng Thể ghi lại: “Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mủi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Nhưng sinh khí mà sách Sáng Thế nói tới là nguyên lý sự sống: con người bắt đầu sống nhờ hơi thở của Thiên Chúa, tượng trưng cho sinh lực Đấng Hóa Công thông ban[1]. Hoặc từ ἐμφυσάω – emphysao (thổi hơi) được dùng ở sách Khôn ngoan viết lại trình thuật tạo dựng “ Đấng nắn ra nó…Đấng đã thở vào nó khí tác thành” (Kn 15,1). Điều này cũng được dùng trong thị kiến về cánh đồng xương hùng vĩ, ngôn sứ Edekien đã tuyên sấm: Đây Ta sắp cho thấn khí nhập vào các ngươi và các ngươi sẽ được sống. Và đã xảy ra là sau khi ban ´thần khí`[2] xuống, các xương khô đó đã từ từ sống lại thành một đoàn dân sống (x. Ed 37,3-5). Theo vị ngôn sứ, thì Thần khí là nguyên lý tái tạo nên sự sống. Kinh nghiệm bình dân gọi đó chính là sự sống do Thiên Chúa ban trực tiếp cho mỗi sinh linh.[3]
Từ việc Chúa Giêsu thổi hơi trên các tông đồ, cũng như Ngài thổi hơi trên chúng ta, và trở về khởi thủy công trình tạo dựng, cùng soi rọi vào những lời tuyên sấm của vị ngôn sứ thì Chúa Giêsu đã, đang trao ban sinh khí và sự sống. Chính Chúa Giêsu trao ban Thánh Thần cho chúng ta “Anh em hãy nhận lãnh Thánh Thần” (Ga 20, 22).
Như vậy, “hơi thở” Thánh Thần, chính Chúa Thánh Thần đã được ban cho chúng ta, về phía con người chỉ còn là cách đón nhận. Thánh Augustino đã nói rằng “vô tri bất mộ”, không biết thì không yêu mến. Như vị thánh nhân, chúng ta cũng có thế nói, không biết về Thần Khí chúng ta sẽ không yêu mến và dễ dàng khước từ.
Để hiểu được giá trị của Thần Khí siêu nhiên: “hơi thở, nguồn sự sống và là sự sống”, chúng ta hãy nhìn về tầm quan trọng của khí tự nhiên. Ăn uống như là nhu cầu thấp nhất của con người,vì người ta có thể nhịn ăn từ 30-40 ngày, nhịn uống khoảng 3- 4 ngày, nhưng nhịn thở chỉ 4 phút nhờ 1 lít giữ trữ không khí trong phổi. Mỗi ngày người lớn trung bình cần 1,5 kg lương thực, 3-4 lít nước và tối thiểu 10000 lít không khí. Chỉ cần thiếu không khí trong vòng 1 giây là con người có thể choáng váng, ngất xỉu, hay lạc tay lái mất mạng. Não bộ con người với khoảng 100 tỉ tế bào (neuron) thần kinh chỉ bằng nắm tay, tuy vậy cũng cần khoảng 2000 lít không khí mỗi ngày.[4]
Nếu sự sống tự nhiên cần thiết đến dưỡng khí, hơi thở quan trọng như thế thì đời sống siêu nhiên cũng cần đến dưỡng khí thần linh,“thần khí” gấp bội. Người Việt Nam đã biết đến và đề cao khí siêu nhiên, linh khí là khí thiêng liêng của đất trời, núi sông, biết đến hào khí, dũng khí của những con người có ý chí mạnh mẽ. Các triết gia Hy Lạp đã biết đến khí như một phần cơ bản tạo nên vũ trụ và muốn thở được linh khí của đất trời. Các nhà đạo học Đông Phương cũng ước muốn được như vậy. Nhiều đạo sĩ, thiền sư ngồi thiền và vận khí để mong được giác ngộ, chính quả. Phật Giáo và Lão Giáo còn cho biết khí không chỉ là không khí ta thở, nhưng là thứ năng lượng sống thần khiết nhất của đất trời, của vũ trụ gọi là “khí tiên thiên”, mà có người có thể thu được, hòa với “khí hậu thiên” do tập luyện.[5]
Đón nhận Thần Khí. Người Kitô hữu còn được mời gọi đi xa và sâu hơn nữa để đón nhận “Thần Khí” là Ngôi Vị, sống trong tâm hồn mình. Bởi đó, thánh Phaolô đã nói “Anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần” (1 Cr 6,19). Khi đã đón nhận Thần Khí rồi, chúng ta cảm nhận được Ngài như là hơi thở cho sự sống tinh thần. Điều đó nói lên tầm quan trọng của Thần Khí trong đời sống siêu nhiên. Đã là quan trọng, đương nhiên, chúng ta cần phải biết trân quý và đón nhận Thần Khí.
Mặt khác người Kitô hữu được mời gọi gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu để biến đổi thành con người mới, trong một Thần Khí duy nhất, với muôn vàn ơn phúc của Chúa Thánh Thần đến nỗi: “Khi thở được Thần Khí Đức Kitô, dòng máu đen tội lỗi của ta sẽ biến đổ thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Người”[6]. Lúc đó, chúng ta được thần hóa, trở thành người con thật sự của Chúa Cha và có thể phát huy những ân huệ kỳ diệu của Chúa Thánh Thần, để hoàn thành kế hoạch yêu thương mà Chúa Cha đã định từ trược đời đời trong Đức Kitô (x. Ep 1,9-10).
Thánh Phao lô nói rất nhiều về Thần Khí trong các thư của ngài. Ngài mời gọi chúng ta “hãy sống theo Thần Khí” (Gl 5,6), hãy để cho Thần Khí hướng dẫn, hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước, thì chúng ta sẽ được hưởng “hoa quả của Thần Khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5, 22). Để sống được như thánh Phaolô dạy, chúng ta cần kết hợp mật thiết với Chúa Thánh Thần và tập thở mỗi ngày bằng Thần khí,[7] nhờ đó, chúng ta có thể đón nhận dồi dào, trọn vẹn và đầy tràn Thần Khí Chúa Thánh Thần.
[1] Nhóm Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh ấn bản 2011, NXB Tôn Giáo, tr 32.
[2] רוַּח – ruach
[3] X. Sđd., tr. 1872.
[4] X. Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Hội Nhập Văn Hóa Công Giáo ở Việt Nam, NXB Tôn Giáo 2023, tr 142.
[5] X. Sđd, tr 144.
[6] Sđd, tr 154.
[7] “Chúng ta dành 5 phút, ngồi ở nơi làm việc hoặc nằm trên giường trước khi ngủ trưa hay nghủ đêm. Khi hít khí tự nhiên vào bằng mũi thì tinh thần ta cũng cần mở ra để hít khí siêu nhiên. Làn khí tình yêu, sức mạnh, bình an, ân sủng này tràn vào hồn ta, tỏa khắp người ta. Vừa hít khí vào từ từ, ta vừa nói thầm với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin ban Thần Khí cho con”. Khi thở ra, thể xác ta thải ra khí carbonic, tinh thần ta cũng đẩy những khí dơ của tinh thần gọi là tà khí ra khỏi tâm trí mình. Tà khí đó là những tư tưởng tiêu cực, hình ảnh dâm ô, cảm xúc buồn phiền, thất vọng, ghen tương, sợ hãi… Tâm trí lúc đó hoàn toàn trống rộng để chỉ còn Thần Khí tác động. Vừa thở ra từ từ, ta vừa nói thầm “Lạy Chúa, xin đuổi tà khí ra khỏi con”. Ta sẽ cảm nhận sự thanh thoát và đầy tràn ơn lành của Chúa Thánh Thần” (Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Hội Nhập Văn Hóa Công Giáo ở Việt Nam, NXB Tôn Giáo 2023, tr 142).
-
Chúa Nhật II TN, C, Ga 2,1-11: Tiệc cưới Cana - Biểu tượng của tình yêu (18/01)
-
Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Lc 3,15-16.21-22: Người môn đệ của Đức Giêsu sống tinh thần tự hủy (11/01)
-
Thứ Tư sau Lễ Hiển Linh, Mc 6,45-52: "Chính Thầy đây, đừng sợ!" (08/01)
-
Lễ Hiển Linh, Mt 2,1-12: Trông thấy ngôi sao, họ vui mừng (04/01)
-
Lễ Hiển Linh, Mt 2,1-12: Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình (04/01)
-
Lễ Hiển Linh, Mt 2,1-12: Hành trình tìm gặp Thiên Chúa (04/01)
-
Thứ 2, Ngày VI Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, Lc 2,36-40: Nói về Chúa cho mọi người (30/12)
-
Lễ Thánh Gia, Lc 2,41-52: Giáo dục con cái theo gương Chúa Giêsu trong Gia Đình Thánh (28/12)
-
Lễ Thánh Gia, Lc 2,41-52: Con Thiên Chúa hiển ngự trong gia đình (28/12)
-
Lễ Chúa Giáng Sinh 2024, Ga 1,1-18: "Đất trời xe duyên" (23/12)