Suy niệm

„VÔ DUYÊN“ HAY „HỮU DUYÊN“?

Trong cuộc sống đôi lúc cũng cần có những tình cờ, ngẫu nhiên, để làm gia vị cho cuộc đời thêm đẹp. Nhưng trong mối tương quan giao tế, cần có những người đi bước trước, chìa bàn tay kết tình thân ái với người đồng loại. Chúng ta không thể „gặp nhau làm ngơ“ hay „vô duyên“ với tha nhân...

 

 

„VÔ DUYÊN“ HAY „HỮU DUYÊN“?

 

 

Lam Châu

 

Có những lúc, cảm xúc ùa về trong ký ức, ta bỗng nhớ đến hình ảnh, giọng nói của một người… Tuy nhiên, vì „xa người, xa cảnh, xa bến cũ“ nên chuyện „diện đối diện“ lúc này là điều bất khả…

 

Mặc dầu xa cách về không gian, môi trường sống, văn hóa, ngôn ngữ… nhưng trong địa hạt tinh thần, chắc chắn ít có ranh giới, ngoại lực hay khoảng cách nào có thể ngăn cản, chia cắt tính liên đới của con người. Chuyện „anh ở đầu sông, em cuối sông“ không còn là vấn đề, vì người xưa có câu: „Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng“ hay „tuy không giáp mặt mà lòng vẫn nhớ thương“ là gì!

 

Nếu một chiếc lá, là một vật vô tri, lúc lìa cành, tự mình hóa kiếp, trở về với nguồn cội còn bịn rịn với nắng chiều, làn mây thoảng, ngọn gió xuân; với tình bằng hữu sâu nặng, tình huynh muội trong mối tương giao họ hàng "lá" của mình, rồi xao xuyến, chao nghiêng nói lời tiễn biệt, huống hồ là con người có lý trí và con tim, biết suy tư, biện biệt, có tấm lòng sâu thẳm, rộng lớn hơn cả đại dương; là đồng loại, lại không „đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu“ sao?

 

Nếu „ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau“, thì lúc này, con người, những thực thể cấu thành xã hội lại không thể hiện được bản chất „xã hội tính“ của mình sao? Nhiều người có thể bỏ ra một khoản tiền rất lớn để quảng cáo cho một sản phẩm chỉ xuất hiện một vài giây trên các phương tiện truyền thông. Chẳng lẽ chúng ta không thể hào phóng để một hình ảnh, một giọng nói, một kỷ niệm, một con người cụ thể nào đó xuất hiện qua vùng ký ức của mình miễn phí, mà con người đó thì có giá trị hơn vật chất gấp bội phần?

 

Trong cuộc sống đôi lúc cũng cần có những tình cờ, ngẫu nhiên, để làm gia vị cho cuộc đời thêm đẹp. Nhưng trong mối tương quan giao tế, cần có những người đi bước trước, chìa bàn tay kết tình thân ái với người đồng loại. Chúng ta không thể „gặp nhau làm ngơ“ hay „vô duyên“ với tha nhân. Ngược lại hãy „hữu duyên“ với họ trong mọi chi tiết nhỏ của cuộc sống: „Hữu duyên“ trong lý trí, trong tình cảm, trong tình liên đới, trong sự đồng cảm, hiểu biết và vị tha; trong sự quan tâm, động viên, nâng đỡ; trong tình yêu thương thật lòng với một con tim độ lượng và bao dung.

 

Nhớ, thương, yêu…là những yếu tố thuộc bản chất con người, khi thể hiện một trong những yếu tố đó, con người đang chứng minh mệnh đề „tôi hiện hữu trong tha nhân và tha nhân hiện hữu trong tôi“. Ngày xưa, Khổng Tử từng ấp ủ xây dựng xã hội trần thế theo phương châm: „Tứ hải giai huynh đệ“. Đó là một lời mời gọi, một điều mong ước, một cái đích của Khổng Tử trong việc xây dựng một xã hội an hòa và mọi người biết qúy trọng Nhân Nghĩa. Tôi và bạn cũng được mời gọi cùng chung tay góp phần tài năng, trí lực và con tim của mình để xây dựng xã hội mà Khổng Tử mong ước ngày xưa trở thành hiện thực trong thời đại hôm nay.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á