ƠN GỌI
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Ga 20,19-23: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần"
“ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN”
(Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23)
M. Phêrô Dũng Nguyễn Đình Khi
“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Đó là quà tặng lớn nhất mà Chúa Giêsu ban cho các tông đồ trước khi về trời. Chúa Thánh Thần là mảnh ghép cuối cùng rất quan trọng trong bức tranh toàn cảnh chương trình của Thiên Chúa. Ngôi Ba Thiên Chúa hoạt động cũng là kết thúc của một sự khởi đầu. Kết thúc sứ vụ của Đức Giêsu lịch sử ở trần gian, đồng thời khai mở một kỷ nguyên mới: thời của Chúa Thánh Thần. Đây cũng là thời chuyển giao quyền lực từ Thiên Chúa cho Chúa Thánh Thần.
Có thể nói rằng Thánh Thần khai sinh ra Giáo hội, nói cách khác, không có Người thì cũng không có Giáo Hội.
Chúa Thánh Thần không có kế hoạch riêng khác với Chúa Cha và Chúa Con nhưng kiện toàn chương trình sáng tạo của Chúa Cha và hoàn tất chương trình cứu độ của Chúa Giêsu. Nói cách khác, Chúa Thánh Thần đến để không làm cho ơn cứu độ của Thiên Chúa bị đứt gãy nhưng hoàn thiện và tiếp tục cho đến ngày tận thế.
Người ta tự hỏi Chúa Thánh Thần là ai? Vì Người là đấng vô hình, không ai trông thấy Chúa Thánh Thần bao giờ, do vậy không người nào có thể tạc tượng Chúa Thánh Thần, nhưng Chúa Thánh Thần xuất hiện trong các biểu tượng. Biểu tượng rõ nhất là Người trong hình hài của chim bồ câu (x. Mt 3,16) và hình lưỡi lửa (x. Cv 2,3).
Trong thực tế, Chúa Thánh Thần xuất hiện trong tâm trí của nhiều tín hữu khá mờ nhạt, bằng chứng là họ ít cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, ít ý thức sự hiện diện của Người trong đời sống và trong tâm hồn. Thậm chí một số người còn coi Chúa Thánh Thần như một “ngôi phụ” trong Ba Ngôi Thiên Chúa.
Nhưng chúng ta phải tin vào lời khẳng định của thánh Phêrô tông đồ rằng: Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa (x. Cv 5,3) và những hoạt động của Thánh Thần, chứng tỏ Ngài là một ngôi vị biệt lập (x. Cv 8,26.29; 19,21).
Có nhiều danh hiệu hội tụ trên khuôn mặt của Ngôi Ba Thiên Chúa; Đấng An Ủi (bài ca tiếp liên; x. Ga 14,15-17), Đấng Bào Chữa, Đấng Dạy Dỗ (x. Rm 8,15; Gl 4,6); Đấng Ban Sự Sống (Kinh Tin Kính); Thần Khí Chúa (x. Cv 5,9); Thần Chân Lý (x. LG số 4); và là Đấng Thánh Hóa (Lời nguyện kinh đêm lễ Hiện Xuống).
Xin dừng lại ở danh hiệu Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh Hóa. Nói một cách dễ hiểu thì thánh hóa nghĩa là làm cho Giáo hội trở nên thánh thiện và làm cho mọi người trở nên THÁNH.
Việc thánh hóa của Thánh Thần được cụ thể bằng 2 điểm chính:
Thứ nhất: Làm cho con người trở thành con cái Thiên Chúa (ơn làm nghĩa tử).
Thứ hai: Chúa Thánh Thần thánh hóa con người bằng cách giáo dục đời sống Đức Tin.
Trước nhất con người trở thành con Thiên Chúa nhờ tác động của Thánh Thần. Người đến với nhân loại, đến với từng người không phải bên ngoài chúng ta nhưng hiện hữu trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người, đến nỗi thân xác con người trở thành Đền Thờ cho Chúa Thánh Thần ngự (x. Rm 8,11; 1Cr 6,19). Chúa Thánh Thần và mỗi người kết hiệp mật thiết với nhau. Như vậy quà tặng lớn nhất cho mỗi người là chính Chúa Thánh Thần. Không những thế, Thiên Chúa còn ban tặng cho nhân loại “hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (Ep 1,3).
Chúa Thánh Thần thánh hóa chúng ta, làm cho chúng ta trở thành nghĩa tử, là con cái Thiên Chúa (x. Rm 8,15), tức là mỗi người trở nên THÁNH, mối tương quan này mật thiết và ngọt ngào đến nỗi làm cho chúng ta phải thốt lên thành lời “Áp-ba - Cha ơi” (Rm 8,15). Khiến chúng ta trở thành “người nhà của Thiên Chúa và đồng hương của các thánh” (Ep 2,19).
Vì tương quan Cha - Con này mà “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã Người cũng đã cho chúng ta được sống lại và ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời” (Ep 2,4-5). Và do đó nhân loại trở thành dân THÁNH của Thiên Chúa (x. Ep 2,19).
Chúa Thánh Thần trang bị cho mỗi người những ân sủng cần thiết khác nhau như: “Kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ” (1Cr 12,9-10) như những con đường dẫn đưa chúng ta đến phận là con Thiên Chúa. Và có thể nói, có bao nhiêu con người thì cũng có bấy nhiêu đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho như những phương thế để nên thánh.
Chúa Thánh Thần thánh hóa con người bằng cách giáo dục đời sống đức tin, tình yêu, đời sống luân lý và đời sống cầu nguyện.
Các tông đồ khi chưa nhận được Thần Khí Chúa chỉ là cộng đoàn dân sự thông thường bao gồm những người nhút nhát, sợ hãi, thất vọng. Họ không hiểu những lời Chúa dạy, không nhận ra giá trị những việc Người làm và cũng không hiểu Chúa Giêsu là ai. Thậm chí sau khi Đức Kitô phục sinh và lên trời, các tông đồ vẫn ngơ ngác nhìn lên trời (x. Cv 2,11).
Nhưng sau biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vào ngày lễ Ngũ Tuần, các tông đồ nhận được Chúa Thánh Thần, các ông trở thành những người khác hẳn - những người của Thánh Thần.
Các tông đồ không còn sợ hãi nhưng can đảm rao giảng Tin Mừng. Có Thần Khí Chúa, các ông không còn tản mác khắp nơi, nhưng qui tụ thành một cộng đoàn hiệp nhất trong nhiệm thể Chúa Kitô (x. 1Cr 12,13). Nhờ Chúa Thánh Linh, các môn đệ không còn u mê nhưng được khai mở con mắt đức tin: nhớ lại những lời Chúa Giêsu dạy, hiểu những việc Người làm và tin những gì Chúa hứa. Thậm chí Thần Khí còn làm cho các tông đồ nhận biết Thiên Chúa như thánh Phaolô tông đồ nói trong thư gửi tín hữu Côrintô: “Chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí. Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa… và không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa” (1Cr 2,10-11).
Cộng đoàn Giáo hội sơ khai từ khi nhận được Thánh Thần không còn đóng kín cửa nhưng trở nên một Giáo hội ra khỏi chính mình, năng động, hăng say đầy nhiệt huyết và tràn ngập niềm vui. Giáo hội thể hiện những điều đó qua sức mạnh phi thường của việc loan báo Tin Mừng.
Đối với đời sống cá nhân, Chúa Thánh Thần ngự trong từng người để tái sinh và đổi mới họ (x. Tt 3,5) và “ mặc lấy con người mới là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, để thật sự sống Công Chính và Thánh Thiện” (Ep 4,23-24). Thánh Thần trong vai trò người bạn, Người đồng hành và an ủi, Thánh Thần trong vai trò người thầy, Người giáo dục đời sống đức tin, và Thánh Thần trong vai trò Ngôi Ba Thiên Chúa ban sự sống.
Vì Chúa Thánh Thần là tình yêu, Người đã đổ tình yêu vào lòng chúng ta (x. Rm 5,5) nên Người giáo dục các tín hữu hãy “hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (Gl 5,13), mọi người trong cộng đoàn biết yêu thương nhau thể hiện qua nếp sống bác ái huynh đệ (x. Cv 2,44-45; 4,32-36).
Đối với đời sống cá nhân từng người, Chúa Thánh Thần dạy mọi người thực hành cầu nguyện thế nào cho phải (x. Rm 8,26).
Trong đời sống luân lý, sống theo Thần Khí, đồng nghĩa với việc mỗi người không còn sống theo con người tự nhiên để thỏa mãn những đam mê hạ đẳng, và không sống theo tính xác thịt nữa. Trái lại, nếu chúng ta để Thần Khí hướng dẫn và định hướng cuộc đời mình thì mỗi người sẽ gặt được hoa trái của Thánh Thần là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22-23).
Cuối cùng mỗi người đã được lãnh phép rửa ban ơn Thánh Thần (x. Tt 3,5) thì chúng ta phải mở lòng ra đón nhận Chúa Thánh Thần, trở nên dễ dạy để Thần khí đổi mới tâm trí chúng ta (x. Ep 4,23). Đồng thời chúng ta khao khát cầu xin Thần Khí Chúa ban thêm đức tin và ơn sủng của Người hoạt động không ngừng thánh hóa Giáo Hội, thánh hóa mỗi cá nhân để Giáo Hội trở nên thánh thiện, mỗi người trở thành thánh. Lúc đó “chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời, như chúng ta vẫn hy vọng” (Tt 3,7)./.
-
Chúa Nhật XI TN - Lễ Chúa Ba Ngôi, Ga 16,12-15: Mầu nhiệm tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi (14/06)
-
Chúa Nhật XI TN - Lễ Chúa Ba Ngôi, Ga 16,12-15: Chúa Giêsu - Nhà giáo dục đức tin (14/06)
-
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Cv 2,1-11: Chúa Thánh Thần - Ngọn lửa canh tân tâm hồn tín hữu (07/06)
-
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Ga 20,19-23: Hãy nhận lấy Thánh Thần (07/06)
-
Chúa Nhật VII Phục Sinh, Ga 17,20-26: Phút tâm giao (31/05)
-
Chúa Nhật VII Phục Sinh, Ga 17,20-26: Xin cho tất cả nên một (31/05)
-
Chúa Nhật VII Phục Sinh, Ga 17,20-26: "Để họ được nên một" (31/05)
-
Chúa Nhật VII Phục Sinh, Ga 17,20-26: Hiệp nhất trong Chúa (31/05)
-
Lễ Chúa Thăng Thiên, Lc 24,46-53: Chúa Kitô lên trời vinh hiển (28/05)
-
Chúa Nhật VI Phục Sinh, Ga 14,23-29: Sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa (24/05)