Giáo Hội Hoàn Vũ

Chúa Nhật V TN, Năm C, Lc 5,1-11: Sự vâng phục của thánh Phêrô

Người Kitô hữu được mời gọi noi gương thánh Phêrô sống khiêm nhường và để Chúa dẫn dắt cuộc đời mình. Qua sự vâng phục, Chúa không chỉ ban cho ta đạt được những kết quả vật chất (mẻ cá lớn) mà còn mời gọi chúng ta bước vào một hành trình thiêng liêng sâu sắc hơn.

 

 

SỰ VÂNG PHỤC CỦA THÁNH PHÊRÔ

(Lc 5,1-11)

M. Mátthêu Lê Văn Viết

 

Bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay xảy ra vào giai đoạn đầu sứ vụ của Chúa Giêsu. Người đang giảng dạy bên bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, nơi “có nhiều dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa” (Lc 5,1). Tuy nhiên, thánh sử Luca không cho chúng ta biết nội dung lời giáo huấn của Đức Giêsu nhưng lại mô tả sự vâng phục của những môn đệ đầu tiên, đặc biệt là ông Simon. Hãy cùng nhau tìm hiểu về sự vâng phục của ông Simon để khám phá những bài học ý nghĩa cho cuộc sống.

 

Những người đánh cá, trong đó có ông Simon đã trải qua một đêm không bắt được gì (x. Lc 5,5) và bây giờ họ đang giặt lưới (x. Lc 5,2). Đức Giêsu đã lên một trong hai thuyền của họ, thánh Luca cho biết đó là thuyền của ông Simon. Chắc chắn một điều con bác thợ mộc không thể rành nghề biển như những chàng ngư phủ.[1] Vậy mà khi đã giảng dạy dân chúng xong, Đức Giêsu bảo ông Simon thả lưới bắt cá. Lời đề nghị của Đức Giêsu có vẻ sai lầm, thiếu kinh nghiệm và đi ngược lại với tất cả những hiểu biết cũng như kinh nghiệm của những người từng trải trong nghề đánh cá như ông Simon.[2] Tuy nhiên, lời mời gọi này dẫn đến một phép lạ: khi Simon vâng lời và thả lưới, họ bắt được một mẻ cá lớn đến nỗi lưới sắp rách. Kết quả này không chỉ làm ông Simon và những người đồng hành kinh ngạc mà còn thay đổi cuộc đời của các ông (x. Lc 5,11).

 

Xét ở một khía cạnh nào đó, sự vâng phục này của ông Simon vượt trên lý trí, nghĩa là khi Chúa Giêsu bảo ông Simon thả lưới dường như không hợp lý. Ông Simon là một người chài lưới kinh nghiệm, ông biết rằng việc thả lưới vào ban ngày thường không hiệu quả. Tuy nhiên, ông vẫn vâng lời Chúa, dù mệnh lệnh đó mâu thuẫn với kinh nghiệm và logic của con người. Như lời ông thân thưa cùng Chúa: “Dù suốt đêm chúng tôi đã vất vả mà không bắt được gì, nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (Lc 5,5). Câu nói này thể hiện sự tin tưởng sâu sắc của ông vào quyền năng và sự khôn ngoan của Chúa Giêsu. Nhờ sự vâng phục, ông Simon và các bạn đồng nghiệp chứng kiến phép lạ, một dấu chỉ cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa. Sau đó, Chúa Giêsu mời gọi ông Simon hãy theo Ngài để Ngài huấn luyện làm cho ông trở thành “người chài lưới người”. Như vậy, sự vâng phục của ông không chỉ mang lại kết quả ngay trước mắt mà còn mở ra một sứ mạng cao cả hơn trong tương lai.

 

Ngang qua bài Tin Mừng hôm nay, mỗi người chúng ta được mời gọi học cách tín thác vào Chúa những lúc chúng ta gặp khó khăn hoặc phải đối diện với những quyết định vượt quá khả năng hiểu biết của mình. Tin tưởng và vâng phục Chúa, ngay cả khi chúng ta không hiểu ý nghĩa của điều Ngài muốn, sẽ mang lại những kết quả bất ngờ.

 

Sự vâng phục của thánh Phêrô là một mẫu gương về sự khiêm nhường. Thánh nhân đã sẵn sàng đặt kinh nghiệm cá nhân sang một bên để làm theo lời Chúa. Người Kitô hữu được mời gọi noi gương thánh Phêrô sống khiêm nhường và để Chúa dẫn dắt cuộc đời mình. Qua sự vâng phục, Chúa không chỉ ban cho ta đạt được những kết quả vật chất (mẻ cá lớn) mà còn mời gọi chúng ta bước vào một hành trình thiêng liêng sâu sắc hơn. Như thánh Phêrô được kêu gọi làm tông đồ, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi sống sứ mạng làm chứng nhân cho Chúa trong cuộc sống hàng ngày.

 

Ước gì mẫu gương vâng phục của thánh Phêrô là một lời nhắc nhở mỗi người chúng ta về tầm quan trọng của việc đặt niềm tin nơi Chúa, kể cả khi phải đối diện với những khó khăn hay nghịch lý của cuộc sống. Hãy học cách lắng nghe và thực hành lời Chúa, vì Ngài không chỉ dẫn dắt chúng ta đến thành công tạm thời mà còn mời gọi chúng ta bước vào sự sống đời đời.

 

Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta biết vâng lời và tín thác nơi Chúa như thánh Phêrô, để mỗi người chúng ta luôn bước theo đường lối Chúa dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

 

 

 

[1] X. M. Dominico Phạm Văn Hiền, O.Cist, Suy Niệm Tin Mừng - Gợi Ý II - Mùa Thường Niên, Lưu hành nội bộ, tr. 269.

[2] X. Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, Tin Mừng Chúa Nhật, Mùa Thường Niên, Năm B, tr. 21.

 

Thiết kế Web : Châu Á