Giáo Hội Hoàn Vũ

Chúa Nhật II Mùa Vọng, C, Lc 3,1-6: Sám hối - đoạn tuyệt với tội lỗi

Sám hối Mùa Vọng là sám hối toàn diện đúng mức với lòng hối cải, vốn bao gồm hai động tác cơ bản đan xen: “hối” có nghĩa là hối lỗi và “cải” là kiểu nói tắt của chữ cải thiện. Nếu hối lỗi là lời đoạn tuyệt với quá khứ tội lụy, thì cải thiện là lời quyết tâm dấn bước vào một tương lai tươi mới. Như vậy, sám hối đòi hỏi phải có một cái nhìn mới, một thái độ mới, một cuộc sống mới, và cốt lõi của nó bao gồm sự trở về cùng Chúa.

 

 

 

SÁM HỐI – ĐOẠN TUYỆT VỚI TỘI LỖI

(Lc 3,1-6)

 

Tùng Linh

 

Mùa Vọng là mùa mong chờ Chúa đến viếng thăm nhân loại. Lần viếng thăm thứ nhất xảy ra qua mầu nhiệm Nhập Thể; lần viếng thăm thứ hai được diễn ra trong hiện tại: Chúa không ngừng đến viếng thăm chúng ta hết ngày này qua ngày khác. Sách Khải Huyền có viết: “Ngài đến, Ngài đứng ngoài cửa và gõ, ai nghe tiếng Ngài mà mở cửa thì Ngài vào nhà người ấy và dự tiệc với người ấy” (Kh 3,20). Muốn nghe được tiếng Chúa gõ cửa, chúng ta phải lắng nghe, và phải nghe bằng tai lòng. Muốn nghe được bằng tai lòng, chúng ta phải có một tâm hồn trong sạch và bình an. Muốn tâm hồn trong sạch và bình an, chúng ta phải dọn dẹp, sửa soạn như thánh Gioan Tẩy Giả hướng dẫn chúng ta trong Tin Mừng hôm nay. 

 

Mở đầu Tin Mừng, thánh Luca tường thuật cho chúng ta việc Gioan Tẩy Giả đi khắp vùng ven sông Giođan kêu gọi người ta chịu phép rửa, ăn năn sám hối hối như để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3, 4-6).

 

Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. Muốn mở một con đường đường mới, trước tiên người ta phải giải phóng mặt bằng, sau đó là san lấp mặt bằng. Mọi hố sâu phải lấp cho đầy, mọi gò nỗng phải ban cho phẳng. Muốn mở một con đường trong tâm hồn chúng ta cũng vậy. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, những hố sâu biểu thị cho những lỗ trống trong cách ứng xử của chúng ta trước Tôn Nhan Thiên Chúa, biểu thị cho những tội lỗi của chúng ta trong những việc thiếu sót[1]. Bên cạnh lấp đầy những hố sâu, chúng ta còn san bằng những đồi cao, đó là tính ích kỷ, sự ngạo nghễ, là óc thống trị. Sửa đường theo Gioan Tẩy Giả là biến đổi cuộc sống chúng ta, nghĩa là sám hối mỗi ngày. 

 

Sám hối hay hối cải, tiếng Latinh là “conversio”, tiếng Hy lạp là “Metanoia”, có nghĩa thay đổi não trạng, ăn năn trở lại, canh tân đổi mới.

 

Sám hối, theo thánh Phaolô, là hoán cải. Hãy thành tâm trở về với Chúa, nỗ lực tìm kiếm Người, nhiệt thành đáp ứng lời mời gọi sám hối bằng việc thực thi đức bác ái là giềng mối trọn lành (Cl 3,14) và là sự chu toàn mọi lề luật (Rm 13,10).  

 

Sám hối là nhìn lại con đường mình đã đi qua, sửa lại những sai lệch nếu có. Những gì “cong queo” san cho thẳng, những gì “cao” cần bạt xuống. Lúc đó chúng ta mới nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa. Sám hối là lo buồn về điều đã vấp phạm hay hối hận vì điều mình đã làm, bằng cách ăn năn những gì đã lỗi phạm. Sám hối kiểu này mang tính tiêu cực và ở trong tình trạng bị động. Sám hối như thế có khuynh hướng co cụm lại và cúi gập trên những lầm lỗi của mình. Hối lỗi thì ít mà xem ra hận mình lại nhiều, để rồi khi tự mình vùng vẫy trong tình huống mất thăng bằng ấy, người ta dễ bị rơi xuống vực sâu thất vọng, giống như con muỗi sa vào lưới nhện càng vùng vẫy càng bị xiết chặt, và giống như những kẻ sa vào vũng lầy càng ngoi ngóp càng bị lún sâu”[2].

 

Các nhà tu đức vẫn nói sám hối là hai mắt nhìn của con người nội tâm: một mắt nhìn vào mình để nhận ra những tội lụy của một đời xa vắng đã dẫn tới sa ngã rồi xa lìa tình thương Thiên Chúa và mắt khác nhìn vào Thiên Chúa để thấy nơi Ngài một tình yêu như tấm lòng người cha, như trái tim người mẹ bao dung thương xót mà xin ơn làm lại cuộc đời[3]

 

Sám hối Mùa Vọng là sám hối toàn diện đúng mức với lòng hối cải, vốn bao gồm hai động tác cơ bản đan xen: “hối” có nghĩa là hối lỗi và “cải” là kiểu nói tắt của chữ cải thiện. Nếu hối lỗi là lời đoạn tuyệt với quá khứ tội lụy, thì cải thiện là lời quyết tâm dấn bước vào một tương lai tươi mới[4]. Như vậy, sám hối đòi hỏi phải có một cái nhìn mới, một thái độ mới, một cuộc sống mới, và cốt lõi của nó bao gồm sự trở về cùng Chúa.

 

Sám hối mang màu hy vọng là sám hối tìm về tình thương Thiên Chúa, chấp nhận thay đổi cuộc đời và biết để cho ơn tha thứ thấm đẫm vào mọi ngõ ngách của cuộc sống đức tin.

 

Lạy Chúa, xin san bằng tính kiêu ngạo chúng con như san bằng đồi núi. Xin bồi đắp những khiếm khuyết chúng con như bồi đắp lũng sâu. Xin phá đổ những bức tường hận thù chia rẽ giữa các quốc gia và mở rộng những con đường hòa giải giữa người với người.

 

 

 

 

 

[1] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tin Mừng Chúa Nhật Năm B, Chuyển Ngữ JB Lưu Văn Lộc, Nxb Đồng Nai, tr. 21.

[2] https://gpcantho.com,/cac- bai -suy- niem-chua-nhat-2-mua-vong-nam-a, Giám Mục Vũ Duy Thống

[3] https://gpcantho.com,/cac- bai -suy- niem-chua-nhat-2-mua-vong-nam-a, Giám Mục Vũ Duy Thống

[4] https://gpcantho.com,/cac- bai -suy- niem-chua-nhat-2-mua-vong-nam-a, Giám Mục Vũ Duy Thống

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á