Giáo Hội Hoàn Vũ

Chúa Nhật II Mùa Chay, Lc 9,28b-36: Chúa Giêsu bày tỏ vinh quang

Chúa Giêsu qua cuộc biến hình nhằm biểu tỏ vinh quang rạng ngời mà Người sẽ hiện ngự sau khi Người phục sinh. Song, để trở nên vinh quang đó, Chúa đã phải sống kiếp người, phải chịu đau khổ, bị khinh khi, ruồng bỏ, đánh đập, chế nhạo, và tột đỉnh là chịu chết đau thương trên thập giá, tất cả là nhờ Người cam chịu để gánh lấy tội muôn dân.

 

 

 

CHÚA GIÊSU BÀY TỎ VINH QUANG

(Lc 9,28b-36)

 

M. Anrê Tường

 

Thiên Chúa luôn yêu thương con người, nên khi con người đang sống trong cảnh tội lỗi, Thiên Chúa đã sai Con Một là Chúa Giêsu đến sống giữa loài người để mặc khải cho nhân loại nhận biết Chúa Cha, đồng thời, Người gánh lấy tội nhân loại qua cái chết đau thương trên thập giá. Bởi thế, Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Chúa Giêsu khi sống giữa trần gian đã tỏ mình ra để con người nhận biết và tin vào Ngài.

 

Vì thề, trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca trình thuật về cuộc biến đổi dung mạo của Chúa Giêsu, có Môsê và Êlia đàm đạo với Ngài, còn Phêrô, Gioan và Giacobê là những chứng nhân cho sự kiện cao trọng đó.

 

Tự khả năng của mình, con người không thể nhận biết Chúa Cha, bởi không ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng nhờ và qua Con Một là Chúa Giêsu sẽ tỏ cho chúng ta biết (x. Ga 1,18). Như thế, Chúa Giêsu là Đấng trung gian duy nhất của ơn cứu độ, là cầu nối duy nhất giữa Thiên Chúa và con người, nhằm thông ban ơn sủng của Thiên Chúa cho con người. Thiên Chúa Cha đã qua Đức Kitô để thực hiện hành vi yêu thương của mình. Như vậy, Đức Giêsu là Thiên Chúa bởi Ngài đã phục sinh (x. Mt 27,53), Ngài đã lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa Cha và tiếp tục ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20).

 

Đức Giêsu cũng là Con Người thật, lời thánh Gioan khẳng định: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”(Ga 1,14). Ngài đến trần gian qua sự vâng phục thánh ý Chúa Cha. Vì vậy, từ lúc nhập thể thì Ngài đã trở nên người thật giống con người mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Ngài đã vác thập giá bằng tất cả sức lực của mình và chấp nhận chết trên Thập Giá. Và chỉ như vậy, Ngài mới thực sự là trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Người mặc lấy xác phàm sống như người trần thế, và đã được chính Chúa Cha thánh hiến: “Người đã được Cha tác thành và sai đến trong thế gian” (Ga 10,36). Về phần mình, Chúa Giêsu cũng tự nguyện thánh hiến chính mình: “Con xin thánh hiến mình Con”(Ga 17,19).

 

Như vậy, cuộc biến đổi dung mạo của Chúa Giêsu được Tin mừng trình thuật hôm nay cũng cố và xác tín vững chắc cho đời sống đức tin của các Kitô hữu. Bởi đây là cuộc biến hình có tiếng từ Chúa Cha phán: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” (c.35). Chúng ta hãy lắng nghe lời của Chúa Giêsu, bởi nơi Người là Lời của sự thật, của sự sống. Cùng với đó, có hai nhân vật rạng ngời xuất hiện là ông Môsê, người đại diện cho lề luật bởi chính ông đã đón nhận luật thập điều từ Thiên Chúa, và ông Êlia đại diện các ngôn sứ. Điều này cho thấy, đời sống đức tin của chúng ta có lề luật hướng dẫn, mà luật đó là do Thiên Chúa truyền để bảo đảm sống đúng đường lối của Thiên Chúa. Đồng thời, chúng ta được nghe lời nhắc nhở, răn dạy về những lời tiên báo của các ngôn sứ trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ của Thiên Chúa. Cùng ba môn đệ thân tín bước theo Đức Kitô lên núi, các ngài được Chúa cho chứng kiến để cảm nghiệm, xác tín và sống làm chứng cho Chúa giữa trần gian, và chấp nhận rằng để được hưởng vinh quang thì hãy đón nhận những thử thách đau khổ trong cuộc sống.

 

Với Chúa Giêsu, trước khi cuộc biến đổi dung mạo được tỏ rạng, Người đã giành thời gian cầu nguyện, trong lúc đó thì dung mạo Người được biến đổi. Bởi đó, mỗi người chúng ta phải là con người cầu nguyện, qua lời cầu nguyện đòi hỏi chúng ta cần có sự biến đổi, biến đổi từ con tim để đi vào tương quan sâu thẳm và đích thực với Thiên Chúa. Cho nên, chúng ta không thể đứng lì ở bậc khởi đầu của đời sống thiêng liêng. Thiên Chúa mời gọi mỗi người phải canh tân và đi vào chiều sâu hiệp thông với Thiên Chúa để lắng nghe và đáp trả thánh ý Ngài. Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2). Do đó, Thiên Chúa mời gọi chúng ta nên hoàn thiện trong tương quan với Ngài. Và khi chúng ta đáp trả với lòng yêu mến, thì sẽ sống tốt đẹp và mang lại ý nghĩa hữu hiệu với tha nhân, cũng như với chính mình.

 

Chúa Giêsu qua cuộc biến hình nhằm biểu tỏ vinh quang rạng ngời mà Người sẽ hiện ngự sau khi Người phục sinh. Song, để trở nên vinh quang đó, Chúa đã phải sống kiếp người, phải chịu đau khổ, bị khinh khi, ruồng bỏ, đánh đập, chế nhạo, và tột đỉnh là chịu chết đau thương trên thập giá, tất cả là nhờ Người cam chịu để gánh lấy tội muôn dân. Vì thế, mỗi người chúng ta bước theo Chúa Giêsu, sống niềm tin vào Thiên Chúa, chúng ta cũng phải gánh chịu những đau thương, chấp nhận sự hi sinh, đón nhận đau khổ là bước đường phải đi qua để ngày sau được hưởng vinh quang với Chúa.

 

Như vậy, lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống vững vàng với niềm tin vào Đức Kitô. Đồng thời, hãy làm cho đời sống đức tin của chúng ta được chiếu tỏa trong cuộc đời và trong sứ vụ ơn gọi của mỗi người mà Thiên Chúa đã ban cho. Vậy nên, chúng ta hãy trở thành chứng nhân đích thực của Thiên Chúa, hầu giúp nhiều người nhận ra và tin theo, để Đức Kitô trở nên sáng ngời với nhân loại.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á