Đời sống thánh hiến
Hiệp thông trong đời sống cộng đoàn
HIỆP THÔNG TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN
M. Ga. Kim Khẩu Nguyễn Thế Tiến
DẪN NHẬP
“Không ai là một hòn đảo”, đó câu nói rất nổi tiếng của John Done khi nói về xã hội tính của con người. Tha nhân luôn chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người, qua tha nhân chúng ta nhìn thấy chính mình. Trong đời sống cộng đoàn, nhờ các mối tương quan sẽ làm cho chúng ta trưởng thành hơn. Tuy nhiên, trong các mối tương quan này đôi khi nảy sinh những trục trặc và khó khăn. Nguyên nhân là do bởi chủ nghĩa cá nhân, cái tôi vị kỷ của mỗi người. Công đồng Vaticano II nhận định: “Cộng đoàn thánh hiến tu trì là một đoàn thể hữu hình và một cộng đoàn của niềm tin; một thực thể phức tạp được cấu thành bởi hai yếu tố: yếu tố nhân loại và yếu tố thần linh” (LG 8), do đó cũng không thiếu những giới hạn, khúc mắc và đụng chạm trong cuộc sống chung. Thần học gia Jean Vanier có lý khi nói: “Cộng đoàn là nơi có những kinh nghiệm đau thương về những giới hạn yếu đuối và tăm tối. Qua mối tương quan giữa những con người yếu đuối, biết mình được yêu thương, được tha thứ. Hơn nữa, cộng đoàn còn là nơi đón nhận và chia sẻ, tha thứ để giúp nhau cùng thăng tiến”.
Đúng vậy, cộng đoàn là khung cảnh chữa lành và làm triển nở tình huynh đệ. Nơi đó, các phần tử được chấp nhận và thấy mình có ý nghĩa, được khích lệ để phát triển tài năng. Mặt khác, nơi cộng đoàn, chúng ta cũng sẽ gặp những thử thách, nhưng chính điều này làm cho chúng ta trưởng thành về nhiều mặt, đồng thời giúp ta biết cần đến nhau hơn. Vậy vấn đề được đặt ra ở đây là, làm sao giải quyết được những khúc mắc trong đời sống chung? Thưa, để giải quyết vấn đề này rất cần một đời sống cộng đoàn đích thực, một đời sống hiệp thông huynh đệ sâu xa. Khi đó, mỗi phần tử trong cộng đoàn luôn tràn đầy sự vui tươi và yêu thương, là một cộng đoàn như Vịnh gia mong ước:
“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay
Anh em được sống vui vầy bên nhau”
Sự hiệp thông là yếu tố cốt lõi trong đời sống cộng đoàn, nhất là đối với đời sống đan tu. Hiệp thông là sức sống, là chất keo để liên kết và làm phát triển cộng đoàn. Không thể có đời sống cộng đoàn đúng nghĩa nếu không có sự hiệp thông. Chính vì mức độ quan trọng đó mà người viết chọn đề tài: “Hiệp thông trong đời sống Cộng đoàn”. Chính nhờ sự hiệp thông này, các đan sĩ có thể đạt tới chiều kích sung mãn và ý nghĩa nhất trong đời sống đan tu, đó là một cuộc đời chiêm niệm.
I. HUYỀN NHIỆM HIỆP THÔNG
1. Định nghĩa
Cụm từ “huyền nhiệm hiệp thông” hay “mầu nhiệm hiệp thông” thường làm cho chúng ta nghĩ tới một sự cao siêu, khó nắm bắt được. Thật vậy, hạn từ “hiệp thông” có rất nhiều nghĩa bởi vì nó được giải thích theo nhiều chiều hướng. Chúng ta hãy xem nó có những nghĩa gì.
Theo từ điển Công giáo, sự hiệp thông có gốc Hy Lạp là κοινωνία (koinonia) – là tình anh em bằng hữu, sự chia sẻ, dự phần vào. Hiệp là chung nhau; thông là cùng nhau hòa hợp. Hiệp thông là các bên hòa hợp với nhau[1].
Tuy nhiên, hạn từ “hiệp thông” còn mang theo nhiều ý nghĩa, trải dài theo chiều lịch sử. Trong Cựu ước, hiệp thông là ước nguyện của dân Israel mong được kết hợp với Thiên Chúa, và Thiên Chúa cũng nhằm hình thành, gắn bó với họ: “Chúng sẽ là một dân của Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng” (Gr 24,7). Và hiệp thông chính là tham dự bàn tiệc của Thiên Chúa và mến yêu Người[2].
Trong Tân ước, người Kitô hữu sống tinh thần hiệp thông với Thiên Chúa và với anh em[3]. Với Thiên Chúa, người Kitô hữu ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa cũng ở lại trong họ. Bởi lẽ, người Kitô hữu sinh ra từ Thiên Chúa nên cũng thuộc về Thiên Chúa: “Chúng ta ở lại trong Người và Người ở lại trong chúng ta” (1Ga 4,13). Tinh thần hiệp thông trong Tân ước thể hiện rất rõ nơi mầu nhiệm Thánh Thể: “Kẻ ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ lưu lại trong Ta và Ta sẽ ở trong kẻ ấy” (Ga 6,56). Với anh em, hiệp thông là sống bác ái, huynh đệ: “Phàm ai không sống công chính thì không thuộc về Thiên Chúa; ai không yêu thương anh em mình thì cũng vậy” (1Ga 3,10).
Đức Giáo hoàng Phanxicô diễn giải hạn từ này ở trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng bằng những cụm từ như: “huyền nhiệm sống chung với nhau” (87), “tình huynh đệ huyền nhiệm” (92), và trong Tông thư Năm đời sống thánh hiến, Đức Thánh Cha gọi là“huyền nhiệm của sự gặp gỡ” (1,2). Sự hiệp thông này mang ý nghĩa mối liên kết giữa các tín hữu với nhau trong Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần.
Từ hiệp thông trong Việt ngữ , hình như có nội dung sâu sát hơn. Hai cục đá buộc lại với nhau chỉ có hiệp mà không có thông, còn cành cây và thân cây thì thể hiện sự hiệp thông vì có chung một nhựa sống. Hai hình ảnh Kinh Thánh dùng để chỉ sự hiệp thông trong Giáo hội là cây nho và cành nho hay đầu với các chi thể (Ga 15) và (1Cr 12)[4]. Khi nói đến sự hiệp thông trong đời sống chung thì mẫu gương đẹp nhất đó chính là cộng đoàn Jerusalem tiên khởi.
2. Mẫu gương hiệp thông của cộng đoàn Jerusalem tiên khởi
Đời sống tu trì trong suốt chiều dài lịch sử của Giáo hội đã trải qua biết bao thăng trầm, có lúc thịnh, lúc suy, nhưng ở bất cứ thời điểm nào thì cộng đoàn Jerusalem vẫn luôn là khuôn mẫu lý tưởng. Công đồng Vaticano II nhắc nhở mỗi người chúng ta: “Đời sống chung trong cầu nguyện và chia sẻ cùng một tinh thần nên được duy trì theo gương Giáo hội sơ khai, nơi đó cộng đoàn các tín hữu chỉ có một lòng và một linh hồn” (PC 15). Sự hợp nhất “một lòng một linh hồn” tràn ngập trong sách Công vụ Tông đồ khi mô tả về cộng đoàn Jerusalem.
Thánh sử Luca đã mô tả rằng: “Khi ngày lễ Ngũ Tuần đến, tất cả các ông tụ họp ở một nơi” (Cv 2,1). Ở Cv 2,44: “Tất cả các tín hữu hiệp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung”, ở Cv 2, 46: “Ngày ngày họ chuyên cần đến đền thờ, họ cử hành lễ bẻ bánh tại tư gia”, chỗ khác thì nói: “Họ đồng tâm nhất trí dâng lời cầu xin lên Thiên Chúa” (Cv 4,24), và họ còn: “Họp nhau tại hành lang gọi là hành lang Salomon” (Cv 5,12).
Sự hiệp thông không chỉ thể hiện ở “một lòng, một ý” nhưng nó còn thể hiện ra bên ngoài và trước hết qua việc hiệp thông chia sẻ của cải. Sự hiệp thông chia sẻ của cải này của các môn đệ cho chúng ta thấy rằng, với những người theo Chúa Kitô, của cải không được trở thành nguyên nhân của sự chia rẽ, nhưng là phương tiện để đến với nhau, để thúc đẩy sự hiệp nhất huynh đệ. Của cải không phải là căn nguyên của khác biệt nhưng phải là phương thế kiến tạo sự bình đẳng[5].
Trên hết, sự hiệp thông của các thành viên được nuôi dưỡng nhờ cử hành Thánh Thể thường xuyên và cùng nhau cầu nguyện. Sự nên một của các môn đệ được diễn tả và củng cố thêm một cách đặc biệt mỗi lần họ quy tụ trước mặt Chúa, đó là khi họ cùng nhau đến đền thờ (x. Cv 2,46; 5,12) hay cầu nguyện với nhau (x. Cv 1,14; 4,24). Sự hợp nhất của họ được củng cố từng ngày như Lời Chúa mà họ đón nhận qua giáo huấn của các tông đồ, và nhờ Thánh Thể mà họ thường xuyên cử hành.[6] Một con người mà luôn luôn thao thức cho mỗi cộng đoàn thời sơ khai được yêu thương, hiệp nhất với nhau không ai khác đó chính là vị Tông đồ dân ngoại.
3. Giáo huấn của thánh Phaolô về sự hiệp thông
Thánh Phaolô được xem là thầy dạy đức ái. Bởi vì đức ái là một chủ đề bao quát và được lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong các thư của ngài. Thánh Phaolô đã dạy các tín hữu về sự yêu thương giũa các mối tương quan trong cộng đoàn, chẳng hạn: “Hãy thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12,10). Ai yêu thương tha nhân là chu toàn lề luật: “Hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả lề luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Gl 5,13-14). Chính vì thế, trong một cộng đoàn mọi người cần phải “mang lấy gánh nặng cho nhau” (Gl 6,2).[7]
Mang gánh nặng cho nhau không chỉ có quan tâm, giúp đỡ anh em nhưng là còn chấp nhận tất cả những thiếu sót và giới hạn của anh em. Mọi người chấp nhận những khuyết điểm và sai sót của người khác. Không nên phản ứng một cách thái quá trước các khuyết điểm của người anh em, điều đó dễ gây tổn thương và làm cho các vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Anh em đừng lấy ác báo ác, nhưng phải giúp đỡ ngay cả khi anh em xúc phạm mình và để sống hòa thuận với nhau thì hãy làm tất cả những gì mà anh em có thể làm được, như vậy là lấy thiện báo ác (x. Rm 12,17-21).
Yêu thương không chỉ là yêu thương những người yêu thương mình nhưng còn đối với những người xúc phạm đến mình nữa. Chịu đựng và tha thứ cho nhau là bổn phận của mỗi người (x. Cl 3,13-14). Thánh Phaolô cũng đã nhắc lại lời Chúa Giêsu khi ngài khuyên: “Anh em thân mến, nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy sửa dạy người ấy một cách nhẹ nhàng” (Gl 6,1).
Thánh Phaolô còn khuyên nhủ giáo đoàn ở Philipphe phải sống và cử hành một cuộc sống mới và phong phú với một trái tim, một tinh thần, một linh hồn. Những con người rất khác nhau, yêu thương nhau và cùng hướng về Thiên Chúa là tình yêu (x. Pl 2,1-4). Thánh Phaolô còn đưa ra đề nghị về đời sống cộng đoàn khi ngài nói: “Ước gì ơn bình an của Đức Kỉtô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó” (Cl 3,15). Chính Đức Kitô đã quy tụ tất cả thành một cộng đoàn, chính vì thế đời sống của các cộng đoàn tu trì phải là gương mẫu cho những người tiếp xúc. Các cộng đoàn phải bày tỏ cho mọi người thấy rằng, bình an của Đức Kitô tồn tại trong cộng đoàn. Bình an này bao hàm bình an với người thân cận, nên mọi người phải tha thứ cho nhau, tránh các xung đột và điều chỉnh hành vi. Thánh Phaolô còn khuyên dạy không được nói xấu, chỉ trích, buông lời độc địa với anh em mình, nhưng phải nói những điều thiện để xây dựng cho nhau (x. Ep 4,29; 1Tm 3,11; 2Tm 3,3).
Trong đời sống cộng đoàn, mọi người phải yêu thương, vui mừng, bình an, kiên nhẫn và nhân hậu. Đây chính là những hoa quả đời sống trong Thánh Thần mà thánh Phaolô đã nhắc tới (x. Gl 5,22). Thánh Phaolô còn chỉ ra các đức tính cần phải có trong một đời sống chung tốt đẹp đó là: thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Ngoài ra còn phải tha thứ và có lòng bác ái (x. Cl 3,12-14).
Là con người thì ai cũng cần có nhu cầu trong cuộc sống. Trong cộng đoàn cũng vậy, mỗi một thành viên đều có những nhu cầu khác nhau. Đức bác ái cần phải được vươn tới những người cần được quan tâm hơn, đặc biệt là những người lớn tuổi, người bệnh tật. Thánh Phaolô khuyên nhủ mọi người hãy nhìn nhu cầu của người khác như nhu cầu của chính mình và hãy quảng đại (x. Rm 12,13). Chúng ta phải “chấp nhận lẫn nhau” (Rm 15,7), “nâng đỡ nhau trong yêu thương” (Ep 4,2; x. Rm 15,2) và “thương mến nhau với tình huynh đệ” (Rm 12,10)[8].
Đời sống cộng đoàn đòi hỏi sự hiệp thông huynh đệ và sự liên đới giữa các thành viên. Sự hiệp thông và liên đới này bao hàm sự chịu đựng lẫn nhau, chăm sóc nhau, giúp đỡ những người có nhu cầu (x. Rm 12,13), chia sẻ niềm vui lẫn nỗi buồn cho nhau (x. Rm 12,15), khích lệ, củng cố và hỗ trợ nhau (x. 1Tx 5,11-14). Mọi người trong cộng đoàn chu toàn lề luật yêu thương mà Đức Giêsu Kitô ban cho bằng cách giúp đỡ lẫn nhau và mang gánh nặng cho nhau (x. Gl 6,2)[9].
II. HIỆP THÔNG TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN ĐAN TU
Sự hiệp thông trong đời sống tu trì không chỉ là mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, con người với nhau mà còn là mối tương quan giữa cá nhân và tập thể nữa. Hơn nữa, trong đời sống đan tu, sự hiệp thông với nhau được thể hiện rõ nét trong các sinh hoạt chung như: cầu nguyện và lao động.
1. Hiệp thông trong cầu nguyện
a. Qua Thánh Lễ
Thánh Lễ gồm hai phần chính, đó là Lời Chúa và Thánh Thể, đây được xem như là hai nguồn lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng và củng cố đời sống cộng đoàn. Nơi bàn tiệc Lời Chúa, chúng ta sẽ thấm nhuần tinh thần Tin Mừng. Nơi bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta khám phá ra Đức Kitô hiện diện rất sống động và chúng ta được diễm phúc kết hợp nên một với Người. Theo tài liệu Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Giáo hội, và do đó cũng là của đời sống cộng đoàn tu trì. Tông huấn Vita Consecrata khẳng định: “Thánh Thể chứa đựng toàn bộ gia sản thiêng liêng của Giáo hội, đó là chính Chúa Kitô, lễ vượt qua và bánh hằng sống của chúng ta…Đây là trung tâm của đời sống Giáo hội và cũng là của đời sống thánh hiến” (95b).
Cha Augustine Roberts đã nói về tầm quan trọng của Thánh Lễ như sau: Ơn cứu độ phổ quát nơi Đức Kitô được miêu tả và đạt được qua Bí tích Thánh Thể là trung tâm điểm của phụng vụ và toàn thể đời sống của người Kitô hữu. Tính chất này thể hiện rõ ràng nhất nơi Thánh Lễ của cộng đoàn đan tu. Thánh Lễ liên kết mọi thành viên trong đan viện và hiệp nhất họ lại với nhau trong Mình và Máu Đức Giêsu Kitô. Chính vì thế các đan sĩ cần phải siêng năng lãnh nhận Bí tích để chuẩn bị cho bản thân cuộc gặp gỡ với Đức Kitô để cảm nhận ơn Chúa. Chính điều này Thánh Lễ trở thành trọng tâm của ngày sống đan tu. Thật là một lỗi nghiêm trọng khi một thành viên bỏ tham dự Thánh Lễ nhiều lần mà không có lý do chính đáng. Chính tình yêu mời gọi chúng ta đến gần với Đức Kitô. Người tới gặp chúng ta, hoàn thành nơi chúng ta mầu nhiệm và công cuộc hiệp nhất cứu chuộc của Người[10].
Trong Thánh Lễ, người đan sĩ tìm được nguyên nhân hiện hữu của mình: đó là làm vinh danh Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Đây như là một cách thể hiện đức ái hoàn hảo trong sự hiệp nhất với Đức Kitô và Giáo hội. Mặt khác, đây là đặc tính riêng của đời sống đan sĩ, đó là tìm kiếm Thiên Chúa. Chính trong Thánh Lễ mà các đan sĩ gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình qua Đức Giêsu Kitô. Qua Thánh Lễ, các đan sĩ xác định được chương trình sống của mình, đó là lắng nghe Lời Chúa và tự hiến sự hiệp nhất với Đức Giêsu Kitô, và trong sự hiệp nhất đó để cùng với Ngài hiến mình cho tha nhân. Các đan sĩ cần tham dự Thánh Lễ hằng ngày để nuôi dưỡng sự hiệp nhất đó với Đức Giêsu Kitô. Họ phải vun trồng sự sống thiêng liêng của bản thân và tăng sức cho linh hồn bằng những sự canh tân đời sống hằng ngày[11]. Nếu như Thánh Lễ là chóp đỉnh của phụng vụ thì qua các giờ kinh Thần vụ, các đan sĩ cảm nghiệm niềm hạnh phúc được ca hát, ngợi khen Thiên Chúa tình yêu. Giờ cử hành Thần vụ thể hiện cái đẹp, sự hiệp nhất trong cộng đoàn.
b. Qua các giờ kinh Thần vụ
Thánh Biển Đức gọi các giờ kinh Thần vụ là “Việc của Chúa” (TL 22), đây là một công việc đặc biệt trong một Đan viện. Bởi vì các giờ kinh Thần vụ diễn tả căn tính sâu xa của Đan viện, là một Đan viện ngợi khen Thiên Chúa nhân danh Giáo hội và thế giới[12]. Trong tất cả các công việc và mọi tổ chức của đời sống đan tu, không gì có thể được đặt ngang hàng hay quan trọng như “Opus Dei – Việc của Chúa”. Tất cả đều được quy hướng về “việc của Thiên Chúa”. Mặc dù các giờ kinh Thần vụ quan trọng như thế, nhưng không theo nghĩa là cộng đoàn đan tu tồn tại cho các giờ kinh Thần vụ; nhưng theo nghĩa các giờ kinh Thần vụ là biểu lộ của sự hiệp nhất và chia sẻ đời sống cầu nguyện của cộng đoàn. Trong các giờ kinh Thần vụ, cộng đoàn “nhất tâm phụng sự Chúa” (PC 7). Các giờ kinh Thần vụ không khác gì hơn là để vinh danh Thiên Chúa, và để trao ban ân sủng đặc biệt mà đời sống đan tu chuyển trao cho Giáo hội.
Bởi vậy, tất cả thành viên trong cộng đoàn phải có nghĩa vụ tham gia đầy đủ các giờ kinh Thần vụ chung với cộng đoàn. Đối với các đan sĩ, các giờ kinh Thần vụ là bắt buộc vì các đan sĩ đã cam kết hiến mình để cử hành các giờ kinh Thần vụ thay cho Giáo hội. Các đan sĩ sẽ lỗi lời khấn canh tân nếu thường xuyên vắng mặt trong các giờ kinh nếu không có lý do chính đáng[13]. Kinh Thần vụ chính là một trong những chiều kích mà đời sống đan tu mời gọi đan sĩ sống chiều kích cộng đoàn. Chính trong khung cảnh cầu nguyện này mà các thành viên khám phá ra chiều kích cộng đoàn là gì. Bởi vì đây chính là mối dây liên kết hiệp thông được bày tỏ cách rõ ràng nhất trong đời sống cộng đoàn. Chỉ nơi đây, các thành viên mới có thể diễn tả một lòng một ý với nhau qua tiếng hát ngợi khen Thiên Chúa[14]. Kinh Thần vụ dù được đọc hay hát chung cũng là một hình thức diễn tả sự hiệp thông trong đức ái, và sự tôn thờ của những con người tìm kiếm thánh nhan Thiên Chúa (x. SC 90)[15]. Cũng chính trong lúc hát Thánh vịnh, các thành viên tìm được sự hiệp thông với nhau trong trách nhiệm, có được sự huấn luyện về phụng vụ và Kinh Thánh: “Trong cách đó tâm trí chúng ta hoà hợp với lời ca” (x. TL 19).
Cha tổ phụ Henri Denis Thuận nói về tầm quan trọng của phụng vụ như sau: “Đọc kinh hát lễ thay cho cả Hội Thánh thờ phượng, ca ngợi Chúa, cũng như quân lính hằng canh thức luôn. Thế gian lo tìm bạc tiền, lo vui chơi ngủ nghỉ, chúng ta như lính phải canh thức luôn mà cầu nguyện thay mặt Hội Thánh” (DN, 139). “Thay mặt Hội Thánh” có nghĩa là hiệp thông với Hội Thánh, nhân danh Hội Thánh, để cử hành phụng vụ. Đây là một hoạt động mang lại lợi ích lớn nhất cho Giáo Hội[16]. Một khi đan sĩ đã cùng nhau chia sẻ huynh đệ cách chân tình với nhau, thì họ cũng sẽ dễ dàng sẻ chia với anh em qua các phận vụ hằng ngày trong lao tác.
2. Hiệp thông qua lao tác
a. Qua lao động chân tay
Trong tông hiến về Đời Sống của các Nữ Tu Chiêm Niệm, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhắn nhủ các đan sĩ: “Qua việc lao động, các con chia sẻ công việc của Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá đang lao tác trong thế giới…Cụ thể, việc lao động cho thấy một sự liên đới với người nghèo” (Số 32). Lao động là yếu tố căn bản của đời sống đan tu. Các Đan viện cố gắng độc lập kinh tế, phần nào giảm bớt sự trợ giúp từ bên ngoài. Các đan sĩ làm việc để tự nuôi sống bản thân và cộng đoàn nhằm giảm sự phụ thuộc và giúp đỡ của ân nhân. Như lời cha thánh Biển Đức nhắc nhở: “Khi họ sống bằng thành quả lao động của chính họ như các tổ phụ và các tông đồ, lúc đó họ mới thực sự là đan sĩ” (TL 48,8). Như vậy, tất cả các đan sĩ về cơ bản phải tự nuôi sống mình và độc lập khỏi sự giúp đỡ của người bên ngoài[17]. Qua lao động, các đan sĩ tham gia vào công việc sáng tạo của Thiên Chúa. Hơn thế nữa, khi các đan sĩ kết hiệp với Đức Kitô thì họ có thể cứu độ thế giới bằng công việc của bản thân. Thánh phụ Biển Đức đã nói lên điều này trong chương 57 của Tu luật: “Để trong mọi sự Thiên Chúa được tôn vinh” (TL 57, 9).
Lao động cũng là một hình thức cầu nguyện. Chính trong lao động người đan sĩ tìm thấy sự gặp gỡ với Thiên Chúa qua tình yêu. Đây là điểm hội tụ với trái tim đầy tình yêu. Chính trong tình yêu này mà mỗi đan sĩ phục vụ cộng đoàn đến quên mình. Đây cũng là dấu chỉ của sự hiệp thông, trong mối tương quan với người khác, một dấu chỉ của dâng hiến, của tình yêu. Khi cầu nguyện và lao động hoà quyện vào nhau, các đan sĩ sẽ thấy rõ sự hiện diện của Chúa trong Đan viện[18]. Cha Tổ Phụ đã gọi đan viện là gia đình: “Mạnh khoẻ thì làm việc nặng, yếu thì làm việc nhẹ. Xét trong một gia thất thì thấy rõ việc ấy, không cần phải nói dài lời. Nhà dòng này là một Gia Thất, cha con, anh em thương yêu nhau, giúp đỡ nhau” (DN, 139).
b. Học hành và đọc sách thiêng liêng
Trong chương 38 của Tu luật, thánh Biển Đức còn khuyên nhủ anh em phải học hành và đọc sách thiêng liêng mỗi ngày để nuôi dưỡng đời sống các đan sĩ. Học hành và đọc sách tạo cho con người đan sĩ mối dây hiệp thông với Thiên Chúa, tha nhân và chính bản thân mình[19]. Trong Tu luật chương 48, thánh phụ Biển Đức nhắc nhở cần phân biệt đọc sách thiêng liêng với các loại sách khác, mà sách thiêng liêng đó chính là Kinh Thánh. Viện phụ và những người có trách nhiệm cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho các đan sĩ có thể tiếp nhận Lời Chúa: nghe đọc sách ở nhà cơm, trong nhà hội, giờ học ở nhà tập, nghe thuyết trình, các đợt tĩnh tâm, tĩnh huấn và những lời nhắn nhủ sớm tối của Viện phụ. Trong việc học hành và đọc sách thiêng liêng, thánh Biển Đức nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Linh làm việc trong tâm hồn của mỗi đan sĩ. Những gì mà người đan sĩ tiếp thu được vào trong đầu óc mình sẽ đi vào trong con tim, trong mạch máu và trở thành sức sống nhiệm mầu[20].
Việc học các môn triết học và thần học giúp cho người đan sĩ có thể hiểu được đúng ý muốn của Thiên Chúa trong Kinh Thánh. Việc học hỏi Lời Chúa giúp cho các đan sĩ nghe tiếng mời gọi của Thiên Chúa, tham gia vào trường học phụng sự Thiên Chúa mà thánh Biển Đức đã thiết lập. Nơi trường học ấy, các đan sĩ cố gắng học tập và trau dồi Lời Chúa để trở thành những khí cụ để rèn luyện đức tin, đức mến và củng cố lòng cậy trông (TL, Lời mở). Ngoài ra môn học Kinh Thánh là điều thiết yếu cho việc đọc sách thiêng liêng. Bản văn Kinh Thánh chính là đối tượng chính của việc đọc sách. Việc học tập và đọc sách thiêng liêng có tầm ảnh hưởng đến đời sống của người đan sĩ để tiến đến giai đoạn chiêm niệm mà kết hợp với Thiên Chúa[21]. Cộng đoàn là dấu chỉ của sự hiệp thông nhưng cũng luôn tồn tại những khó khăn, tuy được thánh hiến nhưng người đan sĩ vẫn còn đó những yếu đuối, giới hạn của kiếp người.
3. Một số trở ngại và hướng giải quyết
Trong cộng đoàn tu trì, không thiếu và cũng chẳng bao giờ hết được những sự đụng chạm làm tổn thương nhau. Điều này cũng dễ hiểu, bởi khi mỗi thành viên gia nhập cộng đoàn đều mang trong mình những góc cạnh rất cụ thể: Văn hoá, tập quán, lối sống địa phương và một chuỗi dài của lịch sử cá nhân. Điều này cũng đã xảy ra ở các cộng đoàn mà thánh Phaolô thiết lập, ngài khuyên mỗi người hãy lấy lòng thương xót mà đối xử với nhau. Ngài nói: Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô (x. Ep 4,26-32; Cl 3,13-14); “Hãy chúc lành cho người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa” (Rm 12,14).
Hơn nữa, trong đời sống chung của cộng đoàn, người ta thường dễ rơi vào tình trạng nói xấu, xầm xì nhau nên đã dẫn tới hậu quả là những vết thương tinh thần khó mà hàn gắn được. Về điều này, thánh Phaolô nhắc nhở: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe” (Ep 4,29). Để tình anh em được gắn kết cần phải xây dựng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, mà hoa quả của Chúa Thánh Thần là: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22-23). Có được như vậy là bởi vì: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế anh em phải có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14-15).
Thánh Phaolô còn nhấn mạnh rằng: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8). Như thế, sự đụng chạm luôn trái ngược với hiệp thông và yêu thương, bởi vì hiệp thông và yêu thương thì chịu đựng những khuyết điểm, những thiếu sót, những lầm lỗi nơi người anh em để quan tâm và tha thứ. Thánh Phaolô mong muốn mỗi người chúng ta: “Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó” (Cl 3,15). Chính bởi bình an của Đức Kitô giúp chúng ta đẩy xa những xung đột, cãi vã, ganh tị hầu chấp nhận những khác biệt và kiến tạo sự hiệp thông.
Một trong những khó khăn mà cộng đoàn phải đương đầu nữa đó là sự khác biệt giữa già và trẻ. Người trẻ thường hiếu động, sốt sắng, nhiệt tình, chấp nhận những ý tưởng tiến bộ và những phương pháp mới. Trái lại, các thành phần lớn tuổi hơn thường gắn bó với những truyền thống đến nỗi ngờ vực tất cả mọi cái mới. Trong thời của thánh Phaolô cũng có “những người mạnh”, hiểu biết hơn về tôn giáo, và “những người yếu” tin rằng họ phải đi theo đường lối suy nghĩ và hành động cũ. Thánh Phaolô khuyên nhủ cả hai nhóm đừng xét đoán lẫn nhau (x. Rm 14,1-5). Đừng ai “đi quá mức khi đánh giá mình” (Rm 12,3).[22] Cha Tổ Phụ cũng có cùng một ý hướng như thánh Phao lô khi đưa ra một số điều khuyên dạy như: cùng vui cùng buồn, yêu thương phục vụ, đừng xét đoán, nhịn nhục, giúp đỡ nhau (x. LGH 16, 49), đừng lợi dụng việc bổn phận mà làm cực anh em, xét ý lành cho nhau thì có ích luôn (x. LGH 17), không khinh dể phân bì nhau (x. LGH 19), đừng xét đoán ai, đừng nói lời phiền lòng ai, cư xử với mọi người cách dịu dàng thương mến, hết sức giúp đỡ nhau và làm vui lòng mọi người (x. LGH 6).
III. KẾT LUẬN
Đời sống cộng đoàn là nét đặc thù của đời tu. Cộng đoàn là một gia đình thiêng liêng gắn kết chúng ta lại thành anh em. Trong gia đình này, mọi người nhất tâm phụng sự Chúa và yêu thương nhau. Chúng ta tin Chúa Kitô hiện diện trong cộng đoàn, Ngài làm chủ mọi hoạt động của mỗi cá nhân và cộng đoàn. Đời sống huynh đệ là nơi tốt nhất để đón nhận ý Chúa, để cùng nhau tiến bước một lòng một ý với nhau, cho dù có những khác biệt mà vẫn tôn trọng nét độc đáo của mỗi cá nhân.
Đời sống cộng đoàn đòi hỏi chúng ta phải tham dự các giờ chung một cách đầy đủ với tâm hồn vui tươi, đòi hỏi chúng ta luôn sống mối tương quan huynh đệ hoà hợp với mọi người. Từ đó, đời sống cộng đoàn phát sinh năng lực tông đồ mãnh liệt như nắm men âm thầm nhưng làm dậy cả khối bột. Được sống trong vòng tay yêu thương của cộng đoàn nhưng nhiều khi chúng ta vẫn có những cám dỗ hướng về bên ngoài. Chúng ta vắng mặt trong các giờ chung hoặc thường xuyên đến trễ. Lời Chúa là của nuôi linh hồn người đan sĩ, để đan sĩ ngày càng trở nên con người của Thiên Chúa, cảm nghiệm rõ hơn sự hiện diện và thánh ý của Người, nhưng chúng ta lại lơ là với việc đọc sách thiêng liêng. Lao động cộng tác vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa, làm quân bình thể xác và tinh thần, để nuôi sống bản thân, nhưng đôi khi chúng ta cũng lười biếng, không nhiệt tình. Giờ cơm còn được nuôi dưỡng bằng việc nghe đọc sách nhưng chúng ta lại thích ăn cơm trước hoặc sau cộng đoàn. Trong tương quan huynh đệ, chúng ta dễ xét đoán, khó tha thứ cho nhau. Chính vì vậy mà cần phải có “xi-măng bác ái”, đó là chất keo liên kết mỗi phần tử trong cộng đoàn. Lời bài hát Niềm vui trong nhà Chúa của cố Viện phụ Ignatio Loyola Trần Ngân như nhắc nhở chúng ta hãy liên đới với nhau bằng tình yêu thương: “Niềm vui trong nhà Chúa, yêu Chúa mến yêu mọi người, niềm vui trong hy sinh, của lễ hiến dâng trọn tình. Yêu nhau thật là vui chấp nhận người anh em cùng chung sống…”. Nhờ đức ái mà chúng ta dễ chấp nhận nhau, tương trợ lẫn nhau, hy sinh cho nhau trong đời sống chung sẽ đem lại niềm vui và tình yêu thương.
Chắc chắn rằng, mỗi thành viên trong cộng đoàn không ai giống ai, không ai như ai về phong cách, về trình độ văn hoá hay suy nghĩ. Tuy có cùng một mẫu số chung là tình yêu dành cho Đức Kitô, nhưng thái độ và cách thể hiện tình yêu của từng người lại khác nhau, mỗi người đều có những cái khác biệt để biểu hiện tình yêu đó. Những khác biệt càng làm cho bức tranh tuyệt đẹp với nhiều màu sắc. Mong sao mỗi thành phần trong cộng đoàn luôn biết đón nhận những màu sắc, những nét văn hoá của những cá nhân khác, và ngược lại cộng đoàn cũng biết chấp nhận cái nét riêng, cái đặc trưng của từng cá nhân để xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương nhau.
________________________________
[1] Từ Điển Công Giáo, Nxb Tôn giáo, tr. 158.
[2] J. DHEILLY, Từ Điển Kinh Thánh, tập II, Desclée, 1993, tr. 723.
[3] Sđd, tr. 72.
[4] Hạt Giống Chiêm Niệm, số 12, tháng 1 năm 2013, tr. 36-37.
[5] X. Lm. SAMUEL H. CANILANG, CMF, Linh Đạo Hiệp Thông, Nxb Claratian, Philippines, tr. 33
[6] X. Lm. SAMUEL H. CANILANG, CMF, Sđd, tr. 33.
[7] Dr. GEORGE KAITHOLIL, SSP, Hiệp Thông Trong Cộng Đoàn, Nxb Phương Đông 2007, tr. 91-92.
[8] Dr. GEORGE KAITHOLIL, SSP, Sđd, tr. 102-103.
[9] Dr. GEORGE KAITHOLIL, SSP, Sđd, tr. 106-107.
[10] Lm. AUGUSTINE ROBERTS, OCSO, Đặt Nền Tảng Trên Đức Kitô, chuyển ngữ Gioan Tân Phạm Văn Toàn, O.Cist, Nxb Cistercian publication 2005, tr. 100.
[11] Lm. ÊLIÔ GAMBAVI, SMM, JCD, Đời Tu Dưới Ánh Sáng Công Đồng Vaticano II và Giáo Luật (quyển II), chuyển ngữ Matthia Ngọc Đính, 2000, tr. 48-49
[12] Lm. AUGUSTINE ROBERTS, OCSO, Đặt Nền Tảng Trên Đức Kitô, chuyển ngữ Gioan Tân Phạm Văn Toàn, O.Cist, Nxb Cistercian publication 2005, tr. 101.
[13] Lm. AUGUSTINE ROBERTS, OCSC, Sđd, tr. 102.
[14] Lm. AUGUSTINE ROBERTS, OCSC, Sđd, tr. 103.
[15] Công đồng Vaticano II, Sắc Lệnh Về Phụng Vụ Thánh - Sacrosanctum Concilium, 1963.
[16] X. Công Đồng Vaticano II, Đức Ái Hoàn Hảo, số 7.
[17] Lm. AUGUSTINE ROBERTS, OCSO, Đặt Nền Tảng Trên Đức Kitô, chuyển ngữ Gioan Tân Phạm Văn Toàn, O.Cist, Nxb Cistercian publication 2005, tr. 122-123.
[18] CHARLES CUMMINGS, OCSO, Thực Hành Đời Đan Tu (quyển thượng), chuyển ngữ Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Thiên Phước, 2009.
[19] Lm. GIOAN KIM KHẨU NGUYỄN VĂN NAM, O.Cist, Giáo Trình Linh Đạo Đan Tu, Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Thiên Phước 2021, tr. 206.
[20] Lm. ĐAN MINH TRẦN MINH CÔNG, Đời Sống Đan Tu và Lý Tưởng Phúc Âm, Thần học tu đức (tủ sách), 1996, tr. 269-270.
[21] Lm. ĐAN MINH TRẦN MINH CÔNG, Đời Sống Đan Tu và Lý Tưởng Phúc Âm, Thần học tu đức (tủ sách), 1996, tr. 271-272.
[22] Dr. GEORGE KAITHOLIL, SSP, Hiệp Thông Trong Cộng Đoàn, Nxb Phương Đông 2007, tr. 101-102.
-
Trí tuệ nhân tạo & giảng thuyết (29/10)
-
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 61 năm 2024 (21/03)
-
Thư Thánh Bộ Các Tu Hội Sống Đời Thánh Hiến về Năm Thánh 2025 (26/11)
-
Linh mục triều và dòng có gì khác? (23/11)
-
Hiệp hành và đời sống đan tu: một kinh nghiệm được Chúa Thánh Thần truyền ban (21/10)
-
Thư của Bộ Tu Sĩ nhân dịp cử hành Ngày Đời Sống Thánh Hiến lần thứ XXVII (02.02.2023) (31/01)
-
Những tư tưởng tâm huyết của Đức Thánh Cha về linh mục (15/11)
-
CHÂN LÝ SẼ GIẢI THOÁT CHÚNG TA (21/09)
-
KHÁM PHÁ SỰ THINH LẶNG: 5 CÁCH THẾ ĐỂ RA KHỎI SỰ ỒN ÀO KỸ THUẬT SỐ (01/09)
-
QUẢN TRỊ, CHUYỂN NHƯỢNG TÀI SẢN TRONG GIÁO PHẬN (01/09)