Đời sống thánh hiến
ĐAN SĨ SỐNG LỜI KHẤN VÂNG PHỤC TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY
ĐAN SĨ SỐNG LỜI KHẤN VÂNG PHỤC TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY
M. Leo Nguyễn Thành Trung
Dẫn nhập
Nhìn lại dòng lịch sử, ta thấy đời sống tu trì đã có từ rất lâu, mang nhiều sắc thái độc đáo và phong phú. Công đồng Vatican II, trong sắc lệnh Perfectae caritatis cho rằng: “Nhờ giữ lời khấn vâng phục, các tu sĩ tận hiến ý muốn mình như của lễ bản thân dâng lên Thiên Chúa, nhờ đó họ được kết hợp với ý muốn cứu rỗi của Ngài cách kiên trì và chắc chắn hơn”[1]. Người sống đời thánh hiến chấp nhận từ bỏ cái tôi từng ngày để khuôn đúc mình nên giống Thầy chí thánh bằng việc lắng nghe, tuân phục tự nguyện quyền bính hay qui chế.
Nhưng trong thời đại hôm nay, một thời đại đang đề cao quyền tự do, chủ nghĩa cá nhân, quý chuộng vật chất, thì dường như việc tuân giữ lời khấn vâng phục đang là một khó khăn thử thách cho người tu sĩ. Bởi vì trong đời sống dâng hiến, có người chỉ biết vâng lời một cách qua loa, với hình thức bề ngoài, vâng lời bằng mặt chứ không bằng lòng và chưa đi vào chiều sâu của sự vâng phục. Vậy thì những thách đố đó đến từ đâu và có những phương thế nào để giúp người tu sĩ nói chung và các đan sĩ nói riêng sống tốt lời khấn Vâng Phục?
I. Đôi nét về Vâng phục
1. Một vài khái niệm
a. Lời khấn là gì? Giáo luật năm 1983, số 1191 § 1 định nghĩa: “Lời khấn là lời hứa cách ý thức và thong dong đối với Thiên Chúa, về một điều thiện tốt hơn và có thể thi hành được.” Áp dụng vào đời tu, ta có thể nói rằng khấn có nghĩa là hứa với Chúa sẽ tuân giữ ba lời khuyên phúc âm: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục.
b. Lời khấn Vâng phục là thề hứa cùng Chúa vâng phục các bề trên hợp pháp của Tu hội, trong tất cả những gì trực tiếp hay gián tiếp liên hệ tới việc tuân giữ Tu Luật và Hiến Pháp của Tu hội khi ngài nhân danh đức vâng lời mà truyền dạy hay ngăn cấm. [2] Nói “thề hứa với Chúa” vì tuy rằng bề trên nhân danh Chúa, nhân danh Tu hội nhận lời khấn, nhưng thực sự không thề hứa với bề trên, chỉ thề hứa với Chúa. Chính tại đoan thệ với Chúa, bản chất lời khấn mới thành tựu.
c. Nhân đức Vâng phục là gì? Là thực hiện thánh ý của Thiên Chúa thông qua việc thi hành ý muốn của bề trên cách mau lẹ, tinh ròng và đơn sơ.[3] Do đó, khi vâng lời chỉ vì luật buộc, chỉ vì muốn lấy lòng bề trên, vì muốn được tiếng khen, chứ không nhằm thực hiện thánh ý Thiên Chúa, thì sự vâng lời đó không phải là nhân đức vâng phục, mà chỉ là sự vâng phục tự nhiên mà thôi.
d. Bề trên chính quyền hay hợp pháp là ai? [4] Bề trên hợp pháp gồm Đức Thánh Cha; thánh Bộ tu sĩ; đại hội toàn dòng Xitô bao gồm bề trên cả với hội đồng tư vấn của ngài; tổng hội; bề trên hội trưởng với hội đồng tư vấn của ngài; bề trên nhà mẹ lúc tuần viếng và khi tạm coi sóc nhà con khi nhà con trống ngôi; bề trên nhất của mỗi nhà; bề trên nhì lúc ngài tạm quyền điều hành đan viện khi bề trên nhất đi vắng hoặc lúc trống ngôi (x. HP 19, §1, Tl 27).
2. Đặc tính của “Vâng phục”
a. Lời khấn Vâng phục chỉ ràng buộc đan sĩ với những bề trên hợp pháp của mình, chứ không phải với bất cứ ai khác[5]. Chẳng hạn như: người tu sĩ không buộc phải vâng phục một vị đan sĩ lớn tuổi nào đó, khi người đó bắt mình làm điều này điều kia. Lẽ dĩ nhiên, ta có thể vâng lời vì lòng yêu mến hay vì nể trọng, nhưng đó không phải là vâng phục theo nghĩa một lời khấn. Vì lời khấn vâng phục chỉ được bao hàm trong những gì “theo Hiến Pháp và Tu luật của dòng quy định.” Thông thường thì đó là những gì liên quan đến đời sống chung hay đến sứ mạng, các bài sai, những lúc chuyển đổi sứ mạng... Tuy nhiên, ngay cả khi bề trên không nhân danh đức vâng lời mà truyền lệnh, thì sự vâng lời của tu sĩ vẫn đặt trên nền tảng lời khấn và do đó mà công nghiệp được gia tăng. Chính vì thế mà đời sống đan sĩ được đánh dấu bằng đức vâng phục mà các đan sĩ đã tuyên khấn.
b. Vâng phục không trậm trễ
Ở chương V trong tu luật của mình, thánh Biển Đức xác nhận thái độ khiêm nhường và vâng phục của đan sĩ là: “Vâng phục không trậm trễ. Đó là nhân đức của những người không lấy gì làm hơn Chúa Kitô” (TL 5,1-2). Một khi đã thấm nhuần tinh thần khiêm tốn, đan sĩ nhận ra Chúa Kitô nơi viện phụ, vì ngài là người đại diện Chúa Kitô; đồng thời họ cũng nhận ra Chúa Kitô nơi anh em mình. Do đó, họ không ngần ngại thi hành lệnh truyền, vì đó là lệnh Chúa: “Vì nghĩa vụ thánh mà họ đã khấn hứa…, mong ước sự sống muôn đời, nên lệnh trên vừa ban ra, họ coi như từ Thiên Chúa và thi hành tức khắc…” (TL 5,3-4).
Sự vâng phục mau mắn và nhiệt tình không trậm trễ ở đây không phải là vâng lời tối mặt hay cách thụ động ấu trĩ thiếu suy nghĩ, nhưng là vì Chúa, vì lòng yêu mến Chúa, môn đệ vâng lời với cả lòng thành và con tim của mình. Điển hình là mẫu gương vâng phục của tổ phụ Abraham. Không phải ngẫu nhiên mà tổ phụ Abraham được tôn phong là cha của lòng tin và niềm hy vọng. Vì người mặc dù tuổi đã cao nhưng đã hoàn toàn vâng theo thánh ý Thiên Chúa mà rời bỏ quê hương đi đến một nơi mà người không hề biết, nơi đó Thiên Chúa chỉ nói: “Ta sẽ chỉ cho”. Có thể nói rằng sự vâng phục của tổ phụ Abraham đã đạt đến mức độ tuyệt đối xét trên khía cạnh đức tin, khi chính con một của mình là Isaac, ông cũng sát tế như lệnh Thiên Chúa truyền (x. St 22,16). Hiệu quả của việc thực hành đó là Thiên Chúa đã ban cho người một dòng dõi đông như sao trên trời và cát ngoài bãi biển (x. St 22,17).
c. Lỗi nhân đức Vâng phục khi nào?
Lỗi nhân đức vâng phục khi môn đệ vâng lời miễn cưỡng và phàn nàn, không những ngoài miệng mà cả trong lòng, thì dù có làm đúng lệnh truyền vẫn không thể đẹp lòng Chúa, vì Người thấu suốt tận đáy lòng kẻ kêu trách. Vâng lời như thế, họ chẳng được ơn ích gì, lại liều mình chuốc lấy hình phạt dành cho hạng người kêu trách, nếu không sửa mình và đền tội. [6] Vì suy cho cùng, lời khấn chỉ buộc việc bên ngoài, còn nhân đức quy về tình ý bên trong.
d. Lỗi cả nhân đức Vâng phục và lời khấn Vâng phục khi bề trên nhân danh đức vâng lời, truyền một ai đó làm hay không làm việc gì mà người đó bất tuân cách tỏ tường.[7]
3. Giá trị của “Vâng phục”
Đan viện phụ Hyderechios đã nói: “Đức vâng phục chính là báu vật đối với đan sĩ, vì người đan sĩ vâng phục là để được kết hiệp với Chúa Kitô, còn phận sự được yêu cầu chỉ là thứ yếu.”[8] Do đó, vâng phục có những giá trị sau đây:
a. Nhờ giữ đức Vâng phục, các đan sĩ tận hiến ý muốn mình như của lễ bản thân dâng lên Thiên Chúa. Nhờ đó, họ kết hợp được với ý muốn cứu rỗi của Ngài cách kiên trì và chắc chắn hơn như chính Chúa Kitô đã nêu gương cho chúng ta: “Vì tuân phục Chúa Cha, Người đã phục vụ anh em và đã hiến mạng sống để cứu chuộc mọi người.”[9] Cho nên giá trị thật sự khi tuân giữ các lời khấn không gì khác hơn là để làm vinh danh Chúa, đem lại niềm vui cho người được thánh hiến và ơn cứu độ cho thế giới.
b. Lời khấn vâng phục khi nhìn dưới lăng kính đức tin thì giúp thanh luyện chúng ta khỏi những quan điểm riêng tư cá nhân, giải thoát chúng ta khỏi những thiển cận nhân loại để đưa chúng ta vào quan điểm và đường lối của Thiên Chúa.[10]
c. Còn đối với đời sống chung trong cộng đoàn tu trì thì nếu không có sự vâng phục vị bề trên hợp pháp, cuộc sống trong cộng đoàn chắc chắn sẽ có nhiều xáo trộn. Sống trong một tập thể mà ai cũng muốn làm theo ý riêng của mình thì sẽ chẳng có trật tự gì. Đó sẽ không còn là đời sống cộng đoàn nữa. Sự vâng phục một bề trên giúp quy hướng mọi người về một mối, giúp tránh mọi nguy cơ chia rẽ và giúp đảm bảo ơn gọi của mỗi người.
d. Bên cạnh đó, các lời khấn nói chung và lời khấn vâng phục nói riêng còn xuất hiện như chứng nhân và người bạn luôn quan tâm, khích lệ và nhắc nhở cho đan sĩ phải cố gắng tiếp tục bước đi trên con đường mình đã lựa chọn.[11] Nó như thì thầm nhắc nhở: tôi đã quyết định theo đuổi đời sống thánh hiến, dù gian nan, khó khăn, trắc trở đến đâu, tôi vẫn phải can đảm bước đi đến cùng.
II. Những thách đố của lời khấn Vâng phục
1. Chủ nghĩa cá nhân
Người đan sĩ thời nay đang phải đối diện với những thách đố của thời đại. Sống giữa một thế giới mà người ta có khuynh hướng thích hưởng thụ, chỉ quan tâm đến việc cân đo đong đếm, nên hy sinh, bỏ mình là thiệt thòi… hậu quả là chỉ tôn trọng những gì là riêng tư cá nhân, coi nhẹ tính cộng đoàn. Từ đó đã làm cho người đan sĩ cũng muốn xây dựng bản thân theo phong cách riêng, theo chủ nghĩa cá nhân của mình, thích co cụm trên bản thân mình theo châm ngôn “sống chết mặc bay”, chỉ biết sống cho mình mà quên đi những mối tương quan với người khác. Đồng nghĩa với việc con người quá đề cao cái tôi của mình. Càng coi cái tôi của mình là quan trọng, càng đặt nặng cái tôi của mình, thì cái tôi ấy càng làm cho đan sĩ rất khó vâng lời bề trên khi lệnh truyền đụng chạm đến quyền lợi của mình.
Trong tiếng Việt, chữ “tội” được hình thành bởi chữ “tôi” và dấu “nặng”: “tôi nặng tội”. Điều ấy không phải là không có ý nghĩa. Tội lỗi được hình thành từ việc coi cái tôi của mình quá lớn. Và sự thánh thiện thì ngược lại, được hình thành từ việc coi nhẹ hay tự hủy cái tôi của mình đi. Cái tôi có chết đi, thì sự sống thần linh trong ta mới phát triển và sinh hoa kết trái được. Không chỉ có cái tôi mà thôi, một thách đố lớn không kém đó là tính kiêu căng nơi mỗi người.
2. Tính kiêu căng, nghĩ mình tài giỏi hơn người khác
Tito Calliander, một tín hữu Chính Thống giáo đã viết: “Làm sao một người có thể nhận được những lời khuyên, sự đào tạo, giúp đỡ, nếu y nghĩ rằng mình biết hết mọi sự, có thể làm mọi thứ và chẳng cần lời khuyên bảo nào cả? Không một tia sáng nào có thể xuyên qua được một bức tường tự mãn như thế: ‘Khốn thay những kẻ tự coi mình là khôn ngoan, và cho mình là thông minh’ (Is 5,21). Quả thật, xã hội hôm nay rất đề cao bằng cấp, có thể nói, khi đánh giá người khác, họ lại dựa trên bằng cấp, và trong giới tu sĩ thời đại này, cũng không ít những người có học vị rất cao, có khả năng hay tài giỏi hơn người khác về nhiều mặt.
Thế nhưng chuyện đáng nói là đã có nhiều người sống rất khiêm tốn, hòa đồng, cởi mở… tuy nhiên, cũng có những người lại rất tự mãn về những thành công của mình đã làm được điều này điều kia, họ tỏ ra kiêu ngạo, vênh vang và muốn thể hiện chính mình qua những thành công đó, họ làm cốt chỉ để khoe khoang và mưu tìm danh vọng cho bản thân… cho nên khi được bề trên góp ý, hay giao phó cho một công việc gì mà không như ý mình, hoặc quyết định một vấn đề gì đó mà ngược lại với quan điểm của mình (ấy là chưa kể đến việc vị bề trên này có nhiều điểm thua thiệt so với đương sự) thì rất khó cho đương sự có thể vâng phục một cách trọn vẹn. Chính vì vậy mà tự kiêu là một cản trở lớn làm cho người đan sĩ khó thực thi đức vâng lời một cách tốt nhất, đến độ thánh Phanxicô de Sales đã nói như sau: “Tính tự phụ kiêu căng nơi mỗi người chúng ta chỉ chết đi mười lăm phút sau khi ta đã chết.”
3. Thiếu sự đồng cảm hay cộng tác với bề trên
Vâng lời trong đời tu là một sự hy sinh liên lỉ, bỏ mình chứ không theo lối sống đụng tí là bực bội, bất mãn, bất chấp và bất cần. Đối với người đan sĩ, vâng phục là tham dự vào sự tuân phục của Đức Kitô đúng như Công đồng Vaticano II khẳng định: “Các tu sĩ lấy đức tin tuân phục các vị bề trên, đại diện Thiên Chúa, và nhờ các Ngài hướng dẫn, họ phục vụ mọi anh em trong Đức Kitô”. [12] Vâng phục của người đan sĩ không phải là hoàn toàn mất đi tự do cá nhân nhưng là biết phó thác và vâng theo thánh ý Chúa qua những vị hữu trách. Đức tuân phục ấy thay vì làm giảm bớt phẩm giá con người, thì lại làm cho con người trưởng thành bằng cách làm lớn mạnh quyền tự do làm con Thiên Chúa.
Thế nhưng, người đan sĩ hôm nay như muốn chọn một số điều luật để vâng giữ, còn những điều khác thì tự miễn chuẩn cho mình. Cũng có những dấu hiệu “muốn đối kháng” một cách rất êm dịu, như người ta vẫn thường nói “bằng mặt mà không bằng lòng.” Một lối sống như vậy cho thấy rằng: họ coi trọng ý kiến, suy nghĩ, quan điểm, cách nhận định của mình là đúng, là quan trọng. Đó phải chăng là một thái độ rất tầm thường, không có gì là siêu nhiên cả, không mở ra cho mình một lối sống biết đón nhận, lắng nghe, một lối sống dễ dạy, dễ bảo,… hay có thể nói không nhận ra chính Thiên Chúa đang hiện diện nơi những người có trách nhiệm. Đó đúng thực là một “đức tin đang chảy máu.”
Napoleon đã từng nói: “Kẻ thù lớn nhất của mỗi người là chính bản thân mình” quả là không sai chút nào. Bởi vì, khi đoan hứa sống đức vâng phục, người sống đời thánh hiến như đã “đụng chạm” sâu thẳm đến “cái tôi” của mình. Vậy ta phải làm sao để sống tốt lời khấn vâng phục đây?
III. Những phương thế để sống tốt lời khấn Vâng phục
1. Khiêm nhường
Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận đã nói: “Nếu khiết tịnh là chết cho nhục dục, thì vâng phục là chết cho ý riêng” (ĐHV 392). Muốn được như thế, là đan sĩ, chúng ta phải chịu chôn vùi cái TÔI của mình như hạt lúa bị vùi lấp dưới lòng đất mới mong đơm bông kết trái (Ga 12,24), mới có thể sống tốt lời khấn vâng phục và sống đúng căn tính của mình trong đời tu. Vì đức khiêm nhường giúp chúng ta nhận ra được những giới hạn của mình và rồi từ đó giúp chúng ta nhận ra rằng chúng ta phải luôn luôn tín thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, để Ngài yêu thương, che chở và dẫn dắt chúng ta. Chẳng hạn, trong dụ ngôn hai người lên đền thờ Giêrusalem cầu nguyện. Một người luôn ra vẻ ta đây đạo đức làm được nhiều việc tốt và chê bai người khác, còn người kia thì không dám ngước mắt nhìn Chúa cầu nguyện nhưng ở đằng xa nhìn nhận mọi tội lỗi và giới hạn của mình. Và khi ra về người biết nhìn nhận tội lỗi, giới hạn của mình thì không những được tha hết các tội mà còn được nhiều ơn ích, ngược lại người kia không những chẳng được gì mà còn mắc thêm tội.
Như vậy, khiêm tốn đích thật được xây dựng trên sự nhận biết phẩm giá của chúng ta là Kitô hữu, và phải biết rằng tất cả điều gì chúng ta có đều được nhận lãnh từ Thiên Chúa. Thế nhưng, khi bề trên giao cho mình phận vụ vượt quá khả năng hay sức lực của mình thì sao?
2. Vâng phục trong đối thoại
Trong tu luật chương 3 và 68, cha thánh Biển Đức đã lưu ý con cái mình rằng: “Anh em hãy góp ý với tất cả lòng khiêm tốn và tùng phục… Nếu thấy công việc vượt hẳn sức mình, hãy nhẫn nại và tìm cơ hội thuận tiện trình bày cùng bề trên lý do khiến mình không làm nổi, chớ kiêu căng chống lại hay phản đối” và “nếu sau khi đã trình bày mà bề trên vẫn giữ nguyên lệnh cũ, bề dưới hãy biết như thế thì ích lợi cho mình và lấy lòng yêu mến, cậy trông ơn Chúa giúp sức mà vâng lời.” Đức vâng phục trong đối thoại là một phương tiện để vâng phục tốt hơn. Mục đích khi trao đổi ý kiến không phải đi đến dân chủ, nhưng chỉ một cách đơn giản là khám phá ra ý muốn của Thiên Chúa và thiết lập mối tương quan giữa lợi ích chung của cộng đoàn, của Giáo hội và lợi ích thiêng liêng của cá nhân.[13] Như vậy, muốn sống trọn vẹn ý nghĩa đức vâng phục thánh hiến, các đan sĩ đặt ý chí tự do của mình vào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, nghĩa là sẵn sàng nói như Đức Kitô trong mọi nơi, mọi lúc: “Lạy Cha, này con xin đến để thực thi ý Cha” (Dt 10,7).
3. Vun trồng đời sống đức tin
Có thể nói đây là yếu tố quan trọng nhất, vì đức vâng phục của chúng ta không thể phát triển được nếu không có tinh thần đức tin. Người ta lớn mạnh trong tinh thần đức tin thế nào thì người ta cũng lớn mạnh trong tinh thần vâng phục như vậy. Tảng đá góc trong đức vâng phục đan tu chính là niềm thâm tín rằng, điều mà bề trên quyết định cũng là điều mà Thiên Chúa muốn nơi ta lúc này: “Ai nghe các con là nghe Ta” (Lc 10,16). Hay nói cách khác, đây chính là điều kiện cần thiết để đập bể lớp vỏ cứng của ý riêng chúng ta và để đạt tới miền đất phì nhiêu của bản ngã thâm sâu chúng ta trong một tấm lòng rộng mở cho Thiên Chúa.
Đó cũng chính là ý nghĩa sâu xa của "Đức Vâng phục" mà tất cả mọi Kitô hữu, đặc biệt những người được thánh hiến, được gọi mời sống và thực hiện qua cử chỉ của sự tự do tuyệt đối và của niềm tín thác vô điều kiện, người thánh hiến đặt ý muốn của mình trong tay Chúa Cha để làm một hy tế hoàn hảo đẹp lòng Người (Rm 12,1). Chính trong ý nghĩa đó Ngài trở thành kiểu mẫu cho tất cả các Kitô hữu ở mọi thời mọi nơi. Tất cả các môn đệ của Đức Giêsu phải tuyệt đối vâng phục chương trình cứu độ của Thiên Chúa và phải sống theo Tin Mừng (Rm 10,16).
Kết luận
Đức vâng phục rất quan trọng đối với cộng đoàn, đối với đời sống tận hiến nếu không muốn nói là trung tâm điểm của đời sống thánh hiến. Sở dĩ lời khấn vâng phục quan trọng bởi vì nó diễn tả được lời mời gọi nên thánh của Đức Kitô và bước theo con đường của Ngài đã mời gọi: “Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta, và chu toàn công việc của Người” (Ga 4,34). Cho nên, để phá vỡ những rào cản ngăn cản người đan sĩ sống đức vâng phục cách trọn hảo, bản thân thiết nghĩ:
Trước hết phải tìm lại động cơ siêu nhiên của đời sống thánh hiến trong tương quan với Thiên Chúa cùng với những khao khát ước muốn thuở ban đầu.
Sau nữa, chính bản thân người đan sĩ cần phải phát huy những phẩm tính nơi mình để sống vâng phục cách triệt để nhất. Bởi lẽ, vâng phục là thái độ sẵn sàng, không trì hoãn hay rút lui, cũng không làm cẩu thả hay chậm chạp nhưng trong tinh thần tự do, tình nguyện, tự phát, không sợ hãi hay mặc cảm tự ti, có tính năng động tham gia tích cực vào đời sống và sứ vụ của cộng đoàn, biết dùng những năng lực, năng khiếu và ơn Chúa ban để thi hành các giới lệnh và chu toàn những phận vụ được ủy thác cho mình. Đồng thời phải có tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ được giao phó, cuối cùng phải biết đối thoại trong tinh thần yêu mến, tôn trọng nhân vị.
Như vậy qua lời khấn vâng phục, người đan sĩ tập cho mình một lối sống từ bỏ ý muốn, tự do để tìm kiếm từ điều “hợp ý riêng” đến điều “hợp ý Chúa”. Đó cũng chính là cầu nối để người đan sĩ tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô nơi trần gian hầu trở nên dấu chỉ cho nước Chúa hiện diện. Chính vì thế, Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã quả quyết: “Mọi công việc của tu sĩ chỉ có giá trị cứu rỗi khi được làm trong đức vâng phục.”[14]
_______________________________
[1] Công Đồng Vaticanô II, Sắc Lệnh Về Canh Tân Thích Nghi Đời Sống Dòng Tu: Perfectae Caritatis, số 14.
[2] Đời thánh hiến và lời khấn dòng, Ban huấn luyện Hội dòng Xitô Thánh Gia, tr. 87.
[3] x. Tu luật thánh phụ Biển Đức, Chương V.
[4] x. Lời khấn dòng, Lưu hành nội bộ, 1996, tr. 18.
[5] Giáo luật 1983, điều 601.
[6] x. Tu luật thánh phụ Biển Đức, chương V.
[7] x. Lời khấn dòng, Lưu hành nội bộ, 1996, số 43, tr. 19.
[8] Đời thánh hiến và lời khấn dòng, Ban huấn luyện Hội dòng Xitô Thánh Gia, tr. 66.
[9] Ibid, tr. 61.
[10] Ibid, tr. 63.
[11] Gm. Nguyễn Thái Hợp, O.P., Một nửa hành trình của con người về quê hương, Nxb. Chân Lý, 1997, tr. 155.
[12] x. Tông huấn Chứng tá phúc âm, số 27.
[13] Đời thánh hiến và lời khấn dòng, Ban huấn luyện Hội dòng Xitô Thánh Gia, tr. 79.
[14] x. Tông huấn Hồng ân cứu chuộc, số 13.
-
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 61 năm 2024 (21/03)
-
Thư Thánh Bộ Các Tu Hội Sống Đời Thánh Hiến về Năm Thánh 2025 (26/11)
-
Linh mục triều và dòng có gì khác? (23/11)
-
Hiệp hành và đời sống đan tu: một kinh nghiệm được Chúa Thánh Thần truyền ban (21/10)
-
Hiệp thông trong đời sống cộng đoàn (31/03)
-
Thư của Bộ Tu Sĩ nhân dịp cử hành Ngày Đời Sống Thánh Hiến lần thứ XXVII (02.02.2023) (31/01)
-
Những tư tưởng tâm huyết của Đức Thánh Cha về linh mục (15/11)
-
CHÂN LÝ SẼ GIẢI THOÁT CHÚNG TA (21/09)
-
KHÁM PHÁ SỰ THINH LẶNG: 5 CÁCH THẾ ĐỂ RA KHỎI SỰ ỒN ÀO KỸ THUẬT SỐ (01/09)
-
QUẢN TRỊ, CHUYỂN NHƯỢNG TÀI SẢN TRONG GIÁO PHẬN (01/09)