Cầu nguyện - Tu đức
GIÁO XỨ - MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC THIÊNG LIÊNG VÀ NHÂN CÁCH CHO CÁC BẠN TRẺ
GIÁO XỨ - MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC THIÊNG LIÊNG
VÀ NHÂN CÁCH CHO CÁC BẠN TRẺ
Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ
Vật chất được chi phối bởi định luật vật lý tự nhiên. Con vật có thân xác, nên không chỉ sống theo luật vật lý mà còn sống theo bản năng. Con người, không chỉ là con vật mà còn là ngôi vị, nên sống không chỉ theo luật vật lý và bản năng mà chính yếu theo lý trí hướng thiện.
Con người là nhân vị, ngôi vị nhân linh, phân biệt với ngôi vị thần linh (các thiên thần) và ngôi vị Thiên Chúa. Con vật học bằng nhìn và bắt chước, con người học qua việc dạy bảo và thực tập. Con người cần được giáo dục về nhiều phương diện: nhân bản, thiêng liêng, cộng đoàn, tri thức, tông đồ, nghề nghiệp, v.v. Giáo dục về tri thức phổ thông và chuyên biệt, được thực hiện nơi các trường học từ mẫu giáo tới đại học; riêng về giáo dục nhân bản, thiêng liêng, cộng đoàn và tông đồ, được thực hiện nơi gia đình và giáo xứ như những đơn vị căn bản của xã hội và Giáo Hội.
Có thể nói, ngoài gia đình và học đường, thì giáo xứ là môi trường đặc biệt để giáo dục thiêng liêng và nhân cách cho các bạn trẻ. Người trẻ Kitô hữu học làm người, học làm người con ngoan, học thành người bạn tốt, học để thành công dân tốt giúp ích cho xã hội và cho Giáo Hội, học làm thánh! Một người thánh, là người luôn tôn trọng mọi người, luôn thương cảm và tìm cách giúp đỡ những người cần được giúp, là người luôn chọn Thiên Chúa trên tất cả và thi hành thánh ý Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc. Với Kitô giáo, học làm người và làm thánh luôn gắn liền với nhau.
Người trẻ được giáo dục về thiêng liêng và nhân cách nơi giáo xứ qua (việc) học giáo lý, qua sinh hoạt nơi các hội đoàn đặc biệt nơi Phong Trào Giới Trẻ Thánh Thể, và lắng nghe Lời Chúa cùng bài giảng trong Thánh Lễ hằng ngày.
I- TRƯỜNG GIÁO LÝ
Ở Việt Nam thời xã hội chủ nghĩa không có việc dạy giáo lý nơi trường học nên việc dạy giáo lý cho người trẻ Công Giáo được thực hiện cách đặc biệt vào ngày Chúa Nhật nơi giáo xứ.
Các giáo xứ đã tổ chức nhiều lớp giáo lý cho từng lứa tuổi, chẳng hạn giáo lý các lớp khai tâm (năm 1, năm 2), rước lễ (năm 1, năm 2), thêm sức (1,2,3), bao đồng (1,2), các lớp Kinh Thánh (1,2), các lớp vào đời, v.v. Một số giáo phận đã có các bộ sách giáo lý cho các tuổi khác nhau tương ứng.
Giáo lý viên là thành phần rất quan trọng trong giáo xứ. Các giáo lý viên trẻ cần được huấn luyện và bồi dưỡng cả về kiến thức đạo cũng như về đời sống thiêng liêng. Một số giáo phận ở Việt Nam cũng làm tốt công việc này.
Tổ chức các lớp giáo lý với sự giúp đỡ của các giáo lý viên là trách nhiệm của cha xứ (vì ngài không thể dạy tất cả các lớp giáo lý được) và huấn luyện các giáo lý viên trong giáo phận là trách nhiệm của giám mục giáo phận (vì một giáo xứ không đủ nhân lực tài lực cho việc huấn luyện giáo lý viên).
II- PHONG TRÀO GIỚI TRẺ THÁNH THỂ
Phong Trào Giới Trẻ Thánh Thể (Eucharistic Youth Mouvement: EYM) dành cho người trẻ tới 25 tuổi, như vậy, dành cho cả thiếu nhi, thiếu niên, và thanh niên. Giới trẻ Thánh Thể có nguồn gốc vào năm 1861 khi Đức Giáo Hoàng Piô IX kêu gọi mọi người trợ giúp Ngài. Cha Cross thuộc Bordeaux nước Pháp, theo mẫu cha Gautrelet SJ khởi đầu với Tông đồ Cầu Nguyện (Apostleship of Prayer) năm 1844, đã kêu gọi giới trẻ trợ giúp ĐGH bằng cầu nguyện, những giờ thinh lặng, hy sinh hãm mình, và rước lễ. Ngày 13/11/1915, với cha Albert Bessières SJ và cha Geneviève Boselli, hội đoàn này được gọi là đạo binh Thánh Thể (Eucharistic Crusader). Năm 1960, ĐGH Gioan XXIII gọi các thiếu nhi đó là thiếu nhi của Phong Trào Giới Trẻ Thánh Thể; và năm 1962, Giáo Hội Pháp chính thức nhìn nhận tên Phong Trào Giới Trẻ Thánh Thể.
Từ ban đầu Phong Trào Giới Trẻ Thánh Thể có sứ mạng trợ giúp ĐGH bằng việc cầu nguyện, thinh lặng, hy sinh hãm mình, và rước lễ. Việc sinh hoạt hàng đội đến sau, và không phải là điều chính yếu của Phong Trào Giới Trẻ Thánh Thể; nhưng những sinh hoạt này cũng giúp giới trẻ như đã giúp hội Hướng Đạo (Scouts) nhiều nên cần được duy trì. Tuy nhiên, Phong Trào Giới Trẻ Thánh Thể cần nhấn mạnh và cổ võ việc cầu nguyện, thinh lặng, hy sinh hãm mình, và rước lễ như thuở khởi đầu.
Các hội đoàn cho người trẻ, đặc biệt Phong Trào Giới Trẻ Thánh Thể, cần giúp người trẻ, theo lứa tuổi, ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa, khao khát nên thánh, tập có lòng thương cảm người nghèo, muốn người khác biết về Thiên Chúa, yêu thương giúp đỡ bạn bè, và tập nhìn ngắm để nên giống Chúa Giêsu (tuổi của em) hơn. Đức Giêsu là con người tuyệt vời, huấn luyện người trẻ nên giống Đức Giêsu, là đang huấn luyện thiêng liêng và nhân cách cho người trẻ.
1. Nên thánh, không chỉ dành cho một số người ưu tuyển nhưng là ơn gọi của tất cả mọi người. Mọi người phải nên thánh vì chính Thiên Chúa là Đấng thánh (Lv 19,2). Nên thánh, là trở nên hoàn thiện như Cha trên trời, là sống thương xót đồng loại như Cha trên trời là Đấng thương xót. ĐGH Phanxicô cũng đã có Tông huấn về ơn gọi nên thánh (Franciscus, Gaudete et exsultate, ký ngày 19/03/2018).
Nên thánh, cũng không chỉ dành cho những người lớn tuổi nhưng dành cho tất cả mọi người, đặc biệt những người trẻ. Có một số vị thánh trẻ mà những người trẻ cần biết, chẳng hạn chân phước Anrê Phú Yên, thánh Savio, thánh Stanislas Kostka, thánh Gioan Berchmann, thánh Louis Gonzaga, thánh Tôma Thiện, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, v.v. Người trẻ hôm nay được mời gọi để nhìn ngắm và nên giống các thánh trẻ, nên giống Giêsu trẻ.
2. Người trẻ cũng được mời gọi để có lòng thương xót như Thiên Chúa Cha là Đấng luôn thương xót. Hãy có lòng thương xót như Cha là Đấng thương xót (Lc 6,36), là điểm nhấn của Tông sắc Misericordiae vultus được ký ngày 11/04/2015 để mở Năm thánh Lòng Chúa Thương Xót. Động lòng thương là nét “người” mà mỗi người chúng ta, đặc biệt người trẻ, cần học tập và phát huy.
3. Loan báo Tin Mừng không phải là một chọn lựa tùy ý. Không là Kitô hữu đích thực nếu không loan báo Tin Mừng, bằng lời hay bằng chính đời sống. Để có thể loan báo Tin Mừng, Kitô hữu cần xác tín và cảm nghiệm đức tin đem lại cho mình bình an, niềm vui, triển nở và hạnh phúc. Loan báo Tin Mừng, là chia sẻ cho người chưa biết Chúa lý do tại sao mình được bình an tươi vui triển nở hạnh phúc. Chính niềm tin vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu, làm cho mình được như vậy. ĐGH Phanxicô đã ký Tông huấn về loan báo Tin Mừng ngày 24/11/2013 (Evangelii gaudium).
4. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga 13,34-35). Đó là điều mỗi Kitô hữu và đặc biệt người trẻ phải sống. Yêu thương, là nét riêng của con người, của ngôi vị thần linh. Không yêu thương, người ta chỉ sống trên bình diện con vật. Sống như con người, là yêu thương. Sống nhân bản, là sống yêu thương con người.
5. Hơn bất cứ ai, Đức Giêsu là người mẫu, là thần tượng của người trẻ của mọi thời đại. Người trẻ được mời gọi để nhìn ngắm Đức Giêsu từ lúc được sinh ra trong chuồng chiên cừu ở Bêlem, thời thơ ấu của Đức Giêsu, thời thiếu niên và thanh niên, đặc biệt ở tuổi mỗi người trẻ đang là, để nên giống Đức Giêsu mỗi ngày hơn. ĐGH cũng rất quan tâm đến người trẻ, và đã có một Tông huấn cho người trẻ “Đức Kitô đang sống” ký ngày 25/03/2019.
III- THÁNH LỄ
Tham dự Thánh Lễ, lắng nghe Lời Chúa và bài giảng của linh mục, giúp tín hữu sống đức tin. Lời Chúa trong Thánh Lễ cũng nhằm dạy dỗ dân Chúa, đặc biệt người trẻ, về Thiên Chúa và con người, và dạy chúng ta biết sống theo Đức Giêsu như thế nào.
1. Thiên Chúa là Đấng yêu thương
Tất cả hiện hữu trên đời, đều nhờ Thiên Chúa mà có. Thiên Chúa tạo dựng vạn sự vạn vật, Ngài là Cha của tất cả. Ngay cả một người không biết Thiên Chúa, không tin rằng Thiên Chúa hiện hữu thì Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa của họ, vẫn là Cha của họ cho dù họ không biết hoặc phủ nhận Ngài.
Đức Giêsu yêu thương con người, Ngài yêu thương con người như Chúa Cha yêu thương Ngài (Ga 15,9). Đức Giêsu đã chết cho chúng ta vì Ngài yêu thương chúng ta. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hiến mạng cho người mình yêu (Ga 15,13). Bí tích Thánh Thể là bằng cớ cho thấy Đức Giêsu đã hiến mạng cho chúng ta (Mc 14,22-25). Nhờ Đức Giêsu, chúng ta nhận biết Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng.
Thiên Chúa Cha đã yêu thương con người đến độ ban Con duy nhất của Ngài cho thế gian, để những ai tin vào Con của Ngài, người đó sẽ được cứu độ (Ga 3,16). Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, là bằng chứng cho thấy Chúa Cha yêu thương con người vô cùng. Nếu Thiên Chúa dám ban Con của Ngài cho con người, thì Ngài còn tiếc gì với con người nữa (Rm 8,32)! Chúa Cha yêu thương con người như Ngài yêu Đức Giêsu (Ga 17,23.20).
Chúa Thánh Thần yêu thương con người, nên Ngài luôn ở với con người. Thiên Chúa làm chúng ta trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần, của cả Ba Ngôi Thiên Chúa (Ga 14,16.23; Mt 28,20; 1Cr 6,19; 3,16-17). Chúa Thánh Thần ở với chúng ta, Ngài dạy chúng ta mọi điều, Ngài giúp ta tin vào Đức Giêsu, Ngài cầu nguyện cho chúng ta (Ga 14,26; 1Cr 12,3; Rm 8,26-27).
2. Vũ trụ vạn vật được tạo dựng để giúp con người đến với Thiên Chúa
Mỗi người cần khám phá ra những nét đẹp điều tốt trong đời sống thường ngày để sống vui và hạnh phúc. Con người là tạo vật tuyệt vời. Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa: biết yêu thương và làm chủ vạn sự vạn vật (St 1,26-31).
Vạn sự vạn vật được tạo dựng cho con người, để giúp con người đến với Thiên Chúa (1Cr 3,21-23; LT 23). Người trẻ không để mình bị ràng buộc, nô lệ những đam mê vật chất, chẳng hạn các trò chơi điện tử, nô lệ thú vui xác thịt. “Tôi được sinh ra cho những gì cao quý” (thánh tập sinh Stanislas Kostka, lễ ngày 13/11, theo sách Phụng vụ Dòng Tên).
3. Con người, tội nhân nhưng được Thiên Chúa yêu thương vô cùng
Thiên Chúa muốn con người được mọi điều tốt lành. Ngay cả khi con người phạm tội xúc phạm Ngài, hủy hoại và làm tổn thương anh chị em mình, thì Thiên Chúa vẫn tha thứ để con người được bình an và sống hạnh phúc.
Thiên Chúa tha thứ tội lỗi chúng ta qua Đức Giêsu, cho dù chúng ta phản bội và tội lỗi như chị phụ nữ trong Tin Mừng (Ga 8,1-11; Lc 7, 36-50), như những người con bất hiếu (Lc 15,11-32), và thậm chí như những kẻ giết Ngài (Lc 23,34).
Phạm tội, chống lại Thiên Chúa và hủy hoại làm khổ anh chị em, đáng lẽ chúng ta phải chết. Đức Giêsu đã yêu thương và chết thế để chúng ta được sống. Thiên Chúa yêu thương tôi vô cùng.
4. Chọn Thiên Chúa và thánh ý Ngài trên hết
Người kinh sư hỏi Đức Giêsu: giới răn nào trọng nhất? Đức Giêsu trả lời: “Nghe đây hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi là Thiên Chúa duy nhất, ngươi phải yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng hết linh hồn hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó” (Mc 12,29-31).
Thiên Chúa phải là nhất đối với tất cả chúng ta. Không gì trên Thiên Chúa. Phải chọn Thiên Chúa trên tất cả. Sở dĩ tôi chọn Thiên Chúa và thánh ý Ngài trên tất cả, vì Thiên Chúa yêu thương tôi vô cùng. Những gì Ngài muốn cho tôi, là tốt nhất cho tôi.
Yêu thương người khác, cụ thể là những người thân yêu trong gia đình, những người sống xung quanh ta, bạn bè nơi trường lớp cũng như bạn trong công việc, là điều Thiên Chúa mời gọi chúng ta. Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8.16). Thiên Chúa là Đấng yêu thương. Ngài làm mọi việc vì yêu thương. Chúng ta được mời gọi trở nên giống Thiên Chúa, nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu (Rm 8,29), sống yêu thương như Chúa (Ga 13,34-35; Mt 25,31-46; Lc 16,19-31).
5. Cộng tác với Thiên Chúa cứu độ con người
Sứ mạng của Đức Giêsu là cứu độ con người. Sứ mạng của Đức Giêsu cũng là sứ mạng của chúng ta: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21; 17,18). Chúa Phục Sinh sai chúng ta ra đi, làm cho muôn dân thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, Con, và Thánh Thần (Mt 28,19).
Bản chất của Kitô hữu là truyền giáo. Không truyền giáo, không là Kitô hữu. Chúng ta có thể rao giảng về Thiên Chúa bằng lời nói nhưng chúng ta cũng có thể rao giảng Thiên Chúa bằng chính đời sống của chúng ta. “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo.” Chính đời sống bình an tươi vui triển nở hạnh phúc của chúng ta, là lời rao giảng hùng hồn về Thiên Chúa: chính nhờ tin Đức Giêsu là Thiên Chúa mà chúng ta được như vậy.
Chúng ta được mời nói về Chúa, bằng lời nói và bằng chính cách sống của mình, cho những người sống xung quanh chúng ta. Không đòi chúng ta phải đi vào vùng sâu vùng xa để rao giảng, nhưng làm chứng cho Chúa cho những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày.
6. Đức Giêsu là người mẫu để giới trẻ bắt chước
Người trẻ thường có những thần tượng: thần tượng âm nhạc, thần tượng thời trang, người mẫu, bóng đá, v.v. Kitô hữu có một người mẫu đặc biệt, đó là Đức Giêsu. Mỗi người hãy cố gắng để trở nên giống Đức Giêsu. “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô” (1Cr 11,1).
a) Khiêm nhường yêu thương
Yêu thương tự hủy là bài học đầu tiên Lời Thiên Chúa Nhập Thể dạy chúng ta. Lời Thiên Chúa đã tự hủy ra không, mang lấy thân phận con người, và chấp nhận cái chết trên thập giá (Pl 2,6-11).
Thay vì đặt mình là nhất, coi mình trổi trang hơn người khác, thì Đức Kitô đã tự hủy và dạy chúng ta coi người khác trổi trang hơn mình (Pl 2,3), Ngài đến để phục vụ chứ không để được phục vụ (Mc 10,45).
Nếu ta học được bài học khiêm nhường tự hủy để yêu thương của Ngài, chúng ta sẽ được bình an trong mọi hoàn cảnh.
b) Nghèo: tự do với của cải vật chất
Người ta hay bị sầu khổ mặc cảm vì thấy mình hay gia đình mình nghèo. Cần chỉnh sửa quan điểm sai lầm này vì Đức Giêsu dạy: nghèo là mối phúc (Mt 5,3).
Đức Giêsu sống như người nghèo: cha mẹ nghèo, sinh nơi chuồng chiên cừu, sống ở Nadarét như người nghèo, nhận nền giáo dục của người nghèo, làm nghề nghèo, đi rao giảng trong nghèo khó, chết trần trụi và được chôn nhờ mộ của người khác! Nhìn ngắm Đức Giêsu, để không mặc cảm nhưng an vui trong khó nghèo.
c) Yêu thương phục vụ giúp đỡ tha nhân
Ngay cả khi bị người ta ghen ghét Kitô hữu cũng không được thù ghét hay oán hận ai. Không chỉ vậy, Kitô hữu còn được mời gọi để yêu thương và giúp đỡ những người thù ghét họ theo gương mẫu Thiên Chúa là Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ và người lành, cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương (Mt 5,43-48).
Đức Giêsu luôn động lòng thương cứu giúp những kẻ cần Ngài: Ngài chữa bệnh, cho kẻ đói ăn, tha thứ cho những kẻ xúc phạm đến Ngài.
IV- MỘT NGÀY SỐNG CỦA NGƯỜI TRẺ
Học phải đi với hành. Biết và sống phải đi đôi với nhau. Người trẻ được dạy để sống kết hiệp với Thiên Chúa trong suốt ngày sống của mình. Từ khi thức dậy cho tới khi lên giường ngủ, người trẻ luôn tìm dịp để sống với Chúa trong mọi hoàn cảnh. Nếu người trẻ nhìn ngắm và sống như Đức Giêsu, các bạn trẻ sẽ là người tuyệt vời, vươn tới tầm mức Đức Giêsu Kitô (Ep 4,13).
Dưới đây là thời biểu một ngày sống đề nghị cho người trẻ Công Giáo.
1. Dâng ngày
Ngay khi thức dậy, Kitô hữu được mời gọi để dâng ngày mới cho Thiên Chúa.
1. Tạ ơn Chúa Cha đã cho con được sống tới giây phút này.
2. Xin Chúa Cha ban Thánh Thần của Đức Giêsu Phục Sinh cho con;
- Xin cho ý hướng, tư tưởng, hành vi hoạt động của con được hướng về phụng sự và tôn vinh Thiên Chúa (LT 46).
- Trong ngày mới này xin Chúa Cha cho con được
* luôn ý thức Thiên Chúa đang yêu thương và hiện diện với con;
* bình an, tươi vui, triển nở, hạnh phúc như Thiên Chúa mong muốn;
* động lòng thương giúp đỡ tha nhân;
* không làm tổn thương ai;
* không để mình bị tổn thương.
2. Tham dự Thánh Lễ
Nếu có thể, người trẻ tham dự Thánh Lễ, để kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể, để nghe Chúa dạy bảo qua Lời Chúa trong Thánh Lễ. Cố gắng rước lễ mỗi ngày nếu có thể được. Rước lễ và cám ơn sau hiệp lễ, sẽ làm chúng ta được nên giống Đức Giêsu mỗi ngày hơn.
3. Cầu nguyện
Người trẻ cũng được mời gọi lắng nghe Chúa (nói) đặc biệt qua cầu nguyện. Mỗi ngày nên dùng một thời gian nào đó để thinh lặng lắng nghe Chúa và nói chuyện thân thưa với Chúa về những gì mình bận tâm và khao khát. Có thể dùng Lời Chúa trong Thánh Lễ mỗi ngày để cầu nguyện, để lắng nghe Chúa nói, và để làm theo như thấy Chúa mời gọi.
4. Học tập và làm việc với ý hướng loan báo Tin Mừng
Khi còn trẻ thì học tập, khi lớn thì làm việc. Dù đi học hay đi làm, Kitô hữu luôn được mời gọi để sống dưới con mắt Chúa, để mọi hành vi hoạt động đều hướng về Chúa, để giúp đỡ và phục vụ tha nhân, để mình triển nở và hạnh phúc mỗi ngày hơn.
5. Hồi tâm xét mình
Cuối ngày trước khi đi ngủ, người trẻ được mời gọi để làm hồi tâm xét mình (HTXM). Dưới đây là năm bước gợi ý giúp làm HTXM.
1. Ý thức mình hiện diện trước thánh nhan và kính cẩn chào Thiên Chúa
2. Xin Chúa Cha ban Thánh Thần của Chúa Giêsu Phục Sinh để Ngài giúp mình ...
3. Ơn lành
– Xin ơn nhận ra những ơn lành đã nhận lãnh từ lần xét mình lần trước
– Xét mình để nhận ra những ơn lành đã lãnh nhận. Tôi có được ơn:
– Luôn ý thức Chúa đang ở bên tôi?
– Động lòng thương và giúp đỡ người cần được giúp?
– Bình an, tươi vui, hạnh phúc?
– Hay được ơn gì khác?
– Tạ ơn Chúa
1. Lỗi lầm
– Xin ơn để nhận ra những lỗi lầm khuyết điểm
– Xét mình để nhận ra lỗi lầm của mình từ lần xét mình lần trước
– Tôi có làm tổn thương người khác? Tại sao tôi hành xử như vậy?
– Tôi có để mình bị tổn thương? Tại sao? Chúa mời gọi gì tôi?
– Ăn năn thống hối xin lỗi Chúa
2. Thân thưa với Thiên Chúa dựa vào ơn lành đã nhận và lỗi lầm khuyết điểm đã phạm.
Giáo xứ, môi trường huấn luyện thiêng liêng và nhân cách cho người trẻ. Môi trường huấn luyện hàm chứa cần có người huấn luyện. Người huấn luyện trong giáo xứ là cha xứ, cha phó, cha phụ tá, các anh chị giáo lý viên, các huynh trưởng, v.v… Người huấn luyện người trẻ cần ý thức chúng ta đang được Chúa mời gọi cộng tác với Chúa trong sứ mạng huấn luyện người trẻ trở nên người như Thiên Chúa mong muốn, trở nên người trưởng thành đạt tầm mức của Đức Giêsu (Ep 4,13). Ước gì mỗi người chúng ta luôn sống kết hiệp với Chúa, để Chúa huấn luyện mình, để rồi mình trở thành nhà huấn luyện (nhân bản, thiêng liêng) như Chúa mong ước.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 119 (Tháng 7 & 8 năm 2020)
Nguồn: hdgmvietnam.com
-
Đức Thánh Cha: Ma quỷ không thể làm gì nếu có sự cầu nguyện (14/04)
-
Mùa Chay 2023: Mười lời khuyên của Đức Phanxicô để sống bốn mươi ngày này (27/02)
-
SÁU LÝ DO TẠI SAO CHÚNG TA LÀM DẤU THÁNH GIÁ (26/09)
-
10 QUYẾT TÂM CHO MỘT NĂM HẠNH PHÚC (03/01)
-
MỘT ĐỨC TÍNH GIÚP CHÚNG TA HẠNH PHÚC HƠN (15/12)
-
ĐTC Phanxicô nói về “các nết xấu và các nhân đức” (02/03)
-
6 CÁCH HIỆU QUẢ ĐỂ ĐÓN NHẬN BÌNH AN CỦA CHÚA GIÊSU TRONG CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY (08/01)
-
3 BÀI HỌC TỪ CUỘC ĐỜI CỦA THÁNH NỮ TÊRÊSA AVILA CHO NGƯỜI KITÔ HỮU HIỆN ĐẠI (10/12)
-
Bốn cách cụ thể con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa ngay hôm nay! (25/08)
-
Kitô hữu sống đạo: Chọn Chúa hay chọn việc của Chúa (03/07)