Bài giảng

Chúa Nhật XVIII TN, B, Ga 6,24-35: Hãy làm việc không ngừng

‘Thiên Chúa làm việc, sáng tạo hay lao động’ được Chúa Giêsu làm chứng và tuyên bố với người Do Thái: “Cha Ta vẫn làm việc và Ta cũng làm việc” (Ga 5,17). Và, Người đã cho lao động một giá trị thiêng liêng vĩnh cửu, khi nói với những người Do Thái: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh…’’ (Ga 6,27).

 

 

 

HÃY LÀM VIỆC KHÔNG NGỪNG

(Ga 6,24-35)

 

Vp. Bảo Tịnh

 

Chúa Nhật XVIII Thường niên, năm B, Giáo hội cho chúng ta nghe Tin Mừng theo thánh Gioan chương 6,24-35. Qua bài Tin Mừng này, xin suy tư hai điểm:

 

- Tìm hiểu ý nghĩa và bối cảnh của bài Tin Mừng

- Nêu vài điểm thần học về sự làm việc

 

1. Tìm hiểu ý nghĩa và bối cảnh của bài Tin Mừng

 

Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, thuộc chương 6 theo Tin Mừng Gioan. Chương này có 4 tiêu đề nhỏ:

 

- Đức Giêsu hoá bánh ra nhiều (Ga 6,1-15)

- Đức Giêsu đi trên mặt biển hồ mà đến với các môn đệ (Ga 6,16-21)

- Diễn từ trong Hội đường Capharnaum (Ga 6,22-66)

- Ông Phêrô tuyên xưng lòng tin (Ga 6,67-71)

Có thể nói sứ điệp trọng tâm của chương này, Chúa Giêsu muốn mặc khải hai điều:

- Tin vào Ngài là Đấng được Chúa Cha sai đến.

- Tin Ngài là Bánh Hằng Sống từ trời xuống.

 

Ga 6,24-35 được tiếp nối, với trình thuật Hóa Bánh ra nhiều. Sau phép lạ này, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ lên thuyền trở lại thành Capharnaum. Còn Ngài đi lên núi một mình, giữa đêm Ngài đi trên mặt nước của Biển Hồ mà đến với các ông. Sáng hôm sau, không thấy Chúa Giêsu ở trên bờ Biển Hồ nữa; dân chúng xuống thuyền đi Capharnaum tìm Ngài. Khi đến thành Capharnaum, gặp thấy Ngài, họ liền hỏi: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?”

 

Không trả lời câu hỏi của họ, Chúa Giêsu vạch trần ý nghĩ trong thâm tâm của họ, đi tìm Ngài là vì điều gì: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê’’. Qua đó, Ngài cũng khuyến cáo họ ‘hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh’.

 

Tiếp những lời đối thoại sau đó giữa Chúa Giêsu và dân chúng, Chúa đã chủ ý mặc khải cho họ hai điều:

- Ngài là Đấng được Chúa Cha sai đến, ai tin vào Ngài sẽ nhận được sự sống đời đời.

- Ngài là lương thực, Bánh trường sinh.

 

2. Nêu vài điểm thần học trong bài Tin Mừng

 

Có thể nói hai điểm thần học nổi bật trong chương 6 và đã được Chúa Giêsu manh nha mặc khải trong bài Tin mừng hôm nay là:

 

Thần học về Đức tin và Thần học về Bánh Thánh Thể là chính thịt máu Người. Tuy nhiên, ở phần chia sẻ này, xin dừng lại ở một điểm thần học khác cũng rất thú vị, đó là thần học về: sự làm việc.

 

‘Các ông hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh’. Lời Chúa Giêsu khuyến cáo những người Do Thái, cho thấy tầm quan trọng của sự ‘làm việc’. Chúng ta nêu ra vài điểm thần học:

 

Vào ngày lễ thánh Giuse Thợ, tại nhà Nguyện thánh Marta, sáng thứ 6 ngày 1 tháng 5 năm 2020, trong bài giảng, Đức Phanxicô đã dựa vào bản văn Sách Sáng Thế (St 1, 26-2,3), để giải thích: ‘Hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa’. Ngài nói: Kinh Thánh đã dùng từ ‘công việc’ để diễn tả. Và ngài khẳng định Thiên Chúa Tạo Dựng’, cũng có thể nói ‘Thiên Chúa làm việc’ hay ‘Thiên Chúa lao động’ (x. Sáng thứ Sáu 01/5/2020, bài giảng của Đức Phanxicô, lễ thánh Giuse Thợ, Ngày Quốc tế Lao động, tại Nhà nguyện thánh Marta). Như vậy, ở đây chúng ta đụng chạm đến thần học sáng tạo hay thần học tạo dựng.

 

Cũng từ bản văn Sách Sáng Thế (1,26-2,3) thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II đã làm nổi bật lên ba giá trị và ý nghĩa thần học về lao động trong Thông điệp ‘Laborem Exercens: Lao động của con người’.

 

° Thứ nhất: Lao động có một giá trị vô biên,

° Thứ hai: thời gian tính của nó luôn ở hiện tại.

° Thứ ba: nó phản ảnh hoạt động của Đấng Tạo Hoá. Và ngài cắt nghĩa: “Vì con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, được Người uỷ nhiệm cho khuất phục và cai trị trái đất. Nên khi thi hành sứ mạng này, con người phản ánh chính hành động của Đấng Tạo Thành vũ trụ” (Laborem Exercens 4; Gaudium et Spes 34). Như thế, vấn đề lao động không chỉ là việc kiếm sống, mà còn là sứ mạng con người phải tiếp tục làm cho ‘Mầu Nhiệm Tạo Dựng’ của Thiên Chúa có ý nghĩa và giá trị đích thực.

 

Trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, của Công Đồng Vat II. Bắt đầu từ số 31-41, để trả lời cho câu hỏi: Giáo dân là gì trong khoa thần học về Giáo Hội? Dựa trên nghề nghiệp và bậc sống của họ nơi trần thế, Công Đồng đã tóm lược ba yếu tố chính, biểu thị cho đặc tính của họ sống dấn thân qui hướng về Chúa:

 

° Thứ nhất: Sống giữa mọi người, qua tương quan gia đình và nghề nghiệp

° Thứ hai: Sống nêu gương sáng cho mọi người qua cách sống và có trách nhiệm trong nghề nghiệp.

° Thứ ba: Sống sao cho trần thế nhận biết Thiên Chúa.

 

Vì những lý do ấy mà Công đồng tuyên bố rằng tất cả đều có thể, “bằng công việc hàng ngày… họ có thể vươn đến đỉnh cao của sự thánh thiện kể cả dưới hình thức của hoạt động tông đồ”. Cũng ở số này, Công đồng còn dạy: ‘Những người làm lụng vất vả, công việc của họ phải là một phương thế để đào tạo chính mình, trợ giúp đồng loại, thăng tiến toàn thể xã hội và tạo vật; và kiên nhẫn chịu đựng lẫn nhau, với bác ái sống động, noi gương Chúa Kitô, Đấng đã làm việc tay chân đem ơn cứu độ cho mọi người, và nhờ công ăn việc làm, họ phải tiến xa hơn trên đường thánh thiện, một sự thánh thiện còn có tính cách tông đồ’ (x. Lumen Gentium 41).

 

Như vậy, qua đoạn văn này, Công đồng cho chúng ta thấy công việc lao động chân tay, ẩn chứa nhiều giá trị và ý nghĩa thần học khác nhau:

 

- Thần học tu đức như: hoàn thiện bản thân và thực thi các nhân đức,

- Thần học tương quan như: giúp đỡ đồng loại và sống tình liên đới

- Thần học thăng tiến phát triển như: thăng tiến toàn thể xã hội, vạn vật và thăng tiến cuộc sống, 

- Thần học qui Kitô như: bắt chước Chúa Kitô 

 

‘Thiên Chúa làm việc, sáng tạo hay lao động’ được Chúa Giêsu làm chứng và tuyên bố với người Do Thái: “Cha Ta vẫn làm việc và Ta cũng làm việc” (Ga 5,17). Và, Người đã cho lao động một giá trị thiêng liêng vĩnh cửu, khi nói với những người Do Thái: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh…’’ (Ga 6,27). Vậy, từ việc lao động để có của ăn nuôi sống phần xác, Chúa Giêsu đã dẫn chúng ta đến việc tìm của ăn phần hồn đem lại phúc trường sinh là ‘Bánh Thánh Thể, là chính Mình và Máu Người’ (Ga 6,51-58). Như thế, từ việc làm việc để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, Chúa Giêsu đã mặc khải cho chúng ta thần học Thánh Thể. “Ai đến với Ngài không hề phải đói, ai tin vào Ngài chẳng khát bao giờ” (Ga 6,35).

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á