Bài giảng

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: "Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi"

Dẫu công việc rao giảng cần có sự cộng tác đắc lực của các môn đệ, nhưng thành quả đạt được lại là điều tất yếu và hiển nhiên bởi tác động của quyền năng Thiên Chúa. Điều quan trọng đối với các ông lúc này không phải là khoe khoang những chiến tích, nhưng là “tìm nơi thanh vắng và nghỉ ngơi”.

 

 

 

“HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI”

(Mc 6,30-34)

 

Đức Minh

 

Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ của các Môn đệ với Đức Giêsu sau thời gian các ông đi rao giảng Tin Mừng trở về. Nhận lệnh truyền của Đức Giêsu (Mc 6,7-13), các môn đệ đã không ngần ngại lên đường, bôn ba khắp đó đây để rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ và chữa lành những người ốm đau bệnh tật. Những thành công trong lần đầu tiên thực tập truyền giáo này đã đem lại cho các môn đệ niềm vui, niềm hạnh phúc và sự phấn khích tột độ. Vì thế, điều các ông mong muốn lúc này không gì khác hơn là kể cho Thầy nghe những “chiến công” mà các ông đã đạt được. Tuy nhiên, trái với sự phấn khích của các môn đệ, Đức Giêsu lại tỏ vẻ dửng dưng. Ngài bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,31). Đang khi các môn đệ vui vẻ, phất khích thì Đức Giêsu lại bảo tìm chỗ nghỉ ngơi. Tại sao Đức Giêsu có thể tỏ ra dửng dưng trước niềm vui chiến thắng của các môn đệ như thế?

 

Thực ra, chẳng phải Đức Giêsu dửng dưng, nhưng do các trình thuật trong Tin Mừng Marcô thường rất ngắn gọn và súc tích. Những tình tiết trong các câu chuyện thường được lướt qua rất nhanh, khiến độc giả khó có thể hình dung hết phản ứng của các nhân vật trong từng chi tiết của câu chuyện. Vì thế, để hiểu rõ hơn phản ứng của Đức Giêsu, chúng ta hãy dừng lại ở câu 30 và hình dung lại cảnh đoàn tụ này bằng một cái nhìn tích cực hơn: Sau thời gian đi truyền giáo trở về, Thầy trò quây quần bên nhau, hàn huyên tâm sự với nhau thật thân thương và cảm động. Trong tư cách là Thầy, Đức Giêsu đã chăm chú lắng nghe các môn đệ kể lại những niềm vui và nỗi buồn, những ưu sầu và lo lắng, những thành công thất và thất bại của các ông trên hành trình truyền giáo. Ngài đã đón nhận những thành quả ấy trong niềm vui sướng và hạnh phúc vô bờ. Trái tim Ngài đã rung lên những nhịp đập của hạnh phúc trước những thành công mà các môn đệ đã đạt được. Thật vậy, làm sao Ngài có thể dửng dưng khi các môn đệ đã vâng lệnh ra đi “như chiên đi vào giữa bầy sói” (Mt 10,16); ra đi với hai bàn tay trắng: “không lương thực, không bao bị, và không tiền giắt lưng” (Mc 6,8)? Làm sao Ngài có thể dửng dưng khi các môn đệ đã vượt qua bao gian nan thử thách trong hành trình truyền giáo và trở về với những chiến công hiển hách?

 

Chắc chắn Đức Giêsu đã rất vui mừng và các môn đệ của Ngài cũng rất hạnh phúc, nhưng Đức Giêsu không muốn để cho niềm vui lấn át lý trí. Ngài sợ rằng, các môn đệ của mình nhiễm thói hám danh, thích khoe khoang và thích phô trương quyền lực; Ngài sợ rằng, những thành công ấy có thể làm các ông tự mãn, ảo tưởng và ngủ quên trên chiến thắng; Và Ngài biết rằng, những thành công ấy chỉ là khởi đầu tốt đẹp cho những chặng đường gian nan tiếp theo, nó không phải là cùng đích để các ông có thể tự mãn. Vì thế, lời nhắc nhở của Đức Giêsu: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” như thể muốn nói rằng: Vui như thế đủ rồi! Hãy dừng lại! Hãy nghỉ ngơi! Và hãy biết tạ ơn Chúa!

 

Các môn đệ của Đức Giêsu không được phép quên rằng, dù các ông đã cố gắng rất nhiều trong hành trình truyền giáo này, nhưng để đạt được thành công phải nhờ ơn Chúa. “Phaolô trồng, Apolo tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3,6). Thật vậy, khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Chúa đã chỉ thị cho các ông không được mang theo gì cả, nhưng Ngài ban cho các ông quyền trên ma quỷ và bệnh tật. Chính nhờ quyền năng được trao ban này mà các ông mới đạt được thành công. Như thế, dẫu công việc rao giảng cần có sự cộng tác đắc lực của các môn đệ, nhưng thành quả đạt được lại là điều tất yếu và hiển nhiên bởi tác động của quyền năng Thiên Chúa. Điều quan trọng đối với các ông lúc này không phải là khoe khoang những chiến tích, nhưng là “tìm nơi thanh vắng và nghỉ ngơi”.

 

Cũng giống như các môn đệ, hành trình đức tin của mỗi người chúng ta cũng đầy gian nan, thử thách và đau khổ. Vì thế, sau những lo toan cho cuộc sống vật chất như cơm áo gạo tiền, chúng ta cũng cần được nghỉ ngơi để giúp cho thân xác được mạnh khỏe; sau những hy sinh vất vả cho công việc bác ái tông đồ, chúng ta cũng cần được nghỉ ngơi, cần quên đi những ồn ào bên ngoài để đi sâu vào tâm hồn mình, để chuyện vãn với Chúa, và để được Chúa nâng đỡ bổ sức cho, như lời Chúa đã nói: “Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

 

Ngày nay, “sự bận rộn và thành tích” là những căn bệnh thời đại khiến nhiều người trong chúng ta phải đau khổ. Chúng ta thường bị cuốn theo công việc, chạy theo thành tích: làm thật nhiều, leo lên thật cao và chiếm hữu bằng mọi giá. Chúng ta nghĩ rằng, nhờ có được địa vị, tiền tài và danh vọng, chúng ta sẽ được mọi người kính phục và tôn vinh. Nhưng những thành công ấy cũng là cái bẫy khiến chúng ta rơi vào ảo tưởng, tự tôn, tự mãn và quên rằng, mọi sự chúng ta có được đều do ơn Chúa, mọi thành công chúng ta đạt được đều nhờ quyền năng của Ngài ban. Thật vậy, sức mạnh của chúng ta không phải là sự cố gắng của đôi bàn tay hay sự miệt mài suy tư của khối óc, nhưng là sự rung cảm của con tim, một con tim biết chạnh thương, một con tim biết tin tưởng và cậy trông nơi Chúa. Vì “Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, Chính Người cứu độ tôi” (Tv 18,2-3). Xin cho mọi người trong chúng ta biết cậy dựa vào Chúa, tin tưởng phó thác nơi Chúa để được Chúa nâng đỡ chở che trong mọi cơn gian nan thử thách.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á