Bài giảng
Chúa Nhật VI TN - Mồng Hai Tết, Mt 15,1-6: "Ngươi hãy thờ cha kính mẹ"
“NGƯƠI HÃY THỜ CHA KÍNH MẸ”
(Mt 15,4)
Đức Minh
Đạo Hiếu là một di sản quý báu, một truyền thống tốt đẹp được mọi người yêu chuộng, giữ gìn và phát triển xuyên suốt chiều dài lịch sử vốn có trong nền văn hóa Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc Việt, với những phương diện khác nhau như văn hóa, nghệ thuật càng tô đậm thêm nét đẹp riêng biệt không thể lẫn lộn của nền văn hóa Việt Nam đối với các nền văn hóa khác trên thế giới. Hầu như trong mọi lãnh vực, từ văn học dân gian đến các truyền thuyết hay truyện cổ tích, người Việt luôn thể hiện và đề cao lòng hiếu thảo đối với các bậc sinh thành. Lòng hiếu thảo ấy được thể hiện cách cụ thể qua việc phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống và thờ kính hương khói lúc đã qua đời, như cao dao Việt Nam đã nói:
“Công cha nghĩa mẹ cao dày
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ song thân.”
Ý thức được tầm quan trọng của chữ hiếu trong nền văn hoá Việt Nam, Giáo hội Việt Nam đã dành ngày Mồng Hai Tết hôm nay để nhắc nhở con cái mình sống tinh thần hiếu kính đối với cha mẹ, những người đã có công sinh thành và dưỡng dục chúng ta cả về mặt thể lý lẫn tâm linh.
Đọc lại Thập giới, chúng ta thấy rằng: tiếp ngay sau bổn phận của con người đối với Thiên Chúa thì sự hiếu thảo đối với cha mẹ là nền tảng thứ nhất và quan trọng nhất trong những tương quan giữa con người với nhau: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20,12: x. Đnl 5,16; Ep 6,1-3).
Sự tôn kính cha mẹ ở đây phải được thể hiện cách cụ thể bằng lòng biết ơn và sự đáp trả xứng hợp với công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, những cánh tay nối dài của Thiên Chúa ở dưới thế, đã hy sinh, nâng đỡ chúng ta trên đường trọn lành. Như thế, sự tôn kính cha mẹ có mối liên hệ trực tiếp đến sự kính tín đối với chính Thiên Chúa, và là một hành vi nhân linh, có giá trị kiện toàn bản thân, làm cho ta được trường thọ và hạnh phúc, đồng thời giúp ta nên công chính thánh thiện hơn mỗi ngày, “vì của dâng cho cha sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi” (Hc 3,14-15).
Giá trị tuyệt đối của lòng hiếu thảo theo lệnh truyền của Thiên Chúa trong Cựu ước đã được Đức Giêsu nhấn mạnh trong Tin Mừng (Mt 15,1-6). Theo đó, việc thờ kính cha mẹ như một mệnh lệnh bất khả kháng, mà kẻ vi phạm không tránh khỏi tử tội: “Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải xử tử” (Mt 15,4).
Trong dòng suy tưởng này, Công đồng Vaticano II, trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes cũng dạy rằng: “Con cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, tâm tình hiếu thảo và tin cậy, sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh cũng như trong tuổi già cô quạnh” (Gaudium et Spes, số 48).
Những dẫn chứng của Thánh Kinh và Giáo huấn của Giáo hội giúp chúng ta ý thức hơn về giá trị tâm linh sâu sắc trong việc thực thi tình hiếu thảo đối với các bậc tổ tiên mà nền văn hóa Việt Nam hằng lưu giữ qua bao thăng trầm của lịch sử.
Ngày Mồng Hai Tết hôm nay chính là thời điểm thuận tiện nhất để những người làm con tự vấn lại bổn phận và thái độ sống của mình đối với các bậc tiền nhân. Một năm đã qua, có biết bao lần ta đã làm phiền lòng những người đã gánh chịu bao nhiêu tủi hờn sầu muộn chỉ vì mong cho ta nên người; có biết bao lần ta đã lãng quên công ơn của những người đã lam lũ giữa dòng đời xuôi ngược, đã nếm trải mọi mùi vị chua chát, đắng cay chỉ vì mong cho ta được đủ đầy và hạnh phúc. Vậy, trong giây phút linh thiêng của ngày đầu năm này, chúng ta cùng thành tâm xin Chúa thứ tha cho chúng ta những lỗi lầm thiếu sót trong bổn phận làm con, và cho chúng ta luôn biết sẵn sàng thể hiện lòng hiếu kính với ông bà cha mẹ ngay khi các ngài còn sống, đừng để khi đã quá muộn mới giật mình tỉnh giấc và hối hận mong níu kéo thời gian mà chẳng thể được, như nhà thơ Đỗ Trung Quân đã nói:
“Con sẽ không đợi một ngày kia,
khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc.
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt.
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua,
mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ, ai níu nổi thời gian?”
Ai có thể níu kéo thời gian? Chẳng thể! Nhưng sẽ chẳng bao giờ là muộn, nếu ngay lúc này chúng ta biết dùng thời gian để thể hiện lòng hiếu kính với cha mẹ bằng những hành động cụ thể của chúng ta trong cuộc sống.
Nguyện xin Chúa giáng phúc xuống trên ông bà cha mẹ, những người còn sống được một đời an yên, những người đã qua đời được ơn tha thứ và được hạnh phúc bên Chúa là Mùa Xuân không bao giờ tàn lụi.
-
Ngày 16/11, thánh Gertrude, Nữ đan sĩ, Lễ nhớ, Lc 18,1-8: Kiên nhẫn cầu nguyện (16/11)
-
Lễ Chúa Hiển Dung (06/08), B, Mc 9,2-10: "Hãy vâng nghe lời Người" (05/08)
-
Chúa Nhật XVIII TN, B, Ga 6,24-35: Hãy làm việc không ngừng (03/08)
-
Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: "Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi" (20/07)
-
Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi" (29/06)
-
Chúa Nhật XI TN, B, Mc 4,26-34: Sức mạnh lan tỏa của Nước Thiên Chúa và bóng mát của Nước Trời (15/06)
-
Thánh Lễ An Táng Đan sĩ Linh mục M. Montfort Nguyễn Vinh: Người công chính ở trong tay Thiên Chúa (07/06)
-
Chúa Nhật VI Phục Sinh, B, Ga 15,9-17: "Ở lại trong Thầy" (05/05)
-
Chúa Nhật IV Phục Sinh, B, Ga 10,11-18: Mục tử Giêsu (20/04)
-
Chúa Nhật III Phục Sinh, B, Lc 24,35-48: Hiệp hành với Đấng Phục Sinh (13/04)