Bài giảng

Chúa Nhật VI Phục Sinh, B, Ga 15,9-17: "Ở lại trong Thầy"

‘Tuân giữ các điều răn, thì ở lại trong tình thương của Chúa”, dẫn chúng ta đi vào cội nguồn của tình yêu phát xuất từ Chúa Cha, nhờ, với và trong Chúa Giêsu tuôn chảy đến các môn đệ.

 

 

“Ở LẠI TRONG THẦY”

(Ga 15,9-17)

 

Vp. Bảo Tịnh

 

Trong bài Tin mừng theo thánh Gioan 15,9-17, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ tuân giữ giới răn và ở lại trong tình thương của Ngài. Qua bài Tin mừng này, xin chia sẻ hai điểm.

 

1. Tìm hiểu ý nghĩa bản văn Ga 15,9-17

 

Ga 15: Chúa Giêsu nói về dụ ngôn ‘cây nho thật’. Khi nói về dụ ngôn ‘cây nho thật’ (Ga 15,1-8), Ngài muốn ám chỉ người môn đệ chỉ sống và sinh ơn ích, khi kết hiệp mật thiết với Ngài, cùng dòng chảy đó, họ sẽ được thông hiệp với tha nhân. Để thực thi sự kết hiệp này, họ phải ‘ở lại trong Chúa và tuân giữ điều răn của Ngài’. Đó cũng là chủ đề chính của bài Tin Mừng.

 

Ga 15,9-17, chỉ có 8 câu, nhưng diễn ngữ ‘điều răn’ được sử dụng bốn lần và vì Chúa trao ban ‘điều răn’ này trong bữa tiệc ly, nên nó không những trở thành lời ‘di chúc’ của Chúa, mà còn là luật buộc các môn đệ phải tuân giữ.

 

Trao ban ‘giới răn yêu thương’ Chúa muốn chúng ta khám phá chính mầu nhiệm của Chúa Cha: ‘Đấng đã yêu thương thế gian đến nỗi ban chính Con Một của mình’ và mầu nhiệm của Chúa Con: ‘Đấng đã được sai đến trần gian để cứu độ con người’.

 

2. Nêu vài ý nghĩa thần học qua diễn ngữ ‘ở lại trong’

 

Ga 15,1-17, diễn ngữ ‘ở lại trong’ được Gioan sử dụng đến 9 lần. Dưới ngòi bút của Gioan, chúng ta đọc và hiểu lời Chúa Giêsu nói ‘ở lại hay ở lại trong’, không những mang trạng thái thể lý, mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng, nghĩa là ‘ở lại’ trong tình yêu và đi vào sự kết hợp với Chúa và tha nhân.

 

‘Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy’. Động từ ở mệnh lệnh cách, do đó, nó biểu thị một hành động sống, hơn là một trạng thái chết, một sự chủ động hơn là thụ động. Và vì thế, người môn đệ phải dùng mọi cách để đạt tới sự hiệp thông này. Trong Tin Mừng Gioan, diễn ngữ ‘ở lại trong’ có ý nghĩa thần học sâu xa và quan trọng. Chúng ta nêu lên vài ý nghĩa thần học này:

 

° Thần học Ân sủng: Thiên Chúa ban sự sống và ân phúc dồi dào cho những ai ‘ở lại trong Ngài’. Ý nghĩa này được Chúa Giêsu mặc khải qua hình ảnh cành nho gắn liền với cây nho, nhờ đó mới sinh hoa trái, khi Ngài nói: ‘Thầy là cây nho, anh em là cành, ai ở trong Thầy, Thầy ở trong người ấy, người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái’ (Ga 15,5).

 

° Thần học cánh chung: ai ở lại trong Chúa thì sẽ hưởng được hạnh phúc đời đời. Điều ấy, được Chúa Giêsu đề cập đến cành nho khô héo bị quăng vào lửa, vì đã xa lìa Chúa: ‘Ai không ở trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo, người ta nhặt lấy, quăng nó vào lửa’ (Ga 15,6).

 

° Thần học tương quan Ngôi Vị: được Chúa Giêsu mặc khải trong ‘Lời cầu nguyện của Người’ ở Ga 17,21-23: ‘Lạy Cha, xin cho tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một’. Qua lời cầu nguyện này, Chúa Giêsu đã cho thấy các tương quan Ngôi Vị: ‘Chúa Cha-Chúa Con, Chúa Con và con người, con người và Chúa Cha’. Tương quan ngôi vị ‘Chúa Cha và Con người’ là trong, với và nhờ Chúa Giêsu.

 

Từ tương quan nên một trong các Ngôi Vị, kéo theo ý nghĩa của thần học ‘Giao ước’. Đó là trung thành tuân giữ lời nhau, cam kết và ràng buộc với nhau trong tình yêu. Chính vì vậy, Chúa Giêsu mới nói: ‘Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy. Cũng như Thầy giữ các điều răn của Cha Thầy và ở trong tình thương của Người’. Như vậy, có ‘giữ các điều răn’, thì mới được ‘ở lại trong tình thương’, hai câu này làm nên một ‘Giao ước’ có điều kiện. Điều kiện đủ và cần, nghĩa là hai điều đó phải tồn tại, thiếu một trong hai, Giao ước không thể thực hiện.

 

‘Tuân giữ các điều răn, thì ở lại trong tình thương của Chúa”, dẫn chúng ta đi vào cội nguồn của tình yêu phát xuất từ Chúa Cha, nhờ, với và trong Chúa Giêsu tuôn chảy đến các môn đệ. Như vậy, cấu trúc của câu nói này phản ánh hai mối tương quan thông hiệp, nhưng chỉ là một dòng chảy từ ‘Chúa Cha đến Chúa Giêsu’ và qua, trong và nhờ ‘Chúa Giêsu đến các môn đệ, cũng chỉ là một nguồn tình yêu duy nhất phát xuất từ Thiên Chúa, Chúa Cha.

 

Mối tương quan thông hiệp trong tình yêu, được Gioan đề cập đến là sự thẩm thấu trong nhau của các Ngôi vị. Sự thông hiệp trong tình yêu này là ‘ở trong nhau’ và đi đến mút cùng của sự thông hiệp là hiến mình làm lương thực nuôi sống người mình yêu. Gioan chứng minh điều ấy ở chương 6: ‘Diễn từ về Bánh Hằng Sống’, khi Chúa Giêsu nói: ‘Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy’ (Ga 6,57tt), và ‘Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời’ (Ga 6,47tt).

 

Diễn ngữ ‘ở lại trong’ trong Ga 6, phản ánh nền ‘thần học Thánh Thể’, vì những lời này trong Tin Mừng Gioan Chương 6, nói về Bí tích Thánh Thể.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á