Bài giảng

Chúa Nhật V Mùa Chay, B, Ga 12,20-33: Hạt giống và lời cầu nguyện

Đã bao lần trong cuộc đời chúng ta đòi hỏi ý Chúa phải tuân theo ý mình. Chúng ta chỉ biết xin, xin và xin theo ý đồ của cá nhân mà không biết lắng nghe thánh ý của Thiên Chúa muốn cho chúng ta. Đã bao nhiêu lời cầu nguyện của chúng ta vang lên không để làm vinh danh Thiên Chúa mà chỉ để cầu mong cho ý thích của riêng mình được cả sáng. Đã bao lần lời cầu nguyện vang lên với ý nguyện tốt đẹp nhưng tiềm ẩn sau sự tốt đẹp đó lại hàm chứa sự thiệt thòi và mưu hại cho người khác.

 

 

HẠT GIỐNG VÀ LỜI CẦU NGUYỆN

(Ga 12,20-33)

 

M. Phaolô Thánh Giá  

 

Khởi đầu bài Tin Mừng hôm nay là hình ảnh hai người Hy Lạp, đại diện cho những người dân ngoại đến tìm gặp Chúa Giêsu. Đây là một trong rất ít những sự kiện được các tác giả Tin Mừng thuật lại. Nó không phải là một sự tình cờ khi thánh sử Gioan ghi lại cho hậu thế, mà nó hàm chứa một ý nghĩa rất quan trọng.

 

Chúng ta biết rằng mục đích của Chúa Giêsu đi rao giảng là kêu gọi mọi người hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Tin Mừng ở đây không phải là một thứ thông tin mà là chính Đức Giêsu, Con Thiên Chúa hạ thân xuống làm người. Đấng mặc khải cho nhân loại biết Thiên Chúa quá yêu thương thế gian, Ngài muốn cứu độ cũng như giải thoát con người khỏi tội lỗi. Như một bác nông phu đi gieo giống, những mong hạt giống mọc lên và đâm chồi nẩy lộc. Chúa Giêsu cũng thế, Ngài cũng khao khát hạt giống Lời phát ra từ miệng Ngài sớm đâm chồi nẩy lộc trong lòng người nghe. Có lần Ngài cũng phải thốt lên đầy ngao ngán khi thấy Lời của Ngài vẫn chưa nảy mầm và sinh hoa kết trái trong lòng những người đã từng nghe Ngài: “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa?”(Mc 9,19) 

 

Hai người Hy Lạp đến tìm gặp Chúa Giêsu hôm nay là dấu chứng cho hạt giống Lời của Ngài đã nẩy mầm trong lòng nhân thế. Nhưng sự nảy mầm nay mới chỉ là giai đoạn đầu của tiến trình đi đến đơm bông kết quả. Hạt giống còn phải trải qua cái chết và sự tan rữa để cho mầm lớn thành cây và sinh hoa quả tốt tươi. Đó chính là quy luật tiềm ẩn trong thiên nhiên mà Chúa Giêsu khai mở: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Thật thế, bất cứ hạt lúa nào khi đã nảy mầm và lớn lên thành cây, thì chính bản thân nó phải bị phân hủy thành dưỡng chất nuôi sống cho mầm cây mà nó đã sinh ra.

 

Hạt giống Lời đã nảy mầm trong lòng những người Hy Lạp nên khiến họ phải tìm gặp Chúa Giêsu. Bước tiếp theo là chính hạt giống ấy phải chết đi để đem lại dưỡng chất nuôi sống mầm cây ấy và từ đó hoa trái được sinh ra. Chúa Giêsu là người gieo giống và cũng chính là hạt giống được gieo vào tâm hồn mỗi người. Hạt giống phải chết đi mới đem lại nhiều bông hạt. Hạt giống con người Chúa Giêsu. Có lẽ vì thế mà Chúa Giêsu mới thổn thức: “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến” (Ga 12,27). Làm sao mà không xao xuyến cho được, khi biết giờ của Ngài đã gần đến, giờ chính Ngài phải chịu đau khổ, phải lìa bỏ thế gian (x. Ga 13,1), phải chết đi để nhân loại được cứu độ. Cái chết của Chúa là giá chuộc đền bù cho tội lỗi chúng ta, là dấu chứng hy sinh vì tình yêu cho nhân loại, là bảo chứng cho sự sống đời đời qua biến cố phục sinh. Có thể nói, cái chết của Chúa Giêsu chính là dưỡng chất nuôi Lời (x. Lc 8,11-15) hay mầm sống đức tin đã được gieo vào tâm hồn mỗi người. Nhưng điều đặc biệt là vì Thiên Chúa đã ban cho con người tự do tuyệt đối, tự do đón nhận hay từ chối bất cứ điều gì, kể cả tự do phản bội lại Thiên Chúa, nên con người có thể đón nhận dưỡng chất ấy về nuôi sống Lời và mầm sống đức tin của mình hoặc cũng có thể từ chối để rồi Lời và mầm sống đức tin chết đói vì thiếu dưỡng chất (x. Lc 8,13). Câu hỏi đặt ra là tôi đã chăm sóc và nuôi dưỡng Lời và mầm sống đức tin của tôi như thế nào?

 

Sự xao xuyến của Chúa Giêsu khi đứng trước con đường khổ giá mà Ngài sắp phải chịu đã dẫn đến lời cầu nguyện thiết tha vọng lên từ tận đáy tâm can: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến, lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha” (Ga 12,27). Đây là một trong những lời cầu nguyện hay nhất của Chúa Giêsu và nó không khác mấy so với lời cầu nguyện của Ngài trong vườn Cây Dầu trước khi bị bắt: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha” (Mt 26,39). Chúa Giêsu cũng mang thân xác như chúng ta, cũng biết đau, biết buồn, biết sợ trước khổ đau về thân xác cũng như tinh thần, nên Ngài cũng cầu khẩn Chúa Cha cứu Ngài khỏi sự đau khổ này. Nhưng Ngài vụt sáng lên trong sự khác biệt với nhiều người ở chỗ, là không dừng lại ở sự kêu xin cứu thoát, mà sẵn sáng đón nhận tất cả để cho danh Chúa được tôn vinh -“chính vì giờ này mà con đã đến”; xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha”.

 

Đây chính là lời cầu nguyện đẹp nhất và làm khuôn mấu cho cuộc đời sống đạo người Kitô hữu. Khi gặp khó khăn, người Kitô hữu cũng không ngớt lời cầu xin giống Chúa Giêsu: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này”; “Lạy Cha, xin cho con khỏi phải uống chén này”. Nhiều lời cầu nguyện của chúng ta chỉ dừng lại ở điểm đó, mà không vươn tới sự cao đẹp và trọn vẹn của vế thứ hai thuộc lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “chính vì giờ này mà con đã đến, lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha”; “xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha”. Đã bao lần trong cuộc đời chúng ta đòi hỏi ý Chúa phải tuân theo ý mình. Chúng ta chỉ biết xin, xin và xin theo ý đồ của cá nhân mà không biết lắng nghe thánh ý của Thiên Chúa muốn cho chúng ta. Đã bao nhiêu lời cầu nguyện của chúng ta vang lên không để làm vinh danh Thiên Chúa mà chỉ để cầu mong cho ý thích của riêng mình được cả sáng. Đã bao lần lời cầu nguyện vang lên với ý nguyện tốt đẹp nhưng tiềm ẩn sau sự tốt đẹp đó lại hàm chứa sự thiệt thòi và mưu hại cho người khác.

 

Khi Chúa Giêsu vang lên lời cầu nguyện thì được Chúa Cha đáp lại liền: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, và Ta sẽ còn tôn vinh nữa!” (Ga 12,28). Điều đặc biệt là mỗi người nghe thấy lời nói này bằng những âm thanh khác nhau. Người thì nghe như tiếng sấm, người thì nghe như tiếng Thiên Thần (x. Ga 12,29). Thế mới biết không phải ai cũng có thể nghe được Lời Chúa nói với chính mình, chỉ những ai có tâm hồn trong sạch, không bị bởn nhơ của tội lỗi, của tục luỵ thế trần, của gian tham dối trá… mới có thể lắng nghe được Lời Chúa nói với bản thân.

 

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con sẵn sàng chết đi cho những gian tham thế trần, những tội lỗi yếu hèn, những dục vọng đam mê bất chính để cho Lời Chúa lớn lên và sinh hoa trái. Và xin cho chúng con lắng nghe được tiếng Chúa trong tâm hồn mình để chúng con biết dừng lại trước những cơn cám dỗ, biết nói không với những điều bất chính, biết đón nhận thánh ý hơn là đòi hỏi theo ý riêng mình. Vì thánh ý Chúa luôn tốt đẹp và đem lại an yên hạnh phúc, ý riêng chỉ mang lại niềm vui chóng qua nhưng kết cục ê chề.

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á