Bài giảng
Chúa Nhật III Phục Sinh, B, Lc 24,35-48: Hiệp hành với Đấng Phục Sinh
HIỆP HÀNH VỚI ĐẤNG PHỤC SINH
(Lc 24,35-48)
M. Viên Ân
Hội Thánh Công Giáo Việt Nam đang cùng Giáo Hội hoàn vũ tích cực thực hiện tiến trình của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ 16, với chủ đề:
“Hướng tới một Hội Thánh Hiệp Hành:
Hiệp Thông – Tham Gia – Sứ vụ”.
“Hiệp Hành” là một từ ngữ Hán-Việt mới, không có trong từ điển, được chuyển ngữ bởi hạn từ “Synodality”. Nếu chiết tự, chữ “hiệp” có 2 nghĩa chính là hoà hợp và giúp đỡ ; và chữ “hành” cũng có 2 nghĩa chính là bước đi và làm việc.
Như thế “hiệp hành” có thể hiểu: “Nhiều người hoà hợp, giúp đỡ nhau bước đi và làm việc trên con đường”. Hay hiểu cách đơn giản, vắn gọn là: “cùng đi với nhau”.
Hiệp Hành là cùng đi với Chúa Giêsu:
Nhưng theo Đức cha Manuel Nin, giám mục Công Giáo Hy Lạp Byzantine, cho rằng, từ Syn-odality bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, trong đó tiếp đầu ngữ syn có nghĩa là “cùng, với”. Tuy nhiên, tiếp đầu ngữ syn trong tiếng Hy Lạp không có ý nói đến hành trình hay con đường, nhưng nói đến một ai đó mà ta cùng đi và hoàn tất hành trình. Đấng đó chính là Chúa Giêsu, Ngài nối kết và mang chúng ta đến với nhau. Thế nên ý nghĩa của hiệp hành (synodality) không chỉ là “cùng đi với nhau” nhưng trước hết là “cùng đi với Chúa Giêsu” (1).
Trở lại bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ III Phục Sinh, năm B, hôm nay (Lc 24,35-48) khởi đi từ việc nhắc lại câu chuyện của hai môn đệ trên đường Emmaus. Xem lại câu chuyện đó (x. Lc 24,13-33) chúng ta thấy hai môn đệ từ Giêrusalem trở về làng Emmaus với tâm trạng thất vọng, buồn sầu và suy sụp hoàn toàn.
Sao không thất vọng được khi Giêsu Nazareth, Đấng mà mọi người cho là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân, và hơn thế nữa, đối với các môn đệ, họ tin rằng, Ngài chính là Đấng cứu chuộc Israel, là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống (Mt 16,16). Thế mà giờ đây Ngài đã bị kết án tử hình, chịu đóng đinh trần trụi trên thập giá.
Sao không suy sụp được khi các môn đệ thân tín của Ngài đã bỏ hết mọi sự mà theo Ngài (x. Mc 10,28) với hy vọng, khi Ngài lên làm vua, họ sẽ có một vị trí xứng đáng (x. Mt 20,21). Giờ thì trắng tay, mọi tham vọng đã tan thành mây khói.
Với tâm trạng chán chường đó, các môn đệ dầu đang bước đi cùng với Chúa Giêsu trên con đường trở về Emmaus, nhưng tất cả 3 người chỉ là bạn đồng hành với nhau mà thôi. Họ chỉ thực sự hiệp hành sau khi nhận ra Chúa Giêsu đã Phục Sinh và vui mừng quay trở về Giêrusalem để báo tin mừng Phục Sinh cho Nhóm Mười Một và các bạn hữu.
Hiệp Hành nhờ Lời Chúa và Thánh Thể:
Trên trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu Phục Sinh, Ngài đã hiện ra với Nhóm Mười Một nhưng họ không nhận ra Ngài; điều này cũng xảy ra với Maria Madalena, bà tưởng Chúa Giêsu là người làm vườn (x. Ga 20,14-16); Chúa cũng hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmaus, đi hết đoạn đường dài với họ nhưng họ cũng không nhận ra Ngài (x. Lc 24, 15-29), thậm chí các tông đồ khi thấy Chúa hiện ra còn hoảng hốt tưởng Ngài là ma nữa. Những sự kiện này làm chúng ta dễ thắc mắc: Tại sao họ từng sống với Chúa Giêsu mà giờ đây họ đều không nhận ra Người?
Kinh Thánh không giải thích cho chúng ta biết. Chúng ta có thể đặt giả thiết: Phải chăng vì quá đau buồn hay vì chính họ đều xác tín rằng Chúa đã chết thật rồi nên dù đang diện kiến với Ngài, họ cũng không nhận ra Ngài.
Tuy nhiên có cách giải thích cho rằng: “… sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh, không ai có thể được nhìn thấy Người bằng con mắt thể xác nữa: Người đã vượt qua thế gian này mà về với Cha Người, và thế giới này vượt quá tầm mức của giác quan chúng ta” (2).
Vậy làm thế nào để chúng ta có thể nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh?
Với các môn đệ Emmaus, họ đã nhận ra Chúa khi Ngài “bẻ bánh” (x. Lc 24,30-31) và họ đã nhớ lại: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,32). Bấy giờ hai môn đệ mới rõ: Hoá ra người bộ hành cùng đi với họ trở về Emmaus, không phải là người đồng hành với họ, mà chính là Chúa Giêsu, Ngài đã “hiệp hành” với họ mà họ không hề hay biết.
Như thế, chúng ta chỉ có thể Hiệp Hành với Chúa Giêsu khi chúng ta để Lời Chúa soi dẫn đường đi, vì “Chúa chính là Đường, là Chân Lý, là Sự Sống” và lương thực nuôi dưỡng chúng ta trên con đường lữ thứ nhiều chông gai, hiểm trở nơi trần gian này chính là Thánh Thể Chúa.
Đây cũng chính là đường hướng mục vụ 2023-2024 mà Giáo Phận Xuân Lộc đề ra cho mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Phận: Giáo Hội Hiệp Hành: Nhờ Lời Chúa Và Thánh Thể.
Hiệp Hành với Đấng Phục Sinh chính là chúng ta Hiệp Thông với Ngài và Hiệp Thông với nhau để cùng Tham Gia Sứ Vụ loan báo Tin Mừng: “Chúa Giêsu Kitô đã chết và đã phục sinh. Nhờ sự phục sinh, Ngài đã mang ơn cứu độ đến cho toàn thể nhân loại chúng ta” (x. Lc 24,46-48).
______________________
- https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hiep-hanh-cung-di-voi-chua-kito-52589
- x. Lời Chúa cho mọi người, bản dịch Kinh Thánh do nhóm phiên dịch CGKPV, trang 1800.
-
Lễ Chúa Hiển Dung (06/08), B, Mc 9,2-10: "Hãy vâng nghe lời Người" (05/08)
-
Chúa Nhật XVIII TN, B, Ga 6,24-35: Hãy làm việc không ngừng (03/08)
-
Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: "Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi" (20/07)
-
Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi" (29/06)
-
Chúa Nhật XI TN, B, Mc 4,26-34: Sức mạnh lan tỏa của Nước Thiên Chúa và bóng mát của Nước Trời (15/06)
-
Thánh Lễ An Táng Đan sĩ Linh mục M. Montfort Nguyễn Vinh: Người công chính ở trong tay Thiên Chúa (07/06)
-
Chúa Nhật VI Phục Sinh, B, Ga 15,9-17: "Ở lại trong Thầy" (05/05)
-
Chúa Nhật IV Phục Sinh, B, Ga 10,11-18: Mục tử Giêsu (20/04)
-
Chúa Nhật Phục Sinh, Ga 20,1-9: "Chúa Giêsu đã chiến thắng tử thần, Người đã phục sinh" (30/03)
-
Chúa Nhật V Mùa Chay, B, Ga 12,20-33: Hạt giống và lời cầu nguyện (15/03)