Bài giảng
Chúa Nhật Chúa Hiển Linh, Mt 2,1-12: Món quà yêu thương
MÓN QÙA YÊU THƯƠNG
(Mt 2,1-12)
M. Minh Tuyển
Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,8).
Câu định nghĩa của thánh Gioan thật ngắn ngủi, làm cho chúng ta rối lòng, mập mờ và khó hiểu!
Quả thật, Thiên Chúa chẳng ai thấy bao giờ, làm sao con người có thể hiểu được phẩm tính của Thiên Chúa? Nói về tình yêu thì lại càng mập mờ hơn nữa, vì tình yêu vốn dĩ là một danh từ trừu tượng, mà đã trừu tượng thì không xác định rõ ràng được.
Ta chỉ biết có tình yêu, mà không thể nào giải nghĩa được rõ ràng. Có nhiều nhà triết học, tâm lý học, phân tâm học, đã giải nghĩa tình yêu theo cảm nghiệm riêng tư của mình.
“Yêu là chết ở trong lòng một ít”
“Yêu là cùng nhau nhìn về một hướng”.
Nói chung, cũng chỉ là trừu tượng, chẳng ai đong tình yêu được mấy lít, chẳng cân được mấy kg, chẳng đo được mấy mét ...
Tình yêu thật khó hiểu, nhưng ta có thể cảm nghiệm được tình yêu một cách tỏ tường. Có một loại nhiệt kế đo được tình yêu, đó là nhiệt kế hy sinh.
- Người Cha vất vả chịu đựng nắng nôi cả ngày để lo cho gia đình, đêm về ông bị sốt, và nhiệt kế đã đo được 39 độ yêu.
- Người Mẹ dám lao vào lửa để cứu con mình, bà bị cháy hết tóc và bị bỏng nặng, nhiệt kế hy sinh đã đo được 200 độ yêu.
Có một nhà văn đã viết: “Nếu muốn thí nghiệm tình yêu, hãy cho tình yêu vào máy ép, nếu nó tiết ra chất hy sinh thì đó là tình yêu chân thật” (Ý Anh – Bùi Trần Lục).
Thiên Chúa là tình yêu.
Ta hãy bỏ tình yêu Thiên Chúa vào máy ép, chắc chắn sẽ tiết ra chất hy sinh, vì đó là tình yêu chân thật. Lễ Chúa Hiển Linh là cách thức Thiên Chúa tỏ hiện tình yêu của Ngài cách chân thật nhất, để nhân loại có thể biết được mặc khải của Ngài.
- Thiên Chúa là vị Vua cao cả đã từ bỏ ngai Trời, để chung chia phận người trong hình hài của một trẻ thơ, nhiệt kế hy sinh đã xóa hết số đo của độ cao.
- Thiên Chúa đã cho con người được sờ đụng tới Thiên Chúa, bằng người thật việc thật. Ngài trở thành vị Tư Tế “bắc cầu” cho con người đến với Thiên Chúa. Nhiệt kế hy sinh đã kịch trần số đo của quãng xa.
- Con Thiên Chúa dám chết cho con người; dù là trẻ thơ ở trong máng cỏ, Hài Nhi Giêsu đã giang 2 tay, 2 chân bắt chéo lại trong tư thế của một tội nhân chịu khổ hình Thập giá. Mầm mống của sự sống lại là hình ảnh tượng trưng cho một sự chết, một cái chết hiến thân trọn vẹn. Nhiệt kế của hy sinh đã đạt tới mức cực đại, vì không còn số nào để đo.
Mừng lễ Chúa tỏ mình cho nhân loại hôm nay, chúng ta cảm nhận được một Thiên Chúa vô hình, vì yêu đã mặc lấy xác phàm hữu hình đến với con người. Và người phàm được đụng chạm đến Đấng Thần Linh. Các nhà chiêm tinh đã đại diện cho nhân loại đón nhận tình yêu giáng thế của Chúa Hài Nhi; và đã dâng những lễ phẩm của trần gian là vàng, nhũ hương và mộc dược.
1. Vàng là vua của mọi kim loại, dâng vàng là ngụ ý dâng lễ vật lên Vua. Đây là sự tôn quý của con người dành cho vị Thủ Lãnh tối cao, là Đức Vua Hòa Bình.
2. Nhũ hương là chất liệu rắn, khi được thiêu hủy sẽ trở thành hương thơm dạng khói, bay bổng lên cao. Ám chỉ con người dâng lên Thần Linh dũng mãnh lời ca tụng, lời cầu nguyện. Và Hài Nhi Giêsu sẽ là Thượng Tế muôn đời, đại diện cho trần gian dâng lên Thiên Chúa hy lễ tôn thờ.
3. Mộc dược là hương liệu để ướp xác vua chúa. Họa sĩ Holman Hunt có một bức tranh nổi tiếng, mô tả chàng trai Giêsu đứng trước xưởng mộc nhà Nazareth, nắng chiều hắt lên hiên cửa, chàng trai vươn vai vì mệt mỏi sau 1 ngày làm việc, ánh nắng chiều in bóng chàng lên tường, bóng đó mang hình Thập Giá. Đằng sau, Đức Maria lộ nét mặt lo âu về hình dáng cây Thập tự. Chúa Giêsu đã đến trong thế gian để ban cho nhân loại sự sống và cái chết của Ngài.
Vàng là để tặng Vua
Nhũ hương dâng Vị Tư Tế
Mộc dược dành cho Đấng phải chết.
Những lễ vật các nhà chiêm tinh dâng lên trước Chúa Hài Đồng, dự báo Ngài là Vua Hòa Bình, là Thượng Tế đời đời và là Đấng Cứu Thế chịu chết cho loài người.
Chúng ta sẽ dâng gì cho Chúa Hài Nhi?
Trong kỳ Seagame 22, diễn ra từ ngày 13/12/2003, Việt Nam là nước đăng cai, nên họ đã chọn biểu tượng “con trâu vàng”, tượng trưng cho sức lao động, cần cù của dân tộc. Cũng năm đó, nhà thờ Sài Quất (ở vùng Hố Nai), thay vì trưng bày tượng 3 vua, thì họ đã thay bằng hình ảnh của các vận động viên Việt Nam, đang dâng lên Chúa Hài Nhi những huy chương vàng, bạc, đồng; và 1 chiếc cup vàng của đội bóng nữ. Đặc biệt có cả chiếc vương miện của các hoa hậu đạt được từ đấu trường sắc đẹp trong nước và thế giới.
Nếu ngay bây giờ và ngay tại đây chúng ta phải dâng lễ vật, thì Đan viện chúng ta phải dâng gì? Quý ông bà anh chị em sẽ dâng gì?
Dù là chưa chuẩn bị sẵn, nhưng chắc chắn Vua Hòa Bình sẽ rất thích 1 chiếc cup vàng của tinh thần đồng đội, là sự yêu thương hiệp nhất của hơn 150 đan sĩ, là những huy chương vàng của việc thi đua vâng lời nhau; là sức dẻo dai chạy đua cuộc chiến chính nghĩa, là chạy đến cùng đường mà vẫn kiên vững niềm tin.
Lễ vật chúng ta dâng lên là những làn hương bay lên từ lời kinh nguyện hợp với lễ vật của vị Thượng Tế Giêsu dâng lên mỗi ngày.
Lễ vật chúng ta dâng ta dâng là những hy sinh, như một chất thơm ướp đậm cuộc đời, họa lại cái chết và Phục Sinh của Đức Kitô.
Lễ vật của quý ông bà anh chị em là những vương miện được kết bằng ngọc trai của sự tinh tuyền, là những viên ngọc sáng của nhân đức, được tích cóp trong bổn phận đời thường của đời sống gia đình.
Cuối cùng, có 1 món quà chẳng nên trao tặng, đó là món qua của Herode định dâng lên Hài Nhi: “Các khanh hãy tìm xem Hài Nhi sinh ra ở đâu, rồi trở về báo cho trẩm biết, để trẩm cũng đến bái lạy Người”.
Điều gì sẽ sảy ra nếu Herode đến được nơi Hài Nhi ở để bái lạy và dâng quà?
Một vị vua đang tại vị, lại sợ Đấng đã từ bỏ ngai vàng. Một ông vua già lại sợ một đứa trẻ không nhà tranh ngôi.
Trong cuộc sống, có lẽ vẫn lấp ló đâu đó việc hơn thua trong địa vị, danh vọng, bằng cấp, tiền tài, kiến thức…Vẫn còn đó đố kỵ, tranh giành, ganh ghét, bách hại lẫn nhau. Trong chiếc bị nghèo nàn của chúng ta, có thể có 1 chiếc dao găm của Herode chực chờ sát hại những gì cản chắn bước đường của chúng ta đi. Mong rằng đó là món quà chẳng bao giờ được dâng cho Vua Cả Trời Đất.
Lạy Chúa Giêsu, là Đấng Cố Vấn kỳ diệu, xin chỉ đường ngay nẻo chính, xin soi sáng bằng ánh sao diệu kỳ để chúng con gặp được Chúa, và hân hoan dâng lên những lễ phẩm mọn hèn, được tích góp từ thành quả yêu tương của đời thường. Amen.
-
Thứ 7, Tuần III TN, Mc 4,35-41: Sức khỏe của đức tin (01/02)
-
Thánh lễ An táng Lm. Laurentio Nguyễn Văn Chính (10.01.2025): "Tôi tin rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống" (10/01)
-
Ngày 16/11, thánh Gertrude, Nữ đan sĩ, Lễ nhớ, Lc 18,1-8: Kiên nhẫn cầu nguyện (16/11)
-
Lễ Chúa Hiển Dung (06/08), B, Mc 9,2-10: "Hãy vâng nghe lời Người" (05/08)
-
Chúa Nhật XVIII TN, B, Ga 6,24-35: Hãy làm việc không ngừng (03/08)
-
Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: "Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi" (20/07)
-
Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi" (29/06)
-
Chúa Nhật XI TN, B, Mc 4,26-34: Sức mạnh lan tỏa của Nước Thiên Chúa và bóng mát của Nước Trời (15/06)
-
Thánh Lễ An Táng Đan sĩ Linh mục M. Montfort Nguyễn Vinh: Người công chính ở trong tay Thiên Chúa (07/06)
-
Chúa Nhật VI Phục Sinh, B, Ga 15,9-17: "Ở lại trong Thầy" (05/05)