Triết học

“SUY TƯ ĐỂ TIN TƯỞNG VÀ TIN TƯỞNG ĐỂ SUY TƯ”

Khi đưa ra công thức “suy tư để tin tưởng và tin tưởng để suy tư”, thánh Augustino đã biết vận dụng suy tư triết học vào việc đào sâu đức tin. Quả thật, đây là một đường hướng tư tưởng trong tinh thần đức tin; hay một cách sống đức tin có tính cách hợp lý. Nơi thánh Augustino, chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa triết học và thần học; nhưng trong một công thức có vẻ “bắt cá hai tay” như vậy, chúng ta thấy được cả lòng tôn trọng lý trí lẫn đức tin, cũng như sự hoà hợp đương nhiên của hai lãnh vực này. Nói cách khác, ta có thể coi công thức “suy tư để tin tưởng” như một châm ngôn tóm gọn tinh thần triết lý Kitô giáo; và châm ngôn “tin tưởng để suy tư” lại chính là đường hướng căn bản của khoa thần học Kitô giáo.

 

 

“SUY TƯ ĐỂ TIN TƯỞNG VÀ TIN TƯỞNG ĐỂ SUY TƯ”

 

 

Lam Châu

 

 

Những ai đã học triết học hay thần học, có lẽ hơn một lần được nghe, đọc và nói câu “triết học là nữ tỳ của thần học” (philosophia ancilla theologiae). Phải chăng người ta quá đề cao thần học và gán cho triết học thân phận “con sen”, tôi đòi hay thứ yếu? Đồng thời có sự phân biệt giữa suy tư và niềm tin, giữa lý trí và mặc khải? Vì, suy tư là sản phẩm của lý trí, là bước chuyển tiếp để tìm hiểu niềm tin. Trái lại, đức tin nhờ được mặc khải, có tính chất thiêng liêng. Làm sao để dung hoà được hai thái cực? Để kết hợp giữa suy tư và niềm tin, giữa lý trí và mặc khải, thánh Augustino (354 – 430) đã nói một câu rất thời danh: “Hãy suy tư để tin tưởng và hãy tin tưởng để suy tư”. Phải chăng khi nói như vậy, ngài có ý nói rằng nhờ suy tư, nghiên cứu, tìm hiểu, đức tin được tăng trưởng? Mặt khác, đức tin đóng vai trò hướng dẫn suy tư, hướng dẫn lý trí đi đúng đường?

 

1. Thử tìm một vài định nghĩa

 

Trần Văn Hiến Minh định nghĩa: Suy tư là trí khôn tự xét mình, nghiên cứu một vấn đề gì chưa phán đoán [1].

Suy tư, theo Từ điển Tiếng Việt phổ thông, là suy nghĩ sâu lắng về vấn đề vũ trụ, con người, cuộc sống…[2]

Còn tin tưởng thì sao? Trần Văn Hiến Minh cho rằng tin tưởng là tin vào người khác với một lòng khâm phục, phó thác, với một tình nồng hậu đối với họ [3]. Ví dụ: Lòng tin tưởng vào Thượng Đế giúp ta vượt qua nhiều thử thách.

 

Tin tưởng, cũng được Từ điển tiếng Việt định nghĩa như sau: tin tưởng là tin ở cái gì hoặc ở ai đó một cách chắc chắn, có cơ sở [4].

 

Theo các định nghĩa trên thì suy tư hoàn toàn dựa vào lý trí, vì khả năng của lý trí là suy tư. Trái lại, tin tưởng là đặt niềm tin vào một ai đó, vào Thượng Đế chẳng hạn, vì có cơ sở vững chắc, có uy quyền, có nền tảng.

 

Còn thánh Augustino thì sao? Ngài nói gì về suy tư và tin tưởng? Thánh Augustino đã cảm nghiệm sâu xa về tình yêu của Thiên Chúa vì Ngài đã gọi thánh nhân trở về, và thánh nhân đã từ giã con đường tội lỗi. Thánh nhân là một người uyên bác về triết học, theo trường phái Tân Platon, vừa là một thần học gia lỗi lạc nên ngài hiểu thế nào là vai trò của lý trí và của đức tin. Ngài cho rằng, hiểu biết là chiếm hữu điều gì một cách chắc chắn nhờ lý trí. Trái lại, tin tưởng là hiểu biết những chân lý mà chúng ta còn chưa hiểu thấu, nhưng được bảo đảm do thế giá của các chứng nhân. Ngài quả quyết rằng, chỉ nhờ đức tin, dựa trên Kinh Thánh, con người mới có thể lãnh hội đức tin một cách trọn vẹn. Ngài còn nói thêm: “Tin tưởng là suy tư bằng một sự đồng ý”.

 

Như vậy, với thánh Augustino, tin cũng là một cấp độ của hiểu biết. Thế giá đòi hỏi phải tin tưởng; nhưng niềm tin chuẩn bị cho lý lẽ và đưa tới một sự hiểu biết trí tuệ. Do đó, niềm tin không phải là điều ngược với lý trí [5]. Vậy thế nào là “suy tư để tin tưởng và tin tưởng để suy tư”?

 

2. Suy tư để tin tưởng

 

Chắc chắn rằng khi thánh Augustino đưa ra mệnh đề “suy tư để tin tưởng” không phải ngài là một người có thái độ duy lý, sùng thượng lý trí, coi lý trí là nền tảng để tin tưởng. Vì lý trí là một hoạt động của tinh thần khác với tin tưởng. Tuy nhiên, thánh Augustino không phân chia rạch ròi biên giới giữa lý trí và đức tin. Mặc dầu có sự phân định cương giới giữa lý trí và đức tin nhưng vẫn có sự tương chiếu giữa chúng [6]. Khi thánh Augustino đưa ra mệnh đề này, sở dĩ, ngài thấy có sự tương hợp, gắn bó, bổ túc giữa hai lãnh vực. Thánh Augustino đã cố gắng dung hợp nẻo đường khôn ngoan nhân loại với nẻo đường sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa.

 

“Suy tư để tin tưởng”, đó là điều cho thấy con người có thể tìm đến đức tin qua con đường của suy tư, của triết học, của kiến thức… nhưng như thế không có nghĩa là đức tin, phát xuất từ lý trí, mà chỉ có nghĩa là lý trí, trong nỗ lực chuẩn bị, khao khát tìm kiếm của nó, sẽ dọn đường cho đức tin có thể đến được. Vì đức tin là biết bằng một sự chấp nhận, đức tin dựa trên mặc khải của Thiên Chúa qua Kinh Thánh và qua Đức Giêsu. Con người nhờ lý trí và đức tin để tìm kiếm chân lý, nhưng chân lý của khoa học và triết học thì rõ ràng, phổ quát; còn chân lý của đức tin đôi khi chưa được sáng tỏ, buộc ta phải chấp nhận. Việc chấp nhận này không hoàn toàn thụ động nhưng được khởi đầu bằng một hoạt động suy tư của lý trí.

 

Tuy nhiên, nếu hiểu được mới tin thì không còn là đức tin nữa. Vì lý trí con người cũng có giới hạn nên không phải bất cứ chuyện gì lý trí cũng thấu hiểu được. Càng tìm hiểu, càng suy tư, đức tin càng được cũng cố và sáng tỏ. Đó là động lực để giúp con người tìm kiếm chân lý. Vì mọi người đều khát vọng sự hiểu biết và đối tượng khát vọng đặc biệt ấy là chân lý [7]. Nhờ khát vọng đó mà làm cho con người không buông xuôi nản chí nhưng cố gắng tìm hiểu, suy tư điều mình chấp nhận từ đức tin.

 

Vì thế, chức năng của lý trí đúng hơn là truy tìm ý nghĩa, khám phá ra những chứng lý khả dĩ, giúp mọi người đạt được một cách hiểu nào đó về những chân lý kết thành nội dung đức tin [8].

 

Trước thánh Augustino, thánh Justino cũng đã nói rằng: Triết lý và đức tin không ngược nhau, triết lý được suy tư nhờ lý trí, do đó triết lý giúp người Kitô hữu thấu hiểu rõ ràng hơn nội dung của đức tin, đồng thời giúp họ đạt đến tình trạng minh thức. Nhưng triết lý không thể thay thế mặc khải được, mà chỉ chuẩn bị tâm hồn giúp người ta đón nhận đức tin [9].

 

Như vậy, “suy tư để tin tưởng” còn là một quá trình học hỏi sâu xa khi đã nhận được đức tin, để làm cho đức tin thêm sáng tỏ và lan toả trong nhiều lãnh vực cũng như đời sống của con người. Như thế, vai trò của lý trí xuất hiện trong cả hai giai đoạn: Trước và sau khi tin. Lý trí đóng vai trò hạ tầng của niềm tin và nhờ lý trí, niềm tin được sáng tỏ.

 

3. Tin tưởng để suy tư

 

Chúng ta phải chấp nhận một điều rằng, “tin tưởng để suy tư” không phải là một khẳng định mâu thuẫn hay đi ngược lại với tiến trình “suy tư để tin tưởng”, nhưng là một tiến trình ở một cấp độ khác. Trước hết ta thấy rằng, tin không phải là chấp nhận một cách mù quáng hay một thứ duy tín. Trên con đường tìm kiếm của lý trí nhờ ánh sáng đức tin, lý trí sẽ có được một cột mốc chỉ đường vững chắc, nó có thể giúp con người tìm thấy lời giải đáp cho những thắc mắc của lý trí, nhất là những thắc mắc mà lý trí không thể nào có thể đạt được.

 

Thật vậy, lý trí được ví như “vỏ sò” làm sao tát cạn đức tin được ví như nước đại dương. Nếu chúng ta dừng lại và thoả mãn với niềm tin nhỏ nhoi mà mình có được, rồi một ngày, có thể chúng ta sẽ “khát niềm tin” giữa đại dương ấy. Vì thế, nhiệm vụ của lý trí là suy tư không ngừng nghỉ. Vì muốn đào sâu, hiểu thấu đáo được đức tin Thiên Chúa ban và những điều Ngài mặc khải, chúng ta phải dựa vào sự hỗ trợ của lý trí, dựa vào những lời dạy và kinh nghiệm của các bậc tiền nhân để tìm ra sự hiện hữu của Thiên Chúa, vì Ngài là chân lý và là cùng đích của muôn loài.

 

Do đó, tin không có nghĩa là dừng lại, vui thú, hãnh diện và an tâm với những điều mình đã tin, mà tin tưởng để đi đến một sự suy tư mới, tìm ra lý lẽ và sự chân thực làm nền tảng, làm cơ sở vững chắc cho điều chúng ta đã tin. Nếu tin tưởng rồi suy tư mà không tìm ra phương thế để sống niềm tin ấy, thì tin tưởng đó sớm muộn cũng sẽ bị chết yểu bởi những toan tính và lo âu của kiếp sống nhân sinh vùi dập.

 

Vì thế, lý trí cần được đức tin thanh luyện và hướng dẫn, đồng thời lý trí cũng giúp cho đức tin được sáng tỏ qua sự suy tư của chúng ta. Điều này đã được Đức Benedicto XVI khẳng định trong thông điệp đầu tiên của ngài như sau: “Đức tin đồng thời là một sức lực thanh luyện cho lý trí. Xuất phát từ quan điểm của Thiên Chúa, đức tin giải thoát lý trí khỏi những mù quáng và nhờ đó giúp lý trí được tốt hơn. Đức tin giúp lý trí có khả năng thực hiện công việc của mình tốt hơn và nhìn thấy những gì đặc thù của mình rõ nét hơn” [10]. Thật vậy, chỉ có bản thân mình mới hiểu được mình có khả năng thu nhận đức tin đến mức nào và cũng chính bản thân mình mới biết được đức tin của mình mạnh hay yếu, rõ ràng hay mù quáng, hiểu hay không hiểu.

 

Dù xuất hiện sau thánh Augustino, nhưng thánh Anselmo (1033-1109) cũng bàn đến vấn đề đức tin và lý trí. Ngài cho rằng, đức tin là một dữ kiện lý trí phải dựa vào để tiến lên trong sự hiểu biết chân lý. Ngài còn nói thêm: Kinh Thánh và Giáo Hội buộc ta phải tin vào một số tín điều. Những điều đó lý trí không thể đạt tới. (Ví dụ: Tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời, tín điều Đức Mẹ đồng trinh trọn đời dù đã mang thai và sinh con). Nhưng khi đã có niềm tin rồi, con người có khuynh hướng muốn suy tư về những tín điều và tìm hiểu nguyên do; đàng khác chính niềm tin đó cũng muốn được chúng ta tìm hiểu [11].

 

Để làm rõ tiến trình của đức tin ảnh hưởng đến suy tư của lý trí, thánh Bonaventura (1221-1274) quả quyết như sau: Có những chân lý vượt quá khả năng lý trí, nên chỉ có đức tin mới thấu đáo bằng niềm tin mến. Nhưng vai trò của lý trí vẫn thiết thực: người tín hữu muốn thấu hiểu những gì mình đã tin, đây cũng là giai đoạn giúp họ tìm hiểu điều mình đã tin. Điều này thánh Bonaventura cũng giống như thánh Augustino, là công nhận lý trí chỉ là một chặng đường đưa tới sự kết hợp và tin tưởng [12].

 

Thánh Thomas Aquino (1225-1274) cho rằng, đức tin đòi hỏi một thái độ chấp nhận quyết liệt điều nó tin tưởng. Nó thua kém kiến thức hệ thống vì lý trí nhận thức rõ rệt điều nó nhận biết hơn. Mặt khác, lý trí là một hoạt động tinh thần khác với tin tưởng. Vì triết học diễn tiến qua những lý luận, nghĩa là đi từ một kiến thức hay kinh nhgiệm nhận thức hiện tại để rồi tiến sang một tri thức mới. Đó là con đường khám phá những gì mới mẻ [13].

 

4. Nhận định

 

Renan đã khám phá ra công thức hết sức độc đáo mà qua đó được xem là công thức cho mọi suy tư: “Suy luận là một phân tích giữa hai tổng hợp”. Vậy khi suy tư, nghiên cứu một điều gì, chúng ta khởi đi từ một hiểu biết tổng quát, nếu muốn biết rõ hơn, ta đem phân tích nó. Sau khi đã phân tích kỹ lưỡng, chúng ta gom những dữ kiện đã phân tích thành một tổng hợp mới. Đây là kết quả đạt được qua sự suy nghĩ, tìm tòi, phân tích nên chúng ta biết rõ ràng và chính xác hơn.

 

Thiết nghĩ rằng khi đưa ra mệnh đề “suy tư để tin tưởng và tin tưởng để suy tư”, thánh Augustino muốn có một sự hoà hợp giữa lý trí và đức tin. Lý trí là điểm khởi đầu cho mọi suy tư. Nhờ lý trí, con người mới có khả năng nghiên cứu, đào sâu điều mình đã tin, chứ không tin một cách mù quáng. Khi đã tin, chúng ta không chọn cách “án binh bất động”, thầm nhủ với lòng mình thế là đủ. Nếu có tư tưởng như vậy thì đức tin của chúng ta dễ bị chết yểu. Thánh Giacôbê đã khuyến cáo chúng ta rằng: “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2,26). Bởi vậy, muốn cho đức tin được tăng trưởng, chúng ta phải làm một động tác nữa là “tin tưởng để suy tư” và suy tư phải dẫn đến thực hành. Nếu ta không thực hiện bước thứ hai này thì sẽ rơi vào trường hợp mà thánh Giacôbê đã khuyến cáo trên.

 

Khi đưa ra công thức “suy tư để tin tưởng và tin tưởng để suy tư”, thánh Augustino đã biết vận dụng suy tư triết học vào việc đào sâu đức tin. Quả thật, đây là một đường hướng tư tưởng trong tinh thần đức tin; hay một cách sống đức tin có tính cách hợp lý. Nơi thánh Augustino, chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa triết học và thần học; nhưng trong một công thức có vẻ “bắt cá hai tay” như vậy, chúng ta thấy được cả lòng tôn trọng lý trí lẫn đức tin, cũng như sự hoà hợp đương nhiên của hai lãnh vực này. Nói cách khác, ta có thể coi công thức “suy tư để tin tưởng” như một châm ngôn tóm gọn tinh thần triết lý Kitô giáo; và châm ngôn “tin tưởng để suy tư” lại chính là đường hướng căn bản của khoa thần học Kitô giáo[14] . Sau này, thánh Anselmo đã trình bày lại công thức của thánh Augustino trong một công thức ngắn gọn hơn như sau: “Đức tin đi tìm sự hiểu biết”.

 

Thật vậy, thần học nền tảng sẽ phải chứng minh mối tương hợp sâu sắc luôn có giữa đức tin và sự đòi buộc đức tin ấy phải được lý trí nhân loại sẵn sàng bộc giải cho và thuận tình ưng nhận. Bằng cách ấy, đức tin sẽ có thể làm trọn chức năng là dẫn đường chỉ lối cho lý trí vốn đã sẵn có ý muốn chân thành đi tìm kiếm chân lý. Như vậy, cho dù đức tin không đặt nền tảng trên lý trí, đức tin ấy – như một ân ban của Thiên Chúa – chắc chắn không sao có thể bất cần đến lý trí. Trái lại, cũng phải thấy rõ rằng lý trí cần được đức tin củng cố năng lực cho thì mới có thể khám phá ra những chân trời xa rộng mà tự sức riêng nó không sao đạt thấu được [15].

 

Tóm lại, chúng ta thấy có sự hoà điệu giữa cách nhận thức bằng sự suy tư triết lý với cách nhận thức nhờ đức tin: Đức tin đòi hỏi đối tượng của nó phải được hiểu nhờ sự trợ giúp của lý trí, còn lý trí sau khi đã tận lực tìm tòi nghiên cứu, phải thừa nhận rằng mình sẽ không làm được gì nếu không kể tới những điều mà đức tin phô trình, nghĩa là thừa nhận chúng là những dữ kiện thiết yếu cho sự nghiên cứu [16].

 

Kết luận

 

Triết lý Hy lạp, dù muốn dù không, nó cũng ảnh hưởng hầu hết trên toàn cõi Âu châu và những lục địa khác nữa. Đặc biệt tư tưởng của bộ ba sáng giá nhất thời Cổ đại là Socrate, Platon và Aristote được xem là chi phối và ảnh hưởng nhiều nhất. Họ đề cao lý trí, coi lý trí là một cái gì độc đáo giúp con người suy tư, tìm hiểu Thượng Đế, vũ trụ, con người và đời người. Thánh Augustino là một người theo trường phái triết học Tân Platon nên tư tưởng của ngài cũng chịu chi phối bởi triết học ấy.

 

Nhưng về vấn đề đức tin, đối với Kitô giáo, là một yếu tố quan trọng vì nhờ đó mà con người được biết Thiên Chúa qua mặc khải của Ngài. Thánh Augustino đã thấy được tầm quan trọng của lý trí trong việc tìm hiểu đức tin, nhằm hiểu rõ về những điều mình đã tin. Do đó, ngài không khinh miệt lý trí, xem lý trí là “nữ tỳ” của thần học. Ngược lại, ngài cũng không sùng thượng lý trí, xem đó như một phương thế duy nhất để nhận biết Thiên Chúa. Còn đức tin, đối với ngài, do Thiên Chúa mặc khải, nhưng tin điều mình chưa hiểu không có nghĩa là không thể hiểu được, mà nhờ sự hỗ trợ của lý trí sẽ làm cho đức tin được sáng rõ hơn.

 

Thật vậy, thánh Augustino đã đưa ra công thức “suy tư để tin tưởng và tin tưởng để suy tư” là một điều hợp lý, có tính cách hoà hợp giữa lý trí và đức tin, giữa triết lý và thần học. Ngài không duy lý cũng không duy tín. Dù ngài không đề cao lý trí nhưng lý trí cũng có giá trị và chức năng của nó chứ không chỉ dừng lại ở thân phận khiêm tốn “nữ tỳ” hay “con sen” cho thần học?

 

 

_______________________________

 

 

[1] Trần Văn Hiến Minh, Từ điển Triết học, 1966, tr. 209.

[2] Viện Ngôn Ngữ Học, Từ điển Tiếng Việt phổ thông, Nxb Tp. HCM, 2002, tr. 802.

[3] Trần Văn Hiến Minh, Sđd, tr. 263.

[4] Viện Ngôn Ngữ Học, Sđd, tr. 915.

[5] Tự Thuật, XI, 25.

[6] ĐGH J.P II, TĐ. Đức tin và Lý trí, số 17.

[7] ĐGH J.P II, TĐ Đức tin và Lý trí, số 25.

[8] ĐGH J.P II, TĐ Đức tin và Lý trí, số 42.

[9] x. LM. Assisi Lê Thành, Triết học Tây Phương thời Trung Cổ, Phần II, tr. 11.

[10] ĐGH Benedicto XVI, TĐ. Deus caritas est, Số 28.

[11] x. Lm. Assisi Lê Thành, Sđd, tr. 29 & 31.

[12] x. Lm. Assisi Lê Thành, Sđd, tr.  41.

[13] x. Lm. Assisi Lê Thành, Sđd, tr.  49.

[14] x. Nguyễn Trọng Viễn,  Lịch sử triết học Tây Phương, Tập II, 1998, tr. 48.

[15] x. ĐGH J.P II, TĐ. Đức tin và Lý trí, Số 67.

[16] x. ĐGH J.P II, TĐ. Đức tin và Lý trí, Số 42.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á