Tĩnh tâm

Tĩnh tâm tháng 1/2017 - Cộng đoàn TIN - HIỆP THÔNG - BÁC ÁI - Quốc Vũ

Dịp tĩnh tâm hôm nay, chúng ta có thời gian để xét lại xem cộng đoàn mình như thế nào, dựa trên 3 tiêu chuẩn theo Thánh Phaolô: Cộng đoàn đức tin - hiệp thông - bác ái

Tĩnh tâm tháng 1 năm 2017

CỘNG ĐOÀN TIN – HIỆP THÔNG – BÁC ÁI

 

Trích thư 1 Côrintô 12:

12 VÍ như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy13 Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. 14 Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi. 

18 Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. 19 Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được20 Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một

27 Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận

* * *

Cộng đoàn thân mến

Chúng ta vừa nghe lại đoạn thư của thánh Phaolô viết gởi cho cộng đoàn giáo hội tại Côrintô.

Như chúng ta đã biết, Giáo Hội thời các Tông Đồ được xây dựng dựa trên hình mẫu chung là cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi. Đó là một cộng đoàn bao gồm những người kitô hữu có chung một lòng, một ý, một niềm tin và một lý tưởng: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo mà chỉ có một lòng một ý. Họ chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện.Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thươn mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 4, 32; 2, 42.44-47).

Đó là hình mẫu, là cộng đoàn Giáo Hội đầu tiên được Luca thuật lại. Sau này, dựa vào đó, thánh Phaolô đã lập ra rất nhiều những cộng đoàn mới tại các nơi ngài đến truyền giáo. Trong tất cả các cộng đoàn của Phaolô, thì cộng đoàn Côrintô được xem là một trong những cộng đoàn lớn và được kỳ vọng nhiều.

Côrintô là một thành phố cảng nổi tiếng đầy dẫy những hành vi vô luân. Nơi đây, thánh Phaolô đã thu lượm được nhiều thành công, nhưng sau khi ngài rời khỏi đó thì sự chia rẽ lại xảy ra. Họ tranh dành nhau về việc ai là người quan trọng nhất trong cộng đoàn. Thánh Phaolô đã chỉ cho họ thấy rằng trong Giáo Hội, tất cả những đặc sủng và những khả năng mình có là để mưu ích cho toàn thể cộng đoàn:

“Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung…… Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người […] Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12: 4-7. 12-18. 27).

Thánh Phaolô đã viết đoạn thư này như một lời nhắc nhở các tín hữu về căn tính của mình, đồng thời còn là lời động viên mọi người sống ơn đặc sủng của mình trong mối tương quan với cộng đoàn, để cùng nhau sống ơn đoàn sủng chung.

Dịp tĩnh tâm hôm nay, chúng ta có thời gian để xét lại xem cộng đoàn mình như thế nào, dựa trên 3 tiêu chuẩn theo Thánh Phaolô:

1. Cộng đoàn đức tin

Thông thường, khi nói đến từ “Giáo Hội”, người ta thường nghĩ đến các tòa nhà, hoặc có thể họ nghĩ ngay đến việc “đi đến nhà thờ”. Tuy nhiên, ý nghĩa trước hết của từ này là diễn tả một cộng đoàn dân Chúa. Giáo Hội là những người có chung một niềm tin. Tân Ước sử dụng rất nhiều hình ảnh khác nhau để diễn tả về Giáo Hội. với thánh Gioan, Giáo Hội được ví như là cành nho được gắn kết với cây nho là chính Đức Kitô (Ga 15). Còn với thánh Phaolô, thì Giáo Hội được sánh ví là thân thể của Chúa Kitô, và hình ảnh này có vẻ là một diễn tả sinh động hơn cả về đời sống của Giáo Hội.

Khi nói đến Giáo Hội xét như là “cộng đoàn” của đức tin, là muốn nói rằng mối liên kết bền chặt của cộng đoàn không đến từ yếu tố xã hội, hay cá nhân, nhưng là sự liên kết mang chiều kích thiêng liêng, mà ở đó, các Kitô hữu liên kết với nhau trong cùng một đức tin. Chính sự liên kết này phá bỏ mọi ngăn cách về mặt địa lý, ngôn ngữ, văn hoá và sắc tộc...; và sự nối kết thiêng liêng này được hiểu Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô.

2. Cộng đoàn hiệp thông

Thánh Phaolô quan niệm Giáo Hội là một cộng đoàn duy nhất với những đặc sủng đa dạng và phong phú. Như vây, với thánh Phaolô, Giáo Hội duy nhất có nghĩa là tập hợp của những đa dạng và đặc sủng riêng của nhiều con người. Sự khác biệt này là một yếu tố thiết yếu nơi Giáo Hội. Duy nhất không có nghĩa là rập khuôn, không phải là bắt chước người khác, nhưng là mỗi người ý thức đặc sủng riêng của mình là dành cho toàn thể cộng đoàn. Đó là cách tốt nhất để trở nên một phần trong Nhiệm Thể của Chúa Kitô

Tuy nhiên, mặc dù trong Giáo Hội có sự đa dạng nơi những thành viên, nhưng lại được liên kết với nhau nhờ Thánh Thần. Giáo Hội là một, không phải vì mọi thành viên đều giống nhau, nhưng những khác biệt nơi các thành viên được liên kết với nhau nhờ hoạt động của Thánh Thần luôn làm việc nơi mỗi người.

Nhiệm thể Chúa Kitô được tạo nên từ những con người không phải đều là thánh. Do đó Giáo Hội là một tổng hòa giữa trần tục và thánh thiêng. Chúa Thánh Thần hợp nhất và thúc đẩy là yếu tố thánh thiêng, nhưng con người được hợp nhất và được thúc đẩy lại tràn đầy yếu đuối và mỏng giòn. Chính vì thế, yếu tố hiệp thông là rất cần thiết để các chi thể cùng nâng đỡ nhau để sống ơn đặc sủng và đoàn sủng cách hữu hiệu theo ý Chúa.

Hiệp thông mang hai chiều kích: hiệp thông giữa chi thể với đầu và hiệp thông giữa các chi thể với nhau. Hiệp thông với đầu là các tín hữu luôn gắn kết đời mình với Chúa Kitô, và hiệp thông giữa các chi thể trong tình bác ái.

3. Cộng đoàn bác ái

Thánh Phaolô đã làm sáng tỏ đặc sủng cao quý mà chúng ta có thể trao ban là chính con người chúng ta, bởi vì đặc sủng cao quí nhất là tình yêu:

Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.

Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13, 1-3.13).

Hội Thánh là một cộng đoàn Kitô hữu được biết đến và được phân biệt với các cộng đoàn khác nhờ đó là một cộng đoàn yêu thương.

+ Truyền thống đan tu ghi nhận, có hai yếu tố chính làm nên tu luật của thánh Basilio, là yêu Chúa và yêu anh em. Yêu Chúa là từ bỏ mọi sự và lấy Chúa là cùng đích duy nhất; yêu anh em là sống chung với nhau, cộng đoàn không phải là những thành phần đặt kề nhau, nhưng là sống chung với nhau và cùng nhau thăng tiến trong đời sống cầu nguyện và thực hành đức ái kitô giáo.

+ Với thánh Biển Đức, hai yếu tố này càng được làm rõ nét hơn trong đời sống của đan sĩ. Theo đó, trung tâm của đời đan sĩ là Chúa Kitô, đan viện là trường học phụng sự Thiên Chúa và môi trường lý tưởng cho những người muốn dấn than trong đời sống chung, trở thành những đan sĩ mà thánh nhân gọi là những người anh dũng nhất chiến đấu dưới cờ của Chúa Kitô, Vua chân thật (TL 1, 13).

+ Còn với Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, khi xây dựng cộng đoàn, ngài nhắm đến một cộng đoàn đức tin và yêu thương.

(1). Cộng đoàn đức tin, là cộng đoàn bao gốm những người chăm lo tìm Chúa, chuyện vãn với Chúa, kết hiệp với Chúa (DN 141). Với ngài, nếu không có đức tin thì nhà dòng ra hư, là anh em ăn nói như người đời và không thương yêu nhau (DN 143). Hơn nữa, cộng đoàn đức tin là ở đó mọi người tìm thấy phước của đời mình là hằng được ca ngợi Chúa, được đọc kinh hát lễ thay cho cả Giáo Hội (DN 139), được trở nên một loài chim hót lên lời ca ngợi Chúa, theo gương Đức Mẹ là con chim hót hay hơn cả (DN 128).

(2). Cộng đoàn yêu thương, là trong nhà dòng mọi người đều bỏ mình đi mà lo đến anh em, thì mọi người trong nhà đều được sự an ủi, vui vẻ. Nhất là những người có việc bổn phận gì thì phải lo ý tứ, đừng lợi dụng việc bổn phận để lo cho cái tôi của mình (DN 122). Cha Tổ Phụ liệt kê có ba cái đạo: «Cái đạo ăn chay, cái đạo đánh tội, cái đạo chầu Thánh Thể, các đạo ấy dễ mà không chắc chi; còn cái đạo yêu thương anh em, đạo ấy thì chắc là đạo» (DN 112). Vì yêu an hem là yêu Chúa: «Muốn biết chúng tôi có mến Chúa hay không, hãy xét coi chúng tôi có yêu thương anh em không» (DN 112)

Xét mình

+ Tôi đã làm gì, để góp phần xây dựng cộng đoàn mình là một cộng đoàn đức tin?

+ Tôi đã sống như thế nào để làm cho cộng đoàn mình trở thành một cộng đoàn hiệp nhất và yêu thương?

Quốc Vũ

Thiết kế Web : Châu Á