TIN TỨC

Tin mới: Phong thánh: trọng tâm đã thay đổi?

Mối quan tâm duy nhất nơi các thánh phải là sự thánh thiện và nhân đức, không phải sự ham muốn thế tục như nổi tiếng hay lợi ích

Theo UCAN Vietnam Newsletter

Ngày 7 tháng 8 năm 2018

Phong thánh: trọng tâm đã thay đổi?

Cha Kuriakose Chavara và sơ Euphrasia, cả hai được tôn phong thánh tháng 11-2014, nằm trong số 3 thánh nhân thời hiện đại thuộc bang Kerala, Ấn Độ.

Umberto Eco trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Baudolino nói về bản thân “… vấn đề trong cuộc đời của tôi đó là tôi luôn nhầm giữa cái tôi thấy với cái tôi muốn thấy”.

Mọi người thích hình dung về một thế giới khác tốt hơn, và quên đi thế giới đau khổ chúng ta đang sống. Cuộc sống của các thánh giúp chúng ta hình dung ra thế giới tốt nhất, thế giới bên ngoài thế giới này.

Các thánh nhân tiên khởi được tôn phong do công chúng tán dương khen ngợi, nhưng các giáo hoàng kiểm soát quá trình tôn phong thánh vào thời Trung cổ. Vào khoảng thế kỷ 16, việc tôn phong thánh đã trở thành một quy trình pháp lý có đầy đủ bằng chứng và thẩm vấn.

Trong số 272 vị được tôn phong thánh từ năm 1592, hồ sơ cho thấy 46% đến từ Ý, 34% đến từ Tây Âu ngoài nước Ý, 7% đến từ Đông Âu, 7% đến từ Mỹ Latinh, 3% đến từ Bắc Mỹ, 2% đến từ châu Á – Thái Bình Dương và chưa tới 1% đến từ Phi châu.

Nhưng trong thời Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II người Ba Lan (1978-2005), chúng ta thấy số người Ba Lan được tôn phong thánh và chân phước gia tăng. Từ năm 1990-2004, Ba Lan chiếm 10% trong các số các vị được tôn phong thánh (86% trong số các vị được tôn phong thánh ở Đông Âu).

Thánh Gioan Phaolô II đã tôn phong thánh cho 111 người trong 25 năm làm giáo hoàng, nhiều hơn cả 264 vị giáo hoàng trước ngài gộp lại, làm dấy lên một cuộc tranh luận về quá trình tôn phong thánh trong Giáo hội.

“Đôi khi cần làm một thứ gì đó quá nhiều”, ngài phát biểu với các phóng viên trên một chuyến bay, theo tin cho biết. Triều đại giáo hoàng của ngài thật sự được đánh dấu bởi “quá nhiều” trong hầu hết các hoạt động của đức giáo hoàng như tông du và phát hành văn kiện.

Triều đại giáo hoàng của Thánh Gioan Phaolô II dường như tạo động lực mới cho việc làm thánh, và chuyển trọng tâm từ châu Âu sang các nơi khác bao gồm châu Á. Tuy nhiên, có người tự hỏi liệu Đức Thánh cha Phanxicô có dự định vượt qua kỷ lục của các vị tiền nhiệm không. Cho đến nay ngài đã tôn phong 42 vị thánh, trung bình 8 thánh nhân một năm từ khi lên ngôi giáo hoàng năm 2013.

Người Công giáo Ấn Độ được ban cho 4 thánh nhân thời hiện đại từ thời Thánh Gioan Phaolô II. Đó là các Thánh Alphonsa, Euphrasia và Kuriakose Chavara, bang Kerala và Thánh Têrêsa Calcutta. Cũng trong thời gian đó, Philippines có 2 thánh nhân trong khi Nhật Bản có 16 vị tử đạo được phong chân phước.

Việc Vatican háo hức tìm kiếm thêm nhiều tấm gương cho người Công giáo Ấn Độ dường như đã khuyến khích người Công giáo trong bang Kerala, miền nam Ấn Độ, đề nghị tôn phong thánh thêm cho nhiều người thánh thiện của họ.

Trong số tất cả các bang của Ấn Độ, Kitô hữu ở Kerala đã đưa thêm nhiều người nam nữ vào con đường nên thánh. Họ đã có 3 trong số 4 thánh nhân thời hiện đại. Ngoài ra, 4 người Công giáo ở Kerala đang nằm trong danh sách phong chân phước, 5 vị khả kính và hơn 30 người đang trong giai đoạn đầu của quá trình phong thánh được gọi là Tôi Tớ Chúa. Một số người gọi Kerala là “thủ phủ thánh nhân của Ấn Độ”.

Mọi Giáo hội ở bất kỳ thời đại nào cũng đều là cái nôi các thánh nhân. Giống như ở những nơi khác trong Giáo hội, Kerala cũng có những người nam, người nữ thánh thiện nơi giáo dân, tu sĩ, linh mục và giám mục. Không cần phải tôn phong thánh tất cả. Chỉ cần phong thánh cho những người thánh thiện và sống đức tin cách anh hùng được dùng làm tấm gương mẫu mực cho cuộc sống. Mọi thánh nhân được đặt trên bệ cao làm tấm gương của những người đi theo Đức Kitô đến độ hiến mạng sống mình làm của lễ dâng lên Chúa.

Trở thành thánh nhân có thể được xem như là vấn đề vinh dự cho gia đình, cộng đoàn hay giáo phận. Sự thánh thiện là đỉnh điểm và là vinh dự mà bất kỳ người nào cũng mong muốn có được; đó là đỉnh điểm bạn đạt đến nhờ đức tính khiêm tốn và hy sinh bản thân; đó là vinh dự bạn có được bằng cách mang lại hạnh phúc cho những người sống trong buồn chán và bên lề xã hội. Nó không xuất phát từ sinh học hay di truyền.

Khao khát thành thánh dường như giảm sút ở phương Tây nhưng đang tăng ở châu Á và các vùng còn lại trên thế giới. Về một phương diện nào đó, làm thánh là một mặt hàng tôn giáo được dùng để tiêu thụ. Ở phương Tây dường như nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này đã bão hòa.

Quan tâm duy nhất nơi các thánh phải là sự thánh thiện và nhân đức, không phải là sự ham muốn thế tục như nổi tiếng hay lợi tức từ việc kinh doanh liên quan đến các trung tâm hành hương. Không nên quan tâm đến lợi ích và sự nổi tiếng trong tất cả các công việc liên quan đến quá trình tôn phong thánh.

Thương mại hóa các trung tâm hành hương và các nơi liên quan đến các thánh nhân là một mối nguy hiểm. Hành hương là một phần trong đời sống Kitô hữu. Tuy nhiên ta không nên tuyệt đối hóa việc hành hương mà quên mất tầm quan trọng của cuộc hành trình vào chính nội tâm và trong đơn độc của mình.

Kitô giáo là một tôn giáo nhập thể. Chúng ta có thể thờ phượng Chúa ở khắp mọi nơi, thế nhưng rất hữu ích khi có riêng các nơi thánh và vật dụng thánh. Vấn đề sau đó là chúng ta không thể rũ bỏ các tượng thánh, thánh giá, huân chương, các thánh nhân, nước thánh và Mẹ Maria. Vấn đề là cách giải thích và truyền đạt lại một số câu chuyện của chúng ta để trình bày câu chuyện xác thực và không để trở thành mê tín, tôn giáo dân gian và ma thuật.

Thiết kế Web : Châu Á