TIN TỨC

Một nét văn hóa giàu tính truyền giáo và có hiệu quả trong các công việc bác ái

Sáng kiến các “Ca viên ngôi sao” ra đời từ thế kỷ 16 tại Đức và được phổ biến ở một số nước Âu châu, trở thành một truyền thống trong mùa Giáng sinh. Các nhóm thiếu nhi hóa trang thành các vị vua, thiên thần và các mục đồng, mang gậy có hình ngôi sao, đi từ nhà này sang nhà khác, hát những bài thánh ca Giáng sinh và loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu.

 

 

Một nét văn hóa giàu tính truyền giáo và có hiệu quả trong các công việc bác ái

 

 

Tại một thượng hội đồng ở Konstanz, bên Đức vào lễ Giáng sinh năm 1417, các tu sĩ người Anh đã biểu diễn vở kịch Star boy cho những người tham dự cuộc họp. Họ mặc những bộ trang phục đắt tiền và có một ngôi sao lớn tỏa sáng. Buổi biểu diễn đã thành công rực rỡ tại thượng hội đồng và nhiều người cho rằng buổi biểu diễn này có thể là một trong những lý do chính giúp kịch nghệ ngày càng được phổ biến ở Âu châu vào thời hậu trung cổ. Nhưng trước mắt, biểu diễn vở kịch đó đã là nền tảng cho một nét văn hóa giàu tính truyền giáo và có hiệu quả trong các công việc bác ái. Chúng tôi muốn đề cập đến các ca viên ngôi sao, tiếng Đức gọi là sternsinger.

 

Sáng kiến các “Ca viên ngôi sao” ra đời từ thế kỷ 16 tại Đức và được phổ biến ở một số nước Âu châu, trở thành một truyền thống trong mùa Giáng sinh. Các nhóm thiếu nhi hóa trang thành các vị vua, thiên thần và các mục đồng, mang gậy có hình ngôi sao, đi từ nhà này sang nhà khác, hát những bài thánh ca Giáng sinh và loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu. Các ca viên này hát những bài hát có nguồn gốc từ vở kịch Giáng sinh năm 1417, lấy trọng tâm là câu chuyện của Ba Vua hay Ba Nhà Đạo Sĩ trong Phúc âm Matthêu (Mt 2:1-28), mà chúng ta được nghe trong Lễ Hiển linh.

 

Hoạt động này thường được diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 27 tháng 12 đến ngày 6 tháng Giêng.

 

Ở Đức, Cộng hòa Tiệp, Áo, và Slovenia, hoạt động này đã phát triển thành một phong tục trên toàn quốc, nơi trẻ em đến mọi nhà và được cho kẹo và tiền cho các dự án bác ái - chủ yếu là viện trợ cho trẻ em nghèo ở các nước khác.

 

Một truyền thống ở hầu hết các nước Trung Âu là viết một lời chúc trên cửa chính của ngôi nhà. Ví dụ: nếu năm là 2020, lời chúc ấy sẽ là 20 * C + M + B + 20. Các chữ cái đầu đề cập đến cụm từ tiếng Latinh “Christus mansionem benedicat”, nghĩa là cầu mong Chúa Kitô ban phúc lành cho ngôi nhà này. Trong dân gian, các chữ cái còn được hiểu là tên của Ba Vua Caspar, Melchior, và Balthasar. Sau khi hát, các em đọc một bài thơ, và quyên góp cho trẻ em ở những nơi nghèo hơn trên thế giới, họ sẽ dán hay dùng phấn viết lời chúc phúc lên đầu khung cửa.

 

Kể từ ngày 04 tháng 12 năm 2015, sáng kiến truyền giáo truyền thống của “Ca viên ngôi sao” đã trở thành một phần di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

 

Vì nước Đức phong tỏa từ ngày 16/12/2020 đến 10/1/2021, các thiếu nhi không thể đi từ nhà này sang nhà khác để hát thánh ca và chúc mừng Giáng sinh để nhận được sự đóng góp của người dân. Các thiếu nhi đã có sáng kiến thực hiện việc hát thánh ca Giáng sinh dưới hình thức kỹ thuật số. Các lời cầu chúc với 3 chữ viết tắt “C + M + B” có nghĩa “Chúa Kitô chúc lành cho nhà này” được gửi qua bưu điện hoặc đặt tại các nhà thờ để các gia đình nhận. Chiến dịch bắt đầu từ ngày 29/12/2020 đến ngày 2/2/2021 để đủ thời gian cho tất cả mọi người nhận được lời chúc lành.

 

Cũng do các thiếu nhi không thể lạc quyên tại các gia đình, các giám mục Đức kêu gọi các gia đình có thể quyên góp qua internet hoặc gửi trực tiếp đến các giáo xứ.

 

Từ năm 1959, các Ca viên Ngôi sao tại Đức đã phát triển thành chiến dịch liên đới lớn nhất thế giới của trẻ em dành cho trẻ em. Kể từ đó khoảng 1 tỷ 190 triệu euro đã được quyên góp và hỗ trợ hơn 75 ngàn dự án dành cho trẻ em ở châu Phi, châu Mỹ Latinh, châu Á, châu Đại dương và Đông Âu.

 

Trong chiến dịch Ca viên Ngôi sao vào đầu năm 2020, các trẻ em nam nữ của 10,034 giáo xứ, trường học và nhà trẻ đã quyên góp được hơn 52 triệu euro. Chiến dịch sử dụng tiền thu được để hỗ trợ các dự án trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc mục vụ, dinh dưỡng và hội nhập xã hội trên toàn thế giới.

 

 

 

Đặng Tự Do

Nguồn: vietcatholicnews.net

 

 

Thiết kế Web : Châu Á