TIN TỨC

Giáo phận Xuân Lộc: NGÀY GIÁO PHẬN 2019 – NGÀY HỘI CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Tin và tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa, vào Đức Kitô là để cho Lời của Ngài hướng dẫn cuộc sống của chúng ta.

 

16h30 ngày 21.11.2019, tại Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Núi Cúi, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Giáo Phận chủ tế thánh lễ Tạ Ơn, cầu xin trong niềm tin và phó thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa và lòng từ mẫu của Đức Maria.

 

Mở đầu Thánh Lễ, Đức Cha Giuse đã cử hành nghi thức làm phép hai linh ảnh Lòng Chúa Thương Xót - sau Thánh Lễ sẽ khởi đầu cuộc Thánh Du trong toàn Giáo Phận.

 

Trong Nghi thức Kết Lễ, Đức Giám Mục Giáo phận đã công bố Chủ Đề Mục Vụ năm 2019-2020: “Gia đình và Giới Trẻ hãy là Chứng Nhân của Lòng Chúa Thương Xót – người Trẻ tiến tới Sự Trưởng Thành Toàn Diện”.

 

Tiếp sau đó, Nghi thức Chuyển trao Ảnh Lòng Chúa Thương Xót cho hai Đan Viện – Carmel Thánh Gia Xuân Lộc và Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý, khởi đầu cuộc Thánh Du đến các Giáo xứ và Hội Dòng trên toàn Giáo phận.

 

Khoảng 21h00, Đoàn rước linh ảnh Lòng Thương Xót Chúa về đến Đan Viện, Viện phụ M. Bảo Tịnh Nguyễn Đức Chánh cùng với Cộng đoàn cử hành Nghi thức đón Linh Ảnh Lòng Thương Xót Chúa và Chầu Đền Tạ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Rạng sáng ngày 22.11.2019, Cộng đoàn long trọng cử hành Thánh Lễ về Lòng Thương Xót Chúa. Chiều cùng ngày, vào lúc 15h00, Cộng đoàn cử hành giờ Lần Chuỗi Lòng Thương Xót Chúa cách trọng thể. Trong giờ kính Lòng Thương Xót Chúa, Viện Phụ M. Bảo Tịnh chia sẻ với Cộng đoàn đề tài: "Lòng Thương Xót Chúa", suy niệm từ trình thuật Tin Mừng (Ga 3,14-21): 

 

“Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa”.

 

Từ bài Tin Mừng (Ga 3,14-21), Viện phụ M. Bảo Tịnh chia sẻ 3 điểm:

 

1. Biểu Tưởng về Con rắn

 

Có lẽ ai trong chúng ta cũng biết, rắn là loài vật luồn lách rất giỏi, tinh ranh và khôn ngoan, quỷ quyệt. Xin ghi lại ở đây vài biểu tượng:

 

Trong trình thuật về Tội Nguyên Tổ (x. St 3,1-7), lời dụ dỗ của con rắn đã làm cho bà Evà và ông Adam nghi ngờ Thiên Chúa. Khi Thiên Chúa nói: ăn trái cây biết lành, biết dữ chắc chắn sẽ chết, nhưng con rắn đã gieo vào lòng bà Eva sự nghi ngờ Thiên Chúa, khi nó nói : ‘chẳng chết chóc gì đâu’. Trái lại, ngày nào ông bà ăn trái cây đó thì măt ông bà sẽ mở ra và ông bà sẽ nên những vị thần biết điều thiện điều ác’. Tin vào lời con rắn bà Eva đã ăn và hái về cho ông Adong cùng ăn, mắt họ mở ra và thấy mình trần truồng. Từ đó tương quan giữa họ và Thiên Chúa bị gẫy đổ. Người nữ thì phải mang nặng đẻ đau và phục tùng chồng. Người đàn ông thì phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới kiếm được của ăn nuôi sống gia đình và nhất là phải đón nhận lấy cái chết. Nhưng Thiên Chúa hứa sẽ ban Đấng Cứu Độ để cứu con người.

 

Trình thuật tin mừng theo thánh Mt 10,16-23: Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ khi bị bách hại thì phải khôn ngoan như con rắn, nghĩa là phải biết chạy trốn, ẩn thân. Tuy nhiên, nếu chẳng may bị bách hại thì không có chi phải sợ, vì mọi sự không ngoài thánh ý của Thiên Chúa.

 

Trong trình thuật của sách Dân Số (Ds 21,4-9) mà Tin Mừng Gioan trích dẫn: con rắn một đàng là biểu tượng của sự chết, do có nọc độc của nó; đàng khác, nó mang đến sựchữa lành và cứu sống dân Israel, nhưng với điều kiện họ phải nhìn lên con rắn đồng treo trên cây cột.

 

2. Từ con rắn đồng treo trên cây cột đến hình ảnh của Chúa Giêsu treo trên thập giá

 

Ngay từ những lời nói đầu tiên trong đời sống công khai của Chúa Giêsu nơi Tin Mừng theo thánh Gio-an (3,14), Đức Giê-su đã đặt mầu nhiệm Thập Giá có tương quan trực tiếp với hình ảnh ‘con rắn’, biểu tượng của Tội và Sự Dữ : ‘Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời’.

 

Theo lời này của chính Đức Kitô, chúng ta đặt song song một bên là ‘Con Rắn’ bị giương cao trên cây cột, một bên là Đức Kitô được giương cao trên cây thập giá. Thập giá là ẩn thân của sự dữ, của satan, của đau khổ và là hình phạt cho những người tử tội. Như thế, Đức Kitô trong Cuộc Thương Khó, sẽ tự nguyện thế chỗ cho con rắn, Người đã gánh lấy tất cả những sự dữ, những tội của con người theo như lời thánh Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Roma, Ngài trở nên ‘thân xác tội lỗi giống như thân xác tội lội’ (Rm 8,3); và Ngài ‘đồng hóa mình với tội vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người’ (2 Cr 5,21; Gl 3,13).

 

Tội có bản chất là ẩn nấp, là khó nắm bắt, giống như con rắn, nhưng đã phải hiện ra nguyên hình nơi thân xác của Đức Kitô và ‘tội để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó’ (Rm 7, 13). Qua mầu nhiệm Thập Giá, Đức Kitô đã mặc khải cho chúng ta biết hình dạng thật của Tội. Chính vì thế mà trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô, Đức Giêsu dạy cho các môn đệ biết về cuộc Thương Khó của Người là như thế nào (x. Mc 8,31).  Nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh, là để nhìn thấy:

 

* Thân thể tan nát của Chúa Giêsu là kết quả của lòng ghen ghét, của sự hận thù, của sự phản bội, bất trung và của những lời tố cáo, lên án vô cớ, gian dối của con người.

 

* Mão gai trên đầu của Người, tượng trưng cho những lời nhạo báng, diễu cợt trên vương quyền ngôi vị Thiên Chúa của Người.

 

* Chân tay của Người bị đóng và ghim vào giá gỗ là hình ảnh cho thấy con người đã đánh mất nhân tính của mình và hành động theo thú tính.

 

* Và cạnh sườn của Người bị đâm thủng tượng trưng cho Sự Dữ và bạo lực luôn luôn song hành. Bạo lực đi tới tận cùng là sự hủy diệt, nhưng đồng thời cũng ở nơi đây, trên Thập Giá, tình yêu, lòng thương xót, sự thiện, sự hiền lành và cả sự sống của Thiên Chúa cũng đi tới tận cùng!

 

Thập Giá, chính là lời diễn tả tình yêu, lòng thương xót và ơn tha thứ vô biên của Thiên Chúa. Vì thế, khi nhìn lên Thập Giá Đức Kitô, chúng ta được mời gọi chiêm ngưỡng và nghiệm ra tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu có thể chịu đựng mọi tội lỗi của con người, một tình yêu và lòng thương xót, cùng ơn tha thứ đi đến tận cùng của cái chết, để làm cho viên mãn của cái chết trở thành viên mãn của yêu thương.

 

Thánh giá mặc khải cho con người biết bản chất của Tội, của sự dữ quá độc hại ; nhưng không phải là để lên án con người, mà là để cứu sống họ. Thiên Chúa không thể tha thứ cho con người mà không đồng thời chữa lành họ. Nghi ngờ Thiên Chúa làm cho Đức tin và sự tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa giống như là căn bệnh nan y của con người, nhưng Thiên Chúa đã dùng cái chết của Đức Kito trên Thập Giá, để xua tan nỗi ngờ vực và chữa lành con người.

 

Vì thế, Thập Giá con mặc khải cho chúng ta biết thân phận con người không phải là một hành trình dẫn đến chỗ chết (St 3; Ds 21) mà là đến sự sống, vì Thiên Chúa là nguồn Sự Sống.

 

3. Thập giá Tôn Vinh Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

 

Dưới ánh sáng của mầu nhiệm Thập Giá, được hiểu khởi đi từ con rắn đồng trong sa mạc và cả con rắn trong Vườn Eden nữa, giúp chúng ta hiểu sâu sa hơn về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Quả thật: ‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời’

 

Lời của Đức Giêsu trong tin mừng theo Thánh Gioan, nói cho chúng ta rõ nhất về khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa, về con tim đầy yêu thương và lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thế gian, nghĩa là yêu tất cả nhân loại và yêu từng chúng ta, dù chúng ta đang ở trong tình trạng nào.

 

Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người cắm rễ sâu trong vĩnh cửu. Thánh Phaolo Tông Đồ trong thư gửi cho tín hữu Epheso nói: ‘Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ’ (Ep 1,4). Tình yêu ấy, Ngài đã thể hiện qua dòng lịch sử cứu độ nhiều lần nhiều cách (x. Dt 1,1).

 

Trong các sách các tiên tri, chúng ta nhận thấy Thiên Chúa so sánh tình yêu của Người với tình yêu của một người mẹ (x. Is 49,15tt), với tình yêu của một người cha (x. Hs 11,4), với tình yêu của một người chồng (x. Is 62,5). Và Thiên Chúa tóm tắt cách xử sự của Ngài đối với Israel bằng một câu: ‘Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở’ (Gr 31,3), một câu nói thật lạ lùng, mà chúng ta không thấy có trong bất cứ triết học hay tôn giáo nào khi nói về vị Chúa, vị thần của họ. ‘Thiên Chúa của các triết gia’ là một Thiên Chúa cho người ta yêu, không phải một Thiên Chúa yêu và yêu trước. Kinh Nguyện Thánh Thể IV nói: ‘Chúa đã tác tạo mọi loài để ban cho chúng đầy tràn ơn phúc’.

 

Nhìn lên thập giá chúng ta tôn vinh tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng còn ở nơi đó, mời gọi chúng ta đón nhận ‘Hiện Thân’ của tình yêu, lòng thương của Thiên Chúa, là Đức Giêsu Con Thiên Chúa (Rm 8,39) vào cuộc đời mình với những may rủi, thuận lợi, khó khăn, với những biến cố vui buồn, những thành công và thất bại.

 

Tin và tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa, vào Đức Kito là để cho Lời của Ngài hướng dẫn cuộc sống của chúng ta.

 

Khi chúng ta sống phó thác, tin tưởng vào lời của Chúa Giêsu: ‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời’. Chúng ta sẽ sống sung mãn, sống bình an, sống hạnh phúc thực sự, không phải ở đời sau, nhưng ngay hôm nay. Khi chúng ta nghi ngờ, hoặc nghe những lời dạy của bất cứ ai làm cho chúng ta lung lay đức tín, nghi ngờ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, được bày tỏ cho chúng ta nơi Đức Kitô, và nhất là Đức Kitô chịu đóng đinh là chúng ta đang phí báng tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, là chúng ta giống như bị rắn độc cắn, đưa chúng ta đến cái chết, bị xét xử, bị lên án và thi hành án phạt. Như chính Đức Giêsu nói:  Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Amen.

 

 

Lam Châu tổng hợp

 

Thiết kế Web : Châu Á