TIN TỨC

CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ THÁNH GIA VIỆT NAM

Cứ mỗi thập niên, vào ngày 24-7, Hội dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam tổ chức lễ Giỗ Tổ cách trọng thể với tên gọi “về nguồn”. Về nguồn là trở về quê cha đất tổ, là nơi “chôn nhau cắt rốn”, tựa người con tha hương quay về sau bao năm xa cách. Việc làm này tuy không chỉ mang tính thích nghi với bản sắc dân tộc: uống nước nhớ nguồn, nhưng còn là việc thực thi giáo huấn của Giáo Hội qua việc trở về với tinh thần của Đấng Sáng Lập để “hâm nóng” căn tính linh đạo của Hội Dòng.

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng Trị, mới ngày nào, các cha anh cất bước tiến về miền đất Nam khai sáng đời sống đan tu chiêm niệm mà nay Phước Lý đã bước vào tuổi 60, tuổi mà người đời thường ví là “hừng đông của tuổi già”. Nhưng người con sao có thể khôn lớn nếu không có sự cưu mang dưỡng dục của mẹ cha? Cũng thế, Đan viện Phước Lý sao có thể được như ngày hôm nay nếu không nhờ công sức của những vị dày công sinh thành.

Vì thế, mừng ngọc khánh Đan Viện hôm nay, với tinh thần hiếu nghĩa của người con dân Việt, người viết mạo muội phác họa sơ nét về chân dung người cha đáng kính qua tiêu đề: Cha Tổ Phụ Và Hội Dòng Xitô Thánh Gia.

 

PHẦN I. CHA TỔ PHỤ BIỂN ĐỨC THUẬN- NGƯỜI LÀ AI?

1. Thời niên thiếu tại Paris

Ngày 17-8-1880, trong một gia đình bình dân thuộc thành phố Boulogne Sur Mer, cách Paris khoảng 100 km về hướng Tây Bắc, một bé trai cất tiếng khóc chào đời với tên gọi Henri-Denis. Tuy nghèo với gánh bánh mì rong ruổi khắp phố, nhưng song thân, ông Henry Cyrille Denis và bà Anne Marie Geoffoy rất đạo đức và có lòng thương người. Tử hiền tại mẫu, những đức tính cao quý của hai ông bà đã thấm đượm tâm hồn thơ dại của trẻ Henri như lời cha thổ lộ: “Tôi có phước vì ngay từ thời thơ ấu đã được mẹ dạy cho biết ham mê sự đọc kinh cầu nguyện” (Hạnh tích tr 25).

Tưởng chừng những tháng ngày hạnh phúc đang lặng trôi êm đềm, ngờ đâu, bà Geoffroy đột ngột vĩnh biệt cõi trần. Còn nỗi đớn đau nào cho bằng mồ côi mẹ, dẫu vậy, không hoang mang tuyệt vọng, Henri luôn hăng say học tập với kết quả tốt nghiệp tiểu học loại ưu cùng được cấp học bổng. Nhận thấy cần phải khỏa lấp nỗi trống vắng tình mẹ nơi tâm hồn cậu con trai, ông thân sinh tái hôn với bà kế mẫu. Phước cho Henri, bà này hiền lành đạo đức không kém gì mẹ ruột, bao nhiêu tình cảm bà dành hết cho cậu. Phần Henri không nỡ phụ lòng nên luôn yêu mến và gắn bó với bà như mẹ ruột vậy.

Năm 1893, Henri rước lễ lần đầu và lãnh phép thêm sức tại Wimile. Sau đó, qua sự giới thiệu của cha giáo sư Golliot, cậu gia nhập Tiểu chủng viện Boulogne. Sau sáu năm ở chủng viện, Henri Denis tốt nghiệp tú tài phần I, nhưng đến đợt thi tú tài phần II, do xúi quẩy của bạn bè mà kết quả rất kém. Thế nhưng, trong chương trình yêu thương của Thiên Chúa, mảnh bằng tú tài II không quan trọng bằng sự chuyển biến của một ơn gọi.

Sau khi đã đắn đo và cầu nguyện, Henri đến gặp cha linh hướng giãi bày ước nguyện. Khi nghe con thiêng liêng trình bày ý định muốn đi truyền giáo cho lương dân, cha Golliot đồng tình không chút do dự. Nhưng dù cha linh hướng đã đồng ý, Henri không khỏi lo lắng băn khoăn, bởi làm sao có thể thuyết phục được cha mẹ? Lỡ ông bà không cho đi thì sao? Thế nhưng Henri chẳng thể ngờ, song thân không những ngăn cấm lại còn khích lệ: “Ừ, con đi đâu thì đi, làm gì thì làm, song đừng kiêu ngạo nghe con” (Hạnh tích tr36).

Trong thời gian học tập tại Hội Thừa Sai Paris, Henri được liệt vào số sinh viên hạng nhất. Tuy trang nghiêm, song vui vẻ khiến ai cũng mến thương. Không chỉ đạo đức và thông minh, thầy lại có khiếu về âm nhạc lại học Latinh rất mau. Ngày 7-3-1903, thầy sáu Henri lãnh chức linh mục. Với bài sai truyền giáo tại Việt Nam, ngày 29-4-1903, cha chia tay với quý cha giám đốc và bè bạn tại Đại Chủng Viện để đi Marseille đáp tàu sang Việt Nam. Chính ông thân sinh cũng đến tiễn biệt và nói với con: “Con đi, nhớ rằng làm việc cho Chúa không bao giờ quá” (Hạnh tích tr38). Quả là một chúc ngôn quý báu dường nào! 8 giờ tối ngày 29-4-1903, tàu rời cảng Marseille vượt sóng Địa Trung Hải tiến về Viễn Đông.

 

2. Sứ vụ tông đồ tại Việt Nam

Ngày 31-5-1903, tàu cặp bến Đà Nẵng. Cha nghỉ lại ở nhà chung một ngày rồi hôm sau đến Lăng Cô, một xứ đạo phần cực nam của giáo phận Huế. Quả thiên lý năng tương ngộ, tại đây cha gặp cha sở là người đồng hương tức cố Nhơn (R.P. Mendhiboure). Hai cha tay bắt mặt mừng cùng trao đổi kinh nghiệm truyền giáo ở xứ này. Sau 10 ngày ở Lăng Cô, cha ra Huế gặp đức cha Gaspar (tên việt là Lộc). Với cái nhìn xuyên suốt, ngài nhận ra tâm hồn và ước vọng nơi vị linh mục trẻ nên đặt cho người tên Việt là cố Thuận. Ở tòa giám mục vài ngày, đức cha sai cố Thuận đi giúp cố Chính Đăng và học tiếng Việt ở Kim Long. Vốn thông minh lại thêm khiếu nhạc, nên cha không gặp nhiều vất vả. Theo chứng từ thầy Linh Hữu (Benado Thành), chưa có vị thừa sai mà nói được giọng Huế rõ ràng và đúng cung như cố Thuận (x. Sử Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam tr.24)

Sáu tháng trôi qua, cố Thuận được cử làm giáo sư Tiểu Chủng Viện An Ninh. Cha kiêm nhiều môn mà môn nào cha cũng chu toàn cách tuyệt hảo. Tác giả Hạnh Tích viết: “Một ông tây có khả năng văn chương, tu từ, kiêm đàn hát, vừa chuyên việt ngữ, lại học Hán văn có bốn năm đã có thể dạy một Tiểu Chủng Viện danh tiếng” (Hạnh Tích tr. 44). Noi gương cha Gioan Vianney, cha luôn tỏ ra là người cha dễ mến và tận tình chăm sóc các chủng sinh. Cha còn nên gương lành về đời sống nội tâm sân xa và sự thanh thoát trong cuộc sống.

Đầu năm 1908, cha được bổ nhiệm đến xứ nước Mặn, một xứ đạo nghèo nhất địa phận ở tận ranh giới Huế - Đà Nẵng. Chương trình mục vụ của cha gồm ba điểm: dạy giáo lý, tiếp cận từng nhà, cứu đói cứu bệnh. Theo tinh thần Phúc Âm, cha dốc cho họ hết những gì cha có. Thầy Micae Biện minh chứng: “Ngài yêu thương kẻ nghèo quá chừng, hằng ngày kẻ nghèo khó đến xin luôn và không bao giờ về tay không” (Hạnh Tích tr. 57). Hết tiền hết gạo, cha gánh thêm công việc dịch sách dù việc đó cực chẳng đã. Cha không chỉ cứu đói mà còn cứu bệnh, nhiều con bệnh không phân biệt lương hay giáo đều kéo đến với ngài. Đang thi hành nhiệm vụ mục vụ như thế thì đức cha gọi ngài về Tiểu Chủng Viện. Rời xứ Nước Mặn mà ruột cha đau như cắt, bởi vốn đó là việc cha mong ước từ lâu, nhưng với quý danh là Thuận, cha luôn đặt ý bề trên lên trước hết.

Về Tiểu Chủng Viện, cha đổi tính nết cách lạ lùng. Trước đây tính cha nóng nảy bao nhiêu thì nay cha nên khiêm nhường hiền hậu hơn bấy nhiêu. Thái độ sốt sắng chăm chú cầu nguyện cách lâu giờ khiến nhiều chú đem lòng thán phục.

 

PHẦN II.

CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ THÁNH GIA VIỆT NAM

1. Thiết lập nếp sống Đan Tu

Việc cha quay sang lập dòng đã khiến cho người đương thời thắc mắc: Phải chăng cố Thuận có tính hay thay đổi? Thực ra cha đã ôm ấp ý tưởng này từ rất lâu khi còn ở bên Pháp. Trong lá thư gửi cho cha Bề trên Mendhibour (cố Nhơn), ông bà Louvier viết: “Trước khi qua Việt Nam truyền giáo, cha Denis đã đến thăm chúng tôi và tỏ ý tốt lành là muốn làm thầy dòng và giúp đào luyện thầy dòng cho người Việt Nam” (Hạnh Tích tr.103). Sau hai lần viết thư bày tỏ ước nguyện với đức cha về việc lập dòng, đức cha bằng lòng và ban phép cho chọn nơi thích hợp. Cha vui mừng vào Huế xem sở đất nhà chung ở Ba Trục, nhưng cố Soái, chánh xứ Ba Trục sợ cố Thuận không dựng nổi cơ đồ nên từ chối.

Bĩ cực thái lai, cụ Thượng Thư Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài, qua thư ngỏ của đức cha, đã nhường lại cho cố Thuận một cây số vuông ở vùng Phước Sơn. Ngày 5-7-1918, đích thân đức cha Allys, cha chính Chabanon cùng cố Thuận lên Phước Sơn tìm đất lập dòng. Cảnh Phước Sơn thật hùng vĩ nhưng phải vào tận sâu, cha mới tìm được vùng đất ưng ý thuận việc tác sinh lập nghiệp.

Từ ngày 25-7-1918, cha dùng ngựa lên Phước Sơn và cùng một ít công nhân khai phá khu rừng, đào gốc, đắp nền. Ngày 5-8, cha dâng thánh lễ đầu tiên trong cái nôi ban sơ gồm: ngôi nhà hai gian, hai chái, cột gỗ, kèo tre và vách đất nhồi rơm. Ngày 14-8, cha cùng người môn đệ thân tín (Thadeo Chánh) thu xếp đồ đạc lên hẳn Phước Sơn với gánh hành trang: một thúng gạo, một hũ ruốc và cái nồi, một con dao và một con gà trống báo hiệu. Ngày 15-8-1918, cha dâng lễ trọng thể chính thức khai mạc cuộc sống đan tu. Tiếng là trọng thể, nhưng chỉ có hai cha con và mấy công nhân nghèo.

Tựa người mẹ mang nặng đẻ đau, cha vui lòng gánh vác mọi khổ cực mong sao Phước Sơn sớm hình thành. Có khi hết tiền hết gạo, cha phải đánh liều vào Huế gặp Đức cha xin đi khất thực. Ngày 2-2-1920, cha lãnh áo dòng với tên gọi Biển Đức. Ngày 21-3-1923, lễ thánh Biển Đức, lớp tu sĩ đầu tiên của dòng Đức Bà Việt Nam tuyên khấn sơ khởi. Thật là một vinh hạnh cho cha Biển Đức vì được vị đại diện của Đức Thánh Cha là Đức Lecroart, khâm sứ Tòa thánh miền Đông Dương cùng đức cha Allys đến thăm và thánh hóa công trình của mình. Ngày 21-3-1926, cha tuyên khấn trọn đời cùng với cha quản lý Bernard Mendhiboure, thầy Giacobe Nghĩa và Thadeo Chánh.

Vì muốn thực hiện lời tiên báo của đức cha Allys: Phước Sơn sẽ tràn khắp địa phận vùng Đông Dương, cha đề ra cho cộng đoàn hai hướng tới: các giáo phận Việt Nam và dòng Xitô ở Châu Âu. Ở Việt Nam, cuối năm 1927 và đầu năm 1928, cha lên đường ra Bắc rồi vào Nam để quảng bá ơn gọi. Lời nói hấp dẫn, cử chỉ điệu bộ khiêm tốn của cha khiến nhiều người cảm phục và theo gót cha vào dòng. Để củng cố vị thế pháp lý của Hội Dòng trong tương lai, ban đầu cha gửi thư xin gia nhập Xitô nhặt phép nhưng họ viện lý do từ chối. Ngày 4-3-1930, cộng đoàn họp và quyết định quay sang Xitô chung phép. Nhận được thư thỉnh nguyện, cha Bề Trên Cả Jansens phúc đáp chấp thuận, yêu cầu cha gửi ngay bản hiến pháp và hứa sẽ cử vị thanh tra đến thăm tu viện. Trong khi chờ đợi vị thanh tra, cha đã tu chỉnh bản hiến pháp đồng thời thiết lập Tập Viện theo quy định của Giáo Luật.

Ngày 11-2-1931, đặt cha Anselmo làm giáo tập xong, cha xuống ga Tiên An đón vị thanh tra của Bề Trên Cả. Sau cuộc thanh tra, ngày 17-2-1931, cha hội ý anh em và chính thức đặt tên cho Hội Dòng mình là Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam.

Ngày 13-7-1933, cảm thấy trong người bất ổn, cha nói với thầy y tá: “E rằng cha phải đi nhà thương như con nói, kẻo sau này các bác sĩ trách cha con mình liều mạng” (Hạnh tích tr.228). Ngày 15-7-1933, bác sĩ Mormet chuẩn đoán xong thì lắc đầu nói: “C’est perdu” (hỏng hết rồi). 14giờ 15-7, thấy bệnh tình của cha thêm nặng, đức cha Giáo ban phép xức dầu bệnh nhân và hai ngày sau ban phép các thầy đem kẻ liệt về nhà dòng. Vừa thức dậy lại nghe tiếng bóp còi inh ỏi, biết điềm không lành, anh em đổ tuôn ra cổng đón người cha thân yêu. Thầy y tá định đưa cha vào phòng khách nơi có đủ tiện nghi, nhưng cha xin đựơc ở nhà liệt chung vì cha không chấp nhận một ưu tiên nào, kể cả lúc đau ốm.

 

2. Những giây phút cuối đời

Chiều ngày 24-7, tiên cảm giờ ra đi sắp đến, cha Tổ Phụ xin đổ tro trên đất và đặt nằm trên đó. Miệng ngài luôn thầm thĩ: “Bao giờ con sẽ được diện kiến thánh nhan”(Tv 41,25). Một hồi lâu chưa thấy cha tắt thở, anh em lại đưa ngài lên giường. 6giờ30 sáng 25-7-1933, cha trở bệnh, tay cha với lấy ảnh Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành, miệng kêu: “Mẹ ơi, mẹ ơi, cứu con với”. 7giờ 30, cha quay mặt về phía thầy y tá, méo miệng, mạch đứng. Thế là cha đã về với Chúa.

Dù cha mất nhưng cộng đoàn Phước Sơn sẽ không bao giờ quên được hình ảnh cha: một người cha nhiệt tâm với phần rỗi các linh hồn, một nhà sáng lập dám thí thân để cho đời đan tu được thành hình, một bậc thầy thiêng liêng mà ai có dịp tiếp xúc đều cảm được như đụng chạm tới Thiên Chúa.

 

3. Một di sản thiêng liêng

Trước khi nhắm mắt lìa trần, cha Tổ Phụ không để lại điều gì cao quý hơn ngoài lời trối vàng ngọc. Lời trăn trối không dài (chỉ có 207 chữ), nhưng đó lại là tinh hoa của một kinh nghiệm tiếp xúc với Thiên Chúa cách sống động. Kinh nghiệm đó được diễn tả qua đời sống và lời giáo huấn của cha. Lời ao ước sau hết của cha là mong muốn con cái cha trở nên một thầy dòng thật, một thầy dòng thánh thiện có ích cho Giáo Hội và nhân loại.

Muốn được thế, đan sĩ phải tuân giữ luật dòng cho trọn. Việc giữ luật dòng tựa như “sợi dây” gắn chặt đan sĩ với ơn  gọi, không cho phép đan sĩ tự đánh mất bản chất của mình và giúp thăng hoa đời sống qua việc kết hiệp với Chúa và yêu thương anh em. Với cha, sống kết hiệp với Chúa là bổn phận hàng đầu của người đan sĩ, vì “lòng Người yêu thương chúng tôi nên buộc chúng tôi phải kính mến Người” (Lời Giáo Huấn số 6); còn việc yêu thương anh em là dấu chỉ minh chứng rõ nét về lòng kính mến Chúa: “Muốn biết chúng tôi có lòng kính mến Chúa hay không, hãy xét coi chúng tôi có yêu thương anh em không. nếu chúng tôi có, ấy là dấu chúng tôi có lòng kính mến Chúa. Vì sự kính mến Chúa có lẽ lầm được, còn sự yêu thương anh em thì không lầm được” (Lời Giáo Huấn số 6). Quả thế, cha Tổ Phụ không muốn các đan sinh của người là những Pharisiêu giả hình để lừa dối thiên hạ, nhưng là những chứng nhân hữu ích cho công cuộc loan báo Tin Mừng, vì Chúa đã nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau” (Ga 13,35).

 

4. Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha tạ thế đến ngày 6.10.1964

a. Gia nhập Xitô

Ngày 11-10-1933, Đại gia đình Xitô chấp thuận cho dòng Đức Bà Việt Nam gia nhập. Ngày 24-5-1934, Đức Hồng Y tổng trưởng Bộ Tu Sĩ, nhân danh Đức Thánh Cha chuẩn phê quyết định của Đại hội.

b. Đan viện Châu Sơn-Nho Quan

Ngày 8-9-1936, Phước Sơn “hạ sinh con trai đầu lòng” mang tên Châu Sơn tại Nho Quan-Ninh Bình. Sau vì thời cuộc, một nhóm đã vào Nam lập nhà mới Châu Sơn-Đơn Dương (Lâm Đồng).

c. Đan viện Phước Lý

Ngày 23-10-1950, dưới sự hướng dẫn của cha Carsimir Hồ Thiên Cung, một phái đoàn rời nhà mẹ Phước Sơn lên đường xuôi Nam. Ban đầu, nhóm khởi sự nếp sống đan tu tại Tân Thành Trà Vinh, trên lô đất gồm 50 mẫu do ông bà Chín Nhiệm và Tư Châu dâng cúng, nhưng sau dời về sở đất của bà Tám Dung tại Giồng Bà Cải, hạt Phước Lý, huyện Long Thành, nay thuộc xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

d. Thiết lập hàng Đan Phụ Viện

Năm 1963, Đại hội xitô họp tại Stams quyết định nâng ba nhà: Phước Sơn, Châu Sơn-Đơn Dương, Phước Lý lên hàng Đan Phụ Viện (Abbatial) và uỷ cho cha Bề trên cả thực hiện quyết định này.

Đầu tháng 2-1964, cha Bề Trên Cả đáp máy bay sang Việt nam. Tới Phước Sơn, ngài triệu tập tu hội và cử cha Emmanuel Chu Kim Tuyến làm viện phụ Phước Sơn. Ngày 3-3-1964, cha Stephano Trần Ngọc Hoàng đắc cử viện phụ Châu Sơn Đơn Dương. Ngày 5-3-1964, cha Stanislaus Trương Đình Vang được bầu làm viện phụ Đan Viện Khiết Tâm Phước Lý. Thánh lễ chúc phong được diễn ra tại nhà thờ chính toà Sài Gòn vào lễ thánh Giuse (19-3-1964) trước sự hiện diện của các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân xa gần.

Nhân dịp tham dự công đồng Vaticano II, viện phụ Hội Trưởng Emmanuel Chu Kim Tuyến nhận được văn kiện Toà thánh đề ngày 6-10-1964 về việc thành lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam gồm ba nhà tự trị Phước Sơn, Châu Sơn-Đơn Dương, Phước Lý và các nhà khác sẽ được thiết lập trong tương lai.

 

VIỄN TƯỢNG TƯƠNG LAI

“Nếu hạt lúa mì không chết đi thì nó chỉ trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi thì nó mới sinh nhiều hạt khác” (Ga,12,24)

Câu nói của Chúa Giêsu khi ám chỉ về cuộc Tử nạn và Phục sinh của Người, cũng thật chí lý và ý nghĩa nơi cha Tổ Phụ đáng kính chúng ta. Lúc sinh thời, cha nào khác chi một hạt lúa nhỏ bé tầm thường được Chúa gieo trồng trên núi Phước, mà nay đã sản sinh một Hội Dòng Xitô Thánh Gia lớn mạnh đầy sức sống. Nếu giả như thuở đó, cha chỉ biết sống cho chính mình, không “liều đánh mất bản thân” vì danh Chúa, thì đến nay cha cũng chỉ là một ông Henri Denis vô danh không hơn không kém. Thế nhưng, cha đã cất bước theo tiếng gọi của Chúa, đã vùi tấm thân gầy guộc trên mảnh đất Phước Sơn khô cằn sỏi đá, để từ một cái nôi nhỏ bé đơn nghèo vươn thành một Hội Dòng lớn mạnh trong Đại Gia Đình Xitô. Tính đến nay đã có 11 cộng đoàn với 6 đan phụ viện, 5 đan trưởng viện, với nhiều tu viện đơn lập và tu sở thuộc các cộng đoàn trong giai đoạn phát triển.

Tạ ơn Chúa và tri ân cha Tổ Phụ, vì cha đã hy sinh đời cha để củng cố đời chúng con. Nguyện hương hồn của cha nơi thiên quốc hằng đoái thương cầu bầu cho chúng con là những hậu bối đang nỗ lực kiện toàn và phát triển “niềm mơ ước chưa trọn” của cha.

 

M. Alberto Bá Đạt

 

Thiết kế Web : Châu Á