Thường huấn

THIÊN CHÚA QUA CẢM NGHIỆM CỦA CÁC NHÀ THẦN BÍ TIÊU BIỂU

Cảm nghiệm của các nhà thần bí về Thiên Chúa, có thể được coi như là vầng dương soi rọi vào đêm đen, làm cho con người thời đại, hay người Kitô hữu, cách đặc biệt các đan sĩ biết thức tỉnh khả năng đang tiềm ẩn trong mình, cũng như biết được đâu là chân hạnh phúc, là Mục Đích Tối Hậu mà người hiện sinh vươn tới. Chỉ cần một câu nói hay môt cái nhìn thánh thiện, một cuộc gặp gỡ với các nhà thần bí sẽ giúp chúng ta nhận ra khả năng đang có trong bản thân.

 

 

 

THIÊN CHÚA QUA CẢM NGHIỆM CỦA CÁC NHÀ THẦN BÍ TIÊU BIỂU

 

 

M. Gioan TG Nguyễn Đình Ủy

 

 

Dẫn nhập

 

Trên muôn nẻo đường khắc khoải tìm kiếm và vươn tới chân lý, con người luôn phải đứng giữa những chọn lựa căn bản đầu tiên và cũng là quyết liệt nhất: liệu Thực Tại Tối Hậu, Thiên Chúa có hiện hữu hay không? Đứng trước nhiều quan điểm khác nhau, cuối cùng người ta chân nhận Thiên Chúa hiện hữu là điều hợp lý. Thiên Chúa có đó, chính Ngài đang hiện diện trong vũ trụ và nơi thẳm sâu của con người. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã được các hiền triết và triết gia kim cổ quan niệm theo nhiều cách thức khác nhau: Platon cho là Sự Thiện Tối Cao, Aristote cho là Động Cơ Đệ Nhất, Nho gia thì cho là Đạo, …và Karl Jaspers cho là Siêu Việt Thể. Như thế, phải chăng đối tượng là Chân - Thiện - Mỹ mà con người hằng khao khát chỉ có thế thôi sao? Có thể nói các triết gia đã trình bày về Thực Tại Tối Hậu hay Thiên Chúa đang đóng khung trong ngôn ngữ và lý luận, điều làm bất thỏa người viết về một Thiên Chúa sống động đang hiện diện trong cuộc sống con người. Vả lại, khi học Triết hiện sinh, người viết đã bắt gặp những dòng cháy bỏng của triết gia Henri Bergson về Đà Sống, nơi mà các nhà thần bí bắt gặp được sự sống đích thực: “Nhà thần bí cảm thấy chân lý châu lưu trong mình từ Nguồn Mạch như hoạt lực, mà mình sẽ không gây trở ngại để nó tràn lan như mặt trời tràn ánh sáng. Vì tình yêu đang thiêu tan nó không chỉ tình yêu của một con người đối với Chúa, mà chính tình yêu Chúa yêu mọi người, qua Chúa, nhờ Chúa, nó yêu nhân loại bằng một tình yêu thánh”. [1] Từ những  lý do như thế, người viết chọn đề tài “Thiên Chúa qua cảm nghiệm của các nhà thần bí tiêu biểu”. Đồng thời nay trong bối cảnh cộng đoàn đang học hỏi về Tông huấn Gaudete et Exsultate của Đức thánh cha Phanxicô,  người viết đào sâu thêm và trình bày đề tài này.

Là một đan sĩ chiêm niệm, sống giữa dòng đời vạn biến, lắm lúc người viết cũng bị cuốn hút theo sự nghiệt ngã của dòng đời ấy. Tuy nhiên, lý tưởng ơn gọi vẫn luôn làm người viết thao thức vươn tới đích điểm, hay nói đúng hơn khát vọng nên hoàn thiện vẫn luôn nung nấu mình: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,54). Do đó khi chọn đề tài như thế, người viết không muốn những ân ban cao quý bị bỏ rơi trong quyên lãng, ân ban mọi người đều có, cũng như người được chọn đã lãnh nhận và cần thức tỉnh những khả năng cao quý ấy để vươn lên bắt gặp, kết hợp với Cội Nguồn sự sống đích thực.

Để phần nào thấu đạt được mục đích trên, người viết sẽ trình bày về giáo thuyết cũng như cảm nghiệm của các nhà thần bí. Tuy nhiên, người viết sẽ dừng lại ở các nhà thần bí tiêu biểu trong Kitô giáo như: thánh Bênađô, thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá. Qua chứng nghiệm cuộc sống, cũng như bút tích còn ghi lại, các ngài cho biết Thiên Chúa hiện diện trong sâu thẳm linh hồn và là Đấng Tình Quân của linh hồn con người. Muốn làm sáng tỏ nội dung chủ đề trên, trước tiên người viết trình bày khái quát chung về từ “thần bí”.  

 

1. Quan niệm về Thần Bí

1.1 Ý niệm về Thần Bí

 

Người Hy Lạp dùng chữ Mystikos để chỉ hiểu biết vượt quá nhận thức bằng cảm giác và lý trí nhân loại về thực Tại Tối Cao huyền nhiệm. Trần Văn Hiến Minh, trong từ điển triết học, định nghĩa: “Thần bí là bí mật khó hiểu, những gì liên quan đến kết hợp thân mật trực tiếp giữa con người với Thiên Chúa và những hậu quả hữu hình của việc kết hợp đó”[2]. Cũng trong cái nhìn về những gì vượt trên khả năng của lý trí, Từ điển Công Giáo dùng từ Mầu Nhiệm. Mầu là kỳ diệu; nhiệm: là khó hiểu, để chỉ “kế hoạch vốn kín ẩn của Thiên Chúa… Ngay cả khi được mặc khải, lý trí hữu hạn cũng không thấu hiểu được trọn vẹn bản chất nội tại của  mầu nhiệm”[3]. Tựu trung, thần bí được xem là khả năng, cảm nghiệm về thực tại Tối Hậu sâu xa, hay những nhận thức vượt thế giới khả giác của con người. Chúng ta có thể hiểu cụ thể hơn về từ “thần bí”  khi sẽ tìm hiểu về những người có khả năng “thần bí”.

 

1.2  Cách nhìn nhận về nhà Thần Bí

 

Các nhà thần bí được nhìn nhận theo hai cách thức khác nhau:

Thứ nhất, những người chỉ có khả năng ngoại cảm, biết trước những sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai. Ngày nay, xu hướng các nhà ngoại cảm hay thông thiên học đang được nhiều người quan tâm. Người ta cho rằng những người này có khả năng ngoại cảm phi thường.

Thứ hai, các nhà thần bí có khả năng cảm nghiệm và diễn tả Thực Tại Tối Hâu là Chân Lý viên mãn và diễn tả Thực Tại đó. Đây mới là những nhà thần bí đúng nghĩa. Vì thế,  người viết sẽ tiếp cận, tìm hiểu các nhà thần bí Kitô giáo tiêu biểu như thánh Berađô, thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá, họ mới là nhà thần bí đúng nghĩa cho chúng ta biết chứng nghiệm về Thiên Chúa. Trong các phần kế tiếp, chúng ta sẽ làm sáng tỏ những cảm nghiệm ấy. 

 

2. Thiên Chúa hiện diện trong bản thể của con người

 

Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt nhưng vừa là nội tại. Vì nội tại của Chúa là hậu quả đi liền với Siêu Việt của Ngài. Tại sao thế? Bởi vì nếu Thiên Chúa không hiện diện nơi vạn vật thì sự Siêu Việt của Ngài bị hạn chế và như thế không còn quyền năng tuyệt đối mà chỉ là tương đối mà thôi. Thiên Chúa Siêu Việt, nhưng đồng thời Ngài hiện diện thẳm sâu “Nội tại” nơi mọi loài thụ tạo, đặc biệt là nơi con người. Do đó, chúng ta có thể biết được Thiên Chúa hiện diện trong bản thể của con người. Thế nhưng Ngài hiện diện như thế nào? 

 

2.1 Các tôn giáo chứng nghiệm Thiên Chúa hiện diện

 

Khi nhìn vào các tôn giáo ngoài Kitô giáo, chúng ta biết nơi các tôn giáo này vẫn có quan niệm về sự hiện diện của Đấng Tối Cao. Người Ấn Giáo nhìn nhận Đấng Tối Cao là Brahman hiện diện ở trong con người và vạn vật: “Đấng thần linh ở trong lửa, trong nước . . . và khắp nơi. Ở trước mặt Brahman mà chúng tôi phủ phục”. Cũng vậy, Khổng giáo đã cảm nghiệm sự hiện diện thiêng liêng về một Nguyên lý đang điều khiển vũ trụ. Họ cho rằng Đạo hiện diện trong vũ trụ càn khôn và nơi nhân loại.

Như thế, mặc dù cách diễn tả sự hiện diện của Thực Tại Tối Hậu khác nhau nơi các tôn giáo. Nhưng tựu trung, chúng ta vẫn thấy có sự na ná giống với Kitô giáo là cùng chân nhận sự hiện diện của Thực Tại đó. Ở một khía cạnh diễn tả cụ thể, sự hiện diện của Thiên Chúa, thánh Thomas Aquino, tiêu biểu trường phái thần học Kinh Viện sẽ giúp chúng ta có những chứng từ đó.

 

2.2 Chứng từ của thánh Thomas Aquino

 

Theo thánh Thomas Aquino, Thiên Chúa hiện hiện trong bản thể của con người. Đó là điều tất yếu. Thật vậy, thánh Thomas Aquino đã chứng nhận cho chúng ta như thế. Ngài cho biết, mặc dầu Thiên Chúa Siêu Việt nhưng cũng tồn tại trong muôn loài và vạn vật: “Chúa ở trong vạn sự vật và nơi sâu thẳm của mọi loài”. Tại sao thế? “vì vạn vật được tham dự vào bản thể của Chúa, và sự vật nào càng tham gia nhiều vào Bản Thể của Chúa thì Chúa ngự trị càng mật thiết hơn”[4]. Thánh nhân giải thích trong cách hiện hữu theo loài có trí khôn thì Ngài hiện hữu theo ba cách thức kết hiệp. Một là xét trên bình diện tương tự. Vì Chúa là thiện hảo vô cùng, bởi vậy hễ vật nào là tốt lành, thiện hảo thì giống như được chung phần vào sự Thiện Hảo vô cùng của Chúa. Ngài ở trong vật ấy bằng yếu tính. Hai là về phương diện thực thể đây là cách thức Chúa hiện diện nơi linh hồn các thánh nhân bằng ân sủng. Đối với linh hồn các thánh, Chúa hiện diện bằng tác động đức tin và tình yêu. Thứ ba xét về phương diện tồn hữu. Trong cách này, Chúa ở trong Chúa Cứu Thế, gọi là “nhiệm hiệp”[5]. Cũng một cách nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa, nhưng lại diễn tả sống động, gần gũi và thiên về cảm nghiệm hơn, qua chứng nghiệm sau đây của các nhà thần bí, chúng ta sẽ thấy điều này.

 

2.3 Chứng nghiệm của các Nhà Thần Bí

 

Các nhà thần bí chứng nghiệm được Thiên Chúa viếng thăm, hiện diện và kín ẩn trong thẳm sâu của linh hồn.

 

2.3.1 Thiên Chúa viếng thăm

Thánh Bênađô, trong sách Chú giải Diễm Ca 41,50, nói về kinh nghiệm sự hưởng nếm Thiên Chúa thật sâu xa và kỳ diệu. Kinh nghiệm ấy là nhận ra sự viếng thăm thường xuyên và hiện diện của Thiên Chúa:

“Chúng ta hãy nói Ngôi Lời là Thiên Chúa và là Hôn Phu của linh hồn, đến với linh hồn theo cách thế Ngài thích, và sau đó rời bỏ linh hồn, vì để chúng ta tin rằng đã xảy ra trong những gì linh hồn cảm thấy. . . Ngôi Lời đã viếng thăm tôi và không phải một lần, nhưng là Ngài quá thường xuyên đi vào trong tôi, dẫu vậy không phải lúc nào tôi cũng nhận ra ”[6]. Để chứng thực cho những điều đó, thánh nhân trong sách  Chú giải Diễm Ca, 6 cho biết làm sao ngài nhận ra được sự viếng thăm của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đến đánh thức, biến đổi và trái tim của thánh nhân chuyển động: nhờ đó ngài đã trở nên con người mới:

“Ngay khi Ngài đến trong tôi, Ngài đã thức tỉnh hồn tôi đang ngủ mê; Ngài đã lay động, làm mủi lòng và gây thương tổn trái tim tôi đã chai cứng như đá vì bệnh tật. …Tôi không biết một chút chuyển động về phía Ngài; tôi chỉ thấy sự hiện diện của Ngài qua một chuyển động của trái tim tôi, tôi đã ghi nhận sức mạnh của quyền năng Ngài hoạt động trong tôi qua việc các nết xấu đã trốn chạy và những đam mê đã chết đi”[7]. Thiên Chúa viếng thăm linh hồn không chỉ là biến đổi linh hồn mà hơn thế nữa như là bảo chứng Ngài hiện diện trong sâu thẳm cõi lòng con người.       

                  

2.4.2 Thiên Chúa hiện diện

Thánh Têrêsa sánh ví linh hồn chúng ta như một hoàng cung, trong đó nơi sâu thẳm, linh thiêng nhất là nơi Thiên Chúa cư ngụ. Thánh nhân, trong sách Lâu Đài Nội Tâm, quả quyết với chúng ta rằng, chính ngài không thể nghi ngờ được sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi sinh hoạt hằng ngày của linh hồn mình: “Khi tưởng tượng như tôi đang ở kề bên Đức Kitô theo cách tôi đã nói, thì đôi khi cả trong những lúc đọc sách, bất thần tôi thấy Chúa hiện diện một cách không thể nghi ngờ được, là Người hiện diện trong tôi và tôi hoàn toàn chìm ngập trong Người”[8]. Thánh nhân còn cho chúng ta biết thêm, mới đầu ngài cũng không biết rằng Chúa hiện diện trong mọi sự, ngài không thể tin được điều ấy. Lời xác tín đó đã được thánh nhân nhắc lại trong cuốn Tiểu Sử Tự Thuật rằng:

“Có một điều mới đầu mà tôi không biết, đó là tôi không biết Chúa hiện diện trong mọi sự, và khi tôi thấy là dường như Người hiện diện thật sự, tôi nghĩ điều ấy không thể được. Nhưng tôi không thể không tin được sự hiện diện ở đó, vì dường như rất chắc chắn là tôi nhận ra chính sự hiện diện của Người. Những người không thông thạo đã bảo tôi là Chúa chỉ hiện trong các tạo vật bằng ân sủng thôi; nhưng tôi không tin được như thế, vì như tôi nói, đối với tôi thì dường như người hiện diện thật sự chứ không chỉ bởi ân sủng”. [9]  Không chỉ có cảm nghiệm của thánh Têresa mà thánh Bênađô cũng có những cảm nghiệm ấy, đến nỗi ngài chân nhận trong Chú Giải Diễm Ca 41,50 rằng:Tôi cảm thấy Ngài ở đó, tôi nhớ ra Ngài đã hiện diện ngay cả đôi khi tôi cũng linh cảm Ngài bước vào và không cảm thấy Ngài bước vào cũng như Ngài ra đi”. Để hiểu thêm trạng huống linh cảm của thánh Bênađô như trên, chúng ta sẽ làm sáng tỏ ở sự hiện diện kín ẩn của Thiên Chúa.

 

2.4.3 Thiên Chúa kín ẩn

Nếu như thánh Bênađô, thánh Têrêsa Avila cho chúng ta biết kinh nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa trong bản thể con người là thường xuyên, thì kinh nghiệm ấy lại được thánh Gioan Thánh Giá xác tín thêm một lần nữa. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn kín ẩn, để con người  luôn thao thức tìm kiếm Ngài. Nơi những trang chú giải Khúc Linh Ca 1,10, thánh nhân cho chúng ta biết về sự hiện diện kín ẩn của Thiên Chúa như thế này: “Cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Ngôi Lời, Con Thiên Chúa luôn hiện diện kín ẩn theo yếu tính nơi phần sâu thẳm của linh hồn”[10]. Kinh nghiệm  ấy cách khoảng 12 thế kỷ trước cũng đã được thánh Augustinô (351) diễn tả trong cuốn sách Tự Thuật như sau: “Con không gặp được Chúa ở ngoài con, và thật sai lầm khi tìm Chúa ở ngoài, vì Chúa vốn bên trong”[11]. Cũng như thánh Augustinô, thánh Gioan Thánh Giá (1542) từ chính cảm nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa nơi bản thể mình, thánh nhân trong chú giải Khúc Linh Ca 1,8 đã không thể nào thinh lặng được nữa mà phải hô lên thật lớn rằng:

“Hỡi linh hồn, thụ tạo xinh đẹp nhất giữ mọi thọ tạo, bạn đang nôn nóng khao khát muốn biết Đức Lang Quân của bạn đang ở đâu để tìm kiếm và nên một với Ngài. Tôi xin nói cho bạn biết: bạn chính là nơi Ngài cư ngụ, là nơi Ngài ẩn náu. Thật đáng vui mừng cho bạn khi thấy rằng, Đấng ấy là tất cả sự tốt lành, hy vọng của bạn, Ngài đang ở gần bên bạn, đang ở ngay trong bạn, nói đúng hơn, bạn không thể thiếu Ngài”[12].

Nhưng nếu quả là Thiên Chúa hiện diện trong con người, tại sao chúng ta không gặp cũng như chẳng cảm thấy Ngài? Những tra vấn đó không thể không chối cãi được. Vì Chúa hiện diện trong con người, thì lẽ đương nhiên họ phải có khả năng nhận biết chứ sao lại không? Thánh Gioan Thánh Giá trả lời ở Khúc Linh Ca 1,9 rằng, chúng ta không nhận ra sự hiện diện của Chúa lý do là vì: “Ngài ẩn mình ở đó nhưng bạn lại không ẩn mình với Ngài để có thể gặp gỡ và cảm nhận Ngài. Đức lang Quân yêu dấu của bạn là kho tàng ẩn dấu nơi thửa ruộng linh hồn bạn, vì kho tàng ấy người lái buôn khôn ngoan đã bán đi tất cả của cải ông có (x. Mt 13,44). Để tìm được kho tàng ấy, bạn phải quên đi mọi thứ thuộc về bạn, phải xa lánh mọi loài thụ tạo và ẩn mình vào sự lắng đọng bên trong của tâm linh”[13].

Như thế, nếu chưa cảm nhận được Thiên Chúa trong sâu thẳm của linh hồn mình, con người không vì thế mà phủ nhận sự hiện hữu của Ngài. Thiên Chúa có đó và Ngài hiện diện trong bản thể con người. Thiên Chúa hiện diện, lẽ tất nhiên để Ngài kết hợp với con người. Đặc biệt, tuyệt đỉnh của kết hiệp ấy theo các nhà thần bí là để linh hồn con người được nên Hiền Thê của Thiên Chúa, Thiên Chúa trở thành Đấng Tình Quân của linh hồn.

 

3. Thiên Chúa - Đấng Tình Quân của linh hồn con người

 

Các nhà thần bí Kitô giáo, qua kinh nghiệm về Thiên Chúa, sánh ví mối hiệp thông cao nhất giữa Thiên Chúa và linh hồn con người tựa như Đấng Tình Quân kết hợp nên một với Hiền Thê diễm kiều. Các thánh nhân sẽ diễn tả cho chúng ta biết đâu là điều kiện để linh hồn trở thành Tân Nương riêng của Thiên Chúa. Hôn lễ thần diệu giữa Thiên Chúa là Đấng Tình Quân với Hiền Thê là linh hồn con người sẽ diễn ra ở đâu? Và con người được biến đổi ra sao trong linh phối thần diệu?

 

3.1 Điều kiện để linh hồn trở thành Hiền Thê của Thiên Chúa 

 

Không phải ngẫu nhiên mà linh hồn được gọi là Hiền Thê của Thiên Chúa. Để trở thành Hiền Thê, linh hồn phải có những điều kiện cần thiết. Nhưng đâu là những điều kiện cần thiết ấy? Linh hồn phải khao khát Thiên Chúa cháy bỏng và phải có trái tim tinh tuyền.

Thật thế, lòng khao khát Thiên Chúa là điều kiện trước hết để linh hồn vinh dự trở thành Hiền Thê của Ngài. Chính thánh Gioan Thánh Giá đã trải qua kinh nghiệm nơi một linh hồn là Hiền Thê thao khát tìm kiếm Thiên Chúa. Và thánh nhân, trong Khúc Linh Ca (1,1), đã diễn tả kinh nghiệm ấy của linh hồn là luôn khắc khoải với tiếng kêu rên xiết khôn tả, thốt lên từ trái tim đã bị thương vì tình yêu nhiệm mầu của Thiên Chúa. Vì thế, linh hồn bắt đầu khẩn khoản, ngỏ lời với Người yêu dấu:

“Người ở nơi nào, hỡi Người yêu dấu, mà bỏ em rên rỉ? Như một con nai, Người trốn biệt sau khi đã làm cho em bị thương...”. Trong ca khúc này, “ta thấy linh hồn say đắm Lang quân của nó là Ngôi Lời, Con Thiên Chúa, và đang khát khao nên một với Ngài, để được nhìn thấy Ngài thật rõ đúng theo yêu tính Ngài”[14]. Những thao thức tìm kiếm Thiên Chúa khôn nguôi ấy, thánh Gioan Thánh Giá đã cho chúng ta biết để trở thành người yêu của người yêu, người ta phải khao khát và kiếm tìm người mình yêu sau khi bị vết thương tình ái. Trong mối tình giữa Thiên Chúa với con người cũng vậy, để trở thành Hiền Thê của Ngôi Lời Thiên Chúa, con người phải khao khát và kiếm tìm Ngài.

Nếu khao khát Thiên Chúa mà thôi thì cũng chưa đủ, con người cần phải có trái tim tinh tuyền để xứng đáng là Hiền Thê. Vì thế, thánh Bênađô trong sách Chú giải Diễm Ca (57,4; 60,2) cho biết những linh hồn muốn là Hiền Thê phải sạch mọi nết xấu, có trái tim tinh tuyền, thường xuyên chú tâm tìm kiếm Chúa và những gì thuộc về Ngài. Thánh nhân quả quyết rằng:

Nếu ai trong anh em có trái tim tinh tuyền, nếu chú tâm tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng tạo nên họ, thì họ đứng trước Ngài dâng lời cầu nguyệnLinh hồn cẩn thận canh thức sẽ thấy Ngài ngự đến từ xa, loại bỏ mọi lo lắng khác, và lập tức sẽ nhận thấy tất cả những gì Hiền Thê chú tâm quan sát chính xác, khi Đấng Tình Quân đến: Vì chính Ngài nói rằng những ai sớm thức dậy tìm kiếm Ngài sẽ được gặp Ngài. Và ngay khi Hôn phu đến, nàng nhận biết lòng khao khát cháy bỏng của Chàng, bởi vì Chàng ở đó, Nàng sẽ nhận ra ngay; khi Chàng nhìn Nàng, Nàng thấy niềm hạnh phúc trong đôi mắt Hôn Phu…”. Khi nói lên những điều kiện như thế, thánh Bênađô cho chúng ta biết con người phải hội đủ những điều cần thiết mới có thể trở thành Hiền Thê của Ngôi Lời là Thiên Chúa. Như thế, chính con người phải loại bỏ tất cả những gì là thụ tạo, tội lỗi; với trái tim tinh tuyền, họ chỉ còn khao khát Thiên Chúa là Đấng Tình Quân của mình nữa mà thôi. Khi một linh hồn hoàn toàn ngoan ngoãn với ân sủng thì nó không thể không khát khao Thiên Chúa. Khi đó, linh hồn được gọi là Hiền Thê. Thánh Bênađô minh định điều ấy trong những trang chú giải sách Diễm Ca (57,4; 62)  rằng: Ước gì Ngài hôn tôi với nụ hôn nơi miệng Ngài”. Thánh nhân chú giải như sau: “Ai nói những lời này? Chính là Hiền Thế. Ai là Hiền Thê? Linh hồn khát khao Thiên Chúa… người mà xin nụ hôn là người yêu mến tha thiết. Người nào yêu thì xin một nụ hôn. Linh hồn xin một nụ hôn như một hiền thê rất trinh khiết, bùng cháy tình yêu thần linh và không thể che dấu ngọn lửa đang thiêu đốt mình” [15].

 

3.2 Nơi Linh phối thiêng liêng diễn ra

 

Sau những khắc khoải tìm kiếm Thiên Chúa là Đấng Tình Quân của linh hồn và hội đủ mọi nhân đức, khi đến thời gian đã định, Thiên Chúa sẽ cử hành lễ thành hôn thần diệu với linh hồn. Đây có thể nói là đỉnh điểm sự hoàn thiện và tuyệt đỉnh của tình yêu của các nhà thần bí. Các thánh nhân sẽ diễn tả cho chúng ta biết lễ hôn phối thiêng liêng diễn ra ở đâu?

Thánh Têrêsa Avila, trong tác phẩm Lâu Đài Nội Tâm, cho biết lễ thành hôn liêng liêng diễn ra ở thâm cung sâu thẳm nhất của linh hồn là nơi Thiên Chúa ngự.

“Chúa tỏ hiện ở thâm cung linh hồn, không qua trí tưởng tượng, nhưng qua thị kiến tri thức, như Người hiện đến với các tông đồ, mà không phải vào qua cửa nào cả, Người nói với các ông Bình an cho các con” (Ga 20,19). Không thể nói gì hơn nữa, theo những gì có thể hiểu thì linh hồn (thần trí linh hồn) được nên một với Thiên Chúa, Đấng, vì là Thần Trí đã muốn mặc khải tình yêu mà Người yêu thương chúng ta, bằng cách biểu lộ cho một số người cái tầm mức cao vời của tình yêu Người, để chúng ta ca tụng sự cao cả của Người. Vì Người đã đoái thương kết hiệp chính mình với thụ tạo của Người đến mức là như hai người đời không thể tách lìa nhau được: thì Người cũng sẽ không lìa xa khỏi bà như vậy”[16].  

 

3.3 Linh hồn hiệp nhất sau Linh phối

 

Nếu trong hôn nhân làm cho hai tình nhân nên trở nên một, thì trong linh phối, Hôn Phu và Hiền Thê cũng trở nên một. Thiên Chúa vô hạn hòa mình nên một với con người hữu hạn. Trong sự hiệp nhất đó, linh hồn được chia sẻ và tràn ngập trong tình yêu của Thiên Chúa.

Thật vậy, trong lễ thành hôn thiêng liêng, Thiên Chúa kết hợp với linh hồn nên một duy nhất mà không còn tách biệt; như hai ngọn nến dính lại với nhau để trở thành một ánh sáng duy nhất, hay như giọt nước hòa tan trong biển cả mà không còn phân cách. Thánh Têrêsa đã diễn tả sự nên một giữa Thiên Chúa và linh hồn trong tác phẩm Lâu Đài Nội Tâm như sau:

“Linh hồn liên lỉ ở lại thâm cung của lòng mình với Thiên Chúa. Chúng ta có thể ví cuộc phối hiệp này giống như hai ngọn nến đã dính lại với nhau để đốt lên một ánh sáng duy nhất: cái tim đèn, sáp và ánh sáng, cả ba chỉ là một; tuy nhiên sau đó, cây nến có thể bị dễ tách lìa nhau hoàn toàn và bấy giờ lại là hai cây nến; người ta cũng có thể rút tim đèn ra khỏi sáp. Lễ thành hôn còn giống như nước từ trời mưa xuống hòa lẫn với nước của một con sông hay con suối, chỉ còn là một thứ nước và không còn thể tách lìa nước của sông ra khỏi nước từ trời mưa xuống được nữa. Hay cũng giống như một dòng suối nhỏ chảy vào biển thì vô phương còn phân tách ra được nữa; hay như ánh sáng ùa vào một căn phòng qua hai cửa sổ rộng: ánh sáng thấu nhập mọi nơi khác nhau nhưng tất cả chỉ là một”[17]. Để diễn tả cho sự nên một trong lễ thành hôn, thánh nhân còn chú giải thêm thư 1Cr 6,17 của thánh Phaolô nói về sự kết hợp với Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói: “Ai kết hợp với Chúa thì nên một thần trí với Người đó”. Theo thánh Têrêsa thì thánh Phaolô có ý ám chỉ về lễ thành hôn cao vời giữa Thiên Chúa và linh hồn. Tại sao vậy? Vì qua việc phối hiệp, Thiên Chúa đi vào trong linh hồn con người.

Cũng như thánh Têrêsa Avila cho chúng ta biết lễ thành hôn đã biến linh hồn nên một với Thiên Chúa, thì ở đây, thánh Bênađô trong sách chú giải Diễm Ca (83,2-3) còn cho biết thêm sự nên một đó như thế nào. Khi linh hồn kết hôn với Ngôi Lời là Thiên Chúa, linh hồn nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong tình yêu. Nhưng chính tình yêu cũng là điều kiện để linh hồn có thể kết hôn thánh thiêng với Thiên Chúa. Thánh nhân viết:

“Chính sự đồng hình đồng dạng này cưới linh hồn với Ngôi Lời, khi đã giống Ngài qua bản tính tự nhiên, thì cũng giống Ngài qua thánh ý của Ngài, yêu mến Ngài như chính mình được yêu mến. Nếu linh hồn yêu mến Ngài một cách trọn hảo, thì đây nó được kết hôn với Ngài. Còn gì vui sướng hơn bằng được nên đồng hình đồng dạng này? Còn gì đáng ước ao hơn tình yêu mà nhờ đó người được gắn kết bền chặt với Ngôi Lời, người tham vấn thân tình với Người… Đó là lập hôn ước thiêng liêng, hôn nhân thánh thiện. Đó là một khế ước, điều đó nói lên chưa đủ: đó là ôm ấp, vâng một sự ôm ấp nơi mà cùng ước muốn và cùng không ước muốn của hai tinh thần trở nên một”[18]. Thánh nhân còn khẳng định thêm một lần nữa về mối tương quan phu thê giữa Thiên chúa và linh hồn chỉ có tình yêu mà thôi: “Mối tương giao nào khác mà bạn kiếm tìm giữa hôn phu và hiền thê, đâu là mối liên hệ nào khác, nếu không phải là yêu và được yêu? Cốt yếu của mối tương giao này còn kết chặt hơn cả mối dây liên kết cha mẹ với con cái”[19]. Qua sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa với linh hồn mà thánh Têrêsa diễn tả, chúng ta biết con người sẽ được ngang bằng với Thiên chúa trong tình yêu. Và được biến thành Người Yêu Dấu (Thiên Chúa) mà thánh Gioan Thánh Giá sẽ cho chúng ta biết.  

 

3.4Linh hồn trở thành người yêu dấu”   

 

 

Tương quan phu thê là bình đẳng. Nghĩa là kẻ được yêu cũng như người yêu bình đẳng với nhau, khi trao hiến cho nhau tình yêu mà hai bên đều có. Chỉ có duy nhất tình yêu và trong mối hiệp nhất đó. Thánh Gioan Thánh cũng đã trải qua kinh nghiệm ấy. Trong chú giải Khúc Linh Ca 38,3, ngài cho biết tình yêu giữa Tình Quân (Thiên Chúa) với Tình Nương (linh hồn) là bình đẳng như hai người yêu nhau: Thiên Chúa yêu thương linh hồn bằng tình yêu vô hạn, còn linh hồn yêu mến Ngài như mình được yêu mến. Như vậy, linh hồn đang yêu chỉ có thể thỏa mãn khi mình cũng yêu nhiều như lúc mình được yêu vậy: “Tham vọng của linh hồn là sự bình đẳng trong tình yêu với Thiên Chúa, điều mà nó hằng khao khát về mặt tự nhiên lẫn siêu nhiên. Thật vậy, kẻ đang yêu chỉ có thể hài lòng khi cảm thấy mình cũng yêu nhiều như ở mình đã được yêu. Nó khao khát được biến đổi trong vinh quang rạng ngời, để có thể đạt được sự nên một. Nó khao khát được biến đổi trong vinh quang rạng ngời, để có thể đạt được một tình yêu ngang hàng tình yêu Thiên Chúa dành cho nó”[20]. Nhưng bình đẳng ấy được được thể hiện như thế nào? Thêm một lần nữa, cũng trong Khúc Linh Ca 38,3, thánh nhân cho biết : “Trí hiểu của nó sẽ là trí hiểu của Thiên Chúa, lòng muốn của nó sẽ là lòng muốn của Thiên Chúa, và như thế tình yêu của nó sẽ là tình yêu của Thiên Chúa”[21].

Trong lễ hôn phối thần linh, linh hồn được bình đẳng với tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng sự bình đẳng kỳ diệu ấy đem lại điều gì lớn lao nữa? Thánh Gioan Thánh Giá cho biết linh hồn là Hiền Thê còn được biến thành Người Yêu Dấu. Chúng ta có thể nói đây là đỉnh điểm của cuộc linh phối. Trong cuộc kết hợp này chính Đức Tình Quân của linh hồn hết sức vui mừng hoan lạc khi chiếm hữu được linh hồn và hoàn thiện nó, ôm nó vào lòng trong sự kết hợp nên một mà Ngài hằng khao khát khao mong ước. Hiền Thê được xe duyên kết tóc với Tình Quân. Linh hồn được Thiên Chúa cho thần hóa nên giống như Ngài, nhờ thông dự vào bản tính của Ngài. Trong những lời minh giải về tác phẩm Khúc Linh Ca 22,3, thánh nhân đã diễn tả những kinh nghiệm sâu xa đó như sau:

“Cuộc hôn phối này thật cao vời khôn ví, bởi lẽ ở đây người dấu yêu được hoàn toàn biến đổi nên Người Yêu Dấu. Nơi đây, đôi bên phó mình cho nhau để chiếm hữu nhau hoàn toàn, với một cuộc hợp hôn xe duyên kết tóc, nên một trong tình yêu, khiến linh hồn được thần hóa và trở thành như Thiên Chúa, được dự phần vào bản tính của Ngài, ở mức độ tối đa có thể được trên cõi đời này. Theo tôi nghĩ, tình trạng này sẽ không bao giờ xảy ra nếu linh hồn chưa được vững bền trong ân sủng. Trong phút hợp cẩn của cuộc hôn nhân tự nhiên, như lời Thánh Kinh nói; cả hai người nên một xác thịt (St 2,4). Ở đây, trong phút hợp cẩn của cuộc linh phối, cả hai bản tính hòa nhập thành một tinh thần và một tình yêu. Cũng tựa như khi ánh sáng một vì sao hay một ngọn nến kết hiệp với ánh sáng mặt trời, sự tỏa sáng lúc ấy không phải là do vì sao hay ngọn nến mà chính do mặt trời, bởi lẽ mặt trời hút vào trong ánh sáng của mình tất cả những thứ ánh sáng khác”[22]. Tuy nhiên, cuộc linh phối này chỉ trọn vẹn khi linh hồn được hoàn toàn biến đổi trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Sự biến đổi hoàn toàn được thực hiện là nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là hơi thở thần linh yêu thương đã nâng linh hồn lên một cách hết sứ cao vời và làm cho nó có khả năng phả vào nơi Thiên Chúa chính hơi thở yêu thương. Hơi thở đó, Chúa Cha phả vào Chúa Con và Chúa Con phả vào Chúa Cha. Thánh Gioan Thánh Giá, trong Khúc Linh Ca 39,3, cho chúng ta biết: “Trong Chúa Cha và Chúa Con, Thánh Thần phả hơi vào linh hồn nơi cuộc biến đổi này để kết hiệp linh hồn nên một với Ngài”. Như thế, hơi thở Thánh Thần nơi linh hồn được Thiên Chúa dùng để biến đổi linh hồn nên chính Ngài. Khi được biến đổi nên một với Thiên Chúa, nhờ nối kết với Ba Ngôi, linh hồn được biến đổi nên Ba Ngôi về khôn ngoan, tình yêu và được nên giống Thiên Chúa về sự biến đổi. Điều đó đã được thánh nhân giải thích như sau: “Bởi vì nếu cho rằng Thiên Chúa đã đoái thương cho linh hồn nên một với Ba Ngôi Chí Thánh, qua đó linh hồn được trở nên đồng hình đồng dạng với Thiên Chúa, được trở nên Thiên Chúa nhờ dự phần, thì có gì là không thể tin nếu linh hồn cũng hiểu, cũng biết, cũng yêu - hay nói đúng hơn, nhờ nối kết với Ba Ngôi, linh hồn cũng thực hiện được những điều chính Ba Ngôi thực hiện? Tuy nhiên, đó là chính Thiên Chúa đã làm điều ấy nơi linh hồn được hiệp thông và cho dự phần. Linh hồn được biến đổi nên Ba Ngôi về mặt uy lực, khôn ngoan và tình yêu và được giống Thiên Chúa về sự biến đổi ấy. Thật vậy, chính vì đích ấy mà Thiên Chúa đã tạo dựng linh hồn theo hình ảnh Ngài nên giống như Ngài”[23].

Như thế, hơi thở Thánh Thần nơi linh hồn được Thiên Chúa dùng để biến đổi linh hồn nên chính Ngài. Khi được biến đổi nên một với Thiên Chúa, nhờ nối kết với Ba Ngôi, linh hồn được biến đổi nên Ba Ngôi về khôn ngoan, tình yêu và được nên giống Thiên Chúa về sự biến đổi. Điều đó đã được thánh nhân giải thích như sau ở Khúc Linh Ca 39,4:

 “Bởi vì nếu cho rằng Thiên Chúa đã đoái thương cho linh hồn nên một với Ba Ngôi Chí Thánh, qua đó linh hồn được trở nên đồng hình đồng dạng với Thiên Chúa, được trở nên Thiên Chúa nhờ dự phần, thì có gì là không thể tin nếu linh hồn cũng hiểu, cũng biết, cũng yêu hay nói đúng hơn, nhờ nối kết với Ba Ngôi, linh hồn cũng thực hiện được những điều chính Ba Ngôi thực hiện? Tuy nhiên, đó là chính Thiên Chúa đã làm điều ấy nơi linh hồn được hiệp thông và cho dự phần. Linh hồn được biến đổi nên Ba Ngôi về mặt uy lực, khôn ngoan và tình yêu và được nên giống Thiên Chúa về sự biến đổi ấy. Thật vậy, chính vì đích ấy mà Thiên Chúa đã “tạo dựng linh hồn theo hình ảnh Ngài nên giống như Ngài”[24].

Như vậy, các nhà thần bí qua kinh nghiệm về Thiên Chúa cho chúng ta biết mối hiệp thông trọn vẹn nhất giữa con người và Thiên Chúa khi con người trở nên một với Ngài. Sự nên một được thể hiện trong cuộc hôn phối giữa Thiên Chúa là Đấng Tình Quân với Tình Nương là linh hồn. Nhưng để là Tình Nương của Thiên Chúa, linh hồn phải có trái tim tinh tuyền, ngoan ngoãn trong ân sủng và luôn khao khát tìm kiếm Ngài. Khi hội đủ những điều kiện như thế linh hồn sẽ được Đấng Tình quân đưa vào cuộc linh phối thần thiêng. Nhờ cuộc linh phối, Hiền Thê được hưởng muôn hồng ân và hơn nữa con người được biến đổi, hiệp nhất với tình yêu vô hạn của Thiên Chúa.  

 

4. Nhận Định

 

Qua những trình bày nội dung như trên, người viết sẽ đánh giá ưu điểm và giới hạn chứng nghiệm về Thiên Chúa của các nhà thần bí, đồng thời xem tính khả thi của những chứng nghiệm đó.

 

4.1 Đánh giá kinh nghiệm Thần Bí

 

Kinh nghiệm các nhà thần bí có đáng tin cậy và đâu là những giới hạn của kinh nghiệm ấy để chúng ta nhận biết?

4.1.1 Những ưu điểm

Lịch sử nhân loại cho chúng ta biết, từ Đông sang Tây, từ  Khổng Tử đến Socrate, từ Platon đến thánh Augustino…và vô số người khác đã làm chứng cho thực tại cảm nghiệm về Thiên Chúa. Đối với các nhà thần bí như thánh Bênađô, Têresa Avila và thánh Gioan Thánh Giá đã cho chúng ta biết điều đó. Hơn thế nữa các thánh nhân còn diễn tả sâu xa về sự hiệp  thông giữa Thiên Chúa và con người. Kinh nghiệm ấy diễn tả Thiên Chúa thật sống động: Ngài viếng thăm, hiện diện và kết hợp với con người nên một trong sâu thẳm linh hồn. Đó là ưu điểm so với một Thiên Chúa hiện hữu bằng lý luận của các triết gia.

Đồng thời, kinh nghiệm của các nhà thần bí cũng đáng tin cậy. Bởi lẽ các thánh nhân là những người rất chân thành và khiêm tốn nên họ đáng tin cậy. Điều ấy đã được William James chân nhận rằng: “Bạn chẳng biết cảnh xuất thần bao giờ cả, nếu bạn tiếp xúc với một thánh nhân sống đời thần bí, hẳn bạn sẽ thấy trong bạn có sức gì âm vang lại kinh nghiệm thần bí đó”[25]. Mặt khác, mặc dù các thánh nhân đáng tin cậy vì các ngài hội đủ những tư chất của con người trưởng thành tâm lý lành mạnh. Tuy nhiên, những kinh nghiệm ấy sẽ vẫn còn có một ít hạn chế.

 4.1.2 Những giới hạn

Chúng ta có thể kiểm chứng được sự chân thành của các thánh. Nhưng kinh nghiệm mà các ngài có về Thiên Chúa lại không thể nghiên cứu chính thực tại ấy được. Bởi vì nó vượt quá nhận thức của con người. Trong sự kết hợp thần bí giữ Thiên Chúa với con người thì ranh giới phân tách cá nhân khỏi vũ trụ bị phá vỡ; cái tôi kết hợp với tính Duy Nhất không phân biệt và có được kinh nghiệ trong lãnh vực cao hơn. Bên cạnh đó, kinh nghiệm thần bí xuất hiện với một ý nghĩa riêng. Ngoài điều đó ra, trên thực tế kinh nghiệm thường được mô tả là điều không thể nói ra được và chỉ có thể diễn tả một phần kinh nghiệm nào đó thôi. Bỡi đó, Lão Tử trong Đạo Đức Kinh 1,1 chân nhận:  “Đạo khả đạo, phi thường đạo. Danh khả danh, phi thường danh”. Như thế, Kinh nghiệm các nhà thần bí có những ưu điểm và giới hạn đó là lẽ dĩ nhiên. Mặc dầu vậy, chúng ta vẫn có thể nhìn lạc quan, nói lên khả năng áp dụng và đánh thức những kinh nghiệm quý giá ấy.

 

 4.2 Tính khả thi: Đánh thức kinh nghiệm Thần Bí

 

Khát vọng của con người là chiếm hữu được Thiên Chúa. Thế nhưng, khát vọng ấy thường phải chạm trán với một vấn nạn thực tế và cũng huyền nhiệm là: chúng ta có được gọi vào đời sống thần bí hay không, hay đời sống ấy chỉ dành cho một số người? Hẳn thật, có thể nói mọi người đều được mời gọi vào đời sống thần bí, vì con người đã được Thiên Chúa trao ban cho khả năng thần bí.

Thật thế, “Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4,8.16), tự bản chất ước muốn Ngài là thông ban chính tình yêu trào tràn cho con người. Thế nên, Thiên Chúa đã trao ban cho con người “mầm sống tình yêu”, để họ tham dự vào bản tính tình yêu vô hạn của Ngài. Hơn nữa, Thiên Chúa lại hiện diện sâu thẳm nơi bản thể của con người và cũng chính Ngài đã đạt vào trong tâm khảm mỗi người khao khát Ngài không nguôi.

Bên cạnh đó, ơn gọi chung của người Kitô hữu trong đời sống thần bí hay chiêm niệm không phải đòi hỏi khả năng nào khác hơn là những gì đã được ban trong bí tích rửa tội; tức là các nhân đức thiên phú đã lãnh nhận ân huệ Chúa Thánh Thần. Do đó, bất cứ tâm hồn nào có được ơn đã lãnh nhận trong bí tích là nhận lãnh tác động Chúa Thánh Thần, đều có khả năng được đưa tới sung mãn của đời sống thần bí. Như thế, chúng ta có thể nói rằng mỗi người Kitô hữu đều có khả năng để trở thành một nhà thần bí. Do vậy, ơn gọi vào đời sống thần bí, nhiệm hiệp lại càng có khả năng hơn nữa với những tu sĩ sống đời chiêm niệm, vì đó là đích điểm đời sống mà họ phải đạt tới. Tuy nhiên, chính Thiên Chúa mới quyết định, Ngài có đưa một linh hồn vào con đường thần bí hay không?

Cũng trong cái nhìn về khả năng thần bí, Henri Bergson cho rằng tự bản chất con người có khả năng thần bí, nhưng nó đang ở dạng tiềm năng. Khả năng thần bí ấy sẽ tỏ lộ ra khi ai đó bắt gặp được một sự đồng điệu của những nhà thần bí khác, như kiểu nói của người Đông phương “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Vì thế, triết gia nhận định như sau: “Sỡ dĩ lời của một nhà thần bí thượng thẳng hoặc của một ai đó trong những kẻ noi gương bắt chước vị ấy, có được âm vang trên người này hay người nọ trong chúng ta, phải chăng chính vì trong mỗi người chúng ta đều sẵn có một nhà thần bí đang thiếp ngủ, chỉ chờ cơ hội thuận tiện là sẽ được đánh thức”[26].

Bởi đó, việc đánh thức khả năng thần bí nơi con người là điều rất cần thiết. Có thể nói, con người giữa dòng đời vạn biến, vì yếu đuối, bám víu vào những cái vô thường, hay mãi ngủ mê với những yếu đuối mà người ta đã làm tê liệt, thậm chí còn bóp nghẹt ân sủng đã được ban cho. Thế rồi, chỉ cần một câu nói, hay một cái nhìn của một tâm hồn thật sự thánh thiện; người được Thiên Chúa chiếm hữu, là đủ để họ nhận ra ơn riêng đó. Như thế, để đánh thức kinh nghiệm thần bí nơi mỗi người, hồng ân đã lãnh nhận, thử hỏi chúng ta chiêm ngưỡng những nhà thần bí mô phạm nào sáng chói hơn thánh Bênađô, Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá? Một khi khả năng thần bí cao quý trong bản thể được đánh thức, con người hiện sinh sẽ vươn lên, đi tới, bắt gặp và hiệp nhất với Đấng Tuyệt Đối.   

                                                                                       

Kết luận

 

Như vậy, qua kinh nghiệm của các nhà thần bí mô phạm như thánh Bênađô, Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá, chúng ta được biết Chân Lý cuộc đời hay Thực Tại Tối Hậu đã được vén mở ra. Khi soi rọi vào kinh nghiệm của các nhà thần bí, con người sẽ không cần phải đặt lại vấn đề Thiên Chúa có hiện hữu hay không! Thiên Chúa hiện hữu đó là lẽ hiển nhiên. Thiên Chúa theo nhãn quan các nhà thần bí chứng nghiệm là Thiên Chúa thật sống động, gần gũi. Ngài viếng thăm, hiện diện và kín ẩn trong sâu thẳm của linh hồn. Tương quan giữa Thiên Chúa và con người không khác gì hơn là tình yêu. Chính Thiên Chúa luôn tuôn đổ tình yêu trào tràn vô hạn cho con người hữu hạn, để tình yêu con người được thấm nhập vào tình yêu Ngài. Nhờ đó, tình yêu của con người được trở nên hoàn hảo nhất, khi Thiên Chúa nhiệm hiệp với con người trong linh phối huyền diệu, để con người được biến đổi thành như là “Thiên Chúa”.

Khi nhìn vào kinh nghiệm của các nhà thần bí về Thiên Chúa, gạn lọc đi những cơn xuất thần kỳ lạ, hay khổ hạnh khắc nghiệt…mà trở về với con người hiện sinh đích thực của các ngài, chúng ta nhận ra rằng khả năng thần bí đã được Thiên Chúa ban tặng nhưng không cho các nhà thần bí cũng như cho con người. Khả năng ấy như một “hạt mầm” được gieo vào lòng đất, nhờ tác động của thiên ân và cộng tác của con người, hạt mầm linh thiêng đó đang từng ngày lớn lên để đơm bông và kết trái. Thế nên, là con người, ai cũng được mời gọi vào đời sống thần bí theo cách thức và ơn gọi mà mình có. Như thế, người hiện sinh vươn lên tới Thiên Chúa, có thể nói đó là lẽ tất nhiên. Vì Thiên Chúa là cùng đích của người hiện sinh. Các nhà thần bí là những người hiện sinh đích thực đã đạt được Chân Lý viên mãn. Đỉnh điểm của vươn lên của hữu thể hiện sinh là kết hợp với Thiên Chúa, kết hợp nên một với Ngài trong linh phối thần diệu. Đó là kinh nghiệm đang từng ngày bắt đầu diễn ra trong cuộc nhân sinh. Tuy nhiên, để vươn lên đến cùng đích là kết hợp với Thiên Chúa, thì con người cần thức tỉnh, khám phá ra khả năng thần bí đang tiềm ẩn trong bản thể mình. Vả lại họ cần phải tập luyện, thực hành các nhân đức …để đi vào kết hợp với Thiên Chúa.

Cảm nghiệm của các nhà thần bí về Thiên Chúa, có thể được coi như là vầng dương soi rọi vào đêm đen, làm cho con người thời đại, hay người Kitô hữu, cách đặc biệt các đan sĩ biết thức tỉnh khả năng đang tiềm ẩn trong mình, cũng như biết được đâu là chân hạnh phúc, là Mục Đích Tối Hậu mà người hiện sinh vươn tới. Chỉ cần một câu nói hay môt cái nhìn thánh thiện, một cuộc gặp gỡ với các nhà thần bí sẽ giúp chúng ta nhận ra khả năng đang có trong bản thân. Đứng trước bức tranh sống động về các nhà thần bí mà bất thần được nhìn tận mắt, chúng ta như bị choáng ngợp nhưng đồng thời cũng được thêm khích lệ phấn chấn. Có thể vì khiêm nhường, chúng ta không thốt lên tiếng kêu bất hủ của một thiên tài vừa thức dậy: cả tôi nữa! Tôi cũng có khả năng kinh nghiệm về Thiên Chúa! Nhưng dù sao, chính nhờ cuộc hạnh ngộ có tính quyết định ấy mà ơn gọi của người hiện sinh cũng như chúng ta được xác quyết rõ ràng. Và từ đó, chúng ta quyết cất bước trên nẻo đường cao vời vợi, mà bấy lâu nay chúng ta hằng thao thức để gặp gỡ Thiên Chúa, kết hợp với Ngài; nẻo đường mà mới hôm qua, chúng ta còn tưởng như không bén mảng tới được, và còn làm cho ta phải sợ hãi. Cũng một lẽ ấy, là người Kitô hữu, hay người tu sĩ nói chung và cách riêng là người đan sĩ chiêm niệm giữa dòng đời trôi nổi vô thường, khi bắt gặp được kinh nghiệm của các nhà thần bí, chúng ta cũng được đánh thức về khả năng thần bí của mình rằng Thiên Chúa có đó, Ngài hiện diện trong sâu thẳm linh hồn để Ngài biến đổi con người nên “giống như là Ngài”, thông dự bản tính, quyền năng, uy lực và tình yêu Ba Ngôi.

 

 

 

Sách Tham khảo

Thánh Bênađô, Chú Giải Diễm Ca

Thánh Têrêxa Avila, Tiểu Sử Tự Thuật;  Lâu Đài Nội Tâm

Thánh Gioan Thánh Giá, Khúc Linh Ca

 

 

 ____________________________

 

[1]  Nguyễn Thế Thoại, Vấn Đề Thượng Đế, tr. 139

[2]  Trần Văn Hiến Minh, Từ điển triết học. Tr. 235

[3]  ] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, 500 Từ Điển Công Giáo,  Nxb Tôn Giáo, năm 2011, tr 230

[4]  Đường Thi, Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo, tr. 349

[5] Sđd, tr. 355 -356

[6]  Thánh Bênađô, Chủ giải Diễm Ca 41, 50

[7] Sđd, C 6

[8] Thánh Têrêsa Avila, Lâu Đài Nội Tâm

[9] Thánh Tê rê sa Avila, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 184

[10] Thánh Gioan Thánh Giá, Khúc Linh Ca 1, 6

[11]  ThánhAugustinô,ĐộcThoại40,888                                                                 

[12] Thánh Gioan Thánh Giá Sđd 1,8

[13] Thánh Gioan Thánh Giá, Sđd, 1, 9

[14] Thánh Gioan Thánh Giá. Khác Linh Ca1, 1-2

[15] Thánh Bênađo. Chúa giải Diễn Ca 57,4 ; 62 Dc1,2

[16] Thánh Tê rê xa, Lâu Đài Nội Tâm, tr. 231-232

[17] Sđd, tr. 233

[18] Thánh Bê na đô, Chú Giải Diễm Ca, 82, 2-3

[19]  Sđd, C 82, 2-3

[20] Thánh Gioan Thánh Giá, Khúc  Kinh Ca 38, 3

[21]  Sđd, 38, 3

[22]  Thánh Gioan Thánh Giá, Khúc  Linh Ca, 22, 3

[23]  Thánh Gioan Thánh Giá, Khúc Linh Ca, 39, 3

[24]  Sđd, 39,

[25] X. Gakl Mtres Dey, Kasten J.  StruHe and Richsrde  Olsen, Truy Tìm Triết Học,  Biên Dịch Lưu Văn Hy, Nguyễn Minh Sơn, Nxb Văn Hóa Thông Tin, tr. 186

 [26] Thánh Gioan Thánh Giá, Khúc Linh Ca, tr. 410

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á