Thường huấn

Học hỏi Thông điệp Fratelli Tutti: TÌNH YÊU - LỰC ĐẨY ĐỂ MỞ RA

Một người không ra khỏi chính mình là tự đóng kín chính mình, luôn quay về mình để thỏa mãn, để ngắm nghía mình, chỉ muốn cho kẻ khác phục vụ mình, khen tặng mình đó là những dấu hiệu ấu trĩ, tự thu hẹp chính mình vào ốc đảo. Một con người luôn ra khỏi chính mình là người hướng đến Thiên Chúa, hướng đến lý tưởng, hướng đến tha nhân và thế giới. Biết nhu cầu ích lợi của kẻ khác, không chiếm đoạt, chỉ quên mình phục vụ.

 

 

TÌNH YÊU - LỰC ĐẨY ĐỂ MỞ RA

 

 

M. Ambrosio Vũ

 

Dẫn nhập

Tình yêu được mọi người coi như một cái gì thật đẹp và thật quí. Người ta đói khát tình yêu hơn đói khát cơm gạo. Tình yêu làm cho ta bồi hồi xao xuyến, nhớ nhung và khắc khoải. Nhưng cũng có nhiều dạng thức tình yêu, trong cuộc sống cho ta biết điều quí giá và hiếm hoi thường bị giả mạo, cho nên tình yêu đích thực cũng bị đánh tráo bằng những hàng hóa rẻ tiền và có khi còn độc hại nữa. Thánh Augustino nói: “Chỉ có hai tình yêu, tình yêu Thiên Chúa đến quên mình và tình yêu chính mình đến độ quên Thiên Chúa”[1]. Tình yêu đích thực luôn ra khỏi chính mình để hướng về đối tượng đáng yêu. Đối tượng đáng yêu của con người là Đấng tự hữu, nguồn mạch của chân, thiện, mỹ. Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đều chứng minh, khi cắt đứt nguồn mạch tình yêu này, quay lưng lại với Thiên Chúa là Đấng tạo thành để tìm về thụ tạo, con người chỉ có thể gặp những tình yêu giả hiệu tạm thời, nguy hại và bế tắc. Đáng sợ và tệ hại hơn khi tình yêu quay về với chính mình thì nó có nghĩa là tự sát: “Không ai là một hòn đảo”[2], hoặc “không ai là một pháo đài”. Nghĩa là họ chỉ lo xây tường đắp lũy, lên án, chỉ trích, chỉ biết sống ích kỷ, không biết yêu thương, bác ái, hoặc chỉ biết lo cho bản thân, bận tâm về chính mình và các tiện nghi của mình, luôn qui về mình, đóng kín với kẻ khác, không biết đến tha nhân. Chúng ta đang sống trong một xã hội chủ trương vô thần. Có nhiều nguyên nhân đưa đến thực trạng tráo trở, bịp bợm, gian xảo, biển lận, làm ơn mắc oán khiến cho nhiều người ngại dấn thân hy sinh, phục vụ, đành phải chịu mang tiếng thờ ơ và vô cảm. Bởi vì, cuộc sống của chúng ta là một chuỗi ngày dài có tương quan và liên đới, sống cùng, sống cho và sống với tha nhân.

 

I. Bước ra khỏi chính mình

1. Trưởng thành nhân cách trong tình yêu (số 88)

 

Bước ra khỏi chính mình, trước tiên phải khẳng định với nhau một điều, người đó phải biết cởi mở, nhất là phải có một cuộc sống trưởng thành nhân linh, làm chủ về phương diện thể lý, tâm lý và luân lý, nghĩa là cảm thấy vững chắc nơi chính mình để đương đầu với mọi thực tại mà không sợ hay tránh né: “Biết mình, biết người trăm trận trăm thắng”[3]. Biết mình và chấp nhận mọi ưu điểm, khuyết điểm, biết được thực tại bên ngoài, thế giới loài người và sự vật, qua kinh nghiệm sống phong phú của mình. Chỉ có ai đã được yêu thương mới có thể quảng đại yêu thương kẻ khác. Người quân tử là sống cao thượng phục vụ loài người, còn kẻ tiểu nhân làm hại và phá hoại kẻ khác. Người quân tử cần có sức mạnh tâm hồn hơn là sức mạnh cơ bắp. Người có sức mạnh tâm hồn mới có khả năng sống hiền hòa, còn người tiểu nhân yếu kém mặc cảm tự ty, dùng bạo lực để bảo vệ chính mình.

 

Theo sự khôn ngoan ngàn đời, cách sống đẹp nhất cho tha nhân là cách sống có nhiều ý nghĩa, nó sẽ giúp điều chỉnh hướng đi của từng vận mệnh. Không ai trong chúng ta là viên mãn ngay từ đầu, sống là biến chuyển từ khuyết đến tròn, từ tiêu cực đến tích cực.

 

Một người không ra khỏi chính mình là tự đóng kín chính mình, luôn quay về mình để thỏa mãn, để ngắm nghía mình, chỉ muốn cho kẻ khác phục vụ mình, khen tặng mình đó là những dấu hiệu ấu trĩ, tự thu hẹp chính mình vào ốc đảo. Một con người luôn ra khỏi chính mình là người hướng đến Thiên Chúa, hướng đến lý tưởng, hướng đến tha nhân và thế giới. Biết nhu cầu ích lợi của kẻ khác, không chiếm đoạt, chỉ quên mình phục vụ. Còn người không ra khỏi chính mình thì trong tâm trí che đậy ý đồ lợi dụng lộ liễu, trắng trợn tinh vi, khéo che lấp. Người ra khỏi chính mình thì yêu mến chân, thiện, mỹ, không bị mê hoặc bởi những quyến rũ thấp hèn, kém cỏi; quí chuộng giá trị đích thực, không bị lừa bịp bởi món hàng rẻ tiền.

 

Trong số 88, Đức Thánh Cha nói: “Trong sâu thẳm của mỗi tâm hồn, tình yêu luôn tạo nên những ràng buộc và mở rộng sự sống, vì tình yêu lôi kéo con người ra khỏi mình hướng đến tha nhân để tìm một sự sống trọn vẹn hơn nơi người khác”[4].

 

Trong trình thuật Sáng thế, Thiên Chúa tạo dựng A-đam rồi Thiên Chúa khẳng định, con người ở một mình không tốt. Thiên Chúa nói phải tạo dựng một người tương xứng là E-và. Chính giờ đây A-đam phải thốt lên, “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 1,28). Ở trình thuật này cho thấy Thiên Chúa đặt để nơi con người trong sâu thẳm tận cùng cỏi lòng một tình yêu bao la, rộng lớn, ngoài thân xác ra chỉ còn lại tình yêu. Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, mà bản chất “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Như vậy, toàn con người chúng ta, quanh con người chúng ta là tình yêu, nhất là trong cõi thâm sâu của tâm hồn tình yêu luôn hướng ra với những tương quan, liên đới sống cùng, sống cho và sống với. Một khi tình yêu được chia sẻ với tha nhân như thế thì chúng ta mới thấy được vẻ đẹp thật sự của cuộc sống, mới thấy mình hiện hữu thật sự, tương quang trong sự hiệp thông, trong tình huynh đệ, mới thấy sự sống mạnh hơn sự chết và mới thấy được mầu nhiệm sự sống con người. Khi đó chúng ta mới xây dựng trên những ràng buộc của sự trung thành.

 

2. Điều kỳ diệu của tình yêu (số 89)

 

Cuộc sống là một hành trình, trong đó chúng ta không ngừng tìm kiếm và hợp nhất các bản thể khác nhau trong mỗi chúng ta. Cuối cùng mỗi người phải trở thành chính bản thân mình, khi trở thành chính mình, con người khám phá ra nguồn sức mạnh bên trong của nhịp đập trái tim, khám phá ý nghĩa của quà tặng, cảm nếm hương vị ngọt ngào của cuộc sống, từ đó dám cống hiến thời gian, sức lực của mình cho người khác: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”[5].

 

Trong số 89, Đức Thánh Cha nói: “Có một tương quan rộng lớn, bao hàm cả những người có trước và đã hình thành nên toàn bộ đời ta. Các tương quan của ta, nếu lành mạnh và chân thành, phải mở lòng ra cho tha nhân và làm cho ta phong phú. Trong tình yêu trưởng thành và chân thật và tình bằng hữu đích thật chỉ có thể bắt nguồn từ những tâm hồn mở ra cho sự lớn mạnh nhờ các mối tương quan với tha nhân, lòng ta mở ra khi ta bước ra khỏi chính mình và ấp ủ tha nhân. Trái lại, những người kép kín chỉ biết mình, định nghĩa chống lại tha nhân diễn tả sự ích kỷ và làm hỏng chính mình”[6].

 

Sáng ngày 7.6.2021, khi tiếp kiến hai mươi linh mục của nước Pháp, Đức Thánh Cha Ngài nói: “Trong đời sống cộng đoàn luôn có những cám dỗ tạo ra những nhóm nhỏ đóng kín, cô lập chỉ trích và nói xấu người khác, tự nhận mình vượt trổi, thông minh hơn người khác. Đó là thói quen của các nhóm đóng kín. Điều này chẳng đem lại lợi ích gì”.

 

Trong đời sống xã hội được đánh dấu bởi chủ nghĩa cá nhân, tự dửng dưng với chứng tá đời sống huynh đệ, các giá trị Tin Mừng của tình huynh đệ. Đặc biệt đối với những ai đang trải qua thời điểm khó khăn. Nếu chúng ta sống tình huynh đệ trong sự thật, sự chân thành của các tương quan trong đời sống cầu nguyện thì chúng ta có thể tạo nên một cộng đoàn, trong đó mọi người có thể hít thở bầu khí vui tươi và dịu dàng. Ngài cũng mời gọi xây dựng một Giáo Hội phục vụ cho một thế giới tình huynh đệ và liên đới, không sợ hãi, dám mạo hiểm và tiến lên phía trước, tin tưởng vào Chúa Kitô, chúng ta có thể trở thành tông đồ niềm vui và biết ơn vì đã phục vụ anh em. Do đó, trước tiên chúng ta phải mở lòng mình ra, gạt bỏ đi những định kiến, cùng với những ưu tư trăn trở khát vọng nơi tâm hồn; khi đó chúng ta mới học cách yêu thương mà không chiếm đoạt, đến với tha nhân vì lợi ích của họ; khi đó tình yêu huynh đệ mới thực sự từ bỏ chính mình tận căn và liên tục.

 

3. Không lấy gì làm hơn Đức Kitô (số 90)

 

Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta được gọi, được thương, được hiến thánh. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta tiếp tục tiến bước theo lời mời gọi nên thánh, cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa trên cuộc đời, gắn bó vượt trên những tầm thường để sống tình yêu vĩ đại đó. Tình yêu là điều kỳ diệu chúng ta không sống cho riêng mình những gì là chật hẹp, nhỏ bé và giới hạn mà là sống cho Thiên Chúa.

 

Trong số 90, Đức Thánh Cha nói: “Các cộng đoàn sống trong các khu vực sa mạc việc đón tiếp khách hành hương như thực hành nhiệm vụ thánh thiêng của hiếu khách. Tu luật Cha Thánh Biển Đức công nhận rằng, việc đón tiếp khách có thể gây lo ra đối với kỷ luật và sự thinh lặng, nhưng Cha Thánh vẫn nhấn mạnh rằng: Người nghèo và khách hành hương được đối xử, chăm sóc ân cần và quan tâm nhất”[7].

 

Mỗi người chúng ta là môn đệ, và bản Tu luật của Thánh Biển Đức là kim chỉ nam, lẽ sống hướng dẫn chúng ta đạt tới sự trọn lành. Trong đó nói khách tới đan viện được tiếp đón như Đức Kitô và rửa chân cho khách[8]: Ân cần tiếp đãi khách đến nhà, đặc biệt là người nghèo. Đi xa và nhìn xa hơn ta thấy một tình yêu vô giá của Thầy chí ái, đó là Đức Giêsu đã đảm nhận thân phận bi đát nhất của kiếp người, đi đến tận cùng qui luật tình yêu: Yêu là trao hiến tất cả, trao ban một cách tròn đầy và trào tràn cho nhân loại. Trao ban cả chính thân mình và trao ban đến giọt máu cuối cùng. Đây là lời tỏ tình tha thiết nhất mà Đức Giêsu thổ lộ với toàn thể nhân loại, tỏ tình một cách chân thành.

 

II. Bác ái sự năng động của các nhân đức

1. Đỉnh cao của tình yêu là cho đi nhân không (số 91)

 

Nếu cuộc sống chúng ta không đau nỗi đau của xã hội, của những người chung quanh, thì chúng ta không thể đồng cảm với tha nhân được. Hình như cuộc đời của chúng ta suôn sẻ ít thăng trầm, ít va chạm với bên ngoài, chúng ta cũng không thấy được nỗi đau bất hạnh ẩn dấu trong cuộc đời.

 

Trong số 91, Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta có thể phát huy một số thói quen như các nhân đức luân lý: Dũng cảm, tỉnh thức, chăm chỉ. Nhưng chỉ Đức Ái Thiên Chúa ban mới có thể thực hành được các nhân đức. Đức Thánh Cha trích tư tưởng Thánh Bonaventura, không có đức ái, không hoàn tất các điều răn theo cách Thiên Chúa muốn ta phải hoàn tất[9].

 

Mẹ Têrêsa Calcutta nói: “Bác ái bạn phải cho đi những gì làm bạn thiệt thòi, cho đi không chỉ những dư thừa, nhưng những gì bạn không thể sống nếu không có, những gì bạn thật sự yêu thích. Như thế, món quà của bạn trở thành một hy sinh có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Người đói khát tình yêu nhiều hơn người đói khát cơm bánh, nghèo đói khủng khiếp nhất là sự cô đơn, bị bỏ rơi và không được yêu thương”[10].

 

Chúng ta đang sống trong cuộc lữ hành nơi trần thế này, cần phải sống ba nhân đức: Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến. Trong 1Cr 13,7-10, thánh Phaolo khẳng định: “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Ơn nói tiên tri, tiếng lạ, hiểu biết cũng nhất thời. Đến thời sau hết đức tin, đức cậy không cần chỉ còn lại đức mến thôi”. Đức mến quan trọng đến nỗi Thiên Chúa mời gọi chúng ta luôn có mặt nơi giao ước, trung thành với cuộc hẹn trong việc gặp gỡ, là phó thác vào Chúa, đó là cốt lõi của đức mến. Còn ngoài đức mến ra, con người chúng ta chỉ là hữu thể mong manh, yếu ớt không cung cấp được gì, chúng ta chỉ là một con người kiêu căng, lấy mình làm trung tâm tự mãn, tự cao, tự đại, tự ái, còn ích kỷ bắt kẻ khác phục vụ mình, lợi dụng với những lý do ti tiện thấp hèn, như óc thống trị.

 

III. Tình yêu giá trị vô giá của đời người

1. Chữ tình làm nên chữ phúc (số 92)

 

Con người nhân danh sự độc lập của một thụ tạo có trí khôn và ý chí tự do, đã khước từ tương quan tình yêu. Con người tự vạch ra cho mình một lối sống và bắt vạn vật phải tùng phục mình. Nhưng khi làm thế, con người đã không ngờ làm cho mình ra xấu. Xét về phương diện tình yêu, con người đánh mất phẩm tính đáng yêu, mất khả năng yêu mến đối với Thiên Chúa với thụ tạo và cả chính mình. Nhưng chính nhờ ân sủng Thiên Chúa đã nâng đỡ con người chỗi dậy bằng cách hàn gắn những điều đổ vỡ và tẩy xoá những lỗi lầm, nghĩa là tình yêu Thiên Chúa đã cứu con người khỏi vực thẳm, thiết lập một mối tương quan tình yêu, xóa bỏ mọi chênh lệch và cho phép con người trở thành một chủ thể, một cuộc đối thoại liên vị.

 

Ở số 92, Đức Thánh Cha nói: “Trong đời sống thiêng liêng của chúng ta chỉ được đo lường bằng tình yêu, một tình yêu mà cho đến cùng vẫn còn tiêu chuẩn cho quyết định dứt khoát về giá trị hay không giá trị của cuộc sống con người. Chúng ta là những kitô hữu cần nhìn nhận rằng tình yêu bao giờ cũng chiếm vị trí thượng đẳng. không bao giờ được đặt tình yêu trong tình trạng nguy cấp, và mối nguy cấp lớn nhất bao giờ cũng nằm ở chỗ không có tình yêu (1Cr 13,1-3)[11].

 

Chữ tình làm nên chữ phúc. “Nhân chi sơ tính bổn thiện”[12], con người mang hình hài yếu hèn, của một thân phận yếu đuối mỏng manh, nhưng mang một khối óc, một quả tim đa chiều. Con người sinh ra tự khắc hướng về điều lành, điều tốt khi học biết chữ yêu. Chữ yêu được huấn luyện, hun đúc và được triển nở trong một môi trường gia đình khác nhau, mang sắc thái khác nhau. Có người cảm nhận được đời mình là những chuỗi ngày dài hạnh phúc nhấtđẹp nhất, khi chọn cho mình một hướng đi tự hủy, đi tới nơi là điểm cao cảđiểm tận cùng. Người ta thường quan niệm người tu sĩ mới là người siêu thoát, không vướng bận cơm, áo, gạo, tiền và có một môi trường thích hợp say đắm và sống trọn vẹn mối tình Giêsu. Khi giữ mối tình chung thủy, đậm đà với Giêsu, thì những thứ khác ngoài tình Giêsu sẽ trở nên nhạt nhòa và nguội lạnh, khước từ mọi của cải, quyền lực, vật chất, để xác tín và chọn lựa Chúa là gia nghiệp. Bởi vì, họ bỏ tận cùng bản thân mình, bỏ tính riêng, bỏ cái tôi, cái vượt trổi và cái thể hiện, bỏ những hành trang cồng kềnh và cản trở để chiến thắng chính mình. Đó mới là bình an, hạnh phúc tròn đầy. Điểm tận cùng đối với tha nhân là tình bạn, tình thương, lòng thương xót và sự trắc ẩn của một trái tim rập khuôn tình yêu Giêsu.

 

2. Hợp nhất trong Đức Kitô (số 93)

 

Có lẽ chúng ta đều giống nhau, đều nuôi nấng biết bao suy nghĩ, tưởng tượng về con người và cuộc sống của chính mình trong tâm trí, nhưng cuối cùng vẫn phá vỡ được bức tường mang tên hiện thực. Nơi đó đặc tính của tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa, trở thành quảng đại và vô vị lợi đối với mọi người và thụ tạo. Nhờ tình yêu Thiên Chúa nâng đỡ chúng ta có thể thực thi yêu thương mọi người, kẻ ở gần cũng nhưng người ở xa.

 

Trong số 93, Đức Thánh Cha trích lời Thánh Thomas Aquino rằng: “Ân sủng của Thiên Chúa có thể nên như một chuyện động hướng về tha nhân, khiến ta coi người được ta yêu mến như một cách hợp nhất với ta. Tình cảm ta dành cho tha nhân làm cho ta tự do ao ước tìm kiếm sự tốt lành cho họ. Tất cả điều này phát xuất từ một cảm thức về sự trân trọng, trân trọng giá trị của tha nhân. Những người được yêu thường rất thân thương. Và tình yêu từ đó người ta thành niềm hoan vui cho người khác[13].

 

Cuộc đời chúng ta luôn đối diện với phong ba bão táp, đó là những thất bại bản thân, những khó khăn của cuộc sống, của xã hội, những đau khổ của những người chung quanh làm cho chúng ta nhiều lúc chán nản tuyệt vọng. Tại sao lại có những sóng gió trong cuộc đời? Phải chăng Thiên Chúa bỏ rơi chúng ta? Nếu không có niềm tin chúng ta sẽ rơi vào cám dỗ này và trách Thiên Chúa. Với cái nhìn siêu nhiên và đức tin, ta gặp Thiên Chúa luôn đồng hành trong cuộc đời cho dù Thiên Chúa có rèn luyện, thử thách tôi luyện đức tin vững mạnh thì nó mới là hữu ích. Lúc đó ở quả tim, ở tấm lòng yêu mến mới chân thành, được ơn nhận biết Chúa và tình yêu của Ngài. Chỉ còn một việc đáp trả là sống đẹp lòng Chúa. Điểm cao của bác ái và Tin Mừng, hãy mở ra con đường cho anh em hoán cải.

 

3. Tình yêu dâng hiến (số 94)

 

Triết lý đạo đức đặt ra chuẩn mực luân lý và phẩm hạnh cho con người làm lành lánh dữ, sống cho xứng đáng phẩm giá con người. Thần học cho rằng: Vác thập giá là tiếng vọng của tình thương, chúng ta là tác phẩm và mang hình ảnh Thiên Chúa. Đối với Đức Kitô lòng thương xót có giá trị hơn mọi hy lễ (Is 1,10-17). Chúng ta được Thiên Chúa yêu thương tha thứ thì chúng ta cũng biết cảm thông chia sẻ những yếu đuối đối với tha nhân, bởi vì chúng ta đều mang thân phận yếu hèn.

 

Trong số 94, Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Tình yêu hơn hẳn hàng loạt các hành vi nhân từ. Tình yêu ta dành cho tha nhân, luôn đưa ta tới chỗ tìm kiếm những điều tốt nhất cho cuộc sống họ. Qua việc vun xới mối liên hệ này với nhau ta mới có thể tạo nên một tình bằng hữu xã hội, không loại trừ ai và một tình huynh đệ mở ra cho mọi người”[14].

 

Nhân loại hôm nay đang hứng chịu cơn đại dịch Covid, cả thế giới đang oằn mình mệt mỏi ứng phó biến thể virus lây lan. Nhiều bệnh nhân, bác sĩ tuyệt vọng ngay trong bệnh viện, bên cạnh máy móc tối tân. Mọi người sợ cô đơn và giãn cách chưa có hồi kết; mọi sinh hoạt đóng cửa, làm cả thế giới chậm lại. Bởi vì, thế giới loài người xoay chuyển quá nhanh, người ta vội đến nỗi không có thời giờ nhìn lại chính mình, vội chẳng ai chào nhau một câu tử tế; vội quên cả cốt nhục, tình thâm; vội đến bỏ quên cả cuộc đời xung quanh mình. Bây giờ thì không vội được nữa, Thiên Chúa muốn nhân loại đóng cửa lại để tra xét đời sống của mình, nhìn vào chính mình một cách cẩn thận và nghiêm túc, để cầu nguyện nhìn nhận qua cuộc sống có thái độ đúng đắng với bản thân, biết quí trọng những giá trị cốt lõi mà Chúa tạo nên, đặt bên cạnh cuộc đời chúng ta, vậy ta mới tôn trọng cuộc sống bạn bè bằng hữu, những người yêu thương quanh ta. Điều đó cho thấy một Thiên Chúa luôn rung động vì yêu thương loài người và đổ tràn tình thương xuống cho nhân loại. Yêu con người bằng một tình yêu bền vững, đáng tin cậy, thủy chung trọn đời hoàn toàn tận hiến cả mạng sống mình. Đó cũng là sứ mạng của ta phục vụ tha nhân tận tâm hơn, tích cực xây dựng xã hội và cộng đoàn tốt đẹp hơn.

 

IV. Tình yêu động lực thúc đẩy sự hiệp nhất phổ quát

1. Tình yêu là một sứ mạng (số 95)

 

Mỗi Kitô hữu chúng ta ngoài sứ mạng ngăn chặn cuộc sống khỏi những băng hoại, chúng ta còn là tác nhân đem lại hương vị ngọt ngào cho cuộc sống bằng những cử chỉ, lời nói, việc làm thắm đượm tình thương nhằm mang đến niềm vui, an bình và hạnh phúc cho tha nhân.

 

Ở số 95, Đức Thánh Cha nói: “Trong tình yêu cũng buộc ta hướng đến sự hiệp thông phổ quát. Không ai có thể trưởng thành hay tìm được sự hoàn tất vì trốn tránh tha nhân. Tình yêu tự bản chất, kêu gọi sự phát triển trong việc mở ra cho và trong khả năng chấp nhận tha nhân như một phần của mạo hiểm”[15].

 

Cao điểm cũng là chóp đỉnh của tình yêu là lòng thương xót mà Thiên Chúa mời gọi: “Xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Lời của Đức Giêsu được nói từ cây thánh giá cho ta thấy một cách thật ngỡ ngàng về tình thương Thiên Chúa càng lớn lao hơn tội lỗi biết bao. Đó là niềm tin Kitô hữu, là nguồn cảm hứng cho cuộc sống cao thượng, đây mới là hạnh phúc chứ không phải cái bánh vẽ. Không như triết gia Nietzsche cho những đức tính này là của loài vật, vì các loài vật mới cúi đầu khuất phục và nhẫn nhục chịu đựng, là những lời hứa hão huyền về một thiên đàng ảo tưởng. Nói theo ngôn ngữ Karl Marx, đó chỉ là thuốc phiện ru ngủ quần chúng. Các ông đã lầm to, chỉ có tình yêu và lòng tin mạnh mẻ mới làm cho những người có ý chí sắt đá mới dám hy sinh, từ bỏ tự ái cá nhân, sẵn sàng thông cảm và tha thứ, không bao giờ tức giận và phẫn nộ với bất cứ ai.

 

2. Tiền lương tháng thứ mười ba (số 96)

 

Trong đời sống chung không phải lúc nào những mối tương quan cộng đoàn cũng mật thiết, trời quang mây tạnh, mới mẻ. Nhưng có những lúc tình cảm úa vàng, có khi giá lạnh và nóng bức, sẽ có trầy xước, hoen ố do những va chạm, hiểu lầm, có những tổn thương vô tình hay hữu ý người ta gây đau khổ cho nhau. Nhưng hãy biết chữa lành chính mình và cho nhau bằng tình yêu thương rộng lớn, bao dung, quảng đại, để diễn tả trọn vẹn tấm lòng, tâm tình và bổn phận trách nhiệm.

 

Trong số 96, Đức Thánh Cha nói: “Nhu cầu của các quốc gia vượt quá giới hạn. Con số không ngừng gia tăng của các tương quan liên vị. Truyền thông làm cho ta ý thức cách mạnh mẽ về sự hợp nhất và vận mệnh chung của các quốc gia, trong sự đa dạng, năng động của các nhóm thiểu số, các xã hội và nền văn hóa, ta thấy được những hạt giống ơn gọi hình thành một cộng đoàn gồm các anh chị em, những người chấp nhận và quan tâm đến nhau”[16].

 

Ở bệnh viện Nguyễn Trãi có dịch vụ người nuôi bệnh mang tên ba trăm sáu mươi lăm, khi viết giúp bệnh nhân ở đó, người ta cứ tưởng tôi cũng làm việc cho dịch vụ đó. Có người hỏi tôi lương anh làm bao nhiêu một tháng. Tôi nói rằng mình làm không lương. Tôi thầm nghĩ làm việc để có của nuôi sống nhau hay là để thánh hóa bản thân nên không quan tâm mình có lương bao nhiêu. Tôi chợt nhận ra lương của mình phải là giúp những người bệnh tật được an ủi, những người cô đơn nhận được sự cảm thông, những người nghèo đói nhận được sự chia sẻ. Lương của ta sau một ngày vất vả công việc là sự bình an nhẹ nhàng của các giờ kinh nguyện, là niềm vui to nhỏ của tình yêu cộng đoàn, là tiếng cười của hạnh phúc, hay nhiều khi là nước mắt khổ đau thân phận kiếp người. Nước mắt ấy đến từ những khác biệt của nhau về quan điểm sống, về tính cách, về văn hóa. Nước mắt ấy cũng có thể rơi xuống do cuộc chiến nội tâm của mỗi cá nhân. Lương cao nhất vẫn là sự bình an, sức khỏe, thời giờ Chúa ban. Niềm vui mỗi khi nhận được số lương thể hiện qua thu hoạch hoa trái là sự thăng tiến về đời sống thiêng liêng, hay nói một cách khác, mỗi ngày mình cảm thấy gần Chúa hơn. Những ân sủng đó không gì khác hơn là một tâm hồn tràn đầy tình yêu Chúa.

 

3. Những mảnh vỡ được hàn gắn (số 97)

 

Cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn khi mọi người làm đẹp lòng nhau, sẽ bớt đi những tủi hờn, những cô đơn và thất vọng, nếu ta biết sống đẹp với nhau. Đừng chơi xấu, đừng loại trừ, nhưng hãy đón nhận nhau. Cuộc đời sẽ vơi đi những nỗi sầu cay đắng. Giữa cuộc đời hôm nay vẫn còn đó những lối sống tiểu nhân tầm thường, vẫn còn oan ức, những giọt nước mắt đắng cay vì tình người phụ bạc, tình đời thay trắng đổi đen, vẫn còn lối sống kém văn hóa trong cách cư xử thấp hèn, ứng xử thô lỗ, cộc cằn, những hành vi phi nhân và bất nghĩa.

 

Trong số 97, Đức Thánh Cha nói: “Đừng vì lợi ích nhóm của mình mà chúng ta không quan tâm đến những người thiếu thốn bên cạnh bị xã hội đang sống bỏ rơi hay phớt lờ. Họ là những công dân được quyền và hưởng đầy đủ trên cùng một quê hương”[17].

 

Trong cảnh dịch bệnh Covid, với vô vàn khó khăn, ảm đảm như những áng mây đen bao phủ trên thế giới và trên quê hương đất nước chúng ta, người dân gặp nhiều khó khăn, trong những tình huống ngặt nghèo, những tấm lòng vàng xuất hiện. Tổng giáo phận Sài Gòn không phân biệt tôn giáo, vùng miền, họ đã làm những việc thiết thực, cùng chung tay chia sẻ cơm bánh cho những người khốn khó, bệnh tật. Các giáo dân, tu sĩ và linh mục chia sẻ giúp đỡ người khác là vì tình thương con người với nhau và trên hết vì cảm nhận rằng chính mình vì đã được Thiên Chúa yêu thương trước. Ngài ban cho ta những nén bạc, những khả năng, những điều kiện tốt. Vì thế, ta cần giúp đỡ người khác để đáp lại tình thương ấy và trở nên giống Người, thể hiện tình liên đới với anh chị em mình. Mỗi việc tốt ta làm đều hướng về Thiên Chúa với tình con thảo, và trái tim yêu thương chân thành, thì điều đó trở nên vô giá, mang ý nghĩa cao cả.

 

4. Tha nhân là độc nhất vô nhị (số 98)

 

Thế giới ngày nay càng văn minh tiến bộ bao nhiêu thì con người càng sống co mình lại bấy nhiêu, chỉ biết ôm vào, vơ lấy, sống chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, vun vén cho bản thân, bất chấp tiếng thét gào, giày vò lương tâm. Xét về y khoa, lương y như từ mẫu đã đi vào dĩ vãng, thay vào đó là lương tâm què quặt và nghèo nàn. Những ca mổ thay tim đổi thận biến thành mua bán đổi chác, kê giá lên hàng tỷ đồng, làm cho con người nghèo đến mức phải bán nội tạng của mình, sinh ra nạn bắt cóc người lấy nội tạng, dẫn đến sai luân lý, coi rẻ nhân phẩm con người.

 

Ở 98, Đức Thánh Cha đề cập: “Những người lưu đày ần khuất, họ bị đối xử như các bộ phận ngoại bang, nhiều người tàn tật cảm thấy rằng họ hiện hữu mà không thuộc về và không tham gia. Quan tâm của ta không chỉ chăm sóc họ mà bảo đảm cho họ tham gia tích cực vào trong cộng đoàn. Đó là một tiến trình đào tạo lương tâm có khả năng nhìn nhận mỗi cá nhân đều là một bản vị độc nhất vô nhị. Những người cao niên, những người bệnh hoạn, đôi khi bị coi như một gánh nặng, nhưng mỗi người trong họ đều có thể đóng góp độc đáo cho công ích nhờ các câu chuyện đời đáng giá của mình. Vì vậy, chúng ta cần cam đảm lên tiếng cho những người đang bị kỳ thị vì bệnh hoạn tật nguyền. Thật buồn trong một số quốc gia ngày nay khó nhìn nhận họ là những con người có cùng một phẩm giá”[18].

 

Ngày nay trong xã hội, những người tàn tật, tù tội, những người bệnh thế kỷ, những người già, những chứng bệnh lây nhiễm như Covid (biến thể Alpha, Beta, Delta, Delta plus, Lambda), được coi như một gánh nặng cho xã hội, bị định kiến, khinh khi, xa lánh, bị gạt ra bên lề xã hội. Họ đau khổ về thể xác lẫn tinh thần, họ mặc cảm, cô đơn, tuyệt vọng, bất hạnh vì bị tách khỏi cộng đồng.

 

Theo thống kê ở Việt Nam cho biết, tỉ lể số ca nạo phá thai đứng thứ ba trên thế giới, và đứng đầu Đông Nam Á. Chúng ta biết nạo phá thai là một tội ác tày trời, tội giết người, vô nhân tính. Bởi vì, các em không được bảo vệ, không có được giây phút chào đời, các em bị giết chết ngay trong bụng mẹ bởi sự độc ác của con người. Người ta chỉ biết hưởng thụ mà không có trách nhiệm. Họ sẵn sàng loại bỏ chính đứa con của mình khi chưa được chào đời bằng những hành vi độc ác, nạo phá thai, trục thai, với những luận điệu ngụy biện: Điều hòa sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Như vậy, những bậc cha mẹ đan tâm hủy diệt sự sống con mình khi mới thành hình trong lòng mẹ. Những bậc cha mẹ phải chịu trách nhiệm và lương tâm của mình về tội giết người vô nhân tính. Mục đích Thiên Chúa dựng nên con người là trao cho một sứ mạng cao cả. Trước mặt Chúa, con người là một tác phẩm độc nhất vô nhị. Chúa sẽ mặc khải cho ta dần theo năm tháng, chúng ta được sinh ra và lớn lên đó là điều kỳ diệu và là ân ban vô cùng lớn lao của Thiên Chúa. Mỗi người sinh ra đều có mục đích và sứ mạng, chứ không phải do tình cờ, ngẫu nhiên hay một tai nạn, không phải tầm thường, nhạt nhẽo, mà là được hiện hữu với Thiên Chúa, cội nguồn tình yêu và sự sống. Như vậy sự sống đó có mục đích và ý nghĩa, trở nên dấu chỉ qua thái độ, lời nói, thiện chí và lòng bao dung, tha thứ trong tình yêu quảng đại mang đến cho đời.

 

5. Bức tranh có nhiều gam màu (số 99-100)

 

Hai số này dành cho các chính trị gia, các người hữu trách tư bản cũng như chủ nghĩa cộng sản. Cả hai đều có cái hay cái dở. Chúng ta đang sống trong xã hội chủ nghĩa cộng sản, theo đường hướng cào bằng, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Thuyết này tốt ở chỗ, xét về lý thuyết, không tạo ra hố sâu ngăn cách giữa giàu và nghèo, nhưng dở ở chỗ không làm cho con người cạnh tranh, nỗ lực, sáng kiến và phát minh.

 

Trong số 99 và 100, Đức Thánh Cha nói: “Một tình yêu có khả năng vượt ra khỏi các ranh giới thành phố hay quốc gia, ta có thể gọi đó là tình bằng hữu chân thật trong một xã hội, có thể mở ra có tính hoàn vũ. Đây là tiếng kêu cứu Thuyết phổ biến sai lầm có cái nhìn tạo nên xã hội giai cấp, những người có phẩm giá cao hơn và những người có phẩm giá thấp hơn, người có quyền nhiều hơn người có quyền ít hơn. Thuyết này cho toàn cầu hóa là thống nhất một chiều, tìm cách xóa bỏ mọi truyền thống trong việc tìm kiếm sự hiệp nhất thiển cận (lý tưởng san bằng, thống trị tước đoạt). Như vậy, toàn cầu hóa khẳng định cho mọi người hợp nhất, cho mọi người bằng nhau, thì thứ toàn cầu hóa đó đang phá hủy những quà tặng phong phú và sự độc nhất vô nhị của mỗi người và mỗi dân tộc. Như vậy thuyết này bằng việc kết thúc thế giới và cuối cùng tước mất của nhân loại những màu sắc khác nhau và vẻ đẹp của nó. Thế giới không đơn sắc mà thế giới toàn bộ khác biệt, đa dạng của những cá nhân mỗi người dâng hiến[19].

 

Xét trên thực tế, xã hội Việt Nam bây giờ là một bức tranh tương phản hai màu trắng đen, hố sâu ngăn cách giàu nghèo ngày càng mở rộng và sâu hơn. Số người nghèo kiệt quệ càng gia tăng, số người giàu cũng tăng lên chóng mặt, đây chính là điểm vô lý nhất ở xã hội Việt Nam.

 

Đất nước Việt Nam hiện giờ đang rơi vào tình trạng dịch bệnh Covid trầm trọng làm cho mọi người lo lắng, bất an. Chính phủ ra chỉ thị 16, 5k, đưa người dương tính đi cách ly mà không có một chính sách nào hỗ trợ cấp. Người dân chỉ biết nỗ lực xoay xở kiếm ăn, những người thất nghiệp, lúng túng đang đói ăn. Chỉ còn trông cậy vào những việc làm nhân ái, từ những tấm lòng vàng, những nhà hảo tâm cứu trợ. Họ làm từ thiện vì bác ái yêu thương và để đức cho con, “lá lành đùm lá rách”hay “một miếng khi đói bằng một gói khi no”[20].

 

Tuy nhiên, ở mặt tiêu cực, họ giàu lên bằng cánh nào, họ giàu lên vì lẽ gì? Ở đây không bàn đến. Xã hội luôn tuân theo qui luật cung cầu, vì thế mà có ban tổ chức từ thiện ra đời, giúp một phần không nhỏ cho đời sống những người cơ nhỡ, rách nát, cuộc sống khó khăn, bệnh tật tràn lan, các mức phí gia tăng chóng mặt, làm cho người nghèo lâm vào tình trạng bế tắc, chỉ còn trông chờ vào lòng quảng đại của mọi người.

 

Bên cạnh đó, trên mạng xã hội xôn xao, phanh phui những sự đáng trách của việc làm từ thiện, từ cá nhân cho tới tập thể. Nhờ phương tiện truyền thông người ta dễ quảng cáo tổ chức rầm rộ quyên góp từ thiện. Nhìn vào cách người ta làm từ thiện, ai cũng thấy có nhiều lạm dụng và biến tướng, làm từ thiện để phô trương khoe khoang mình trên thông tin đại chúng. Dùng người nghèo, người tàn tật trên tay cầm những món quà rẻ tiền, làm hình nền và đánh bóng tên tuổi mình là người hảo tâm. Một cách nào đó họ đã lợi dụng người nghèo về nhân phẩm để ban một chút xót thương. Dùng người nghèo làm bậc thang để mình bước lên trên con đường danh vọng. Chính họ đã dùng sự nghèo khổ và bất hạnh của người khác để trục lợi cho mình.

 

V. Áp dụng vào đời sống cộng đoàn

1. Một tham vọng cho bản thân

 

Ở tiêu đề này viết có một tham vọng cho riêng mình, đưa ra những chỉ tiêu để thực hiện trong đời sống, nhưng nhìn lại chưa thực hiên được bao nhiêu, đang cần sự cố gằng mỗi ngày. Người viết cũng không đưa ra giải pháp, hay bài học nào ở đây cho cộng đoàn. Nếu cộng đoàn thấy hay thì theo, nếu không hay thì cũng không ảnh hưởng gì tới ơn cứu độ cả!

 

Thánh Basilo nói rằng: “Đừng ăn miếng trả miếng, kẻ chiến thắng trong cuộc chiến phi lý là người bất hạnh nhất. Bởi vì người đó sẽ mang theo tất cả phần lỗi, hãy để cho kẻ thù ta là thầy dạy ta, đừng bắt chước điều ta ghét bỏ, đừng trở nên gương soi cho kẻ đang giận giữ, bằng cách phản chiếu chính khuôn mặt giận giữ của người đó”. Sống hồn nhiên, không là một gánh nặng cho người khác, không tỏ vẻ bất bình hay cay đắng và nhất là không gây sự, biết khuyết điểm của mình, không cứng nhắc giáo điều, không đóng kín nhưng uyển chuyển và thích nghi với hoàn cảnh, biết lắng nghe ý kiến của người khác. Biết ý thức về mình, không coi mình là quan trọng hoặc mình là cái rốn của vũ trụ và cũng sẵn sàng biết đón nhận thử thách cuộc đời. Biết sẵn sàng xả thân hy sinh. Biết thông cảm sự yếu đuối của kẻ khác. Biết thiết lập tương quan liên vị lành mạnh với mọi người. Tôn trọng sự thật nơi chính mình và nơi kẻ khác. Kính trọng nhưng không quị lụy ai. Không khiếp sợ trước cường quyền bạo lực, không hiếp đáp người khác. Làm việc chăm chỉ với lương tâm trách nhiệm. Biết chấp nhận và chịu đựng những thiếu sót của kẻ khác, nhất là không dùng thủ đoạn với người khác. Cần phải có thời gian để cầu nguyện, suy niệm và trầm mình trong bầu khí siêu nhiên.

 

2. Tính đố kỵ là xây tường đắp lũy

 

Tính đố kỵ là con dao hai lưỡi có sức tàn phá lạnh lùng, không chỉ hại cho người mà còn hại chính mình nữa. Tính đố kỵ là một loại tâm vô cùng xấu xa, nó biểu hiện rất phổ biến trong xã hội, giữa người với người. Thấy người tài giỏi, đạo đức, tiếng tốt... mình sinh lòng đố kỵ, ghen ghét. Thấy người thành công, mình bực tức khó chịu, không bằng lòng, kiếm chuyện nói xấu làm cho giảm uy tín người đó. Sự cạnh tranh về mọi mặt ngày càng gay gắt, leo thang, mối quan hệ ngày càng phức tạp hơn, tâm lý ghen ghét lật đổ càng nhiều. Nguyên nhân chính phát xuất từ sự ích kỷ, nhỏ nhen và lòng tham lam của con người, nó như làn khói đen ngày càng ngấm sâu trực tiếp vào bộ óc con người nên khó buông bỏ.

 

Tính đố kỵ quả thật không bao giờ mang đến cho mình những điều tốt cả, đang vui vẻ hòa thuận bỗng chốc đổ vỡ chỉ vì lòng ghen ghét. Tình cảm bạn bè lâu bền cũng sụp đổ vì lòng ghen ghét giỏi hơn, giàu hơn, địa vị xã hội cao hơn. Tính đố kỵ làm tình cảm con người xấu đi, trở nên không tốt, như vậy thì trong con mắt người có tính đố kỵ xã hội có tốt đẹp được không?

 

Khi nuôi tính đố kỵ thì tài năng ngày càng bó hẹp, cản trở phát triển, làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, tinh thần khổ sở, lâu ngày bị stress. Người có tính đố kỵ, trong tay có quyền lực, địa vị, đúng là đáng sợ, trở thành ác độc, thâm hiểm, khi tâm đố kỵ càng lớn bản thân càng mất lý trí, trong tâm có sự oán hận, bất bình.

 

Tính đố kỵ là vỏ bọc làm chật hẹp tầm nhìn; là nhà tù hãm giam người khác trong cũi sắt được đóng đinh kiên cố, khóa chặt ý nghĩ, mất đi khả năng thay đổi cái nhìn mới tích cực hơn; là kêu ngạo khiến con người đánh mất Thiên Chúa, mất bạn bè, mất chính mình.

 

Tính đố kỵ tạo nên phe cánh, bè phái trong cộng đoàn, âm ỉ phê phán chỉ trích nhau, chèn ép nhau làm cho cộng đoàn xáo trộn, đánh mất tình huynh đệ hiệp thông. Nếu Đức Kitô bị chia năm sẻ bảy trở thành nhiều mảnh vỡ thì không còn một Đức Kitô yêu thương tha thứ.

 

Để giải quyết vấn đề này không có con đường nào khác hơn ngoài Đức Ái và tinh thần của Kitô giáo. Chúng ta được mời gọi phục vụ nhau một cách quảng đại, hy sinh quên mình, sống khiêm nhường hiền lành, nhẫn nại với nhau, bao dung đón nhận nhau trong tha thứ. Đức ái không cho phép chúng ta loại trừ nhau mà mời gọi dâng tặng cho nhau những cử chỉ yêu thương làm đẹp lòng nhau. Biết cho đi không mong chờ đáp trả.

 

Kết luận

 

Chúng ta cần nhận ra sự yếu đuối để thưa chuyện với Chúa, lòng biết ơn và tâm tình tạ ơn vì sự hiện hữu, vì sự hiệp nhất với những người khác, vì chính mình còn những giới hạn và yếu đuối, khó khăn. Lòng biết ơn luôn là vũ khí mạnh mẽ cho phép ngọn lửa hy vọng luôn bùng cháy trong những lúc chán nản, cô đơn và thử thách.

 

Là Kitô hữu, là đan sĩ mong muốn cháy bỏng và lớn nhất là chúng ta được mời gọi mặc lấy tâm tình, cách cư xử, hành động của Chúa Giêsu. Thế nhưng liệu chúng ta có sẵn sàng đi ra khỏi những ích kỷ nhỏ nhen của mình, để dám sống cho người khác. Chúng ta có dám chịu thiệt vì anh em, quên mình vì lợi ích của tha nhân và cộng đoàn, hay chúng ta cảm thấy mình may mắn hơn người khác để rồi khi đứng trước nỗi đau và sự bất hạnh của đồng loại, chúng ta coi như không có gì dính dáng đến mình, thờ ơ vô cảm, lạnh lùng. Lắm khi chúng ta vô tình xát muối lên những vết thương, cười cợt trên nỗi đau người khác biến những nhức nhối rên la của anh em thành chuyện mua vui.

 

Là kitô hữu và là đan sĩ, chúng ta chỉ hữu ích khi biết thương xót anh em, dám chấp nhận hy sinh và phục vụ cho những người yếu đuối, bị loại trừ, bị gạt ra bên lề xã hội và xem người khác trọng hơn mình. Khi đó chúng ta mới là người biết xót thương, mang lại bình an, niềm vui và sự chữa lành. Đó chính là Đức ái thật. Đức ái đó sẽ là lực đẩy mở ra với tất cả vũ trụ vạn vật.

 

 

___________________________

 

[1] Lm. Antôn Ngô Văn Vững, Vì nước trời độc thân khiết tịnh, Nxb Tôn Giáo, tr 223.

[2] Thomas Merton

[3] Khổng tử

[4] ĐGH Phanxicô, Thông điệp về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội, Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR chuyển ngữ, Nxb Tôn Giáo, tr 76

[5] Đỗ Trung Quân, Bài hát Quê Hương

[6] ĐGH Phanxicô, Thông điệp về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội, Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR chuyển ngữ, Nxb Tôn Giáo, tr 76.

[7] ĐGH Phanxicô, Th.ông điệp về tình huynh đệ và tình bằng hữu, Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông CSsR chuyển ngữ, Nxb Tôn Giáo, tr 78

[8] Tu Luật Cha Thánh Biển Đức, Chương 53.

[9] ĐGH Phanxico, Thông điệp về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội, Lm Nguyễn Đức Thông CSsR chuyển ngữ, Nxb Tôn Giáo, tr 79.

[10] Mẹ Têrêsa Calcutta

[11] ĐGH Phanxicô, Thông điệp vè tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội, Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông CSsR chuyển ngữ, Nxb Tôn Giáo, tr 79.

[12] Khổng Tử

[13] ĐGH Phanxicô, Thông điệp về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội, Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông CSsR chuyển ngữ, Nxb Tôn Giáo, tr 80.

[14] ĐGH Phanxicô, Thông điệp về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội, Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông CSsR chuyển ngữ, Nxb Tôn Giáo, tr 80.

[15] ĐGH Phanxicô, Thông điệp về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội, Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông CSsR chuyển ngữ, Nxb Tôn Giáo, tr 81.

[16] ĐGH Phanxicô, Thông điệp về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội, Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông CSsR chuyển ngữ, Nxb Tôn Giáo, tr 81.

[17] ĐGH Phanxicô, Thông điệp về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội, Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông CSsR chuyển ngữ, Nxb Tôn Giáo, tr 82.

[18] ĐGH Phanxicô, Thông điệp về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội, Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông CSsR chuyển ngữ, Nxb Tôn Giáo, tr 83.

[19] ĐGH Phanxicô, Thông điệp về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội, Lm Nguyễn Đức Thông CSsR chuyển ngữ, Nxb Tôn Giáo, tr 84.

[20] Tục ngữ Việt Nam

 

 

Thiết kế Web : Châu Á