Thường huấn

Học hỏi Thông điệp Fratelli Tutti: ĐỐI THOẠI XÂY DỰNG TÌNH HUYNH ĐỆ

Đối thoại là con đường đưa tới hiểu biết và yêu thương. Trên con đường đó, chúng ta phải nói chuyện, trao đổi với nhau trong tinh thần lắng nghe, nhìn nhận và tôn trọng; trên con đường đó, chúng ta phải kiên trì, can đảm và quảng đại.

 

 

ĐỐI THOẠI XÂY DỰNG TÌNH HUYNH ĐỆ

 

 

Minh Triệu

 

Dẫn nhập

 

Đức Thánh Cha Phanxicô tên là Jorge Mario Bergoglio, sinh ngày 17 tháng 12 năm 1936 tại Argentina, trong một gia đình có năm anh em di dân gốc Ý. Trong tám năm, từ ngày kế vị vai trò thánh Phêrô đến nay, ngài đã bày tỏ lập trường và giáo huấn qua nhiều bút tích và ấn phẩm với nhiều đề tài khác nhau rất có giá trị. Thông điệp “Fratelli Tutti” là một trong số đó.

Đây là Thông điệp thứ ba sau “Lumen Fidei” (Ánh sáng đức tin), 2013 và “Laudato Si” (Chúc tụng Chúa / Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta) 2015, được ban hành ngày 03 tháng 10 năm 2020 tại Assisi trong hoàn cảnh dịch corona virus bùng phát tại Vũ Hán và lây lan ra toàn thế giới. Thông điệp có tám chương với 287 đoạn, cũng được gọi 287 số, xoay quanh luận đề: “Tất cả Anh Em”. Ngoài lời dẫn nhập gồm 8 số, trình bày lý do, mục đích và phương pháp nghiên cứu, Thông điệp có thể được chia thành ba phần: Phần thứ nhất gồm một chương, chương I: trình bày thực trạng về một thế giới đóng kín và xem xét những xu hướng đang làm bế tắc sự phát triển tình huynh đệ; phần thứ hai Đức Thánh Cha dành riêng một chương, chương II, đưa ra nền tảng phổ quát của tình huynh đệ và cơ sở cho khát vọng về một thế giới hợp nhất; cuối cùng phần thứ ba gồm 6 chương nói đến các hướng hành động. Có hai hướng hành động:

Thứ nhất, Đức Thánh Cha mời gọi“mở ra”. Mở trái tim và đôi tay mình ra, khởi đi từ phạm vi cá nhân rồi rộng ra cho toàn xã hội. Nội dung này được trình bày trong các chương III và chương IV. Ở một chiều kích khác, tương quan giữa con người với Thiên Chúa - Vị Cha chung cũng phải được mở ra. Điều này được nói đến trong chương VIII.

Thứ hai, áp dụng hướng hành động thứ nhất vào tất các lãnh vực xã hội. Các nội dung này được trình bày trong các chương V, VI, VII và VIII. Đề tài “ĐỐI THOẠI XÂY DỰNG TÌNH HUYNH ĐỆ” được khai triển ở chương VI với bố cục gồm 26 số, từ số 198 đến số 224. Nội dung được người viết đưa về ba luận điểm sau: thứ nhất đối thoại là gì; thứ hai điều kiện để đối thoại; thứ ba ý nghĩa của đối thoại. Cuối cùng xin rút ra bài học nhận thức và hành động để áp dụng vào đời sống cộng đoàn. Nội dung chi tiết xin được trình bày như sau:

 

1. Đối thoại là gì?

 

Trước hết chúng ta xem xét lí do và mục đích của Đức Thánh Cha khi viết Thông điệp để có một cái nhìn tổng quan trước khi đi vào chi tiết của nội dung đề tài.

 

  1.1 Tổng quan Thông điệp

 

Trước những mưu toan nhằm loại bỏ hay thờ ơ tha nhân (số 6), Đức Thánh Cha mong muốn tìm kiếm giải pháp chữa lành. May thay, nhờ ánh sáng mặc khải và nhân chứng về tình huynh đệ vượt trên mọi khác biệt của thánh Phaxicô Assisi, Đức Thánh Cha qua nhiều năm trăn trở, nay đã trao vào tay chúng ta Thông điệp “Fratelli Tutti” (Tất cả anh em). Thông điệp là một nỗ lực suy tư nhằm cung ứng một tầm nhìn mới về tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội (số 6) với hy vọng nhờ đó làm trỗi dậy giấc mơ về một thế giới như ngôi nhà duy nhất, trong đó mọi người yêu thương nhau và sống liên đới với nhau. Yêu thương và liên đới trở thành mục tiêu nhắm tới mà trách nhiệm không thuộc về cá nhân hay một vài tổ chức nhưng thuộc về tất cả mọi người và mọi lãnh vực trong xã hội. Với ý nghĩa đó đối thoại không đơn thuần là cuộc nói chuyện xã giao, hay cuộc trao đổi, thương lượng nhằm đạt được một vài thỏa thuận tạm thời nào đó nhưng sâu xa hơn phải là cuộc hành trình nối kết tình thân, làm cho mọi người ngày càng gần nhau và sống liên đới với nhau.

 

  1.2 Khái niệm đối thoại

 

Căn cứ vào số 198 của Thông điệp “Fratelli Tutti”, chúng ta có thể rút ra một khái niệm về đối thoại như sau:

Đối thoại là con đường đưa tới hiểu biết và yêu thương. Trên con đường đó, chúng ta phải nói chuyện, trao đổi với nhau trong tinh thần lắng nghe, nhìn nhận và tôn trọng; trên con đường đó, chúng ta phải kiên trì, can đảm và quảng đại. Đây là con đường đưa chúng ta về lại với thực tại: “Fratelli Tutti” (Tất cả anh em). Nếu nhìn nhận thế giới như ngôi nhà chung duy nhất, ngôi nhà đang cần mọi người cùng nhau mơ ước, cùng nhau đóng góp phần mình trong đó cho sự hiệp nhất thì tắt một lời đối thoại là đường về nhà. Con đường đẹp nhất trong mọi cảnh đẹp có trên đời. Chúng ta phải yêu con đường ấy và đừng quên mơ giấc mơ này.

Tuy nhiên, để con đường ấy trở thành hiện thực, đối thoại cần có những điều kiện nào?

 

2. Điều kiện của đối thoại

 

Như đã nói, trước một thế giới khép kín, Đức Thánh Cha mời gọi “mở ra”. Thế giới ấy lại chính là tâm hồn của mỗi người, nên mở ra đồng nghĩa với bỏ mình, điều kiện đầu tiên của đối thoại.

 

  2.1 Bỏ mình

 

Cuộc sống cần một ngôi nhà, không chỉ để ở, để nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt nhọc, mà còn là nơi biểu lộ tình yêu. Thế nhưng đừng quên rằng có những “ngôi nhà”, những “căn nhà”, nơi đó giam hãm chúng ta. Căn nhà” ấy là cái tôi của yếu đuối sợ hãi; cái tôi của ích kỷ, tự mãn, của lợi lộc thấp hèn; “căn nhà” ấy còn là cái tôi của quyền lực đầy sự thao túng, đầy thủ thuật lươn lẹo và mánh khóe; “căn nhà” ấy còn là một thứ văn hóa xây tường, một thứ ý thức hệ hẹp hòi đố kỵ. “Căn nhà” đó có nhiều hàng rào bao bọc tầng tầng lớp lớp đầy gai nhọn, giam hãm và cô lập chúng ta. Chúng cần được mở ra. Một điều chắc chắn rằng nếu cứ ở mãi trong “căn nhà” đó thì đừng nói tới đi mà dù ta có bay cũng chỉ chạm đến trần mà thôi. Khát vọng về một thế giới yêu thương và hợp nhất chỉ là một ảo tưởng, và hậu quả không như ta mong đợi. Chúng không chỉ giam hãm mà còn có thể giết chết chúng ta. Quả vậy nhà soạn kịch nổi tiếng Menander người Hy lạp thật chí lý khi đưa ra nhận định: “Chúng ta phải đối mặt với sự thật rằng hoặc tất cả chúng ta sẽ cùng chết hoặc chúng ta phải học cách sống cùng nhau, và nếu chúng ta sống cùng nhau, chúng ta phải nói chuyện”. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng có một câu tương tự: “Tất cả ở trên cùng một con thuyền, không ai được cứu một mình; chúng ta chỉ có thể được cứu cùng nhau” (số 32).

Thế mà bất chấp sự nguy hiểm, đây đó vẫn còn những người tìm kiếm sự an toàn bằng cách chạy trốn hoặc phản ứng nông nổi: “Một số người muốn trốn tránh thực tế, họ tị nạn trong thế giới nhỏ bé của họ, người khác lại phản ứng bằng bạo lực đầy sức tàn phá” (số 199). Tị nạn và bạo lực cả hai biểu thị cho sự yếu đuối. Mà yếu đuối thì không thể và không bao giờ là “phao cứu sinh” cho bất kỳ ai. Đặc biệt, trong một thế giới đầy biến động, phức tạp và nguy hiểm, thì những hành động ngông cuồng, nông nỗi và non nớt chỉ tăng thêm bất ổn cho xã hội và gây nhiều tổn thương cho nhau mà thôi. Chúng không giúp ích được gì. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, một cách đúng đắn, khôn ngoan và nghiêm túc, chúng ta hãy ra khỏi “căn nhà” đó và vứt chùm chìa khóa của nó lại để vươn ra ngoài trong gặp gỡ và yêu thương như lời trong ca khúc “On va s’aimer” của nhạc sĩ Gilbert Montagné; hay như lời trong “Bài ca tạo vật” của thánh Phanxicô Assisi: Mọi thụ tạo đều trở nên họ hàng của ngài.

Như vậy, “bỏ mình” có sức giải phóng, đưa con người từ tình trạng nô lệ sang tự do. Ở đó chúng ta sống cùng người khác và sống cho người khác. Nhưng để được vậy, đối thoại còn phải chú ý đến những điều kiện tiếp theo:

 

  2.2 Không áp đặt

 

Trong tác phẩm “Đường vào Thần học về tôn giáo”, khi luận về vai trò của đối thoại, có đoạn tác giả viết như sau: “Cám dỗ thường xuyên của chúng ta là muốn nhanh chóng loại trừ mọi khác biệt, muốn đúc nặn môn sinh theo quan niệm và hình ảnh của riêng mình. Ra như cứ canh cánh sợ rằng người khác, đặc biệt những “đứa con tinh thần” của ta, sẽ không giống ta. Thế nên ta cố sức nhào nặn, bắt chúng phải vào một khuôn nhất định, phải cảm nghĩ, tư tưởng, hành động y hệt như ta. Tệ hơn nữa nhiều khi còn lấy tiêu chuẩn chủ quan của ta để đánh giá, phê phán và xếp loại tha nhân: ai phù hợp với tiêu chuẩn của ta sẽ được liệt vào hạng gương mẫu, còn ai có lối sống, nếp nghĩ, tâm thức khác ta... sẽ bị nghi ngờ hay đánh gía thấp”[1]. Việc lấy mình làm khuôn đúc, làm thước đo, làm tiêu chuẩn đánh giá kẻ khác, cứ như thể bản thân là “khuôn vàng thước ngọc” rõ là tự đề cao mình và khinh thường người khác. Cách hành xử này không chỉ kém văn hóa mà còn vi phạm quyền con người, gây nhiều bất công xã hội. Ta đừng quên xã hội vươn lên nhờ một phần chúng ta biết nâng nhau lên chứ không phải đè nhau xuống. Áp đặt là đè nhau xuống.

Trong Thông điệp “Fratelli Tutti”, Đức Thánh Cha đã đề cập tới một dạng đối thoại kiểu như thế. Đó là những cuộc tranh luận công khai trên mạng xã hội. Bề ngoài có vẻ như đang cho thấy một thứ dân chủ thực sự. Ở đó quyền tự do ngôn luận được thể hiện, quan điểm, lập trường và những xác tín cá nhân được cởi mở, hầu như không có gì khiến người ta phải e ngại, hoặc dấu diếm, che đậy; những lời phê bình theo đó cũng hết sức thẳng thắn. Thật là một thế giới bình đẳng và tự do. Nhưng chúng có thực sự là đối thoại hay không còn là vấn đề phải nghiêm túc xem xét từ nhiều khía cạnh: Những thông tin đại chúng có đáng tin cậy không? Có nhắm tới lợi ích chung không? Có tôn trọng phẩm giá của người khác không hay trong thế giới ấy, người ta làm tất cả vì tư thù, vì lợi ích cá nhân, rộng hơn một chút: lợi ích nhóm. Nếu ai cũng vì lợi ích thì khó tránh khỏi tranh dành; tranh giành mà muốn đạt được chắc chắn phải dùng thủ đoạn; ai cũng dùng thủ đoạn thì sẽ sinh ra tội ác. Thế giới ấy đào sâu những hố ngăn cách. Đối thoại biến thể thành “đối chọi”.

Thứ đối thoại này, trong các số 200 và 201, Đức Thánh Cha khẳng định không phải là đối thoại. Thế nó là gì? Ngài gọi nó là “độc thoại đặt song song bên nhau”. Loại này không có giá trị xây dựng, tệ hơn còn là một cản trở cho đối thoại. Lý do được trình bày như sau: “Trao đổi ý kiến trên các mạng xã hội thường dựa trên thông tin đại chúng vốn luôn luôn không đáng tin cậy...nội dung của nó thường quy ngã và mâu thuẫn”. Ở đó họ bám chặt lấy ý kiến của mình. Hơn nữa “người ta dễ phỉ báng và xúc phạm đến đối thủ ngay từ đầu hơn là mở ra một cuộc đối thoại đầy sự tôn trọng nhằm đạt được sự đồng thuận ở một bình diện sâu hơn. Tệ hơn nữa, loại ngôn ngữ này thường rút ra từ những vận động chính trị trên truyền thông, đã tràn lan đến nỗi trở thành một phần của đàm thoại hằng ngày. Việc tranh luận thường bị thao túng bởi những lợi ích có sức mạnh hơn, ma mãnh hơn lôi kéo...”.

Với những gì đã phân tích và từ hai dẫn chứng tiêu biểu trên, chúng ta không chỉ hiểu được bản chất của áp đặt mà còn có cơ sở để nói không với áp đặt không chỉ trong đối thoại mà cần thiết phải được mở rộng ra trong mọi lãnh vực của cuộc sống.

 

  2.3 Tôn trọng đối phương

 

 Không chỉ đòi hỏi bỏ mình, nói không với áp đặt, đối thoại còn đòi hỏi khả năng tôn trọng. Quả vậy, trong Thông điệp “Fratelli Tutti”, số 203, Đức Thánh Cha khẳng định: “Đối thoại xã hội chân thực đòi hỏi khả năng tôn trọng quan điểm của người khác, chấp nhận rằng quan điểm ấy có thể bao gồm những xác tín và những quan tâm chính đáng”. Tôn trọng quan điểm và chấp nhận xác tín của người khác thử hỏi tại sao? Có hai lý do căn bản sau đây: thứ nhất giá trị của khác biệt, thứ hai giá trị của nhân phẩm. Chúng ta lần lượt tìm hiểu hai giá trị này:

 

    2.3.1 Giá trị của khác biệt

 

Khác biệt đem lại nhiều lợi ích cốt lõi: làm phong phú nhau, phát triển nhận thức, thúc đẩy sự tiến bộ xã hội và giúp khám phá chân lý đầy đủ hơn.

Trước hết, những khác biệt làm phong phú nhau. Trong Thông điệp “Fratelli Tutti”, số 215, Đức Thánh Cha khẳng định: “Một xã hội với những khác biệt bổ sung cho nhau, làm phong phú nhau, và chiếu sáng nhau, ngay cả giữa những bất đồng và những cái được giữ riêng. Mỗi chúng ta đều học được điều gì đó từ những người khác. Không ai vô dụng và không ai đáng vứt bỏ đi”. Kế đến khác biệt làm cho lớn lên. Dẫn chứng cho điều này, Đức Thánh Cha trích Tông huấn “Querida Amazonia”: “Trong một tinh thần đối thoại đích thực, chúng ta sẽ lớn lên trong khả năng nắm được ý nghĩa của những gì người khác nói và làm, ngay cả dù chúng ta không chấp nhận đó như là xác tín của chính chúng ta...” (số 203). Lại nữa, trên bình diện xã hội, sự khác biệt giúp thúc đẩy sự tiến bộ xã hội. Đức Thánh Cha dẫn lời từ bộ phim “Pope Francis” của WimWender: “Chúng ta đừng quên rằng “những khác biệt có sức sáng tạo; chúng tạo ra căng thẳng, và trong khi hóa giải căng thẳng ấy thì nhân loại tiến bộ” (số 203). Cuối cùng, sự khác biệt giúp khám phá chân lý đầy đủ hơn. Quả vậy, thực tại tuy là một nhưng có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Nếu muốn khám phá cách toàn diện, cần tiếp cận từ nhiều góc độ với nhiều phương pháp khác nhau. Đó là điều chắc chắn. Tuy nhiên có điều gì đó khiến Đức Thánh Cha bày tỏ quan ngại: “Có nguy cơ rằng một tiến bộ khoa học nào đó sẽ được xem như lăng kính duy nhất...” (số 204). Một khi xem mình như lăng kính duy nhất khó tránh khỏi nguy cơ ít nhiều coi nhẹ các cách tiếp cận đến từ những nhãn quan khác. Đây là điều Đức Thánh Cha không mong muốn. Bởi vậy, trong Thông điệp số 204 Đức Thánh Cha bày tỏ quan điểm: “Các nhà nghiên cứu là chuyên gia trong lãnh vực riêng của mình, nhưng cũng quen thuộc với những khám phá của các khoa học và các quy phạm khác, họ sẽ có lợi điểm để phân định các khía cạnh khác thuộc đối tượng nghiên cứu của mình, và nhờ đó họ mở ra với sự hiểu biết bao quát và toàn vẹn hơn về thực tại”. Đừng quên rằng Đức Thánh Cha là một nhà thần học nhưng cũng là một nhà khoa học chuyên ngành hóa học với văn bằng thạc sĩ.

Giá trị của những khác biệt là thế còn phẩm giá thì sao?

 

    2.3.2 Vì phẩm giá con người

 

Con người có một phẩm giá bất khả nhượng. Phẩm giá ấy đòi phải được thừa nhận và tôn trọng trong mọi hoàn cảnh. Vì lý do này, đối thoại chân chính cần phải lưu ý nhiều hơn.

Trong Thông điệp“Frateli Tutti”, số 213, Đức Thánh Cha khẳng định: “Phẩm giá của người khác phải được tôn trọng trong mọi hoàn cảnh, không phải vì phẩm giá đó là điều chúng ta đã sáng chế hay tưởng tượng ra, mà bởi vì con người sở hữu một giá trị nội tại vượt lên trên giá trị của các đồ vật”. Giá trị nội tại là lý do giải thích tại sao phải tôn trọng người khác và tôn trọng người khác trọng mọi hoàn cảnh. Nhưng thử hỏi giá trị ấy do đâu mà có? Trong “Gaudium et spes” (Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay) số 12, Công đồng Vaticano II dạy chúng ta rằng: con người có được giá trị trổi vượt trên tất cả vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Nếu nhìn nhận sự thật này, chúng ta có cơ sở để nói không với chiến tranh, nói không với án tử hình, và nói không với bạo lực dưới mọi hình thức.

Tuy nhiên, một sự thật đau đớn rằng phẩm giá ấy đang bị phớt lờ, thậm chí bị chà đạp. Thảm họa này đã được Đức Thánh Cha nói tới trong Thông điệp “Laudato Si”, số 22 và trong “Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng”, số 53. Gần đây, sáng thứ tư ngày 12 tháng 8 năm 2021, trong buổi tiếp kiến các tín hữu tại Thư viện Dinh Tông Tòa, Đức Thánh Cha đề cập tới phẩm giá con người qua bài suy tư về cơn đại dịch. Trong bài giảng có đoạn ngài nói như sau: “Virus Corona không chỉ là một căn bệnh mà chúng ta phải chiến đấu; nhưng ngang qua cơn đại dịch, nhiều bệnh lý xã hội được phơi bày ra ánh sáng. Một trong cái đó là cái nhìn méo mó về con người, tức là một cái nhìn phớt lờ đi phẩm giá và đặc tính tương quan của con người. Đôi khi chúng ta nhìn người khác giống như một đồ vật, tức là để sử dụng hoặc vứt bỏ. Nhưng thực tế cái nhìn này khiến ta ra mù lòa và tạo nên một thứ văn hóa bài trừ mang tính cá nhân và gây hấn, biến con người thành một thứ hàng hóa tiêu dùng”[2].

Một cái nhìn méo mó với hậu quả biến con người thành một thứ hàng hóa thì xã hội không thể không xuất hiện những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực và lợi ích kinh tế. Một cái “ghế” và một cái “nồi” trở thành nguồn cơn cho mọi cuộc xung đột. “Ghế” cao “nồi’ rộng thì xung đột lớn vượt tầm kiểm soát; “ghế” thấp “nồi” hẹp tuy xung đột ít rộng lớn hơn nhưng cả hai đều dẫn đến một sự khủng hoảng toàn diện. Con người trở thành thù địch với nhau xuyên qua nhiều thế hệ, lâu dài thành căn bệnh mãn tính không thuốc chữa lành. Bởi vậy, nếu muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp, phẩm giá của con người phải được nghiêm túc xem xét lại. Trong Thông điệp “Fratelli Tutti”, số 207, Đức Thánh Cha quả quyết: “Nếu xã hội muốn có một tương lai, thì nó phải tôn trọng sự thật về phẩm giá con người và tuân theo sự thật đó”.

Không chỉ tôn trọng mà còn phải tuân theo vì sao? Vì sự thật về phẩm giá con người không dừng lại như một yêu sách phải được tôn trọng mà tiến xa hơn nó còn là cơ sở cho sự tồn tại, ổn định và vận hành xã hội. Ý nghĩa to lớn này được làm rõ khi tìm hiểu vai trò của đối thoại.

 

3. Ý nghĩa của đối thoại

 

Không như bạo lực làm phát sinh một thế giới khép kín, đối thoại mở ra con được gặp gỡ và hiệp thông. Nhưng để được vậy, đối thoại trước hết phải dẫn đến sự đồng thuận.

 

  3.1 Dẫn đến sự đồng thuận

 

Ta biết rằng, muốn phát triển xã hội phải cần đến sức mạnh. Muốn có sức mạnh cần đến sự đoàn kết. Muốn có đoàn kết cần đến sự đồng thuận. Tuy nhiên, một sự đồng thuận giả tạo, hoặc tạm thời dù có thông qua đối thoại đi nữa cũng không phải là điều Đức Thánh Cha mong muốn. Bởi vậy, việc tìm kiếm nền tảng vững chắc cho đồng thuận làm cơ sở phát triển xã hội là điều ngài đặc biệt quan tâm. Ở khía cạnh này, các giá trị bất tất không thể và không bao giờ là giải pháp nhưng phải là các giá trị phổ quát. Đối thoại giữ vai trò tìm kiếm các giá trị này.

Trong Thông điệp “Fratelli Tutti”, số 211, Đức Thánh Cha cho chúng ta hay: “Trong một xã hội đa nguyên, đối thoại là cách tốt nhất để nhận ra những điều luôn phải được khẳng định và tôn trọng...”. Mà điều “luôn phải được khẳng định và tôn trọng” lại là các giá trị bền vững. Các giá trị này giúp vận hành xã hội: “Nếu một cái gì đó luôn luôn phục vụ cho sự vận hành tốt của xã hội, đấy không phải vì ở phía sau nó có một sự thật bền vững...đó sao?” Sự thật ấy không phải tìm đâu xa nhưnggắn chặt trong bản tính của con người” (số 212). Sự thật ấy“trí năng có thể điều tra...xuyên qua suy tư, kinh nghiệm và đối thoại” (số 213). Sự thật đó là phẩm giá cao quý nơi mỗi người. Phẩm giá ấy “bất khả xúc phạm trong mọi thời đại lịch sử, và không ai có thể xem mình có quyền - do những hoàn cảnh nào đó - bác bỏ niềm xác tín này hay hành động chống lại nó” (số 213). Đối thoại phải góp phần nhận thức thực tại này. Thực tại có sức hiện thực hóa ước mơ tình huynh đệ phổ quát: “Tôi ao ước rằng bằng cách nhìn nhận phẩm giá của mọi con người, chúng ta có thể góp phần phục sinh một cảm hứng phổ quát về tình huynh đệ” (số 8).

Đừng quên rằng tình huynh đệ phổ quát hay nói một cách khác bẩm sinh con người là anh em với nhau là sự thật vững chắc không thể bác bỏ. Cũng như phẩm giá của con người không thể bác bỏ hay hành động chống lại nó, bẩm sinh mọi người là anh em với nhau cũng giống vậy. Chân lý này do mặc khải mà có, đã được trình bày trong chương II của Thông điệp “Fratelli Tutti” và đang chờ được đối thoại: “Mặc dù tôi viết Thông điệp này từ những xác tín Kitô giáo là nguồn cảm hứng và nâng đỡ mình, tôi vẫn muốn làm cho những suy tư này trở thành một lời mời gọi đối thoại...” (số 6). Thật tốt đẹp nếu sự đồng thuận xã hội được xây dựng dựa trên những nền tảng vững chắc như thế.

Cần lưu ý rằng, Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta: “Chủ nghĩa tương đối không phải là giải pháp” (số 202). Chủ nghĩa này phủ nhận toàn bộ các giá trị phổ quát. Ta thử hỏi một xã hội gạt bỏ giá trị bền vững để xây dựng trên nền tảng của những giá trị bất tất thì xã hội ấy có tồn tại, ổn định và phát triển được không? Nó có khác với việc xây nhà trên cát trong Mt 7,24-27? Và số phận thế nào khi mưa to gió lớn? Chắc chắn chủ nghĩa tương đối không thể và không bao giờ là một giải pháp. Và vì vậy trước những tác động tiêu cực của nó, Đức Thánh Cha mời gọi “cần học biết lột trần những cách thức khác nhau trong đó sự thật bị xuyên tạc, bóp méo và che dấu trong những cảnh vực công cũng như tư” (số 208).

Như vậy, sẽ không thể có sự đồng thuận lâu dài và bền vững nến gạt bỏ các chân lý khách quan. Đối thoại có vai trò giúp tìm kiếm và khám phá các chân lý này để một khía cạnh nào đó làm nền tảng cho sự đồng thuận như là điều kiện cho sự tồn tại, ổn định và phát triển xã hội. Nhưng không chỉ có vậy, đối thoại còn mở ra con đường hội nhập văn hóa có sức làm phong phú hóa chính mình. Đây là ý nghĩa thứ hai của đối thoại.

 

  3.2 Phong phú hóa chính mình

 

“Hóa” là trở nên. Phong phú hóa là làm cho trở nên dồi dào và đa dạng. Ngược lại với một thế giới khép kín, tự thỏa mãn những gì mình có, hậu quả: nghèo nàn, đơn điệu, vì thế giới mở hội nhập những khác biệt và nhờ đó làm cho cuộc sống trở nên phong phú. Nhưng để được vậy, trước hết, vai trò của đối thoại là phải giúp vượt lên trên những khác biệt. Không phải đập tan khác biệt nhưng vượt lên trên mọi khác biệt. Đây là điều Đức Thánh Cha rất quan tâm và không ngừng kêu gọi: “Tôi vẫn thường kêu gọi việc phát triển một nền văn hóa có khả năng vượt trên những khác biệt và chia rẽ” (số 215). Không dừng lại“phải làm việc để kiến tạo một khối đa diện với các cạnh khác nhau hình thành một thực thể đa sắc” (số 215). Lại nữa, xây dựng những nhịp cầu và vạch một dự án chung bao gồm mọi người: “Cố gắng gặp gỡ người khác, tìm kiếm những điểm chung, xây dựng những nhịp cầu và vạch một dự án bao gồm mọi người” (số 216). Cuối cùng phải nhận thức rằng: “Không ai vô dụng và không ai đáng vứt bỏ đi. Điều này...bao gồm những người ở vùng ngoại biên cuộc sống” (số 215). Thậm chí “ngay cả những người được xem là có vấn đề do các sai lỗi của họ thì cũng có điều gì đó để cống hiến mà chúng ta không thể bỏ qua” (số 217). Tất cả đều có ý nghĩa.

Không chỉ làm phong phú hóa chính mình, đối thoại còn giúp mở ra với tha nhân.

 

  3.3 Mở ra với tha nhân

 

Trước hết là mở ra trên bình diện nhận thức. Nhận thức về quyền của con người. Khía cạnh mà Đức Thánh Cha nói tới là phải nhìn nhận người khác có quyền trở nên chính họ: “Phải nhận thức rằng người khác có quyền trở nên chính họ và có quyền khác với mình” (số 218). Việc nhìn nhận này là vô cùng quan trọng và hết sức cần thiết, bởi theo Đức Thánh Cha: “Nếu không có sự nhìn nhận này, người ta sẽ tìm những cách tế nhị để làm cho người khác trở thành không quan trọng, không phù hợp, và không có giá trị gì đối với xã hội” (số 218). Một khi bị liệt vào nhóm không còn giá trị thì sự thật phũ phàng rằng con người còn thua kém hơn cả phế liệu. Quả vậy, khi bàn về sự ô nhiễm môi trường và một nền văn hóa loại trừ, Thông điệp “Laudato Si”số 22, đã diễn tả một cách sinh động như sau: “Những vấn đề liên hệ mật thiết với nền văn hóa loại bỏ đang ảnh hưởng đến người bị loại trừ khi nó nhanh chóng giảm thiểu mọi thứ thành rác rưởi”. Đừng quên rằng, phế liệu có thể được tái chế còn rác rưởi thì không. Con người thua phế liệu cũng vì lẽ đó.

Đáng nói hơn, sự khinh rẻ này là một hình thức bạo lực, bạo lực tinh tế. Trong số 218, Đức Thánh Cha viết: “Trong khi tẩy chay một số hình thức hữu hình của bạo lực, thì một loại bạo lực khác tinh tế hơn có thể bắt rễ: bạo lực của những người khinh rẻ những kẻ khác mình”. Lẽ thường nói tới bạo lực là nói tới hành vi côn đồ chứ ít ai hay rằng khinh rẻ cũng là bạo lực, bạo lực tinh tế. Thảo nào, trong tác phẩm “Đường vào Thần học về tôn giáo”, khi bàn về ý nghĩa của đối thoại chân chính, tác giả đã sinh động hóa dạng bạo lực này bằng câu chuyện chiếc giường Procuste trong thần thoại Hy Lạp: “Procuste là một tên tướng cướp kỳ khôi. Y có một chiếc “gường kiểu mẫu”. Mỗi lần bắt được ai, y đặt lên chiếc giường đó để đo. Nếu vừa vặn, y sẽ thả cho đi bằng an; nếu thừa, y sẽ dùng gươm xén bớt; còn nếu ngắn quá, y sẽ kéo cho tới khi bằng chiếc giường mới thôi”. “Xén”“kéo” cả hai đều đau đớn vô cùng, để lại mối căm hờn tột độ khó lòng nguôi ngoai. Hy vọng rằng với Thông điệp “Fratelli Tutti”, xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

Không dừng lại, trên bình diện đạo đức, một tấm lòng bao dung cũng phải được mở ra như điều kiện để xây dựng sự hiệp nhất. Thay vì tư thù, dửng dưng, người có lòng bao dung mở ra khả năng yêu thương, tha thứ và chia sẻ. Ở đây, Đức Thánh Cha đề cập tới một thái độ tương phản với lòng bao dung: thái độ dửng dưng. Lối trình bày tương phản này không chỉ giúp hiểu ý nghĩa của lòng bao dung mà còn cho thấy mặt trái của cuộc sống nếu thiếu vắng nó. Thái độ dửng dưng theo Đức Thánh Cha là nguyên nhân làm phát sinh bạo lực: “Việc dửng dưng sự hiện hữu và các quyền của người khác sẽ làm vọt ra một hình thức bạo lực nào đó, thường rất bất ngờ” (số 219). Hơn thế nữa nó còn được đồng hóa với bạo lực: “Thái độ thiếu bao dung và và thiếu tôn trọng ...là một hình thức bạo lực” (số 220). Và thật phũ phàng rằng một thế giới với thực trạng xã hội như thế thì theo Đức Thánh Cha: “Tự do, bình đẳng, huynh đệ mãi mãi là lý tưởng cao vời”. Lý tưởng ấy xa rời thực tế, và đối thoại để xây dựng tình huynh đệ, chỉ còn là một lời hô khẩu hiệu mà thôi. Nói thế để thấy lòng bao dung quan trọng như thế nào trong việc chữa lành một thế giới đầy những thương tích do nhiều hình thức bạo lực khác nhau gây ra.

Như vậy, để xây dựng tình huynh đệ, đối thoại phải để ý tới quyền của con người: quyền được trở nên chính mình, được yêu thương và phục vụ. Mở ra với tha nhân là biểu thị sự tôn trọng các quyền ấy. Nhưng đây chưa phải là điểm dừng, đối thoại còn giúp khôi phục lòng từ tâm.

 

  3.4 Khôi phục lòng từ tâm

 

Trong dụ ngôn người Samari nhân hậu, nếu không có một tấm lòng như động lực thúc đẩy người Samari dừng lại, xuống ngựa, chăm sóc vết thương và đưa người gặp nạn về quán trọ thì số phận của người bị nạn nằm bên vệ đường sẽ như thế nào? Chắc chắn anh ta sẽ “ra đi” trước sự lạnh lùng vô cảm của bao người vẫn qua lại bên anh. Đặt giả thiết như thế để thấy rằng một tấm lòng là vô cùng quan trọng và cần thiết trong cuộc sống. Ngay đến người đời cũng nhận ra điều đó. Trong ca khúc “Để gió cuốn đi”, cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã phải thốt lên: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”; xa hơn, trong “Thơ Kiều”, thi hào Nguyễn Du cũng có cùng một tư tưởng: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Từng đó cho thấy một tấm lòng là vô cùng ý nghĩa, dù tấm lòng ấy “chỉ để gió cuốn đi” theo cách nói của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn chăng nữa thì cũng rất cần. Bởi vậy, trong Thông điệp, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến thuộc tính này.

Ngài lấy lại quan điểm của thánh Phaolô Tông đồ rồi giải thích và phân tích ý nghĩa của thuộc tính này. Xin được xâu chuỗi lại như sau: Từ tâm là hoa trái của Chúa Thánh Thần (x. Gl 5,22); có sức giải thoát chúng ta khỏi sự độc ác; thúc đẩy tôn trọng người khác và giúp tìm thấy sự đồng thuận (số 224). Người có lòng từ tâm “sẽ giúp làm cho cuộc sống của người khác trở nên dễ chịu hơn, nhất là bằng cách chia sẻ gánh nặng các vấn đề của họ” (số 223). Trái với từ tâm, hạng người dã tâm chạy theo chủ nghĩa cá nhân hưởng thụ xem người khác là “vật cản trở”, là “những mối phiền” (số 222). Gặp thời khắc khủng hoảng, thảm họa và thử thách, thay vì vun xới lòng từ tâm, họ bị cám dỗ “phận ai nấy lo” (số 222). Vì lẽ đó, đối thoại phải là những nhịp cầu yêu thương biết khơi gợi lòng đạo đức nơi mỗi tâm hồn như lời trong Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm vui yêu thương), số 100, đã nói: “Những ai yêu thương đều có khả năng nói những lời phấn khởi, gây sức mạnh, an ủi và khuyến khích”. Những lời lẽ ấy cũng là những lời Chúa Giêsu từng nói: “Này con, cứ yên tâm” (Mt 9,2); “này bà, lòng tin của bà mạnh thật” (Mt 15,28); “hãy đi bình an” (Lc 7,50); “Hãy trỗi dậy” (Mc 5,41), xin“đừng sợ!” (Mt 14,27). Với tất cả ý nghĩa đó, đối thoại phải là phương dược đem lại cho con người khả năng sống tử tế với nhau một ngày một hơn.

 

4. Áp dụng vào đời sống

 

Từ những gì đã tìm hiểu, chúng ta rút ra những bài học sau đây:

 

  4.1. Bài học nhận thức

 

Như lời Tv 132: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau”, cộng đoàn đan tu chúng ta phải là một cộng đoàn yêu thương hiệp nhất, trong đó tất cả những khác biệt về tuổi tác, nhân cách, quan điểm, thói quen, sở thích, văn hóa vùng miền...không còn là những mối phiền, những cản trở làm tổn thương tình huynh đệ, ngược lại những khác biệt đó là cần thiết để phát triển cộng đoàn cả về phương diện vật chất cũng như tinh thần. Và hơn bao giờ hết hãy xem những khác biệt như những ân huệ Chúa ban cho chúng ta.

Mặt khác, các điều kiện của đối thoại mà ta đã tìm hiểu như: ra khỏi chính mình, nói không với áp đặt, và phải luôn tôn trọng người khác vì phẩm giá cao quý của họ, tất cả có sức giải phóng chúng ta và đem lại sự hiệp thông huynh đệ. Vì vậy chúng ta đừng quên những đòi hỏi ấy, trái lại phải luôn nhớ rằng chúng ta cần có nhau trong mọi hoàn cảnh và không ai có thể một mình được cứu vì như lời Đức Thánh Cha đã nói trong số 32: “Tất cả đang ở trên cùng một con thuyền”.

Thêm nữa với những giá trị mà đối thoại đem lại như dẫn đến sự đồng thuận, làm phong phú hóa chính mình, mở ra với tha nhân và khôi phục lòng nhân hậu, đáng cho chúng ta trân quý. Và vì thế, thay vì e dè như một thói quen hay khinh khi người khác như một dạng bạo lực tinh tế theo cách diễn tả của Đức Thánh Cha, chúng ta hãy can đảm đối thoại và học tập đối thoại để cùng nhau xây dựng một cộng đoàn trên dưới chan hòa tình Chúa, tình người.

 

  4.2 Bài học hành động

 

    4.2.1 Lời nói

 

Mặc dù “lời nói chẳng mất tiền mua” nhưng cũng phải “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Lời nói như chúng ta biết giúp trao đổi thông tin, bộc lộ cảm xúc, dẫn dắt tư duy, suy nghĩ, phán đoán, bày tỏ quan điểm, lập trường và những xác tín riêng của mình nhưng hệ quả có thể để lại hai mặt sáng tối: có thể đem đến niềm vui nhưng cũng có thể để lại nỗi buồn; có thể tạo ấn tượng đẹp nhưng cũng có thể để lại cảm xúc không như mong muốn; có thể làm cho sống nhưng cũng có thể chôn vùi một cuộc đời. Rõ là “lời nói gói vàng” nhưng cũng có thể “lời nói đọi máu”gây tổn thương sâu xa. Ý thức lời nói có sức mạnh như thế chúng ta dành cho nhau những lời hay ý đẹp để duy trì và phát triển sự hiệp thông trong cộng đoàn.

 

    4.2.2 Sự đồng thuận

 

Như đã nói một sự đồng thuận giả tạo không phải là điều Đức Thánh Cha mong muốn. Bởi vậy cần có một cơ sở vững chắc làm nền tảng cho sự đồng thuận để ổn định và phát triển cộng đoàn.

 

    4.2.3 Thân thiện với môi trường

 

Thân thiện với môi trường là cách chúng ta nói chuyện với thiên nhiên. Bên cạnh lời hay ý đẹp dành cho nhau, cần một thái độ và tình cảm thân thiện với thiên nhiên tạo vật, điều mà Thánh Phanxicô Assisi đã thể hiện. Với ngài, không những mọi người là anh em mà ngay cả đến mọi tạo vật trong công trình tạo dựng của Chúa cũng trở nên họ hàng của ngài. Trong “Bài ca tạo vật”, thánh Phanxicô Assisi gọi các thụ tạo là anh là chị: anh mặt trời, chị mặt trăng, chị sao, anh gió, chị nước, anh lửa, ngay cả “thần chết” cũng được ngài kính trọng gọi bằng chị: “chị chết”. Trong giai thoại kể về cuộc gặp gỡ giữa ngài và con chó sói hung bạo tại Agodio Gubio, thánh nhân nói chuyện cùng nó với tất cả sự trân trọng: “Này anh sói, anh lại đây”. Mọi thứ cứ như thể đang hiện thực hóa lời trong Is 11,6-9b. Chúng ta hãy bắt chước ngài không phải máy móc trong cách gọi tên sự vật nhưng ở tình cảm thân thiện và thái độ tôn trọng các tạo vật vì tất cả đều do Chúa làm nên. Nếu được thế, ngôi nhà của chúng ta sẽ mỗi ngày xanh, sạch và đẹp. Điều đó sẽ đem lại nhiều giá trị sức khỏe thể chất, tinh thần và đạo đức.

 

    4.2.4 Cầu nguyện

 

Cầu nguyện là thưa chuyện cùng Chúa, là đối thoại với Chúa. Chính Đức Thánh Cha cũng đã làm như thế khi kết thúc Thông điệp “Fratelli Tutti”: “Lạy Chúa là Cha các gia đình nhân loại chúng con...xin đổ vào trái tim chúng con một tinh thần huynh đệ và khơi lên trong chúng con giấc mơ gặp gỡ cách mới mẻ, giấc mơ đối thoại...Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi yêu thương từ mối hiệp thông sâu xa trong sự sống thần linh của Chúa, xin tuôn đổ dạt dào trên chúng con tình yêu huynh đệ. Xin ban cho chúng con tình yêu...”

 

Kết luận

 

Từ những gì đã tìm hiểu, người viết xin được đúc kết, đánh giá và nêu cảm nghĩ:

Vì mong muốn chữa lành một thế giới khép kín, Đức Thánh Cha dưới ánh sáng Lời Chúa và gương chứng nhân về tình huynh đệ phổ quát của thánh Phanxicô Assisi đã nỗ lực đem lại cho chúng ta một tầm nhìn mới về tình huynh đệ để nhờ đó giúp chúng ta chung tay xây dựng một thế giới yêu thương và hợp nhất.

Đối thoại - một nhu cầu cần thiết của cuộc sống phải như phương dược chữa lành, đưa con người xích lại gần nhau và liên đới với nhau. Phương dược chữa lành này đòi hỏi chúng ta phải ra khỏi thế giới riêng của mình để sống cùng người khác và cho người khác. Ở đó, trong tinh thần nương tựa vào nhau, chúng ta học được rất nhiều bài học bổ ích về giá trị của sự khác biệt, về phẩm giá cao quý nơi mỗi người, về sự đoàn kết, đón nhận, yêu thương, bao dung và nhân hậu.

Đối thoại đúng như lời nhận xét của Đức Thánh Cha trong số 198: “Giúp cho thế giới này sống tốt đẹp hơn chúng ta tưởng tượng”. Không những thế, đối thoại còn giúp xã hội ổn định và phát triển bền vững. Chúng ta biết rằng, bằng đối thoại, Thiên Chúa đã mặc khải cho chúng ta biết con người là hình ảnh Thiên Chúa; con người có chung một Cha trên trời và vì vậy xưa cũng như nay và mãi mãi con người sở hữu một phẩm giá bất khả nhượng và bẩm sinh con người là anh em với nhau. Nếu nhân loại từ chối các giá trị bền vững này, thay vào đó là sự chọn lựa các giá trị bất tất làm nền tảng xã hội thì thế giới sẽ sụp đổ như nhà xây trên cát.

Tuy nhiên vì thực trạng xã hội mang tính toàn cầu nên tất cả từ cá nhân đến tập thể đều phải có trách nhiệm. Không một ai, một đơn vị hay một tổ chức nào đứng ngoài cuộc. Đây là một đòi hỏi chính đáng nhưng cũng muôn vàn khó khăn. Bởi vậy, bên cạnh lời mời gọi cùng nhau mơ ước một thế giới như ngôi nhà duy nhất còn là lời cầu nguyện tha thiết xin Chúa đoái thương chữa lành thế giới.

Đề tài “Đối thoại xây dựng tình huynh đệ” để lại trong lòng người viết tình cảm thiêng liêng cao quý đối với vị Cha chung. Ngài là một người cha có nhiều điểm rất giống thánh Phanxicô Assisi: giản dị, khó nghèo, yêu thương hết mọi người, đặc biệt những người neo đơn, cùng khổ. Trong phạm vi đề tài có rất nhiều điều gây ấn tượng mạnh mẽ nhưng điều làm người viết thích nhất là hình ảnh “trở về nhà”, nơi ấy có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em với nhau, nơi ấy lời trong G 31,15[3] trở thành hiện thực.

 

 

_________________________

 

[1] Nguyễn Thái Hợp, Đường vào thần học về tôn giáo, Lưu hành nội bộ, 7

[2] ĐTC Phanxicô (12/8): Phẩm giá con người là bất khả xâm phạm – Vatican News, https://www.vaticannews.va>news, xem ngày 26 tháng 09 năm 2021

[3] “Ðấng đã tạo ra tôi trong dạ mẹ không phải là Ðấng tạo ra nó hay sao? Cũng một Thiên Chúa đã tạo ra chúng tôi hết thảy”.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á