Thần học

TÌM HIỂU TÊN, LOẠI VÀ Ý NGHĨA CÁC VĂN KIỆN CỦA GIÁO HỘI

Chúng ta thường nghe, đọc trên phương tiện truyền thông loan tin về các văn kiện của Giáo hội như Hiến chế của Công đồng Vatican II, các Tông huấn, Thông điệp... của Đức Giáo Hoàng, nhưng nhiều người thắc về tên, loại và ý nghĩa của các văn kiện ấy là gì? Sau đây là một tổng hợp ngắn giúp giải đáp phần nào những thắc mắc trên.

 

 

HIẾN CHẾ, SẮC LỆNH, TUYÊN NGÔN, TÔNG HUẤN, THÔNG ĐIỆP, TÔNG THƯ, TÔNG HIẾN, TÔNG DỤ, TỰ SẮC, TÔNG SẮC LÀ GÌ?

 

 

I. Các văn kiện của Công đồng Vatican II

Gồm có ba loại: Hiến chế (có 4), Sắc lệnh (có 9) và Tuyên ngôn (có 3) đều đặt nền tảng trên Kinh Thánh, Thánh Truyền, Quyền Giáo huấn với hoàn cảnh mới, xã hội thay đổi. Mỗi văn kiện lấy chữ đầu tiên của số một chương một để đặt tên cho văn kiện đó.

 

- Constitutio (constitution): Hiến chế[1]

Hiến chế giống như hiến pháp là luật căn bản, nền tảng của các luật khác.

Ví dụ: Hiến chế tín lý về Hội Thánh (constitutio dogmatica de Ecclesia) của Công đồng Vatican II là „Lumen gentium“ (Ánh sáng muôn dân) do chữ đầu tiên số 1 trong chương 1 của Hiến chế là „Lumen gentium“. Hiến chế nầy là Luật căn bản của tổ chức Hội Thánh: Hội Thánh là một mầu nhiệm kép vì được thành lập do hai yếu tố thần linh và nhân loại, gồm hai thành phần: giáo sỹ và giáo dân cấu thành.

 

- Decretum (décret, decree): Sắc lệnh[2]

Chín sắc lệnh của Công đồng Vatican II là những luật lệ có đối tượng riêng (Giám mục, linh mục, Chủng viện, Giáo dân làm tông đồ v.v.).

Ví dụ: Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Hội Thánh (Decretum de Activitate missionali Ecclesiae) goi là „Ad gentes“ (Đến với muôn dân) gồm có những nguyên tắc giáo thuyết, các công việc truyền giáo, các Giáo hội địa phương, các nhà Truyền giáo, Tổ chức hoạt động truyền giáo, sự cộng tác... Dựa vào Hiến chế Tín lý về Hội Thánh gọi Hội Thánh là ánh sáng muôn dân (Lumen gentium) nên trung tâm với nhiệm vụ truyền giáo (đưa Chúa đến cho mọi người), Sắc lệnh „Ad gentes“ trình bày Giáo lý cũng như phương cách truyền giáo trong thời đại ngày nay.

 

- Declaratio (déclaration): Tuyên ngôn[3] (Tuyên là bày tỏ cho mọi người biết, ngôn là lời nói). Ba Tuyên ngôn của Công dồng Vatican II nói lên lập trường, chính sách của Hội Thánh về Giáo dục Kitô giáo (Gravissimum Educationis), về Liên lạc của Hội Thánh với các tôn giáo ngoài Kitô giáo (Nostra Aetate), về Tự do tôn giáo (Digitatis Humanae).

Ví dụ: Trong tuyên ngôn Tự do tôn giáo, Công đồng xác nhận mọi người đều có nhân phẩm phải được tôn trọng, phải hưởng tự do, tự do tìm kiếm chân lý và Công đồng tuyên bố tôn giáo chân thật tồn tại trong Hội Thánh Công giáo và Tông truyền. Mọi người hành động theo lương tâm của mình kể cả trong lãnh vực tôn giáo. 

 

II. Loại và tên văn kiện của Đức Giáo Hoàng

- Adhortatio Apostolica (exhortation apostolique, apostolic exhortation): Tông huấn[4]

Tông huấn là một loại văn kiện mà thời gian gần đây các Đức giáo hoàng thường dùng để chuyển đạt giáo huấn được các Thượng Hội Đồng Giám Mục nghiên cứu như tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” (Evangelii Gaudium, ban hành 24.11.2013). Tông huấn này được soạn thảo từ những gợi ý của các nghị phụ tham dự Thượng Hội đồng Giám mục về việc “Tân Phúc Âm hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo” diễn ra tại Vatican từ ngày 7-28.10.2012.

Tông huấn mới nhất của ĐGH Phanxicô „Christus vivit – Đức Kitô sống“, hậu Thượng hội đồng về giới trẻ, ban hành ngày 25.3.2019.

 

- Littera Encyclica (lettre encyclique, encyclycal letter): Thông điệp

Thông điệp là một thư luân lưu (Encyclica do tiếng Hy lạp: ἐγκύκλιος – enkyclios. en: trong, kyclios: vòng tròn). Thông điệp - một thuật ngữ chỉ thư của Đức giáo hoàng - có tính long trọng dùng để gửi cho mọi thành phần trong Hội Thánh. Văn kiện này không nhằm chuyển tải những định nghĩa tín lý mà chỉ đưa ra những lời khuyên bảo hay soi sáng những điểm giáo thuyết nào cần minh xác và trình bày cho phù hợp với hoàn cảnh đặc biệt.

Ví dụ: Thông điệp Ánh Sáng Đức Tin (Lumen Fidei, ban hành 29.6.2013) cuả Đức Thánh Cha Phanxicô. Có một số Thông điệp nổi tiếng như “Pacem in terris” của Đức Gioan XXIII về Hòa Bình,“Humanæ vitae” của Đức Phaolô VI về điều hòa sinh sản, “Veritatis Splendor” của Đức Gioan Phaolô II về luân lý của Giáo Hội, “Deus caritas est“ của Đức Bênêđíctô XVI về tình yêu và đức ái.

 

- Lettera Apostolica (lettre Apostolique, Apostolic letter): Tông thư

Tông thư là văn kiện mang hình thức thư của Đức giáo hoàng gửi cho một thành phần hay một số thành phần nào đó trong Hội Thánh như giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân... khác với Thông Điệp là gửi cho toàn thể mọi người. Tông thư có mục đích là khuyến khích và dạy dỗ.

Ví dụ: Tông thư „Pax et reconciliatio“ (Hòa bình và hòa giải) của Đức Phaolo VI ban hành ngày 14.02.1964. Tông thư “Mulieris Dignitatem" của Đức Gioan Phao lô II năm 1988 nói về phẩm giá người phụ nữ, và Tông thư “Rosarium Virginis Mariae” năm 2002 về Kinh Mân Côi.

 

- Constitutio Apostolica (constitution apostolique., apostolic constitution): Tông hiến[5]

Ví dụ: Tông hiến về sách lễ Roma quy định các luật lệ về Thánh lễ được Đức Phaolô VI ban hành 03.04.1969.

 

- Epistula Apostolica (épitre apostolique, apostolic epistle): Tông dụ[6], cũng có văn thư chỉ đề Epistula thôi.

Ví dụ: Tông dụ „Lumen ecclesiae“ của Đức Phaolo VI ban hành ngày 20.11.1974 nói về vai trò ánh sáng của Giáo hội, của mọi thành phân trong Giáo hội.

 

- Letterae Apostolicae Motu Proprio datae: Tự Sắc, còn gọi là Tông Thư dưới hình thức Tự Sắc. Những thư này thường mở đầu: (Tên Vị giáo hoàng…) Litteræ apostolicæ Motu proprio datæ.

Đây là một loại một văn kiện có tính pháp lý được Đức giáo hoàng tự ý ban hành (motu proprio) chứ không phát xuất từ bất cứ sự thỉnh cầu nào. Tự sắc của ngài thường gửi đến toàn thể Giáo hội. Ngày nay, Tự sắc được sử dụng để ban hành những quy định quan trọng về luật nhưng không cần phải dùng đến văn kiện long trọng như Tông Hiến (Constitutio apostolica).

Ví dụ: Tự sắc „Matrimonia mixta“ của Đức Phaolô VI quy đinh luật lệ về hôn nhân giữa Công giáo và người Tin lành, giữa người Công giáo và người chưa lãnh Bí tích Thánh tẩy (rửa tội) ban hành ngày 31.3.1970. Tự sắc “Omnium in mentem” do Đức Bênêđíctô XVI ban hành năm 2009. Tự sắc này sửa 5 điều giáo luật của Bộ Giáo Luật 1983. Tự sắc “Porta Fidei” năm 2011 công bố năm Đức tin trong đó Đức Bênêđíctô XVI trình bày lý do, mục đích, những đường hướng chỉ đạo và những quy định phải tuân thủ về việc cử hành năm này. Tự Sắc „Communis vita“ do Đức Phanxicô ban hành ngày 26.3.2019 bổ sung khoản 694 & 729 của Bộ Giáo Luật 1983.

 

- Bulla: Tông sắc là thư bổ nhiệm chức tước do Tòa Thánh ban.

Ví dụ: Tông sắc của Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Giáo phận Hải Phòng, làm Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội, ngày 17.11.2018.

 

 

Lam Châu tổng hợp

 

_____________________________________________________________

 

[1] Chúng ta có thể tìm nghĩa của từ để dễ hiểu hơn. Ví dụ Hiến chế: Hiến là pháp luật, pháp độ; chế là làm ra, đặt ra, bó buộc.

[2] Sắc lệnh: Sắc là chiếu chỉ của vua, lệnh là bố cáo ra, công bố ra.

[3] Tuyên ngôn: Tuyên là bày tỏ cho mọi người biết, ngôn là lời nói.

[4] Tông huấn: Tông: Tông đồ, tông tòa; huấn: dạy bảo, giải thích.

[5] Apostolica: Tông đồ, tông tòa; constitutio: Luật căn bản.

[6] Tông dụ: Tông: tông đồ, tông tòa; Dụ: Người trên bảo xuống kẻ dưới.

 

Thiết kế Web : Châu Á