Thần học

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Phục Sinh, C (M. Matthêu Viết)

Bài Tin Mừng hôm nay được đặt trong bối cảnh của một chia ly giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Tuy nhiên, cuộc chia ly này không mang màu ảm đạm nhưng tràn trề niềm vui và các môn đệ còn được Chúa Giêsu dạy cho một điều răn mới.

 

CHÚA GIÊSU ĐƯỢC TÔN VINH VÀ NGÀI TRUYỀN DẠY ĐIỀU RĂN MỚI

(Ga 13, 31-33a.34-35)

 

Matthêu Viết

 

Cuộc chia ly nào cũng có những mất mát, lần từ biệt nào cũng để lại những bùi ngùi nhớ thương. Có lần từ biệt kẻ ra đi và người ở lại sẽ chẳng còn dịp để gặp gỡ, nhưng cũng có cuộc chia ly gieo vào lòng người ở lại bao nhiều niềm hy vọng. Vì thế, lần từ biệt nào cũng để lại trong lòng mỗi người những cung bậc cảm xúc khác nhau. Bài Tin Mừng hôm nay cũng thế, được đặt trong bối cảnh của một chia ly giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Tuy nhiên, cuộc chia ly này không mang màu ảm đạm nhưng tràn trề niềm vui và các môn đệ còn được Chúa Giêsu dạy cho một điều răn mới. Chúa Giêsu vui vì “Con Người được tôn vinh”, còn các môn đệ được Chúa Giêsu dạy điều răn mới là luật yêu thương. Trong chiều hướng đó, chúng ta cùng tìm hiểu hai điểm chính trong bài Tin Mừng hôm nay: Chúa Giêsu được tôn vinh và lệnh truyền mới của Chúa Giêsu cho Hội Thánh.

 

1. Chúa Giêsu được tôn vinh (Ga 13,31-32)

 

Khi Giuđa bắt đầu thực hiện âm mưu nộp Chúa Giêsu thì Ngài giải thích bản chất của những thực tại đang diễn ra. Nhìn bề ngoài, chúng ta có cảm tưởng như Chúa Giêsu đang đi vào một cuộc thất bại kinh khủng, nhưng thực chất, cái chết của Người chính là một cuộc bày tỏ vinh quang và tình yêu ở mức độ viên mãn: “Giờ đây Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người” (Ga 13,31).

 

Theo cách hiểu thông thường, động từ “tôn vinh ” là tôn lên vị trí, danh hiệu cao quý vì được ngưỡng mộ hoặc vì có năng lực, phẩm chất đặc biệt nào đó hay kết quả của sự nghiệp nổi danh, công việc to lớn được nhiều người tán thưởng, khen ngợi. Còn trong bối cảnh bài Tin Mừng hôm nay, động từ “tôn vinh” được hiểu là cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu kể như đã bắt đầu, vì Giuđa mới đi ra, Chúa Giêsu mừng cuộc chiến thắng như một cái gì đã hoàn thành. Vì thế, giờ đây Ngài diễn tả biến cố tương lai như một thực thể hiện tại, bằng cuộc Thương Khó, cái Chết và sự Phục Sinh chưa hoàn tất nhưng lại được coi như đã xảy ra.

 

Chúa Giêsu được vinh quang khi chịu chết vì biểu lộ rõ Ngài là Con Chúa Cha, lệ thuộc vào Chúa Cha và thực hiện trọn vẹn công việc của Chúa Cha trao phó. Cái chết của Chúa Giêsu không phải là tận diệt, hư vong cũng không phải là cái chết “vinh quang” thuần túy như các nhà ái quốc “chết vinh hơn sống nhục”, vì Ngài làm chủ mạng sống mình, Ngài làm chủ cả cái chết của mình (x. Ga 10,18). Cái chết của Ngài là ra đi trở về với Chúa Cha, chết để sống lại, vinh hiển trên trời. Chúng ta dễ dàng hiểu Chúa Giêsu được vinh quang khi sống lại, vinh quang khi lên trời, nhưng khó hiểu khi Ngài bị chết nhục trên thập giá.

 

Các tông đồ cũng vậy, khi Chúa chết, họ chỉ xem Ngài là ngôn sứ thôi, khi Ngài sống lại, họ mới biết Ngài là Chúa, là Thiên Chúa (x. Ga 20,28). Nhưng đối với Chúa Giêsu, chết và sống lại là một việc duy nhất biểu lộ chức phận làm con Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha, đem lại ơn cứu độ, làm vinh hiển chính Ngài và Thiên Chúa. Sự vinh quang đó, Chúa Giêsu cũng cho mọi tín hữu được thông phần. Dấu hiệu này được diễn tả bằng từ ngữ “môn đệ của Chúa”. Chúa được vinh hiển, môn đệ của Chúa cũng được thông phần vinh hiển của Ngài. Vậy khi nào thì chúng được thông phần vào vinh quang của Chúa? Đó là khi ta thực hiện điều răn mới của Chúa: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Đó chính là lệnh truyền căn bản mà Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ trong lần ly biệt.

 

2. Lệnh truyền mới của Đức Giêsu cho Hội thánh (Ga 13, 33a.34-35)

 

Chúa Giêsu sắp ra đi để bước vào cuộc Thương Khó (c.33). Trong hoàn cảnh này, Người trối lại cho các môn đệ điều răn về lòng yêu thương đối với nhau, để họ đối xử với nhau theo như ý Người muốn trong lúc Người vắng mặt. Đó là một điều răn mới, vì Người muốn các môn đệ theo gương Người: yêu thương như Người đã yêu thương. Lòng yêu thương đó được diễn tả cách cụ thể trong sự hy sinh tính mạng của Người.

 

Từ ngàn xưa, thiên hạ vẫn nói đến yêu thương. Nhưng chỉ yêu thương người thân thuộc, thương kẻ thương mình. Yêu thương như vậy tốt, nhưng quá tự nhiên. Luật Môsê dạy yêu thương người khác như chính mình (x. Lv 19,18). Tình yêu tha nhân theo quan niệm của Cựu ước có tính tiêu cực, vì chỉ nhằm tránh những gì có thể gây hận thù, hoặc nếu hành động tích cực thì lại mang tính vụ lợi: làm cho tha nhân những điều mình muốn thôi. Chúa Giêsu đã sửa đổi luật này cho hoàn hảo hơn, Người dạy: “Hãy yêu thương như Thầy đã yêu thương” (Ga 13,34c).

 

Với luật mới này, Chúa Giêsu đòi hỏi môn đệ yêu tha nhân như chính mình thì chưa đủ, mà phải yêu như Chúa Giêsu đã yêu họ, mà tình yêu của Người đối với chúng ta là vô vị lợi, yêu đến thí mạng sống vì người mình yêu. Thánh Gioan đã giải thích: “Chính điều này mà ta nhận ra được tình yêu là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta, nên chúng ta phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16). Con thánh Giêrônimô kể lại một chuyện về thánh Gioan tông đồ như sau: Lúc đã về già, thánh Gioan tông đồ vẫn không ngừng nhắc nhở các Kitô hữu trong cộng đoàn là hãy yêu thương nhau. Người ta phát chán vì thấy ngài cứ nói mãi điều ấy, nên mới hỏi ngài lý do. Ngài trả lời: “Bởi vì đó là điều răn của Chúa. Chỉ cần giữ điều răn này là đủ”.

 

Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay “mạc khải” cho chúng ta rằng Chúa Giêsu được tôn vinh qua cuộc Thương Khó, cái Chết và sự Phục Sinh. Tới lượt chúng ta cũng được thông dự vào vinh quang Ngài không phải do công trạng riêng của chúng ta nhưng là do tình yêu nhưng không của Ngài dành cho chúng ta. Vì thế, mẫu gương của Chúa Giêsu đã yêu thương tất cả mọi người, kẻ tội lỗi cũng như người công chính, không loại trừ ai. Tới lượt chúng ta, nếu chúng ta chọn người để yêu là ta yêu người đó, chứ không yêu Chúa trong người đó. Vì yêu thương anh em là yêu Chúa trong anh em, yêu hết mình, không so đo tính toán.

 

Trong thế giới ích kỷ, tàn bạo và bóc lột như ngày hôm nay, mỗi người chúng ta hãy nêu cao đức ái như ánh lửa soi sáng và sưởi ấm tình người, hãy tạo sự cảm thông giữa người với người, hãy chia sẻ cho nhau theo khả năng riêng của mình, hãy tha thứ cho kẻ làm mất lòng ta, hãy đoàn kết với nhau, hãy giúp đỡ kẻ nghèo khổ. Làm được như thế, chúng ta là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu. Amen.

  

 

Thiết kế Web : Châu Á