Thần học

Nhân đức tôn giáo theo thánh Tôma Aquinô và việc giáo dục lòng tôn trọng trong một thế giới thế tục hóa

Nhân đức tôn giáo là một hình thức của công bằng. Sự công bằng này, cách chung, cốt ở việc duy trì -với những người khác- những tương quan xứng hợp với cái họ là và với cái chúng ta là, nói khác đi, là trả lại cho mỗi người cái thuộc về họ. Như thế, nhân đức tôn giáo xuất hiện như một trường hợp hoàn toàn đặc thù về công bằng.

 

 

NHÂN ĐỨC TÔN GIÁO (VERTU DE RELIGION)[1]
THEO THÁNH TÔMA AQUINÔ
VÀ VIỆC GIÁO DỤC LÒNG TÔN TRỌNG
TRONG MỘT THẾ GIỚI THẾ TỤC HÓA

(cf. Tổng luận Thần học IIaIIae, 80-101; 121)

 

Cha Gilles Berceville, OP

 

I. Tôn giáo và lý tính

 

Trong thần học luân lý cũng như thần học tín lý, Tôma Aquinô cung cấp cho chúng ta một số chìa khóa quan trọng để vượt lên trên sự đoạn giao giữa lý trí, văn hóa và đức tin, hệ quả của sự kiện thế tục hóa. Theo vị “Tiến sĩ chung” (“docteur commun”) của Giáo Hội, các lãnh vực này phân biệt với nhau chứ không tách rời nhau. Lãnh vực “tôn giáo”, trong tư tưởng của Tôma, đích xác là nơi chuyển tiếp -về mặt lý thuyết và thực hành- giữa lý trí và đức tin. Về điểm này, Tôma giúp cho chúng ta không nhượng bộ trước khẳng định rất phổ biến, theo đó tôn giáo là không hữu lý (irrationel), do đó bị loại ra khỏi cuộc tranh luận công cộng, (và tôn giáo) là vô bổ và là nguồn gốc sinh ra bạo động. Thực ra tôn giáo, trái lại, theo nguyên tắc, là một yếu tố trong nỗ lực của lý trí [effort rationel]) nhằm hiểu thế giới và cư ngụ trong đó. Theo Tôma, tôn giáo tất phải là đỉnh cao của hoạt động có lý tính (activité rationel)[2], qua việc gây dựng con người và thế giới nơi họ ở, trong hòa bình, đồng thời mở tâm trí họ ra với những mặc khải và những lời hứa ban ân sủng.

 

Từ “tôn giáo” nói lên tương quan mà con người có với Thiên Chúa, những xác tín được diễn tả trong mối tương quan này, những nghi lễ, những bổn phận. Tôn giáo -xét như nhân đức, là một thái độ (disposition) nội tâm, vững vàng và bền lâu- cho phép con người thực hiện đầy đủ những yêu sách của lý trí trong những gì nó tin, việc thờ phượng của họ, phong hóa của họ. Tôn giáo giúp họ tránh khỏi mê tín[3] cũng như không ngã vào sự chểnh mảng, dửng dưng hoặc chối từ Thiên Chúa cách có ý thức và tự nguyện.[4]

 

Nhân đức tôn giáo là một hình thức của công bằng. Sự công bằng này, cách chung, cốt ở việc duy trì -với những người khác- những tương quan xứng hợp với cái họ là và với cái chúng ta là, nói khác đi, là trả lại cho mỗi người cái thuộc về họ. Như thế, nhân đức tôn giáo xuất hiện như một trường hợp hoàn toàn đặc thù về công bằng. Quả vậy, có những món nợ không thể trả: quà tặng sự sống và giáo dục. Ta không thể tự cho là mình hết nợ nần với một chủ nợ, nhưng không bao giờ ta có thể tự cho là xong nợ với các bậc thân sinh, với những người giáo dục ta, với những người cứu sống ta. Tuy nhiên, việc không thể trả lại cho các ngài những gì các ngài đã cho chúng ta không khiến ta dửng dưng và thụ động đối với các ngài: trái lại chúng ta ước muốn tỏ lòng biết ơn, tôn kính và tận tụy hết lòng. Kinh nghiệm nhân sinh phải có thể dẫn ta đến việc khẳng định rằng sự sống con người và thế giới xuất phát từ một nguyên nhân đệ nhất và tiếp tục được nguyên nhân này điều khiển.[5] Các truyền thống minh triết của nhân loại có thể quả quyết sự hiện hữu của một Đấng Tạo Hóa và chủ tể tối thượng. Nhân đức tôn giáo nâng đỡ con người trong nỗ lực tỏ bày -đối với Thiên Chúa, Đấng sáng tạo, chủ tể và là Đấng cứu vớt mọi con người- sự tri ân, sự kính trọng, sự sùng kính, là bổn phận mà họ có đối với Người, trong đời sống cá nhân và cộng đồng.

 

Việc thực hành nhân đức tôn giáo trước tiên là hoạt động của ý chí. Hành vi chính yếu của việc thờ phượng là sự nhiệt tâm (devotio), nghĩa là sự mau mắn đáp ứng những đòi hỏi nảy sinh từ việc nhìn nhận Thiên Chúa là Đức Chúa, Đấng Tạo Hóa và là Chủ tể. Tôn giáo cũng thấm nhuần lý trí thực tiễn (raison pratique), lý trí hướng về hành động: nhân đức tôn giáo mời gọi lý trí cầu nguyện (oratio). Sự ý thức đầy đủ về nhu cầu liên lỉ của con người -nhu cầu được Thiên Chúa nâng đỡ trong hữu thể và trong hành động của mình, nhu cầu đón nhận từ Người hết điều lành này đến điều lành khác- giữ vững con người tôn giáo (homme religieux) trong tâm tình chúc tụng, xin ơn và tạ ơn. Con người diễn tả cách công khai sự nhiệt tâm (devotio) và kinh nguyện (oratio) của mình qua việc thờ phượng dành cho Thiên Chúa, việc thờ phượng đạt tới đỉnh điểm trong việc dâng hy lễ,[6] tức dâng lại cho Thiên Chúa lễ vật thuộc về chỉ một mình Người và hoàn tất sự kết hiệp mọi con người và các xã hội nhân loại với Đấng Tạo Hóa và Chủ Tể tối cao của họ. Đó là lý tưởng phù hợp với lý trí (rationel) và mang tính phổ quát của tôn giáo.

 

II. Tôn giáo và niềm tin Kitô

 

Luật mới mà Đức Kitô lập ra thực hiện các hành vi tôn giáo dưới hình thức bố thí, cầu nguyện và ăn chay, theo ý của “Chúa Cha, Đấng thấu suốt những gì kín ẩn”, trái với ước muốn “phô trương cho thiên hạ thấy”.[7] Lời cầu nguyện của Người là Kinh Lạy Cha, “mẫu mực cho mọi khẩn nguyện của chúng ta”, mà lời cầu xin đầu tiên là “Nguyện Danh Cha cả sáng”: “Chúng con nguyện xin Thiên Chúa được vinh danh”.[8]

 

Định nghĩa và phân tích năng hướng (disposition) tôn giáo nơi con người có lý trí (homme rationel) cho thấy năng hướng này bảo đảm, nơi người Kitô hữu, mối liên hệ ăn khớp với nhau giữa đời sống đối thần và đời sống luân lý, giữa đức Cậy và đức Mến, và tất cả những gì hình thành nên nhân loại chúng ta, dấn thân trong những bất trắc của cuộc hiện hữu và những mức độ khác nhau của đời sống xã hội. Nhân đức tôn giáo gắn liền với nhân đức khôn ngoan nhằm giúp người tín hữu thể hiện đức tin và làm cho đức tin ăn sâu trong đời sống xã hội của họ. Nhân đức tôn giáo sẽ trợ lực khiến họ tận tụy đến mức hy sinh, nó sẽ giữ họ -qua kinh nguyện- luôn mở ra với sự hiện diện và sự trợ giúp của Thiên Chúa, và sẽ dẫn họ đến mức sẵn lòng thực hiện những gì họ phân định là thánh ý Thiên Chúa.

 

“Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người [của lễ này, theo từ ngữ của Tôma, là một hành vi “nhiệt tâm” (“dévotion”) thiêng liêng]. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo [sự phân định này, theo từ ngữ của Tôma, là hành vi của nhân đức “khôn ngoan” siêu nhiên].[9]

 

III. Tôn giáo, nguồn phát sinh sự tôn trọng

 

Tôn giáo là một nhân đức tự nhiên nơi con người, nhưng được ân sủng Đức Kitô biến đổi và thăng hoa (“siêu nhiên hóa”). Nó làm phát sinh những hành vi ý chí (devotio, nhiệt tâm) và lý trí (oratio, cầu nguyện), là những hành vi kết hợp với nhau trong những ứng xử luân lý và những thực hành nghi lễ, chủ yếu là việc dâng hy lễ. Ngày nay, tôi cho là dường như đặc biệt quan trọng việc đào sâu một thái độ, gắn chặt với nhân đức tôn giáo và với những hoa trái của nó (thái độ này nối kết năng hướng sâu xa với tâm hồn vững chãi, hoạt động ý chí với tính cảm thụ); đó là thái độ tôn trọng (respect).

 

Có hai từ La-tinh tương ứng với từ respect trong tiếng Pháp: reverentia, tức năng hướng bên trong đối với người được tôn trọng (sự tôn trọng ở đây được hiểu như tình cảm), nó đến từ động từ “revereor”, nghĩa là sợ và tôn kính; và honor, việc diễn tả ra bên ngoài sự tôn trọng bên trong (sự tôn trọng ở đây được hiểu như bằng chứng, như sự tỏ bày lòng sùng kính). Reverentia là động cơ và honor là mục đích: tôi tôn trọng (honore) một người bởi vì tôi tôn kính (révère) họ và do họ đáng được tôn kính.[10] Ta gọi danh dự là tán tụng khi nó được diễn tả ra bằng lời. Vinh danh là hệ quả của danh dự.

 

Nhân đức tôn giáo tác động cách cụ thể, nó làm phát sinh sự nhiệt tâm đối với Thiên Chúa. Nó chúc tụng và tôn vinh Người. Kín múc sức mạnh từ lòng tôn trọng đối với Thiên Chúa, từ sự quý mến và tri ân đối với Người, nhân đức tôn giáo tỏ bày hình thức nhiệt tâm cụ thể phải có đối với Thiên Chúa, dưới ánh sáng của lý trí được đức tin soi sáng, bằng cách hướng tới những phân định khôn ngoan tự nhiên và siêu nhiên. Tôma coi nhân đức tôn giáo là nguồn phát sinh sự tôn trọng trong đời sống con người. Tôn trọng đối với chính Thiên Chúa, và theo nghĩa rộng, tôn trọng đối với hình ảnh của Người nơi mọi thụ tạo có tinh thần (créature spirituelle). Sự tôn trọng này được đồng nhất hóa và trở thành tinh tế hơn dưới tác động của Thần Khí: lúc đó, nó tương ứng với các ơn kính sợ và ơn sùng hiếu (dons de crainte et de piété).[11]

 

Tôma Aquinô cung cấp những nét chính của một khoa tâm lý về sự tôn trọng bắt rễ trong cảm thức về Thiên Chúa.  Cảm thức này trước tiên là sự ý thức cái khoảng cách vô hạn giữa sự viên mãn của hữu thể Thiên Chúa với các giới hạn của loài thụ tạo. Việc ý thức được sự bất cân xứng này khơi gợi -nơi phía loài thụ tạo có lý trí- một sự quay về với chính mình, một “cú nhảy về lại thân phận nhỏ bé của mình” resilito in propriam parvitatem[12]Nó cũng làm phát sinh một sự thán phục, ngỡ ngàng đến say mê khi đứng trước sự cao cả khôn tả của Thiên Chúa, và sự bất khả đạt thấu của Người.[13]

 

Thiên Chúa là nguồn sự sống, nên sự tôn trọng Thiên Chúa và sự tôn trọng sự sống gắn liền với nhau. Mối liên hệ này được diễn tả bằng việc rảy máu trong các cuộc cúng hiến của lễ. Sự tôn trọng đối với Thiên Chúa cũng là nguyên nhân của sự tôn trọng đối với những ai thông truyền sự sống: cha mẹ, tổ tiên, các nhà giáo dục; đối với những ai bảo vệ và có quyền trên sự sống: các thẩm quyền dân sự hoặc tôn giáo.

 

Khi Thiên Chúa lập giao ước với Dân của Người, khi trong Đức Kitô, Người thắt mối liên hệ bạn hữu, thân tình và mật thiết lạ thường với người tín hữu thì cảm thức tôn giáo không biến mất, nhưng được củng cố.[14] Có một sự đào sâu hỗ tương giữa các cảm thức tôn giáo và các cảm thức đức tin. Sự hiện diện khắp mọi nơi của Thiên Chúa trong tâm hồn (Đấng dựng nên tôi trong từng phút giây là nguồn gốc sâu xa cuộc hiện hữu của tôi; trong từng phút giây, Người sinh tôi ra trong cuộc hiện hữu) là điều kiện nền tảng của ân sủng nơi tâm hồn, là căn nguyên của đời sống Tin, Cậy và Mến, là nơi mà Thiên Chúa “Đấng thân thiết với tôi hơn cả chính tôi” tự tỏ mình ra như một người Cha đầy yêu thương; người Cha đó thông hiệp với từng người tận nơi sâu kín của họ. Việc suy niệm hai chân lý về sự hiện diện ở khắp mọi nơi và sự hiện diện bằng ân sủng là cơ sở cho đời sống kinh nguyện.

 

IV. Kết luận

Sự kiện thế tục hóa và việc đào tạo tâm linh

 

Sự lo ngại do các hiện tượng thế tục hóa gây nên, trong những gì sâu xa nhất và chính đáng nhất, là sự thoái hóa về phẩm chất tâm linh (qualité d’âme) và về tương quan. Trước tiên, đó không phải là tiếc nuối sự tan rã của một thẩm quyền, của hàng giáo sĩ, của chính trị hoặc của bố mẹ, nhưng là buồn lòng trước sự kiện con người và xã hội dường như từng bước đánh mất yếu tố cốt yếu trong nét đẹp của họ: cảm thức tôn trọng bị suy yếu dưới nhiều hình thức, từ phép lịch sự sơ đẳng nhất cho đến sự kính trọng những thẩm quyền cao nhất. Chính phần nội tâm và tính giao tế của con người bị đe dọa; chúng mất đi sự quân bình và chiều sâu.

 

Ý thức được sự xuống cấp của cảm thức và của các mối tương quan không phải là vô ích: nó là một phương sách thuận lợi cho công cuộc Phúc Âm hóa. Bởi lẽ, theo tự nhiên, mọi người đều mong mỏi được tôn trọng, đều đau khổ vì không được tôn trọng, tất sẽ tán thành những gì được thực hiện để tái lập sự tôn trọng, và tìm kiếm cái nguồn sâu xa của lòng tự trọng và tôn trọng người khác. Các xã hội bị thế tục hóa đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân học sâu xa và chúng trở nên mâu thuẫn với chính mình khi ra công bảo vệ những giá trị dân chủ, nhân danh các quyền cá nhân nhưng lại không bảo vệ những gì tác thành nhân vị trong phẩm giá của nó, những gì làm cho nó trở thành một hữu thể rất mực đáng kính trọng. Vấn đề sự tôn trọng và các nguồn của nó có thể giúp những đầu óc của thời hiện đại mở ra với vấn đề tôn giáo.[15] Trong việc đào tạo các ứng sinh cho tác vụ tông đồ, việc vun trồng cách khôn ngoan[16] “nhân đức tôn giáo” sẽ làm cho họ gắn bó hơn với Đức Kitô và sẽ làm cho họ lớn lên trong sự tôn trọng chính mình và tôn trọng những ai mà họ được kêu gọi phục vụ.

 

 

(Trích Tài liệu Khóa thường huấn các nhà đào tạo ứng sinh linh mục tại Việt Nam lần IV, từ ngày 06 - 18/7/2014, với chủ đề: “Thế tục hoá và việc đào tạo linh mục tại Việt Nam”)

 

Nguồn: hdgmvietnam.com, 20.02.2023

 

____________________________

 

 

[1] Xưa nay, vertu de religion được dịch là “nhân đức thờ phượng”. Kiểu nói này thật ra không chính xác lắm. Để có thể diễn tả cách thỏa đáng những điều mà tác giả muốn trình bày trong bài viết này, vertu de religion được chúng tôi dịch sát là “nhân đức tôn giáo”.

[2] Tôma trích dẫn Aristote để chứng minh rằng cầu nguyện là một hoạt động có lý tính “đối với các thực tại cao nhất, lý trí đưa con người lên tới đó chính khi cầu nguyện”. Ad optima deprecatur ratio. Éthique 13, được lấy lại trong Tổng luận Thần học, IIaIIae, 83,1. Trong bản văn của Aristote, khi cầu nguyện, lý trí không ngỏ với Thiên Chúa, nhưng với con người: lý trí không ép buộc con người sống đức độ, nhưng như thể nó can thiệp để họ sống như thế. Tuy nhiên, điều mà ta có thể hiểu được từ bản văn này đó là thái độ cầu nguyện, khẩn nài, một trong những hành vi chính yếu của đức thờ phượng, tức là việc lý trí ý thức được những giới hạn và trách nhiệm của nó (ibid. article 10). Tuy nhiên, con người, do mải mê với công việc, luôn bị cám dỗ nói: “phụng thờ Thiên Chúa là chuyện tầm phào” (Ma-la-ki 2,13, trích dẫn trong Tổng luận Thần học, IIaIIae, 83,2).

[3] “Mê tín là một tật xấu nghịch lại với nhân đức tôn giáo. Nó tương ứng với sự thái quá: thái quá không phải ở chỗ thực hiện việc thờ phượng Thiên Chúa quá mức so với việc thờ phượng đúng thực của một tôn giáo, nhưng là thờ phượng kẻ mà ta không được thờ phượng hoặc bằng cách thế mà ta không được làm”.

[4] Như thế, việc lượng giá hiện tượng thế tục hóa sẽ cân bằng nhờ nhân đức tôn giáo, là nhân đức sẽ cho giúp ta không đi lệch khỏi đỉnh cao trung dung (không thiên vị bên nào). Cf. Gaudium et spes, 7, §3: “Những hoàn cảnh mới cũng ảnh hưởng tới đời sống tôn giáo. Một đàng, khả năng phán đoán sâu sắc hơn đã giúp thanh lọc khỏi đời sống tôn giáo quan niệm ma thuật về thế giới và những điều mê tín vẫn còn đang lan tràn, điều ấy đòi hỏi càng ngày càng phải sống gắn bó với đức tin nơi chính bản thân mỗi người cách sinh động hơn; nhờ đó nhiều người đã có được cảm nghiệm về Thiên Chúa cách sống động hơn. Đàng khác, số người từ bỏ thực hành đời sống tôn giáo ngày càng đông. Khác với thời xưa, việc chối bỏ hoặc thái độ dửng dưng đối với Thiên Chúa hay tôn giáo không còn là một hành vi bất thường và có tính cách cá nhân nữa…”.

[5] Đây là điều Tôma cho thấy trong Phần I của Tổng luận Thần học, Ia, 2 và 103.

[6] Tổng luận Thần học, IIaIIae, 85, Tôma phân biệt hy lễ bên trong (sacrifice intérieur), của lễ cuộc đời ta dâng cho Thiên Chúa, là của lễ quan trọng nhất, là hy lễ bên ngoài theo nghi lễ, với hy lễ luân lý bên ngoài (làm một việc tốt để bày tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa) (ibid., article 4).

[7] Xem Mt 6 và Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1069.

[8] Tổng luận Thần học, IIaIIae, 83,9

[9] Thư Rôma 12, 1-2.

[10] Tổng luận Thần học, IIaIIae, 103,1

[11] Cf. Tổng luận Thần học, IIaIIae, 22 về ơn kính sợ là đỉnh cao của đức Cậy Kitô giáo; khoản 101, về ơn sùng hiếu như nhân đức tự nhiên; và khoản 121, về ơn sùng hiếu như ân huệ Thánh Thần, là đỉnh cao của đức công bình.

[12] Commentaire des Sentences de Pierre de Lombard, livre 3, distinction 34, question 2, article 3, question 4.

[13] Ở đây, ta gặp lại hai động thái: kinh sợ khi đứng trước mysterium tremendum (huyền nhiệm đáng sợ) và bị hấp dẫn khi đứng trước mysterium fascinosum (huyền nghiệm hấp dẫn), là hai cấu tố của cảm thức thụ tạo (“sentiment de créature”), theo R. Otto. Tuy nhiên, theo triết gia và thần học gia người Đức này, chỉ nhờ cảm tính (sentiment), ta mới có thể chạm đến được đối tượng huyền nhiệm -nằm ở phía bên kia các phạm trù của trí năng; trong khi đó, theo Tôma, đối tượng này trước tiên là đối tượng của một suy tư phù hợp với lý trí (rationnel) được đức tin soi sáng.

[14] “Tâm hồn vững tin nhất, ít bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi vị Thẩm phán Tối cao nhất thì có thể và phải có tràn đầy “lòng tôn trọng”, “nhân đức tôn giáo”, “awe” [từ tiếng Anh không có từ tương đương tiếng Pháp]”, Henri Brémond viết trong cuốn Histoire littéraire du sentiment religieux, tome 3, p. 37. “Phụng thờ Thiên Chúa như một người Cha thì tuyệt vời hơn là phụng thờ Người như Đấng Tạo Hóa và Chúa của chúng ta”, Tổng luận Thần học, IIaIIae, 121,1, ad 2.

[15] Từ thời Đức Gioan-Phaolô II, Huấn Quyền khai triển ý tưởng theo đó tự do tôn giáo ngày nay là “viên đá thử vàng” đo lường sự tôn trọng các quyền con người.

[16] Nỗ lực nhằm hiểu cách đúng nhất và sâu sắc nhất có thể về cái năng hướng “tôn giáo” thầm kín, đạo hạnh nơi con người sẽ giúp ta nghĩ ra nhưng phương tiện tối ưu để vun đắp nơi bản thân và làm lớn lên nơi những người khác thái độ nền tảng này; thái độ đó phải thấm nhuần tất cả cuộc sống của con người và của người Kitô hữu, cuộc sống với Thiên Chúa và với tha nhân. Rõ ràng là sự tích lũy và việc đơn thuần lặp lại các thực hành cho dẫu xa xưa và đáng trân trọng sẽ không tất yếu góp phần vào đó. Cần phải phát triển tinh thần mà các nghi lễ và các truyền thống vận dụng đến (ST IaIIae, 108,1). Đó là “làm cho con người ra khỏi chính mình để họ phục vụ Thiên Chúa” (ST IIaIIae, 82,4). Tôma lưu ý đến tầm quan trọng của việc không ngừng chú ý đến Mầu nhiệm Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bằng việc chiêm ngắm “tính người” của Đức Kitô, đến việc thấm nhuần sự tốt lành của Thiên Chúa và những yếu kém của con người, để ta sống trong tâm tình tạ ơn mà không tự mãn và như thế luôn ý thức về những lý lẽ khiến ta phục vụ Thiên Chúa (ST IIaIIae, 82,3).

 

Thiết kế Web : Châu Á