Thần học

15-09: "MẸ ĐỨNG - STABAT MATER"

Ngày lễ Đức Mẹ sầu bi, chiêm ngắm hình ảnh MẸ ĐỨNG dưới chân thập giá, người viết có những suy niệm về Mẹ vẫn đứng giữa trời chiều Can-vê nơi thời đại hôm nay:

 

 
MẸ ĐỨNG - STABAT MATER...
(Ga 19, 25- 27)
 
Có thể nói, thảm kịch đồi Calvê ngày xưa khi Đức Giê-su gục đầu tắt thở (chết) thì lúc đó bóng đêm bao phủ địa cầu (x. Lc 23, 44-46) đang xảy ra nơi thế giới ngày hôm nay, khi mà bóng tối sự dữ và tội lỗi đang bao phủ, thì phải chăng Thiên Chúa đã vắng bóng hoặc Thiên Chúa chết rồi?
“Thiên Chúa vẫn sống và hằng sống” – Đó là chân lý mà mọi Kitô hữu phải trả lời và là câu trả lời cho thế giới biết. Tuy nhiên, có thể nói, Thiên Chúa dường như ẩn mặt và vắng bóng trên sự tự do của nhân loại và Thiên Chúa cần những chứng nhân làm cho nhân loại thấy Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện và chờ đợi sự hoán cải của họ.
Hình ảnh của Đức Maria đứng dưới chân thập giá, khi bóng đêm bao trùm trời đất, Thiên Chúa Cha như im lặng và vắng bóng, thì còn đó một con người – một người Mẹ, Mẹ Maria – an ủi xoa dịu nỗi đau của Con mình (x. Ga 19, 25). Người Mẹ đó cũng là Hội Thánh hôm nay, cách riêng là mỗi kitô hữu chúng ta.
 

Nếu đoạn Tin Mừng của Gioan về biến cố Cana trình bày sự chăm sóc từ mẫu của Đức Maria vào lúc khởi đầu công trình thiên sai của Đức Kitô, thì một đoạn khác của Tin Mừng thứ tư này xác nhận vai trò làm mẹ trong bình diện cứu độ của ân sủng đạt tới đỉnh cao, đó là lúc hy tế thập giá của Đức Kitô, cũng là mầu nhiệm vượt qua của Người, được hoàn tất:

“Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, bà Maria vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Maria Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con  của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19, 25- 27).

Đọc kỹ đoạn tường thuật, thoạt đầu chỉ thấy đó là một sự lo lắng của Đức Giêsu dành cho mẹ mình, người mẹ mà Người để lại trong một nỗi đau khổ tận cùng. Thế nhưng, ý nghĩa bản tường thuật này có thể đi xa hơn vì hai lý do: Thứ nhất “môn đệ thương mến” ở đây còn là một ẩn số, không chắc chắn là Gioan, theo các nhà Thánh Mẫu Học thì có thể là một biểu trưng (symbol): người được Chúa Giêsu yêu là nghe và tuân giữ Lời (x. Ga 14, 21)[1]. Mặt khác, nếu trên thập giá, Đức Giêsu chỉ coi Gioan là một cá nhân, thì Đức Giêsu không phải lo, vì Gioan vẫn còn đầy đủ cha mẹ là ông bà Dê-bê-đê. Chính vì vậy, có thể hiểu hình ảnh “người môn đệ được Chúa yêu” là đại diện cho loài người nhận Đức Maria làm mẹ. Thứ hai, trong thứ tự của lời trối, rõ ràng mang ý nghĩa Đức Giêsu chính thức đặt Đức Maria làm mẹ nhân loại hơn là một sự nhờ cậy “người môn đệ thương mến” nhận chăm sóc Đức Maria. Đức Giêsu nói với Đức Maria trước rồi nói với môn đệ sau. Theo lẽ thường nếu muốn gởi gắm Đức Maria cho “môn đệ thương mến” thì Đức Giêsu phải nói với “môn đệ thương mến” trước xem môn đệ có đồng ý không. Như vậy, nghĩa là Đức Giêsu trao cho Đức Maria một sứ mệnh là làm mẹ “môn đệ thương mến” đại diện cho các tín hữu, nghĩa là Đức Maria sẽ là Mẹ của chúng ta, và bản văn Ga 19, 26 là bản văn nền tảng cho tín điều ấy[2].

“Vai trò làm mẹ thật mới mẻ này” của Đức Maria, được thiết lập trong đức tin, là hoa trái của tình yêu “mới mẻ”, một tình yêu thấm sâu vào Mẹ dưới chân thập giá, qua việc Mẹ chia sẻ vào tình yêu cứu độ của Đức Kitô[3]. Chúng ta cùng tìm hiểu hai đặc trưng truyền giáo chủ yếu trong bản văn này: Giờ hiến tế và hiệp thông cứu độ.

 

* Giờ hiến tế: đặc trưng của sự hy sinh.

Phần nghiên cứu này chỉ tập chú đến bản văn được trích dẫn từ Tin Mừng Gioan 19, 25 - 27. Đức Maria trong Tin Mừng thứ tư này nhắc đến chỉ vỏn vẹn có hai lần trong hai hoàn cảnh: tiệc cưới Cana và dưới chân thập gia -Cana và Calvê được nối kết bằng “giờ” hiến tế, giờ tử nạn và là giờ được “tôn vinh”. Việc Đức Giêsu ngỏ lời với Đức Maria dưới chân thập giá, đặt trong một hoàn cảnh hết sức rất long trọng được lồng trong cái chết của Đức Giêsu vào giờ Người được tôn vinh[4]. Chắc chắn sẽ mang một ý nghĩa rất quan trọng đối với tác giả Tin Mừng thứ tư này. Đức Maria hiện diện trong giây phút khai mạc cuộc đời rao giảng và tỏ lộ vinh quang của Đức Giêsu và Mẹ cũng hiện diện trong giây phút Đức Giêsu đưa cuộc đời trần thế đến đỉnh cao của tế hiến mạng sống mình, dâng lên Thiên Chúa vì loài người. Bản văn Ga 19, 26 và Ga 2, 1- 12 như có một sự đối xứng nhau, dường như Đức Giêsu hẹn Đức Maria trong tiệc cưới Cana là “một giờ nào đó hãy đóng vai trò làm mẹ mà xin”. Hôm nay, giờ Đức Giêsu đã đến, đó là “giờ” Người được tôn vinh vì Người đã vâng ý Cha mà chịu hiến tế hy sinh. Đức Maria được liên kết với giờ hiến tế này và trái tim Mẹ cũng chịu hiến tế như lời tiên báo của Simêon là “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Mẹ” (x. Lc 2, 35). Điều này cũng cho thấy Đức Maria là “thiếu nữ Sion” nên cuộc đời của Mẹ sẽ mang dấu ấn của số phận dân Người. Vì là Mẹ Đấng Messia, Đức Maria nằm trong cuộc chiến, chia sẻ mọi đau khổ với con mình. “Lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà” gợi lên lưỡi gươm trong sách ngôn sứ Ezechiel 14, 17, cắt đứt Israel, chỉ còn để lại một “số sót”. Lưỡi gươm nói lên sự đau khổ nội tâm của người mẹ, đau khổ ở đây là đau khổ của người mẹ nhìn người ta ruồng bỏ con mình. Lưỡi gươm trong Ezechiel vừa cắt đứt Israel vừa sinh ra số sót; ngay dưới chân thập giá, Đức Maria là “Mater dolorosa” đau xót vì sự phủ nhận của nhân loại đối với Đức Giêsu, nhìn Con chết tức tưởi, sự cắt đứt này cũng làm cho Mẹ buốt xót, sinh ra “số sót” cho nhân loại, đó là những kẻ tin vào Đức Kitô. Lưỡi gươm đâm thấu lòng Mẹ để Mẹ luôn chia sẻ khổ đau với Con, vừa đứng về phía những kẻ tin vào Đức Giêsu, ôm lấy tất cả vì Đức Giêsu đã gửi gắm tất cả cho Mẹ: “Này là Con của Mẹ”[5]. Giờ phút hiến tế dưới chân thập giá là đỉnh điểm của lời “xin vâng”, và cả cuộc đời xin vâng của Đức Maria hướng về giờ phút hy sinh này. Cùng với Chúa Giêsu, Đức Maria đã chịu sát tế tâm hồn và làm cho lời “xin vâng” viên mãn khi Đức Giêsu kêu lên: “mọi sự đã hoàn tất”.

 

* đặc trưng hiện diện và hiệp thông cứu chuộc.

Sự “đồng công” của Đức Maria vào việc cứu chuộc chưa được Hội Thánh định tín và còn là vấn đề đang được tranh luận giữa một số nhà thần học – ít là nói cách chung – thì không phải về phương diện có cộng tác hay không, nhưng về tầm mức tới đâu trong việc cộng tác.

Có thể tạm xác nhận những điểm sau đây: tâm tư chung của Hội Thánh cho rằng Đức Maria có phần trong việc cứu độ nhân loại, bên cạnh Chúa Cứu thế; - cái phần này không thu hẹp lại trong sự kiện thể lý là Đức Maria đã cho Con Thiên Chúa có bản tính nhân loại để nhờ đó mà cứu chuộc nhân loại, nhưng cái phần đó còn bao hàm một sự phối hợp ý chí, đau khổ và sự hiến thân của Chúa Giêsu và Đức Maria tới mức nào đó; - đến nỗi có thể nói rằng: nhân loại được cứu độ trước hết và chính là bởi Đức Kitô và thứ đến là nhờ sự cộng tác của Đức Maria trong sự tuỳ thuộc vào công việc của Đức Kitô[6].

Để tránh những so sánh thái quá, có thể thay từ “đồng công cứu chuộc” bằng từ “hiệp thông cứu chuộc”. Đức Maria rõ ràng đã đóng vai trò trổi vượt trên bất cứ phàm nhân nào trong sự hiệp thông với Đức Giêsu cứu chuộc. “Hiệp thông cứu chuộc” không phải “tự thân cứu chuộc” mà là cộng tác hoặc tháp nhập vào sự cứu chuộc đó. Chỉ có một mình Đức Giêsu là Đấng Cứu Chuộc duy nhất, nhưng khi sinh hạ Hội Thánh trên thập giá, Đức Giêsu không chỉ có một mình, mà Người còn có Đức Maria đứng dưới chân thập giá, để cùng chia sẻ sự đau khổ và giúp Người chấp nhận hiến dâng. Và sau hết là “hiệp thông cứu chuộc” vì Đức Maria đã tham gia vào công trình sinh hạ Hội Thánh.

Thánh Alberto Cả viết: “Đức Maria đã tham dự vào cuộc khổ nạn để cứu nhân loại. Khi mà những Tông Đồ và môn đệ bỏ trốn, thì Người ở lại đứng dưới chân thập giá và chịu trong lòng những vết thương Chúa Giêsu phải chịu ngoài thân; chẳng phải lúc đó lưỡi gươm đã đâm thấu qua tâm hồn Mẹ sao?”[7]

Chính sự liên kết những đau khổý chí Mẹ với những đau khổ và ý chí của Đức Giêsu, và cũng chính nhờ sự từ bỏ những quyền lợi của một người mẹ mà Đức Maria đã cùng với Đức Giêsu cứu chuộc nhân loại: Sự liên kết những đau khổ của Đức Maria với những đau khổ của Đức Giêsu đã làm cho người nên Mẹ đau thương cũng như Đức Giêsu đau khổ. Có thể nói, Đức Giêsu phải chịu những đau khổ nào trrong thân xác và linh hồn thì Đức Maria cũng phải chịu những đau đớn ấy trong lòng Người. Và cũng như Đức Giêsu đã muốn gánh chịu những đau khổ thể xác và tinh thần tới tột độ khả năng chịu đựng của Ngài, thì cũng như Ngài, Mẹ Ngài cũng phải chịu trong lòng tất cả những đau khổ mà trái tim vô nhiễm Người có thể chịu được. Mặt khác, ý chí của Đức Maria vốn kết hiệp với ý chí của Con, tức là ý chí của người luôn kết hiệp với ý chí Thiên Chúa. Đức Giêsu nhập thể là để hồi phục vinh quang Thiên Chúa và cứu chuộc thế gian bằng cuộc khổ nạn – chết – phục sinh của Ngài. Và Đức Maria cũng muốn cho vinh quang Thiên Chúa và phần rỗi của nhân loại nhờ cùng cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu. Đó là một sự tuân phục tuyệt đối… Ngoài ra, khi dâng hiến người Con thì cũng đồng nghĩa với việc “từ bỏ” quyền lợi của một người mẹ của Người, vì con là lẽ sống của mẹ, lấy mạng sống của con thì chẳng khác nào huỷ lẽ sống của mẹ. Đó là sự dâng hiến cao cả trong việc hiệp thông cứu độ[8].

 

- bóng đêm bao trùm vạn vật

Sau cùng, trên thập giá, lúc Đức Giêsu tưởng chừng như đã bị bỏ rơi hoàn toàn, thậm chí Chúa Cha dường như vắng bóng, thì còn đó Mẹ Ngài đứng dưới chân thập giá như là một động lực cuối cùng nâng đỡ Ngài – Thiên Chúa Cha giờ này đang ở trong sự hiện diện của Đức Maria và Thánh Thần vẫn phủ bóng trên Đức Maria để trợ lực Ngài trong giờ hiến tế… Đó là lời kết cho phần tìm hiểu về biến cố trên đồi Calvê, làm nổi bật lên hình ảnh cao cả nhất của một Đức Maria truyền giáo. Thật vậy, khi Chúa Giêsu tắt thở và bóng đêm bao trùm vạn vật (x. Lc 23, 44-46) thì Đức Maria vẫn hiện diện dưới chân thập giá, những khi thế giới tưởng chừng như vắng bóng Thiên Chúa, thì vẫn còn đó những môn đệ của Ngài hiện diện làm chứng Thiên Chúa vẫn sống trong họ, sống trong những hoạt động đức ái và tinh thần dâng hiến của họ. Đó là hình ảnh đẹp cho những chứng nhân truyền giáo, vì nhân loại ngày hôm nay đang bước đi trong bóng tối và sống như Thiên Chúa đã chết, thì cùng với Đức Maria, các nhà truyền giáo phải là ánh sáng muôn dân cho thấy Thiên Chúa hằng sống.

 

Hiền Lâm.

 

[1] x. Lm. Nguyễn Văn Trinh, THÁNH MẪU HỌC, tr 144.

[2] Tham khảo THẦN HỌC VỀ ĐỨC MARIA của Lm. Hoàng Đắc Ánh, tr 37.

[3] x. Công Đồng Vaticano II, HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM số 54 và ĐTC Gioan Phaolô II, THÔNG ĐIỆP REDEMPTORIS MATER, số 23- 24.

[4] x. Giáo Hoàng Học Viện Pio X – Đà Lạt, ĐIỂN NGỮ THẦN HỌC THÁNH KINH, mục Giờ, tr.146.

[5] x. Lm.  Nguyễn Văn Trinh, THÁNH MẪU HỌC, tr. 124-125

[6] x. E. Neubert, ĐỨC MARIA TRONG TÍN LÝ, tr. 142.

[7] Mariale, t. XXXVII, p. 818.

[8] x. Kathleen Coyle, MARY IN THE CHRISTIAN TRADITION: From a Contemporary penspective.

 
Thiết kế Web : Châu Á