THAM KHẢO

Toàn văn Thông Tư của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích về Chúa Nhật Lời Chúa

Chúa Nhật Lời Chúa, do Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập và được cử hành hàng năm vào Chúa Nhật thứ ba Mùa Thường Niên, [1] nhắc nhở chúng ta, các mục tử cũng như các tín hữu, về tầm quan trọng và giá trị của Sách Thánh đối với đời sống Kitô hữu, cũng như mối quan hệ giữa Lời Chúa và Phụng Vụ.

 

 

Toàn văn Thông Tư của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích về Chúa Nhật Lời Chúa

 

 

Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã ra một Thông Tư vào hôm thứ Bảy 19 tháng 12, khuyến khích các giáo xứ Công Giáo trên khắp thế giới cử hành Chúa Nhật Lời Chúa với sức sống mới.

 

Thông Tư đã gợi ý những cách thức mà người Công Giáo nên chuẩn bị cho ngày dành cho Kinh Thánh.

 

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập Chúa Nhật Lời Chúa qua tông thư “Aperuit illis” (Người mở trí cho các ông) vào ngày 30 tháng 9 năm 2019, nhân kỷ niệm 1,600 năm ngày mất của Thánh Giêrônimô.

 

Chúa Nhật Lời Chúa diễn ra vào Chúa Nhật thứ ba Mùa Quanh Năm, tức là sẽ rơi vào ngày 24 tháng Giêng năm 2021.

 

Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

 

Chúa Nhật Lời Chúa, do Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập và được cử hành hàng năm vào Chúa Nhật thứ ba Mùa Thường Niên, [1] nhắc nhở chúng ta, các mục tử cũng như các tín hữu, về tầm quan trọng và giá trị của Sách Thánh đối với đời sống Kitô hữu, cũng như mối quan hệ giữa Lời Chúa và Phụng Vụ: “Trong tư cách là các tín hữu Kitô, chúng ta là một dân tộc, đang thực hiện cuộc lữ hành xuyên suốt lịch sử, được nâng đỡ bởi Chúa Kitô, đang hiện diện ở giữa chúng ta, là Đấng nói với chúng ta và nuôi dưỡng chúng ta. Một ngày dành cho Kinh Thánh không nên được coi là một sự kiện hàng năm mới có một ngày nhưng là một sự kiện kéo dài cả năm, vì chúng ta cần khẩn trương phát triển sự hiểu biết và tình yêu của mình đối với Kinh Thánh và Chúa Phục Sinh, Đấng tiếp tục nói lời Người và bẻ bánh trong cộng đồng tín hữu. Vì lý do này, chúng ta cần phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn với Sách Thánh; nếu không, trái tim của chúng ta sẽ vẫn lạnh lẽo và đôi mắt của chúng ta vẫn nhắm lại, và bị thương tích như tình trạng của chúng ta hiện nay bởi rất nhiều hình thức mù lòa”. [2]

 

Do đó, Chúa nhật này là cơ hội lý tưởng để đọc lại một số tài liệu của Giáo Hội [3] và đặc biệt là Lời Dẫn Nhập [Praenotanda] của Sách Các Bài Đọc Trong Thánh Lễ [Ordo Lectionum Missae], trong đó trình bày tổng hợp các nguyên tắc thần học, nghi lễ và mục vụ xung quanh Lời Chúa được công bố trong Thánh lễ nhưng cũng có giá trị trong mọi cử hành Phụng Vụ khác (Bí tích, Á Bí tích, Phụng Vụ Giờ kinh).

 

1. Qua các bài đọc Kinh Thánh được công bố trong Phụng Vụ, Thiên Chúa nói với dân Người và chính Chúa Kitô công bố Tin Mừng của Người; [4] Chúa Kitô là trung tâm và là sự viên mãn của toàn bộ Kinh Thánh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. [5] Lắng nghe Tin Mừng, đỉnh cao của Phụng Vụ Lời Chúa, [6] được đặc trưng bởi một sự tôn kính đặc biệt, [7] được thể hiện không chỉ bằng những cử chỉ và lời tung hô, mà bằng chính Sách Tin Mừng. [8] Một trong những khả năng về mặt nghi lễ thích hợp cho Chúa Nhật này có thể là cuộc rước Sách Tin Mừng vào đầu thánh lễ [9] hoặc đơn giản là đặt Sách Tin Mừng trên bàn thờ trước khi chủ tế tiến lên bàn thờ. [10]

 

2. Việc sắp xếp các bài đọc Kinh Thánh được Giáo Hội trình bày trong Sách Bài đọc mở ra con đường để hiểu toàn bộ Lời Chúa. [11] Do đó, cần phải tôn trọng các bài đọc được chỉ định, không thay thế hoặc loại bỏ chúng, và chỉ sử dụng các phiên bản Kinh Thánh được chấp thuận để sử dụng trong Phụng Vụ. [12] Việc công bố các bản văn của các Bài Đọc tạo nên một mối dây hiệp nhất giữa tất cả các tín hữu lắng nghe những Bài Đọc ấy. Sự hiểu biết về cấu trúc và mục đích của Phụng Vụ Lời Chúa giúp cộng đoàn đón nhận lời cứu rỗi của Thiên Chúa. [13]

 

3. Nên hát các Thánh Vịnh Đáp Ca, là lời đáp của Giáo Hội khi cầu nguyện, [14] vì thế chức năng của người hát các Đáp Ca nên được đề cao trong mọi cộng đoàn. [15]

 

4. Trong bài giảng, bắt đầu bằng các bài đọc Kinh Thánh, các mầu nhiệm đức tin và các chuẩn mực của đời sống Kitô được giải thích trong suốt năm Phụng Vụ. [16] “Các mục tử chịu trách nhiệm chính trong việc giải thích Sách Thánh và giúp mọi người hiểu Kinh Thánh. Kinh Thánh là sách của dân Chúa, cho nên, những người được mời gọi là thừa tác viên Lời Chúa phải cảm thấy nhu cầu cấp thiết làm sao cho cộng đoàn có thể hiểu được Lời Chúa”. [17] Các giám mục, linh mục và phó tế phải phát triển dấn thân thực hiện sứ vụ này với sự tận hiến đặc biệt, trong khi vận dụng tất cả các phương tiện do Giáo Hội đề xuất. [18]

 

5. Sự thing lặng có một tầm quan trọng đặc biệt, vì nó tạo điều kiện cho việc suy nhiệm, để Lời Chúa được người nghe tiếp nhận vào nội tâm. [19]

 

6. Hội Thánh luôn quan tâm đặc biệt đến những người công bố Lời Chúa trong cộng đoàn: linh mục, phó tế và những người đọc sách. Thừa tác vụ này đòi hỏi phải có sự chuẩn bị bên trong và bên ngoài cụ thể, làm quen với văn bản sẽ được công bố và phải có những thực hành cần thiết sao cho có thể công bố rõ ràng, tránh mọi hình thức ứng khẩu. [20] Có thể mở đầu bài đọc bằng những lời giới thiệu ngắn và thích hợp. [21]

 

7. Vì tầm quan trọng của Lời Chúa, Giáo Hội mời gọi chúng ta đặc biệt chú ý đến bục đọc sách từ đó Lời Chúa được công bố. [22] Bục đọc sách không phải là một vật dụng nội thất, nhưng là một nơi phù hợp với phẩm giá của Lời Chúa, tương ứng với bàn thờ: thật thế, khi nói đến bục đọc sách chúng ta đề cập đến bàn của Lời Chúa, trong khi bàn thờ được đặc biệt tham chiếu đến bàn của Mình Chúa Kitô. [23] Bục đọc sách được dành riêng cho việc công bố các bài đọc, hát các Thánh Vịnh Đáp Ca và Công bố Tin Mừng Phục sinh (Vinh Tụng Ca); Bài giảng và những ý cầu nguyện phổ quát [lời nguyện giáo dân] có thể được đưa ra từ đó, nhưng việc sử dụng nó cho việc đưa ra các bài bình luận, và thông báo, hay cho việc điều khiển các bài thánh ca thì không thích hợp cho lắm. [24]

 

8. Các sách chứa các bài đọc trong Sách Thánh khơi lên trong những ai lắng nghe sự tôn kính đối với mầu nhiệm Thiên Chúa nói với dân Người. [25] Vì lý do này, chúng tôi yêu cầu phải chăm sóc cẩn thận để bảo đảm rằng những cuốn sách này có phẩm chất cao và được sử dụng đúng cách. Không bao giờ có thể xem là thích hợp để sử dụng các tờ rơi, các bản sao và các hỗ trợ mục vụ khác thay thế cho các sách Phụng Vụ. [26]

 

9. Thật là thích hợp để xúc tiến, vào trước hoặc trong những ngày tiếp theo Chúa Nhật Lời Chúa, các buổi gặp gỡ huấn luyện để nêu bật tầm quan trọng của Sách Thánh trong các cử hành Phụng Vụ; đây có thể là một cơ hội để tìm hiểu thêm về cách Giáo Hội trong các buổi cầu nguyện đọc Sách Thánh với các bài đọc liên tục, bán liên tục [các bài đọc liên tục: continuous readings: chia các sách Cựu Ước ra thành nhiều bài, đọc liên tục từ ngày này sang ngày khác, hết sách này thì sang sách khác. Khác với cách phân bổ này là semi-continuous readings, bán liên tục, đôi khi nhảy sang một sách Cựu Ước khác. – chú thích của người dịch ] và các bài đọc có quan hệ tiên báo [tiếng Anh: Typological Readings, tiếng Ý: Lettura Tipologica, xuất phát từ tiếng Hy Lạp τύπος, nghĩa là định hình, tiền định. Theo tin tưởng chung trong khoa chú giải Kinh Thánh, các sự kiện trong Cựu Ước là những tiên báo sẽ tìm thấy sự ứng nghiệm trong Tân Ước. Thí dụ: ngày Chúa Nhật Mùa Chay Năm A, chúng ta đọc bài Phúc Âm (Ga 4:5-42) thuật lại biến cố Chúa cho người bạn của Ngài là ông Ladagiô chết chôn 4 ngày sống lại. Cùng ngày ấy chúng ta đọc bài trích sách Êdêkiel (Ed 37:12-14) trong đó Chúa loan báo sẽ mở cửa mồ, sẽ kéo nhà Israel ra khỏi mồ và ban cho một cuộc sống mới. Bài đọc trong Cựu Ước có quan hệ “tiên báo” cho bài Phúc Âm và tìm thấy sự ứng nghiệm trong bài Phúc Âm – chú thích của người dịch]. Đồng thời, các cuộc gặp gỡ này cũng giúp giải thích các tiêu chí được áp dụng trong việc phân bổ các bài đọc Kinh Thánh khác nhau trong năm và trong các mùa, cũng như cấu trúc của các bài đọc cho Thánh lễ theo các chu kỳ Chúa nhật [Năm A, Năm B, Năm C] và ngày thường trong tuần [Năm I, Năm II]. [27]

 

10. Chúa Nhật Lời Chúa cũng là một dịp thích hợp để làm sâu sắc thêm mối liên hệ giữa Sách Thánh và các Giờ Kinh Phụng Vụ, việc đọc Thánh Vịnh và các Giờ Kinh, cũng như các bài đọc Kinh Thánh. Điều này có thể được thực hiện bằng cách thúc đẩy cộng đồng cử hành Kinh sáng và Kinh chiều. [28]

 

Trong số rất nhiều vị Thánh, tất cả đều làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, Thánh Giêrônimô có thể được đề xuất như một tấm gương vì tình yêu lớn lao mà ngài dành cho Lời Chúa. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhớ, ngài là “một học giả, một dịch giả và một nhà chú giải Kinh Thánh không mệt mỏi. [Ngài có một] kiến thức sâu rộng về Kinh Thánh, [và] nhiệt tâm muốn làm cho giáo huấn của Kinh Thánh được biết đến. [...] Khi chăm chú lắng nghe Kinh Thánh, Thánh Giêrônimô đã nhận ra chính mình và tìm thấy khuôn mặt của Thiên Chúa và của các anh chị em của mình. Ngài cũng được khẳng định là người có sức thu hút đối với cuộc sống cộng đồng”. [29]

 

Mục đích của Thông Tư này là giúp thức tỉnh, dưới ánh sáng của Chúa nhật Lời Chúa, một ý thức về tầm quan trọng của Sách Thánh đối với đời sống tín hữu của chúng ta, bắt đầu bằng sự cộng hưởng của nó trong Phụng Vụ, là điều giúp chúng ta sống và đối thoại thường xuyên với Chúa. “Lời Chúa, khi được lắng nghe và cử hành, trên hết là trong Bí tích Thánh Thể, sẽ nuôi dưỡng và củng cố nội tâm các Kitô hữu, giúp họ có thể làm chứng xác thực cho Tin Mừng trong đời sống hàng ngày”. [30]

 

Từ Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, ngày 17 tháng 12 năm 2020.

 

 

+ Đức Hồng Y Robert Sarah

Tổng trưởng

 

+ Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche

Thư ký

 

 

Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An

Nguồn: vietcatholicnews.net, 20.12.2020

 

 

_______________________________

 

 

[1] Xem Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông thư dưới dạng tự sắc Aperuit illis, ngày 30 tháng 11 năm 2019.

[2] Đức Thánh Cha Phanxicô, Aperuit illis, n. số 8; Công đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum (Mặc Khải của Thiên Chúa), n. 25: “Vì vậy, tất cả các giáo sĩ phải tôn kính Sách Thánh qua việc siêng năng đọc Sách Thánh và nghiên cứu cẩn thận, đặc biệt là các linh mục của Chúa Kitô và những người khác, chẳng hạn như các phó tế và các giáo lý viên đang thi hành hợp pháp thừa tác vụ Lời Chúa. Điều này phải được thực hiện để không ai trong số họ trở thành ‘người giảng dạy Lời Chúa hời hợt bề ngoài, trong khi bên trong không lắng nghe lời ấy’ vì họ phải chia sẻ sự giàu có dồi dào của Lời Chúa với những tín hữu được trao phó cho họ, đặc biệt là trong phụng vụ thánh. Thánh Công Đồng cũng tha thiết và đặc biệt kêu gọi tất cả các tín hữu Kitô, đặc biệt là các nam nữ tu sĩ, học hỏi bằng cách thường xuyên đọc Kinh Thánh là ‘kho tàng kiến thức tuyệt vời về Chúa Giêsu Kitô’ (Pl 3: 8). “Vì không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”.

[3] Công đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum (Mặc Khải của Thiên Chúa); Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, Tông huấn Verbum Domini (Lời Chúa).

[4] Xem Thánh Công Đồng, các số. 7, 33; Institutio generalis Missalis Romani (IGMR) – Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, số. 29; Ordo lectionum Missae (OLM) - Sách các Bài đọc trong Thánh Lễ, số 12.

[5] Xem OLM, số 5.

[6] Xem IGMR, số 60; OLM, số 13.

[7] Xem OLM, số 17; Caeremoniale Episcoporum, số 74.

[8] Xem OLM, các số 36, 113.

[9] Xem IGMR, các số 120, 133.

[10] Xem IGMR, số 117.

[11] Xem IGMR, số 57; OLM, số 60.

[12] Xem OLM, các số 12, 14, 37, 111.

[13] Xem OLM, số 45.

[14] Xem IGMR, số 61; OLM, số 19-20.

[15] Xem OLM, số 56.

[16] Xem OLM, số 24; Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Sắc lệnh Homiletic Directory (HD) về việc giảng Lời Chúa trong Thánh Lễ công bố ngày 29/06/2014, số 16.

[17] Đức Thánh Cha Phanxicô, Aperuit illis, số 5; HD, số 26.

[18] Xem Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Phúc Âm), các số 135-144; HD

[19] Xem IGMR, số 56; OLM, số 28.

[20] Xem OLM, các số 14, 49.

[21] Xem OLM, các số 15, 42.

[22] Xem IGMR, số 309; OLM, số 16.

[23] Xem OLM, số 32.

[24] Xem OLM, số 33.

[25] Xem OLM, số 35; Caeremoniale Episcoporum (Quy chế cử hành Phụng Vụ dành cho các Giám Mục), số 115.

[26] Xem OLM, số 37.

[27] Xem OLM, các số 58-110; HD, các số 37-156.

[28] Institutio generalis de Liturgia Horarum – Quy chế tổng quát các giờ Kinh Phụng Vụ, số 140: “Theo truyền thống cổ xưa, Sách Thánh được đọc công khai trong phụng vụ không chỉ khi cử hành Thánh Thể mà còn trong các giờ Kinh Phụng Vụ. Việc đọc thánh thư trong phụng vụ có tầm quan trọng lớn nhất đối với tất cả các Kitô hữu vì nó do chính Giáo Hội đưa ra chứ không phải do quyết định hay ý thích của một cá nhân nào. Trong vòng một năm, mầu nhiệm về Chúa Kitô được mở ra bởi Hiền Thê của Ngài […]. Trong các cử hành phụng vụ, lời cầu nguyện luôn đồng hành với việc đọc Sách Thánh”.

[29] Xem Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông thư Scripturae sacrae effectus (Lòng quý mến Kinh Thánh), nhân Kỷ niệm 1600 năm Ngày mất của Thánh Giêrônimô, ngày 30 tháng 9 năm 2020.

[30] Xem Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Evangelii gaudium (Niềm Vui Phúc Âm), số 174.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á