THAM KHẢO

TÌNH BẠN TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN THÁNH HIẾN

Cuộc sống dương thế này rất cần có bạn bè bởi không có ai trên đời là hoàn hảo cả. Ở mỗi con người đều có những điểm mạnh, điểm tốt của riêng mình. Những người bạn quanh ta cũng vậy, ai cũng có những điểm đáng cho ta học hỏi. Hãy mở lòng ra cùng bạn bè và học hỏi những tính tốt, thế mạnh của họ để giúp bản thân tốt hơn từng ngày, diều đó càng đặc biệt hơn trong đời sống cộng đoàn thánh hiến.

 

 

 

TÌNH BẠN TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN THÁNH HIẾN

 

 

M. Leo Nguyễn Thành Trung

 

Trong kinh nghiệm sống của nhiều người, có lẽ không có gì quý trọng hơn tình bạn. Những cụ già và những kẻ gần cái chết thường nói điều làm họ mãn nguyện nhất của đời họ là tình bạn. Chính vì thế, Manzoni thật có lý khi nói: “Một trong những hạnh phúc lớn nhất của đời sống là tình bạn và một trong những hạnh phúc của tình bạn là có người để gửi gắm một bí mật, một tâm tư.” 

 

 

Trong đời tu cũng thế, nhiều lúc cũng cần đến tình bạn để giúp các tu sĩ dấn thân theo Chúa qua hành vi trao ban và dấn thân phục vụ; ngay cả những lúc cảm thấy thử thách, cô đơn, thất vọng vẫn có người để chia sẻ, cảm thông và nâng đỡ. Thánh Augustino đã nói: “Tình bạn là một điều tốt đẹp không thể thiếu trong cuộc sống con người. Những người bạn của chúng ta là những món quà Thiên Chúa ban cho chúng ta vì ý định quan phòng (họ hiện hữu bởi vì chúng ta cần họ). Con đường nên thánh hay sống viên mãn đời tu sẽ dễ dàng hơn khi có nhiều người bạn bên ta giúp đỡ ta, cùng đồng hành với ta bước qua những gian nan vất vả của đời sống thánh hiến.

 

 I. ĐÔI NÉT VỀ TÌNH BẠN

 

1. Định nghĩa

 

a. Cộng đoàn thánh hiến

Theo tông huấn Vita Consecrata của Đức thánh cha Gioan Phaolô II năm 1996: “Đời sống cộng đoàn thánh hiến là cách sống của những người được Đức Giêsu kêu gọi và được tình yêu của Người đỡ nâng để hình thành một gia đình mới để sống và làm chứng cho tình yêu của Chúa. Bản thân cộng đoàn thánh hiến là một gia đình được thống nhất trong danh Thiên Chúa. Nơi đây, họ có thể cảm nghiệm được Thiên Chúa một cách đặc biệt dẫn đến sự tròn đầy và liên đới với những người xung quanh.”

Còn John Lozano mô tả: “Cộng đoàn thánh hiến là một nhóm người Kitô hữu được kêu gọi sống độc thân và giao phó đời mình cho nhau để sống thành một cộng đoàn, cùng nhau tìm Chúa và chia sẻ đời sống vật chất với nhau”. Nói cách khác, cộng đoàn thánh hiến là hoa trái của tiếng gọi thần thiêng.

 

b. Tình bạn

 

- Nghĩa từ ngữ

 

Bạn là những người quen biết và có quan hệ gần gũi, thân thiện với nhau. Tình bạn là tình cảm gắn bó của một người (hoặc nhiều người) cùng lứa tuổi hoặc chênh lệch nhau về tuổi tác biết quan tâm, giúp đỡ và đồng cảm. Bạn là một người mình có thể tin tưởng để chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn. Cách cụ thể, tình bạn là một phạm trù xã hội dùng để chỉ mối tương quan giữa người với người khi giữa họ có những nét tương đồng về tâm tư, tình cảm, quan điểm hay hoàn cảnh, hoặc tình bạn cũng được nảy sinh giữa những người hợp tính, hợp ý, cùng cảnh ngộ, cùng chí hướng… Họ có thể chia sẻ, đồng cảm, an ủi và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Bạn có thể là: bạn đời, bạn tình, bạn tri kỷ, bạn nối khố, bạn học, bạn đồng hương, bạn đồng lứa, bạn chiến đấu, bạn đồng nghiệp…

 

- Nghĩa thiêng liêng

 

Ngoài những tình bạn tự nhiên như trên, con người cũng có tương quan tình bạn thiêng liêng. Đó là tình cảm của những người bạn không chỉ giúp đỡ chúng ta về nhu cầu vật chất, nâng đỡ nhau về mặt tinh thần mỗi khi chúng ta gặp khổ đau, vấp ngã… nhưng hơn thế nữa, họ luôn đồng hành, chia sẻ, dẫn dắt, chỉ bảo… để chúng ta có thể thăng tiến trên con đường nên thánh.

 

2. Phân loại tình bạn

 

Aristote nhận dạng có 3 loại tình bạn:

1. Tình bạn về lợi ích, ở đó quan hệ này được hình thành quanh tác vụ và dự án.

2. Tình bạn về sự vừa ý, nơi họ có một điểm gì đó chung mà cả hai cùng thích thú hoặc chơi với nhau.

3. Tình bạn của những nhân đức, thật sự ước muốn điều tốt đẹp cho người khác. Aristote nhận định: “Bạn là người làm cho người kia cái mà mình tin là điều tốt cho người kia.” Và đây chính là loại tình bạn mà các động đoàn thánh hiến luôn nhắm tới.

 

3. Đặc điểm của tình bạn

 

Những đặc điểm dưới đây được xem như là những đặc điểm thiết yếu đối với tình bạn chân thành và sâu sắc:

 

a. Sức hấp dẫn

 

Có một điều gì đó nơi người khác thu hút sự chú ý của chúng ta và kéo chúng ta đến với họ. Có thể là vẻ bên ngoài, một cái gì đó đó đơn giản như là cách họ mỉm cười hoặc giao tiếp. Chúng ta có thể bị lôi cuốn đến với họ bởi quan điểm của họ về cuộc sống hoặc bởi cách họ đối xử với người khác. Điều này làm cho tình bạn trở nên có sự ưu ái đặc biệt và có chọn lựa. Chúng ta không phải là bạn của mọi người bởi vì chúng ta bị thu hút đến với số người này hơn với số người kia và đến với một số chứ không phải là tất cả.

 

b. Sự giống nhau

 

Trong Tông huấn Đức Kitô hằng sống, Đức thánh cha Phanxicô nhận định: “Tình bạn không phải là mối liên hệ thoáng qua hoặc tạm thời, mà là mối liên hệ ổn định, bền bỉ, chung thủy, và trưởng thành với thời gian. Một mối tương quan tâm cảm kết nối chúng ta xích lại gần nhau, và một tình yêu quảng đại giúp ta tìm kiếm điều tốt đẹp của bạn mình. Bạn bè có thể khá khác biệt với nhau, nhưng họ luôn luôn có những điểm chung kéo họ lại gần nhau hơn trong sự cởi mở và tin tưởng lẫn nhau.” Những người bạn thường có sự giống nhau về sở thích hay tính cách nào đó để rồi khi chúng ta ở với người chúng ta thích, thời gian qua mau, và chúng ta có thể thư giãn và là chính mình với họ trong cách thức mà chúng ta không bao giờ có khi ở với người khác.

 

c. Cùng nhau

 

Như đã đề cập ở trên, những người bạn thích ở bên nhau và trải qua thời gian với nhau. Một trong những dấu chỉ của quan hệ lành mạnh là những người bạn đó thích những người bạn của nhau và nhận thấy họ được nâng lên khi họ ở với nhau. Những người này chia sẻ và cười, nói với nhau bằng những cách hiếm khi xảy ra trong khung cảnh khác của đời họ. Ở với người bạn làm cho mọi sự trở nên thú vị, ngay cả những công việc bình thường và trần tục nhất của cuộc sống như đi mua sắm, nấu nướng, học hành, làm vệ sinh, đi xem phim hoặc ăn uống…

 

d. Tự đo

 

Linh mục Thái Nguyên nhận định: “Tình bạn không bị ràng buộc, không bị độc chiếm… Những gì mình làm cho bạn là làm với tất cả sự tự do và yêu thương, không bị áp lực bởi bất cứ lý do nào.” Hay nói cách khác, tình bạn không phải là sự gắn bó quá mức hoặc sở hữu nhưng là tự do. Cũng tương đồng như thế, tình bạn trong cộng đoàn thánh hiến không chấp nhận mọi hành vi độc chiếm, muốn anh chị em đó là của riêng mình. Tình bạn được khuyến khích giữa anh chị em với nhau nhưng không khuyến khích sự tách bè tách nhóm hay thương riêng với những mối quan tâm lệch lạc.

 

e. Thiện ý

 

Thiện ý nghĩa là những người bạn muốn điều tốt nhất cho nhau và được ủy nhiệm để tìm kiếm điều tốt của nhau. John Lozano khẳng định: “Những người bạn của chúng ta không chỉ ước muốn những điều tốt nhất cho chúng ta, họ cũng cam kết giúp chúng ta hoàn tất chúng.” Mỗi tình bạn đòi hỏi sự tận tụy hết lòng với điều tốt của người khác và sự tận tụy này đòi hỏi thời gian, sức lực, sự sáng tạo và thái độ ân cần.

 

II. TẦM QUAN TRỌNG CỦA TÌNH BẠN TRONG CỘNG ĐOÀN THÁNH HIẾN

 

Cuộc sống dương thế này rất cần có bạn bè bởi không có ai trên đời là hoàn hảo cả. Ở mỗi con người đều có những điểm mạnh, điểm tốt của riêng mình. Những người bạn quanh ta cũng vậy, ai cũng có những điểm đáng cho ta học hỏi. Hãy mở lòng ra cùng bạn bè và học hỏi những tính tốt, thế mạnh của họ để giúp bản thân tốt hơn từng ngày. Dưới đây là một vài tầm quan trọng của tình bạn trong cuộc sống:

 

1. Trong học tập, bạn bè cùng nhau tương trợ, cùng tiến bộ trong tri thức.

 

2. Trong việc rèn luyện nhân cách, bạn bè chân thành chỉ ra những sai lầm, hạn chế của nhau để khắc phục. Họ là người gắn bó với ta từng ngày. Họ cũng cùng ta làm những công việc gần gũi nhau, tất hiểu ta nhiều. Bởi thế, họ sẽ nhìn thấy những hạn chế hoặc lỗi lầm mà ta không nhìn thấy được. Từ đó, có lời khuyên bảo đúng đắn và kịp thời.

 

3. Trong công việc, bạn bè sẽ cùng ta bàn bạc phương pháp làm việc và tìm kiếm giải pháp tốt nhất. Từ trong công việc sẽ đúc rút kinh nghiệm để đạt hiệu quả cao trong công việc. Ý kiến chân thành của bạn bè giúp ta hoàn thiện những dự định, những kế hoạch của cuộc đời.

 

4. Khi ở cùng bạn thân, ta mới cảm thấy tự tin, thoải mái, là chính mình. Ta được làm những điều mình thích, được thử những thứ mình yêu. Bên cạnh đó, chính bạn bè là những người hiểu ta nhất. Bạn bè sẽ luôn tin tưởng ta, động viên ta tiếp tục theo đuổi những ước mơ, đam mê của bản thân mình.

 

5. Trong tình cảm, bạn bè sẻ chia tình cảm vui buồn, chắp cánh ước mơ trong cuộc sống. Tình bạn sẽ tạo nên sức mạnh tinh thần để vui sống. Tình bạn chân thành mang lại hạnh phúc cho con người. Giáo sư Robert khẳng định: “Tình bạn và các mối quan hệ hài hòa giữa con người với người khác là yếu tố quan trọng nhất mang lại hạnh phúc cho con người”.

 

6. Trong cuộc đời, chúng ta khó tránh khỏi những lúc khó khăn, hay những lần vấp ngã. Những lúc này, bạn bè chính là những người cùng ta chung vai sát cánh vượt qua mọi nghịch cảnh. Câu chuyện về những người bạn của ông Gióp là một ví dụ rất đáng được trân trọng và thán phục. Khi nghe tin Gióp gặp tai họa, họ đã từ xa kéo đến chia buồn và an ủi ông. Khi nhìn thấy thân thể tiều tụy của Gióp, những người bạn này đã bật khóc; họ xé áo mình ra và rắc tro lên đầu. Họ ngồi xuống im lặng bên cạnh ông suốt bảy ngày bảy đêm. Chính trong sự thinh lặng này, họ đã bày tỏ một sự liên đới hiệp thông tình bạn sâu sắc với ông Gióp. Đối với họ, sự hiện diện bên cạnh bạn hiền đáng giá hơn ngàn vạn lời nói. (x. G 2).

 

7. John W. Crossin: “Tình bạn là cốt lõi của việc phát triển nhân đức của chúng ta – trưởng thành đạo đức và thiêng liêng của chúng ta… Chúng ta chia sẻ mức độ đa dạng về tình bạn suốt cuộc đời chúng ta và trong những điều này, chúng ta cần những người bạn thiêng liêng giúp đỡ chúng ta nên thánh.” Bởi vì, qua tình bạn, chúng ta sẽ biết cách chống trả lại tội ác quanh ta và có một cái nhìn quảng đại và tôn trọng nhau như viện phụ Aelredo khẳng định rằng: “Tình bạn là con đường đưa ta đến gần Thiên Chúa.”

 

8. Trong Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống (Christus vivit), Đức giáo hoàng Phanxicô đã nói: “Tình bạn là một trong những quà tặng của cuộc sống và là một ơn thánh của Thiên Chúa. Qua bạn bè của chúng ta, Chúa rèn luyện chúng ta và dẫn chúng ta đến sự trưởng thành. Những người bạn trung thành, những người luôn luôn sát cánh bên chúng ta trong những lúc khó khăn, cũng là một phản chiếu của tình yêu Chúa, là sự hiện diện dịu dàng và đầy an ủi của Người trong cuộc sống chúng ta. Kinh nghiệm tình bạn dạy chúng ta cởi mở, thấu hiểu và quan tâm đến người khác, thoát ra khỏi sự cô lập của chính mình và chia sẻ cuộc sống của mình với người khác.” Vì thế, tình bạn như thế hỗ trợ sự trung thành và kiên định, khuyến khích sự thành thật và biết mình, và làm vững mạnh cho cả cá nhân lẫn cộng đoàn. Tuy nhiên, trong thực tế của cuộc sống, con người thường gặp những thách đố hay cản trở sự duy trì và phát triển của “tình bạn”. Vậy những thách đố đó là gì?

 

III. NHỮNG THÁCH ĐỐ - CẢN TRỞ CỦA TÌNH BẠN

 

1. Lối sống khép kín

 

Điều khó khăn nhất của tình bạn là lối sống khép kín. Người sống khép kín thường do bị tổn thương tâm lý, họ sống khép mình để mọi người không để ý đến họ, để nỗi đau không bị đụng chạm; hay chính là vì họ là những người tìm kiếm được nguồn vui riêng cho bản thân. Họ chìm đắm trong thế giới riêng của họ, nơi có các trang mạng xã hội mà không gì là không có như facebook, zalo, các trò chơi điện tử… Họ dường như không muốn có quá nhiều người, quá nhiều mối quan hệ trong cuộc sống, thậm chí ngay cả những mối quan hệ tối thiểu họ cũng không cảm thấy cần thiết nữa. Từ đó, có thể dẫn họ đi tìm sự bù trừ từ những mối tương giao không mấy tốt đẹp ở bên ngoài; tìm những thông tin không mấy thích hợp, để như một sự bù đắp cho một tâm hồn trống vắng Thiên Chúa, trống vắng tình bạn. Đó là những nguy cơ làm cho sự hiệp thông và tình bạn trong cộng đoàn dễ bị bế tắc và đổ vỡ.

 

2. Chủ nghĩa cá nhân

 

Tình bạn gặp nguy hiểm bởi chủ nghĩa cá nhân cao. Chủ nghĩa này dạy chúng ta đặt chúng ta và nhu cầu của chúng ta lên trên nhu cầu và lợi ích của người khác, cũng như của cộng đoàn. Nó được giới trẻ Việt Nam đón nhận một cách dễ dàng bởi họ chỉ chú ý đến việc kiếm tiền, cạnh tranh, thờ ơ với lợi ích chung và hướng tới chủ nghĩa cá nhân. Chính vì vậy mà Paul Wadell, một nhà xã hội học đã nhận định: “Một người mà mối bận tâm chính yếu của họ là quyền cá nhân và phúc lợi cá nhân là một ứng sinh nghèo nàn đối với tình bạn.”

 

3. Sự thiếu hiện diện

 

Những sinh hoạt thường ngày trong đời sống cộng đoàn thánh hiến diễn tả rõ nhất sự gặp gỡ và liên đới với nhau qua các giờ sinh hoạt chung của cộng đoàn. Thế nhưng, vì lý do nào đó mà ta hiếm khi tham dự, và điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình bạn. Bởi chăng, tình bạn đòi hỏi chúng ta không hấp tấp vội vàng nhưng ở với nhau đủ lâu để hiểu nhau và để khám phá ý nghĩa của cuộc sống. Hiện diện với người khác là cho đi chính mình một cách đơn giản, tự do và trọn vẹn nhất như chúng ta là. Một dấu chỉ của quan hệ lành mạnh là những người bạn này vui sướng bầu bạn với nhau và họ cảm thấy được nâng lên khi họ ở bên nhau. Tính cách xã hội luôn gắn liền với con người là sống cùng, sống với và sống cho người khác.

 

IV. NHỮNG PHƯƠNG THẾ ĐỂ DUY TRÌ VÀ THĂNG TIẾN TÌNH BẠN

 

1. Yêu bạn

 

Sydney Smith đã viết như thế này: “Tình bạn giúp cuộc sống thêm bền vững. Yêu thương và được yêu thương là niềm hạnh phúc lớn lao nhất trên thế gian này.” Bất kỳ một tình bạn nào trên trần gian này được cho là tốt thì phải có tình yêu trong đó. Ai không yêu bạn thì không làm điều tốt cho bạn được. Triết gia Aristote cũng nói: “Chúng ta có thể trở thành bạn tốt của một người khi luôn muốn những điều tốt đẹp đến với người ấy, đặt lợi ích của người ấy lên trên lợi ích của mình, luôn nhường nhịn hết lòng vì người ấy.” Tình yêu là chất xúc tác và điều kiện cần có để tình bạn được thăng hoa, khiến cho cả hai trở nên tri kỷ và thấu hiểu nhau.

 

Ngoài ra, yêu bạn trong cộng đoàn thánh hiến còn đòi hỏi một điều cần thiết này nữa như lời thánh Augustino nói: “Ai thực sự yêu bạn mình là người yêu Thiên Chúa ở trong người bạn của mình, bởi vì Thiên Chúa sống trong người ấy hoặc vì người ấy sống trong Ngài.”  (Bài giảng 361). Tình yêu Thiên Chúa phải trở thành nguồn mạch và nguyên lý cùng đích của tình bạn. Khi chúng ta tâm niệm rằng Thiên Chúa ở trong con người bạn thì chúng ta sẽ không dám xúc phạm đến bạn, không làm điều gì xấu khiến bạn buồn, không lấy bạn làm công cụ để hưởng lợi hay sử dụng bạn như con cờ để hạ bệ người khác. Yêu bạn thực sự là yêu Thiên Chúa trong con người của bạn! Đây là điểm đặc biệt của tình bạn Kitô giáo và nâng tình bạn lên một tương giao mới chứa đầy tinh thần bác ai và vị tha.

 

Bên cạnh đó, tình bạn chân thành hệ tại ở việc chúng ta luôn cầu nguyện cho nhau. Vì chỉ qua lời cầu nguyện, chúng ta dâng lên Thiên Chúa những khó khăn vượt sức con người để Thiên Chúa toàn năng thể hiện uy quyền. Cho nên, cầu nguyện là điều cần thiết cho tình bạn. Cầu nguyện trở thành phương thức thanh luyện, tăng cường và đào sâu tình bạn đích thực.

 

2. Trung thành và Tin tưởng lẫn nhau

 

Paul J. Wadell đã nhận định: “Tin tưởng và trung thành là nhân đức chính yếu đối với tình bạn và không gì tổn thương tình bạn hơn là sự phạn bội và bất trung.” Quả thật, những người bạn tốt nhất là những người được Thiên Chúa liên kết, họ hiện hữu bởi vì chúng ta cần họ và tình bạn bao gồm cả con người: cuộc sống, suy nghĩ, hy vọng và những ước mong của con người, do đó, tình bạn đòi hỏi sự trung thành. Thánh Anselmo cũng đồng ý với ý tưởng này khi nói: “Sự trung thành là giao ước căn bản của tình bạn.”

 

Trong tương quan bạn hữu, ngoài tình yêu dành cho nhau thì yếu tố tin tưởng lẫn nhau là điều rất đỗi cần thiết để xây dựng tình bạn vững bền. Bởi chăng, tình bạn sẽ ở bên bờ vực thẳm của sự chia rẽ, thậm chí trở thành thù địch nếu người ta nghi ngờ nhau. Do đó, hành trình đi đến sự tin tưởng đòi hỏi những người bạn phải chân thành với nhau. Nói tóm lại, yêu bạn là yếu tố để tình bạn thêm sâu đậm, nhưng tin tưởng và trung thành là hai yếu tố để duy trì tình bạn lâu dài.

 

3. Chân thành với nhau

 

Thánh Jeronimo nhận định: “Một tình bạn mà có thể kết thúc thì không bao giờ là tình bạn chân thành. Vậy nên, nếu tin tưởng là từ ngữ đầu tiên của tình bạn, thì từ ngữ tiếp theo là sự chân thành. Trong tình bạn, chúng ta chấp nhận một sự quấy rầy khi cần thiết. Tình bạn chân thật, không phân biệt cấp bậc, không có sự ngăn cách giàu nghèo, nông thôn hay thành thị. Hơn nữa, chân thành là chấp nhận chính con người của bạn: bạn xấu hay đẹp, thông minh hay dốt nát thì bạn vẫn là bạn. Trong con người đó luôn có những nét đẹp riêng mà người khác không thể có được và chân thành tôn trọng nét độc đáo của bạn. Do đó, chân thành với bạn là tôn trọng sự thật. Chân thành với bạn hữu cũng có nghĩa là trung thực với bạn bè, không giấu diếm bạn điều gì, không lừa dối bạn, vì lừa dối bạn là lừa dối chính mình với Thiên Chúa. Thánh Augustino đã nói: “Không ai là bạn của người khác nếu không là bạn của sự thật.”

 

4. Cần sự hiện diện

 

Tình bạn thực sự là một cuộc giao tiếp về tất cả những điều mà chúng ta là. Do đó, sự hiện diện chính là nền của sự trao đổi, đối thoại và giao tiếp. Bởi chăng, thông qua sự hiện diện thì chính sự cởi mở của người này sẽ dẫn đến sự cởi mở của người kia. Chính vì lý do này mà William Beatie đã nói: “Việc hiện diện với người khác là để trao ban chính mình một cách đơn giản, tự do và hoàn toàn như chúng ta là. Chình sự hiện diện này nói lên sự quan tâm, yêu thương và chăm sóc mạnh hơn bất cứ ngôn từ nào.” Và sự hiện diện cụ thể và thiết thực nhất là ở đâu nếu không phải là qua các bữa ăn, các giờ giải trí, các cuộc họp mặt - gặp gỡ trong các giờ nói chuyện chung hay các giờ hội tối của cộng đoàn, các giờ lao động chung và qua các giờ cầu nguyện trong suốt hành trình ơn gọi của chúng ta? Bên cạnh đó thì việc:

 

5. Dành thời gian cho nhau cũng không kém phần quan trọng

 

Linh mục Thái Nguyên viết: “Tình bạn là cái gì mật thiết, nên cần có thời giờ ngồi bên nhau để chia sẻ những khó khăn, ưu tư, nguyện vọng, cũng như những trăn trở, thao thức về những vấn đề trong cuộc sống của nhau. Cần nhạy bén nắm bắt những tâm tư của nhau hơn là những lời lẽ bên ngoài. Ngoài việc đồng cảm với nhau, còn phải tìm ra những phương thức hành động hữu hiệu để trợ lực cho nhau. Điều này phải hy sinh thời gian và công sức rất nhiều, quảng đại và dấn thân rất lớn. Nhưng rồi ta sẽ gặt những gì mình gieo khi biết sống tình bạn như vậy.” Khi dành thời gian cho nhau, chúng ta dành cho người ấy có chỗ trong trái tim mình. Bởi vì, nếu không có những giờ khắc dành cho nhau, thì làm sao chúng ta có thể nghe được nỗi lòng của nhau, cảm được giọt mồ hôi và nước mắt của nhau? Khi là bạn của nhau, người ta thường hướng về nhau, tạo điều kiện để gặp gỡ nhau. Tình bạn sẽ nhạt phai, không được nuôi dưỡng, một khi thời gian gặp gỡ này thưa dần và tắt hẳn. Thế nhưng làm thế nào để việc dành thời gian cho nhau sẽ không đi quá giới hạn hay lệch lạc trong một cộng đoàn thánh hiến? Thưa đó là:

 

6. Luôn sống trước sự hiện diện của Chúa

 

Thánh Phêrô Khả Kính nhấn mạnh: “Đức Kitô là Đấng trung gian, tâm điểm giữa hai người bạn.” Chúng ta cần tình bạn này, vì tình bạn này sẽ hỗ trợ chúng ta trong cuộc sống trong Đức Kitô, không những không kéo chúng ta ra khỏi đó mà còn làm cho những người bạn của chúng ta trưởng thành trong tình bạn của Chúa qua tình bạn của họ. Trong tình bạn thâm sâu của mình, Jonathan và David luôn ý thức có Thiên Chúa ngự giữa họ. Jonathan, trong khi nói về quan hệ của mình với David, đã nói: “Đức Chúa sẽ ngự giữa anh và tôi” (1 Sm 20, 23). Bởi vì họ luôn thâm tín rằng chỉ khi Thiên Chúa ngự giữa họ thì tình bạn mới chân thành, trong sáng và vô vị lợi, không bả vinh hoa phú quý nào đánh đổi được, kể cả ngai vàng của Jonathan (x. 1 Sm 20,42). Tác giả Maclaren đã viết: “Không có trang sử hoặc thơ ca nào đẹp hơn trong câu chuyện nói về tình bạn hữu của người thừa kế ngai vàng dành cho nhà vô địch trẻ, người mà Jonathan có khá nhiều lý do để xem như là kẻ thù.” Do đó, như những môn đệ của Đức Giêsu, tu sĩ nam nữ phải ý thức hơn rằng Thiên Chúa ở giữa họ - những người được nên một trong Đức Kitô. Người soi sáng và hướng dẫn họ bằng chính Thần Khí của Người để họ có thể hành động sao cho xứng hợp.

Nói tóm lại, để có được một tình bạn tốt lành và trung tín, chúng ta phải nuôi dưỡng mối liên hệ đó bằng sự chân thực, trung thành và tình yêu thương cách vô điều kiện và bền bỉ, biết chăm sóc và hy sinh cho nhau. Đó là thứ tình yêu như Đức Giêsu đã dạy và đã thực hành: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,12-13). Hay đúng hơn thì tình yêu theo phong cách Giêsu là tình yêu vô vị lợi, yêu cả kẻ thù và yêu cho đến cùng.

 

KẾT LUẬN

 

“Nếu một ngày nào đó, bạn cảm thấy thật buồn và muốn khóc…. hãy gọi cho tôi. Tôi không hứa sẽ làm cho bạn cười, nhưng biết đâu tôi sẽ khóc cùng bạn.

Nếu một ngày nào đó bạn cảm thấy vô cùng đơn độc… hãy gọi cho tôi. Tôi sẽ đến bên bạn, chỉ để im lặng không nói một lời, nhưng tôi muốn bạn biết rằng luôn có tôi bên cạnh.

Nếu một ngày nào đó bạn phân vân trước quyết định của mình, hãy gọi cho tôi. Tôi sẽ không quyết định thay bạn, nhưng có thể giúp bạn vững tâm hơn trước sự lựa chọn của mình.

Nếu một ngày nào đó bạn gặp thất bại trong công việc, hãy gọi cho tôi. Tôi sẽ không đem lại cho bạn một công việc mới, nhưng tôi sẽ giúp bạn tìm thấy một cánh cửa khác của sự thành công.

Nếu một ngày nào đó bạn vô cùng đau khổ vì phạm phải sai lầm, hãy gọi cho tôi. Tôi không thể sửa chữa sai lầm đó, nhưng tôi có thể giúp bạn nhận ra rằng những sai lầm sẽ giúp bạn trưởng thành và tự tin hơn.

Nếu một ngày nào đó, bạn lo sợ những điều tốt đẹp sẽ qua đi, hãy gọi cho tôi. Tôi sẽ không níu giữ chúng lại, nhưng tôi giúp bạn hiểu rằng mọi việc đều có những điểm khởi đầu và kết thúc.

Nếu một ngày nào đó bạn trở nên bế tắc và tuyệt vọng, hãy gọi cho tôi. Tôi không hứa sẽ làm bạn quên đi tất cả, nhưng tôi có thể giúp bạn tìm lại niềm tin trong cuộc sống.

Nhưng một ngày nào đó, bạn gọi mà không thấy tôi trả lời. Bạn hãy đến bên tôi, vì lúc đó tôi đang cần bạn!” (Thanh Tâm, Theo My Friend, Forever).

 

Cha John W. Crossin khẳng định: “Cộng đoàn, tình bạn và sự trưởng thành thiêng liêng luôn luôn song hành với nhau.” Bởi vì, cộng đoàn thánh hiến trước tất cả là sự hiệp thông trong Chúa. Họ cùng nhau đến với Chúa trong sự hiệp thông và giúp đỡ nhau để hoàn tất hành trình ơn gọi của nhau. Không có tình bạn, người tu sĩ không thể trung thành với đặc sủng, linh đạo và sứ mạng của họ. Họ cần những người bạn nâng đỡ họ trên hành trình ơn gọi của họ, ở với họ suốt giai đoạn nghi ngờ và chán nản, và để chỉ cho họ làm thế nào để thực hiện đến cùng ơn gọi của họ với sự chân thành, say mê và hy vọng. Tình bạn làm cho người ta tốt hơn bởi vì công việc nền tảng của tình bạn là tìm kiếm điều tốt đẹp cho người bạn của họ. Vì thế, đối với người thánh hiến không có vấn đề gì khác hơn là giúp nhau bắt chước Đức Kitô, lớn lên trong sự thánh thiện và tìm thấy niềm vui trong khi làm như thế.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á