THAM KHẢO

THẦN HỌC KINH VIỆN VÀ THẦN HỌC ĐAN VIỆN

Có hai nơi đã diễn ra những hoạt động thần học sôi nổi này là đan viện và trường của nhà thờ chính tòa thuộc thành phố, hay còn gọi là “scholae”; một số các trường này sau đó phát triển thành những trường đại học, đó là một trong những “phát minh” tiêu biểu của thời Trung cổ Kitô giáo. Căn cứ vào hai nơi này, đan viện và “scholae”, người ta có thể nói về hai hình thức khác nhau của thần học: “Thần học đan viện” và “Thần học kinh viện”.

 

 

 

THẦN HỌC KINH VIỆN VÀ THẦN HỌC ĐAN VIỆN

 

 

Tác giả: Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI

Nguồn: vatican.va

Chuyển ngữ: M. Phaolô TG Bùi Văn Dư

 

Anh chị em thân mến!

 

Hôm nay, tôi muốn làm sáng tỏ một giai đoạn lịch sử đầy thú vị liên quan đến sự nở rộ của nền thần học Latinh thế kỷ XII, trong đó gặp thấy hàng loạt sự trùng hợp ngẫu nhiên theo thánh ý Chúa. Trong thời gian này, ở những quốc gia Tây âu đã đạt được nên hoà bình tương đối, nên đã đảm bảo cho cho xã hội phát triển kinh tế cũng như ổn định cơ cấu chính trị và củng cố những sinh hoạt văn hoá sống động nhờ giao lưu với Đông phương. Trong nội bộ Giáo hội, những lợi ích của các hoạt động rất phong phú mang tên “Cải cách Gregorian”, được thúc đẩy mạnh mẽ từ thế kỷ trước, đã được thực hiện và đem lại cho đời sống cộng đoàn Giáo hội và đặc biệt nơi hàng giáo sỹ sự trong sạch hơn theo tinh thần Phúc âm, cũng như trả lại cho Giáo hội và Giáo hoàng quyền tự do hành động thật sự. Ngoài ra, nó còn lan toả một sự đổi mới thiêng liêng rộng lớn được thực hiện bởi sự phát triển rầm rộ của đời sống thánh hiến: Các dòng tu mới đã xuất hiện và lan rộng, trong khi các dòng tu khác đã hiện hữu, luôn có sự lớn lên đầy hứa hẹn.

 

Nền thần học cũng vì thế mà tái nở rộ, bằng cách giành lại nhận thức sâu sắc hơn về bản chất của mình: Nó tu chỉnh phương pháp nghiên cứu, giải quyết những vấn đề mới nảy sinh, đạt được những tiến bộ trong việc nghiên cứu mầu nhiệm của Thiên Chúa, trước tác ra những tác phẩm vĩ đại, gợi hứng cho những sáng kiến văn hoá quan trọng từ nghệ thuật đến văn học và dọn đường cho những tác phẩm vĩ đại của những thế kỷ sau này, thế kỷ của Thomas Aquino, của Bonaventura Bagnoregio. Có hai nơi đã diễn ra những hoạt động thần học sôi nổi này là đan viện và trường của nhà thờ chính tòa thuộc thành phố, hay còn gọi là “scholae”; một số các trường này sau đó phát triển thành những trường đại học, đó là một trong những “phát minh” tiêu biểu của thời Trung cổ Kitô giáo. Căn cứ vào hai nơi này, đan viện và “scholae”, người ta có thể nói về hai hình thức khác nhau của thần học: “Thần học đan viện” và “Thần học kinh viện”. Người đại diện cho trường phái Thần học đan viện là các đan sĩ, chủ yếu là các viện phụ, những người được phú bẩm sự thông thái siêu vời và lòng nhiệt thành bừng cháy cho Tin Mừng, các ngài đã hoàn toàn tận hiến đời mình để đánh thức và nuôi dưỡng lòng khát khao yêu mến Thiên Chúa. Đại diện của nền Thần học kinh viện là những con người đầy uyên bác say mê nghiên cứu, nên được gọi là “magistri”, họ mong muốn chứng minh tính hữu lý và hợp lẽ phải của những mầu nhiệm thuộc Thiên Chúa và con người, những điều được đón nhận bằng đức tin nhưng cũng được hiểu bằng lý trí. Sự khác biệt về mục đích đã cho thấy sự khác biệt về phương pháp và cách thức làm thần học của mỗi hệ phái.

 

Trong các đan viện của thế kỷ 12, phương pháp thần học chính yếu được liên kết với việc giải thích Kinh Thánh, “sacra Pagina”, để trình bày cho chúng ta cũng như cho các tác giả thời đó. Nó đã trở thành một nền thần học Kinh Thánh chuyên biệt. Điều đó có nghĩa các đan sĩ là những người say mê đọc và lắng nghe Kinh Thánh, và một trong những bận tâm lớn của đan sĩ là việc lectio divina, tức là việc đọc cầu nguyện bằng Kinh Thánh. Việc đơn thuần đọc các bản văn Sách Thánh đối với các đan sĩ vẫn chưa đủ để thấu triệt ý nghĩa sâu xa, sự thống nhất nội tại và thông điệp siêu việt của bản văn. Do đó, cần phải đọc thuộc lòng bản văn Sách Thánh trong sự vâng phục Chúa Thánh Thần. Theo trường phái của các Giáo phụ, Kinh thánh được giải thích theo nghĩa ẩn dụ, để khám phá ra các chiều kích của Cựu Ước cũng như Tân Ước nói về Đức Giêsu cũng như công cuộc cứu độ của Ngài.

 

Thượng hội đồng Giám mục của những năm vừa qua bàn về “Lời Chúa trong đời sống và trong sứ mạng của Giáo hội” đã nhắc nhớ tầm quan trọng của việc tiếp cận siêu nhiên đối với Kinh Thánh. Thật hữu dụng khi điều này được rút ra từ Thần học đan tu, một nền chú giải Kinh Thánh xuyên suốt, nhờ đó các tác giả kín múc để tạo ra những tác phẩm lớn, đó là những bản chú giải về khổ hạnh đầy giá trị được rút ra từ các sách của Kinh Thánh. Cùng với nền văn chương sẵn có, Thần học đan tu đã kết hợp được với yếu tố tâm linh. Điều đó có nghĩa là Thần học đan viện đã thức tỉnh được rằng cách chú giải mang tính thế tục và đầy tính lý thuyết hoàn toàn không thoả mãn: Để thấm nhập được vào trọng tâm của Kinh Thánh, người ta phải đọc nó trong tinh thần mà nó đã được viết ra và tạo thành. Việc chuẩn bị văn chương là cần thiết để biết chính xác nghĩa của từ ngữ và qua đó yểm trợ cho sự thông hiểu các bản văn, bằng cách hoàn chỉnh sự tế vi đối với văn phạm và ngữ văn. Jean Leclerq, một học giả dòng Biển Đức của thế kỷ trước đã viết một luận văn trình bày về những điểm căn cốt của Thần học đan viện mang tựa đề: “L´amour des lettres et le désir de Dieu” (Tình yêu văn chương và lòng khao khát hướng về Thiên Chúa). Lòng khát khao yêu mến và nhận biết Thiên Chúa, Đấng chúng ta gặp gỡ, đón nhận, cung chiêm và biến đổi trong đời sống qua Lời của Ngài, đã khơi dậy nỗ lực đào sâu các bản văn Kinh Thánh dưới mọi chiều kích. Thêm vào đó, có một quan điểm mà các nhà làm Thần học đan tu nhấn mạnh, đó là thái độ cầu nguyện nội tại phải đi trước, rồi mới đến việc học hỏi và thực hành Kinh Thánh kèm theo. Bởi vì, cuối cùng Thần học đan tu chính là lắng nghe Lời Chúa, nên phải thanh luyện tâm hồn để đón nhận Lời ấy, và trên hết phải làm bùng cháy lòng sốt mến gặp gỡ Thiên Chúa. Thần học từ đó trở thành cung chiêm, cầu nguyện, tạ ơn và thúc dục sự thống hối chân thành. Không ít các nhân vật đại diện cho nền Thần học đan viện đã đạt được tột đỉnh của kinh nghiệm thần bí bằng con đường này; và các ngài cũng là một lời mời gọi chúng ta hãy nuôi dưỡng cuộc đời của mình bằng Lời Chúa, chẳng hạn như chăm chú lắng nghe các Bài đọc và Tin Mừng, đặc biệt là trong Thánh lễ Chúa Nhật. Ngoài ra, một điều khá quan trọng là hàng ngày nên dành một khoảng thời gian nhất định để suy niệm Tin Mừng, để Lời Chúa là ngọn đèn hàng ngày soi đường trần thế của mỗi chúng ta.

 

Trái lại, Thần học kinh viện, như tôi đã nói, được phát triển trong “scholae”, đó là nơi được thiết lập bên cạnh các nhà thờ chính toà lớn của thời đó để dành cho các giáo sĩ hoặc cho các giáo sư thần học cũng như các sinh viên của họ, để đào tạo các chuyên viên về lãnh vực văn hoá trong một thời đại mà sự hiểu biết luôn được đánh giá cao. Phương pháp nghiên cứu chính của các nhà thần học kinh viện là “Quaestio”, có nghĩa là độc giả ngồi lại với nhau cùng đọc Kinh Thánh và tài liệu mang tính truyền thống rồi nêu ra những vấn đề còn khúc mắc. Trước các vấn đề mà các bản văn uy tín đặt ra, làm nảy sinh các nghi vấn và nổi lên một cuộc tranh luận giữa giáo sư và các sinh viên. Trong cuộc tranh luận này, một bên đưa ra những lập luận về quyền bính, bên còn lại đưa ra những lý lẽ thuộc lý trí, và cuộc tranh luận phải diễn tiến theo nghĩa là khi kết thúc người ta phải tìm ra được hợp đề giữa quyền bính và lý trí, để đạt được sự hiểu biết sâu xa về Lời Chúa. Thánh Bonaventura nói về điều này như sau: Thần học bao gồm yếu tố “per additionem” (x. Commentaria in quatuor libros sententiarum, I, proem., q.1, concl.). Điều đó có nghĩa là thần học liên kết khía cạch lý trí vào Lời Chúa và từ đó tạo nên một đức tin sâu xa hơn, cá vị hơn cũng như cụ thể hơn trong đời sống con người. Bằng phương pháp này, người ta đã khám phá ra các giải pháp khác nhau và rút tỉa ra những kết luận để bắt đầu hình thành một hệ thống thần học. Cách thức “quaestiones” đã làm nảy sinh các hợp đề bao quát hơn, có nghĩa là người ta liên kết các giải đáp thu được từ những cách “quaestiones” khác nhau tạo thành những hợp đề hay còn gọi là “Summe”. Thật ra, đây là các luận đề thần học tín lý rất phong phú, chúng được hình thành từ sự kết hợp lý trí nhân loại với Lời Chúa. Thần học Kinh viện nhắm mục đích trình bày sự hợp nhất và hài hoà của mặc khải Kitô giáo bằng một cách thế gọi là “thuộc kinh viện”, một phương pháp nghiên cứu của học đường, cho phép lý trí của nhân loại thấm nhập vào niềm tin. Ngữ pháp và triết học phục vụ cho sự hiểu biết thần học, hơn thế nữa nó còn phù hợp với luận lý học, đó là các nguyên lý nghiên cứu “quá trình hoạt động” của tư tưởng con người để chân lý ở mỗi câu chữ trở nên hiển nhiên. Thậm chí ngay khi đọc các “summae” của Kinh viện, người ta vẫn bị ấn tượng bởi sự trật tự, tính minh bạch, sự liên kết hợp lý của lập luận và chiều sâu của mỗi quan điểm. Với vốn ngôn ngữ chuyên ngành, mỗi từ ngữ mang một ý nghĩa chuẩn sát và tạo ra được sự chuyển động hỗ tương soi sáng cho nhau giữa đức tin và sự hiểu biết.

 

Anh chị em thân mến, Thần học Kinh viện đã hối thúc chúng ta như sự đáp trả cho lời mời gọi của thư thứ nhất của thánh Phêrô là hãy sẵn sàng trả lời bất cứ chất vấn nào về lý do hy vọng đang tràn đầy nơi chúng ta (x. 1Pr 3,15), hãy coi những vấn nạn của người khác cũng là của chính chúng ta và như thế mới có khả năng đưa ra trả lời thoả đáng. Cũng thế, nền Thần học Kinh viện nhắc cho chúng ta nhớ rằng giữa đức tin và lý trí luôn tồn tại mối tương quan tự nhiên được hình thành trong trật tự sáng tạo. Về khía cạnh này, Đức Gioan Phaolô II đã viết ngay ở lời mở của Thông điệp „Fides et ratio“ rằng: “Đức tin và lý trí giống như đôi cánh để nâng tâm hồn con người lên chiêm ngắm chân lý”. Đức tin mở ra cho nỗ lực hiểu biết của lý trí, đến lượt mình, lý trí thừa nhận rằng đức tin không làm suy giảm giá trị của nó, trái lại còn thúc đẩy nó tới những chân trời rộng lớn và sâu xa hơn. Ở đây học thuyết trường cửu của Thần học đan tu cũng rất phù hơp. Trong cuộc tương thoại lẫn nhau, đức tin và lý trí luôn tràn ngập niềm vui, nếu cả hai đều được thúc đẩy từ việc tìm kiếm sự kết hiệp mật thiết sâu xa nhất với Thiên Chúa. Khi tình yêu làm sống động chiều kích cầu nguyện của thần học, thì kiến thức có được nhờ lý trí mở rộng ra. Chân lý được tìm kiếm với sự khiêm cung, được đón nhận với sự ngạc nhiên và biết ơn. Tắt một lời: kiến thức chỉ phát triển, khi nó yêu mến chân lý. Tình yêu trở nên lý tính và thần học trở thành sự khôn ngoan đích thực của trái tim, điều đó định hướng và nâng đỡ đức tin cũng như cuộc đời của người tín hữu. Chúng ta hãy cầu nguyện để con đường nhận biết và đào sâu mầu nhiệm Thiên Chúa luôn được soi sáng bởi tình yêu của Ngài.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á