THAM KHẢO

KIM CHỈ NAM TẬP SINH (Tải lên: M. Martin. Ocist)

Kim Chỉ Nam này sẽ cống hiến những quy tắc hướng dẫn một Tập Sinh phải tuân giữ để trở nên hoàn bị.

 

KIM CHỈ NAM TẬP SINH

(theo PETIT MIROIR DU NOVICE – de la Congregation des Cisterciens de l’Immaculée Conception – dite de Sénanque – par Dom Marie Bernard Barnouin, pp. 49-86)

Đời tu là một đời rất thánh, rất siêu việt, nên không thể không cần được nghiên cứu thấu đáo và biết rõ ràng trước khi bước theo. Chính vì thế, Tập Viện được lập ra để Tập Sinh học biết ơn kêu gọi của mình và tự luyện theo đời sống tu, mà đời sống đó đối với chúng ra là một đời sống ẩn dật và mô phỏng theo đời sống riêng của Chúa Giêsu. Vậy, kẻ muốn ôm áp đời sống đó, trong suốt thời gian Tập Tu, sau khi đã biết về ơn kêu gọi của mình, phải xác tín về sự tuyệt hảo của đời tu, phải nổ lực đáp ứng lại ơn kêu gọi của mình, và đừng từ chối bất cứ một phương tiện nào đã được chỉ cho mình, để được ơn bền đỗ.

Vậy mà đối với Tập Sinh, phương tiện chắc chắn và không sai lầm để nhận biết ơn kêu gọi của mình – sự cao cả và thánh thiện của đời tu mà Tập Sinh muốn ôm ấp và bền đỗ ở đó cho đến hơi thở cuối cùng – là đọc Kim Chỉ Nam này cách cẩn thận, chuyên cần và luôn luôn với một hứng thú mới mẻ. Kim Chỉ Nam này sẽ cống hiến những quy tắc hướng dẫn một Tập Sinh phải tuân giữ để trở nên hoàn bị. Những quy tắc này được đưa ra một cách chính xác và sáng tỏ đến nổi chỉ đọc chúng cũng có một sự giúp đỡ lớn lao, để hằng ngày làm các việc một cách hoàn hảo.

  I. NHỮNG ĐẶC TÍNH CHÍNH CỦA ƠN KÊU GỌI ĐÍCH THỰC

 Trước khi nói đến những việc khác, điều cần thiết phải làm là nhận biết những tính chất chính của ơn kêu gọi thực sự, ngõ hầu Tập Sinh xét xem nếu mình có và chăm chỉ hoàn thiện chúng, nếu may mắn Tập Sinh có được những đặc tính ấy.

Những đặc tính ấy là:

  1. Một đầu óc lành mạnh, một tinh thần tốt, một trí phán đoán chính xác, thứ tự và trầm tĩnh trong tư tưởng. Vì không có những đặc tính này không thể sống đời sống chung được. Những nết xấu của tâm hồn có thể sửa đổi được, còn những thói xấu của đầu óc thì trơ như đá (chống lại tất cả).
  2. Một sức khỏe đầy đủ. Những sức khỏe yếu đuối chỉ có ơn kêu gọi ở bệnh viện thôi, không có ơn kêu gọi sống đời sống chung trong cộng đoàn: người ta không làm Thầy Dòng để được điều trị bệnh! Những bệnh tật xảy ra sau khi khấn cũng khá nhiều rồi. Kinh nghiệm chứng tỏ rằng: nhận những người có sức khỏe yếu kém là làm trở ngại lớn lao cho việc điều hòa trong Đan Viện. Tuy nhiên, có một ít bệnh tật không cản trở cho việc theo quy luật, đó không phải là lý do để không nhận họ.
  3. Một tính tình tốt. Nếu bất cứ cộng đoàn nào cũng là một gia đình thì sự bình an, tình thân thiện, sự lịch sự phải ngự trị ở đó, mà mỗi phần tử đều có bổn phận đóng góp vào thiện ích chung, thì người ta hãy tưởng tượng rằng, về mặt này điều mà một Thầy Dòng chính trực và cởi mở, một Thầy Dòng có tính hiền lành và ôn hòa, một Thầy Dòng có lòng bác ái và hay thương xót, một Thầy Dòng có tâm hồn dễ thương và nhẫn nại, có thể mang lại sự vui mừng và hạnh phúc cho cộng đoàn. Thì mặt khác điều mà một Thầy Dòng yếm thế và u sầu, có óc tưởng tượng u uất và kì cục, Thầy chẳng biết chịu đựng một cái gì và luôn tỏ ra nham hiểm, nhõng nhẽo và nghi ngờ, có thể gây nên buồn phiền và bối rối cho cộng đoàn.
  4. Tính dễ dạy. Hãy gạt xa cộng đoàn những tinh thần hay thay đổi và cố chấp, những ý chí cứng cỏi, bản chất chua chát và cứng đầu đó, mà không ai có thể uốn nắn, làm cho mềm mại, điều khiển, thuyết phục cũng như làm cho tin tưởng. Người ta có thể dễ dàng thành lập một đàn súc vật với những con cừu, còn với sư tử thì không bao giờ; một sợi dây đứt có thể nối lại dễ dàng, còn với thanh sắt người ta có thể nối lại dễ dàng không?
  5. Khả năng và khuynh hướng. Người Thỉnh Sinh phải có thể nói được rằng: tu viện này thích hợp cho tôi, tôi tin rằng ở tu viện này tôi có thể cứu tôi và hoàn thiện tôi. Các Bề Trên cũng có thể trả lời cho anh ta rằng: anh thích hợp cho Dòng chúng tôi và chúng tôi tin rằng anh có thể hoàn thành cứu cánh của mình. Về khả năng, Tập Sinh chỉ cần có một mầm thiện chí rõ rệt, thì có thể phát triển nhờ việc huấn luyện của Hội Dòng. Khuynh hướng phải được bền bỉ và mạnh mẽ, được dựa trên lý do đức tin và thích hợp với những cứu cánh mà Hội Dòng vạch ra.
  6. Muốn chu toàn các thử thách của thời Tập Sinh. Điều này đòi hỏi Tập Sinh phải quý mến và thực hành các quy luật, một ước muốn luôn mạnh hơn về sự hoàn thiện, những bảo đảm hoàn toàn về đời sống khiết tịnh.

Ngay thời Tập Tu, Thỉnh Sinh tự vạch đường cho mình theo lý tưởng hoàn thiện tu hành mà mình đã tìm được. Tập Sinh phải tự tạo cho mình một lối nhìn, Tập Sinh sống thế nào trong thời gian Tập Tu thì sau thế ấy. Chắc chắn người ta không đòi hỏi một sự thánh thiện đã được thu tập, vì chúng ta chỉ đến Đan Viện để thu nhận sự thánh thiện, nhưng Thỉnh Sinh và Tập Sinh phải ở trong tình trạng chuẩn bị sẳn sàng và ở trên đường thánh thiện và hoàn hảo, vì đặc tính của Dòng không phải là nhận những người thánh nhưng là đào tạo nên người thánh.

 II. Ý NIỆM THỜI TẬP TU

 Tập Viện được thiết lập để giúp ích cho Thầy Dòng cũng như để giúp ích cho Nhà Dòng. Bên này cũng như bên kia cần phải biết nhau và tìm hiểu nhau. Nhà Dòng phải xác nhận khả năng của kẻ đến cùng mình và chắc chắn về ơn kêu gọi của họ. Tập Sinh cần phải biết Nhà Dòng, tinh thần Dòng, quy luật Dòng, và thử sức mình đối với những nghĩa vụ tu hành mà đời sống tu bắt buộc kẻ ôm ấp nó. Thời gian Tập Tu phải là một thời gian thử thách và vì thế mà người ta cũng gọi Tập Viện là Nhà Thử. Sự thử thách này vừa đồng thời do Bề Trên đại diện Dòng vừa do người muốn vào Dòng. Tập Sinh phải được thử do Bề Trên và phải thử chính mình.

Dù thời gian Tập Tu kéo dài bao lâu đi nữa, thời gian đó phải trải qua trong một cuộc tĩnh tâm nhặt nhiệm và suy nghĩ chín chắn. Vì thế, lời cầu nguyện, việc nguyện gẫm, nghiên cứu, thực hành sự hoàn thiện và nhất là sự hy sinh chính mình chân thành nhất, sự cải đổi bền đỗ các khuynh hướng tự nhiên, sự thường xuyên nói chuyện với Chúa, đó là việc phải chiếm trọn các thời giờ của kỳ Tập.

Tất cả các điều mà chúng ta chỉ phải làm là để đạt đến trạng thái thánh thiện và đời sống Thiên Thần mà mọi tu sĩ được mời gọi.

 III. ĐIỀU MÀ BẤT KỲ TẬP SINH NÀO CŨNG PHẢI NẮM TRONG THỜI KỲ TẬP TU

 Tập Sinh phải kín múc trong thời kỳ Tập Tu:

  • Tinh thần tu trì;
  • Tinh thần riêng của Dòng mình;
  • Lòng nhiệt thành khát khao đạt đến mức hoàn mỹ cao nhất.
  1. Tinh thần tu trì:

Để có một ý tưởng chính xác về bậc Dòng, cần phải biết ý tưởng thâm sâu của Chúa là ý tưởng nào khi lập bậc Dòng. Vậy mà ý tưởng của Chúa, theo lời các Thánh, là tạo cho Con yêu của mình một triều đình ưu tú, một đoàn tháp tùng danh dự, những người bạn tâm phúc thèm khát bước theo Người. Bất cứ Kitô hữu nào, hẳn nhiên phải theo gương mẫu thánh thiện ấy, nhưng tất cả mọi người không được gọi để mô phỏng Chúa Kitô với một sự hoàn bị giống nhau. Chỉ người Tu Sĩ, theo kế hoạch của Thiên Chúa, được lựa chọn để làm cho Người sáng chói trong chính mình bằng ánh sáng mãnh liệt nhất.

Ba nhân đức hầu như gồm tóm tất cả mọi nhân đức của Chúa Kitô, và diễn tả ra đối với con mắt chăm chú tất cả diện mạo của Người là: Sự Khó Nghèo, Lòng Khiết Tịnh, Sự Vâng Lời. Đó cũng sẽ là ba đặc điểm của Tu Sĩ, là hình dáng riêng và đặc biệt.

Người giáo hữu thường có thể thu góp của cải và sử dụng chúng theo ý muốn mình, thưởng thức các lạc thú chính đáng mà luật Chúa cho phép, và trong cách cư xử chỉ vâng lời theo sự thúc đẩy của ý chí. Nhưng người Tu Sĩ phải từ bỏ của cải mình có, bỏ các thú vui, cả những thú vui được phép và được hướng dẫn bằng một bàn tay xa lạ.

Như một người cha khen mình khi gặp thấy những nét của ông trong các con cái, cũng vậy, Chúa Kitô lấy làm thích thú khi gặp thấy nơi người Tu Sĩ những nét và hình ảnh của Ngài, thấy họ mặc lấy những huy hiệu khiêm nhường, hy sinh và vâng phục; đó là tinh thần nghèo khó, thanh khiết, vâng lời mà Tập Sinh phải nắm lấy; đó là những nét lớn lao và huy hoàng của một Thiên Chúa đã tự hạ đến không có một viên đá gối đầu, của một Thiên Chúa bị phủ đầy những vết bầm tím ghê sợ, của một Thiên Chúa vâng lời cho đến chết mà Tập Sinh thường xuyên phải đặt lại dưới con mắt mình để khi chiêm ngắm các sự ấy, suy gẫm các sự ấy, thán phục các sự ấy, Tập Sinh được thấm nhuần những điều ấy đến tận đáy lòng và vạch lại trong suốt cuộc sống của mình.

Chỉ với giá đó, người Tập Sinh mới thấm nhuần tinh thần tu trì, và tinh thần là ở chỗ đó, trong sự theo gương Chúa Kitô nghèo khó, khiết tịnh, vâng lời và không có ở nơi khác.

  1. Tinh thần riêng của Dòng:

Người Tập Sinh cũng phải biết: tư tưởng thứ hai của Thiên Chúa trong khi thiết lập đời tu, là làm sống lại một cách huy hoàng giữa lòng đạo Chúa Kitô, mỗi một trong các nhân đức mà Người đã thực hiện trong những ngày ở đời dương thế, ngoài sự khó nghèo, khiết tịnh, vâng lời của Chúa Con của Người là Chúa Kitô.

Một cái nhìn đầy đủ để xác tín rằng: với những nhân đức lớn là những yếu tố cấu tạo đời sống hoàn toàn, các Đan Viện và Hội Dòng cố gắng mô phỏng lại nhân đức thứ tư mà việc soi gương lại là mục đích thứ hai và đặc biệt của họ. Người này cố gắng tiếp tục cuộc sống chiêm niệm của Chúa, người kia theo đời sống tông đồ của Ngài; người này theo lòng bác ái của Ngài đối với bệnh nhân, người khác theo sự âu yếm của người mẹ nơi Ngài đối với trẻ em, người khác nữa theo sự thống hối của Ngài. Trong mọi người, hẳn nhiên người ta thấy tỏa lên những nét lớn lao biểu thị đặc tính của người Tu Sĩ được đào tạo theo mẫu mực của Chúa Kitô. Nhưng hơn nữa, trong mỗi Tu Sĩ, người ta gặp một nét đặc biệt của Chúa Kitô, được làm sáng tỏ một cách sống động hơn những nét khác.

Chúa Kitô, Chúa chúng ta, đã thực hiện các nhân đức đến độ viên mãn. Một trong những chân lý nền tảng của đức tin chúng ta là ở đó. Nhưng cái phương tiện giúp nhận biết và thán phục các nhân đức đó trong ánh sáng của chúng. Phương tiện làm sống lại và kéo dài mãi mỗi một trong những nhân đức ấy với tất cả sự hoàn thiện của chúng. Phương tiện đó Thiên Chúa đã tìm thấy, Ngài giao phó cho nhiều gia đình cách trọn vẹn, các đạo binh anh hùng, các Nhà Dòng, tắt một lời, mô phỏng chúng, không phải mô phỏng chúng tất cả trong một lúc, ít ra ở cùng một bậc, nhưng từng cái một trong chi tiết. Thiên Chúa đã chia ra và phân phát, để có thể nói, tất cả các nhân đức của Con Thánh Ngài cho tất cả các gia đình đó. Ngài nói với gia đình này: các con hãy làm sống lại sự đền tội của Chúa Giêsu bằng những sự khắc khổ của chúng con. Ngài nói với gia đình khác: chúng con hãy soi gương cô tịch của Chúa Giêsu trong đời sống các con. Gia đình này: Ta giao cho chúng con để chúng con họa lại sự nhiệt thành của Chúa Giêsu. Gia đình khác: Ta giao cho chúng con làm sáng rỏ lương tâm thần thiêng của Chúa Giêsu. Như vậy, không gì bị mất đi trong đời sống của Chúa Giêsu, Ngài có trọn vẹn và sống khắp nơi giữa lòng Giáo Hội.

Ước mong Tập Sinh nỗ lực để nắm vững mục đích mà Đan Viện mình vạch ra, và các phương tiện mà Đan Viện dùng để đạt tới mục đích đó. Tập Sinh hãy lao mình vào khuôn mẫu đó, để kiến tạo cho mình một khuôn mẫu nề nếp; Tập Sinh hãy tháp mình vào cây đó, hãy múc ở đó nhựa sống của đời sống mình. Không có điều đó, Tập Sinh sẽ mãi là một sinh vật vô nghĩa và mập mờ, không có diện mạo riêng, không có màu sắc rõ rệt.

Vậy tinh thần riêng của Hội Dòng chúng ta là tinh thần nào?

Đó là tinh thần cô tịch, cầu nguyện, kỷ luật và từ bỏ thế gian. Mục đích sự cô tịch của chúng ta là sống đời sống siêu nhiên với Chúa Giêsu, trong Thiên Chúa. Mục đích cầu nguyện liên tục của chúng ta là đạt được sự trở lại của các tội nhân, giải thoát các linh hồn trong luyện ngục, nhiều chừng nào hay chừng ấy. Mục đích sự tôn trọng quy luật của chúng ta là sắm thêm công việc mỗi ngày. Mục đích sự xa lánh và từ bỏ thế gian của chúng ta là cất khỏi lòng và tinh thần chúng ta cái trở ngại chính yếu để hoàn toàn yêu Chúa.

  1. Lòng nhiệt thành ước ước sự hoàn thiện cao nhất:

Vì Thiên Chúa muốn ràng buộc hạnh phúc bất diệt hay đau khổ đời đời vào việc chúng ta sử dụng đời sống chúng ta. Chúng ta có thể nói được rằng: việc Đan Sĩ sử dụng tốt hay không tốt đời sống, lệ thuộc phần lớn vào thời kỳ tập tu của mình, vì tất cả chuỗi hành động thường trả lời cho thời chuẩn bị đó, mà một Tập Sinh sốt sắng sau này sinh ra nguội lạnh cũng hiếm hoi như một Tập Sinh nguội lành sau này yên ủi Nhà Dòng bằng các nhân đức của mình. Vậy, không có gì liên hệ với số phận đời đời của Thầy Dòng bằng cách sống giai đoạn tập tu của mình.

Trên con đường nhân đức, chúng ta có thể hình dung ba đường hướng chính mà chính chúng ta được chia nhỏ ra cho đến vô cùng là: bậc cao, bậc trung và bậc thấp.

Ngay thời tập tu, Tập Sinh tiến bước theo một trong ba đường đó, theo lý tưởng tốt đẹp mà Thầy tạo cho mình về sự cao cả của ơn gọi mình, và hầu như luôn luôn, Thầy theo đường hướng đó cách không thay đổi cho đến mãn đời. Nếu Tập Sinh theo đường cao, thì suốt quãng đời sống, Thầy không đặt một giới hạn nào cho sự thánh thiện của mình, Thầy sẽ bay lượn như phượng hoàng ở những miền hết sức cao siêu. Nếu là con đường thấp trệt mà Thầy muốn giữ lấy thì trong việc thực hành các nhân đức, Thầy sẽ bò như rắn, dường như Thầy luôn luôn lo sợ việc ăn ở rộng rãi đối với Thiên Chúa. Nhưng nếu là mực trung mà Thầy quyết định chọn cho mình, lúc đó Thầy chỉ như loài chim nuôi trong nhà, Thầy cũng không bò lết như rắn nhưng Thầy cũng chẳng bay cao hơn được nữa như chim phượng hoàng. Và kinh nghiệm chứng tỏ rằng chúng ta không bao giờ bỏ, hầu như không bao giờ con đường mà chúng ta đã vạch định. Cha thánh Bênađô tự nhủ rằng ngài sẽ kết hiệp mật thiết với Chúa ngay bước đầu của đời tu của ngài. Và thánh Phanxicô Xavier cũng nói rằng việc toàn thể thế gian trở về với Phúc Âm không tùy thuộc vào thế gian. Đấng này cũng như vị kia, sau khi đã chọn đường lối của mình rồi, thì các ngài đã quyết chí đi theo cho đến cùng. Người Tập Sinh trong thời kỳ tập tu mà tự nhủ: tôi sẽ bằng lòng với mức thánh thiện thường thôi, thì việc gì sẽ đến? Con đường bậc trung mà Thầy đã tự vạch ra, Thầy theo đuổi và xác tín rằng Thầy sẽ bền vững trên đường đó cách chắc chắn? Nhưng than ôi, rất thường thấy chúng ta tính sai và từ những nấc cuối cùng của nhân đức, chúng ta vô tình trượt xuống đến biên giới nguy hại của tội trọng, sống cuộc sống ươn hèn của người lười biếng bị kết án.

Khi chúng ta muốn bắn trúng đích, Rodriguez nói, với một chiếc nỏ mà cung đã giãn ra, điều cần thiết là nhắm cao hơn, nếu không thì sẽ thấy mũi tên bay thấp quá. Đối với chúng ta cũng vậy, nếu không nhắm cao hơn, chúng ta sẽ không đạt đích vì ý chí chúng ta yếu đuối biết bao! Nếu các Thầy không có ý định phạm tội nhẹ cố ý nào: tốt lắm. Tuy nhiên các Thầy không tránh được một vài tội nhẹ cố ý nào đó. Nhưng các Thầy chỉ có ý định tránh tội trọng mà không để ý đến tội nhẹ, chính chỗ đó mà tôi lo sợ thay cho các Thầy. Trong một trăm trường hợp có thể xảy ra mà các Thầy chỉ có thể chống lại một thì sớm muộn các Thầy sẽ lạc đường và rơi vào miền tội trọng. Các Thầy tin rằng mình không lay chuyển được, thế mà các Thầy sẽ bị hất ngã ngay bởi cú xô đầu tiên.

Vậy Tập Sinh phải làm gì? Hãy nhắm đến đỉnh hoàn thiện, hãy bay cao với những người nhiệt thành nhất, hãy nhất quyết tránh xa đến cả hình bóng sự tội, không để mất một ân sủng nào, chụp lấy mọi cơ hội làm sáng danh Chúa và tự thánh hóa mình. Muốn được như thế, hãy tự tạo cho mình cái ý định cao nhất về ơn kêu gọi tu trì và về sự thánh thiện mà ơn kêu gọi tu trì đòi hỏi.

  IV. NHỮNG ĐIỀU NHẮN NHỦ ĐẶC BIỆT

 Tập Sinh chắc chắn sẽ đạt đến điều hoàn hảo cao nhất mà đời tu đòi hỏi, nếu Tập Sinh chuyên cần nhiệt thành thực tập những lời khuyên sau đây:

  1. Ngay lúc bước chân vào Tập Viện, hãy bắt đầu sống đời sống siêu nhiên, nghĩa là không còn hành động theo nhãn quan thế gian, theo những lý do tự nhiên nữa, nhưng phải chân nhận tất cả trong Chúa, lãnh nhận mọi sự như đến từ bàn tay Chúa.
  2. Hãy làm tử tế các việc của Tập Viện, vì cái cũ đánh vào con người cũ càng dữ dội bao nhiêu, thì con người cũ càng bớt hy vọng đứng dậy bấy nhiêu.
  3. Trong thời tập, hãy học cẩn thận các phương pháp cầu nguyện, phương pháp nguyện gẫm, phương pháp xét mình; và hãy bắt đầu sử dụng chúng.
  4. Hãy xác tín hết sức mạnh mẽ các sự xấu xa, các hình phạt và các hậu quả của tội trọng và tội nhẹ, đến nỗi không có gì ở trên trần gian này làm cho người ta bằng lòng phạm chúng.
  5. Trong vài trường hợp do Chúa Quan Phòng xếp đặt, hãy làm các việc anh hùng về sự khiêm nhường và về sự tự thoát, để nâng cao mình lên đỉnh nhân đức trọn lành ngay trong một lần.
  6. Hãy tự dùng nhiều thời gian suy gẫm về các quy luật khó nhất, tìm hiểu lời văn, tinh thần của bản luật đó, và hãy hỏi chính mình, hãy lượng sức mình.
  7. Hãy năng nói cho Cha Giáo Tập các đường lối hoàn thiện và hãy bày giãi tâm sự với ngài cách hoàn toàn tín nhiệm.
  8. Hãy thúc đẩy tính ham thích đọc các tác giả tu đức. Hãy đọc cách chậm rãi, suy nghĩ; hãy suy đi gẫm lại nhiều lần về điều ta đã đọc; hãy tự đối chiếu chính mình với các chân lý mà ta đang suy gẫm; hãy xua đuổi tất cả sự tò mò và hãy đặt ra cho mình cái lợi ích riêng của mình trong sự sốt sắng, làm mục đích duy nhất.
  9. Hãy thường hỏi mình câu này: bạn đã từ bỏ thế gian mà vào Dòng với ý định nào? Không phải để mang lại cho Chúa cái vinh quang lớn lao nhất bằng việc thánh hóa bản thân của bạn và chính sự thánh hóa tha nhân, do lời cầu nguyện và lòng thống hối của bạn sao? Cũng hãy tự nhủ rằng: có phải tôi chỉ và thực sự tìm Chúa không? Tôi có sốt sắng hướng về các Giờ Kinh Phụng Vụ, về vâng phục, về những việc làm hạ giá bạn, về các việc nặng nề và khó học mà do các nẻo đường đó chúng ta tiến về trời không? Vì Thánh Luật mà tôi muôn ôm ấp cốt lõi là ở chỗ đó.
  10. Hãy cẩn thận làm các việc đạo đức và lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải và Thánh Thể với lòng sốt sắng lớn lao nhất.
  11. Hãy tìm kiếm những lời quở trách công khai và riêng tư, để tự hạ cũng như để sửa lỗi mình.
  12. Hãy thú lỗi cách đích xác và có lòng thống hối, hãy nhận lãnh các lời cáo lỗi cách vui mừng và biết ơn, vì tất cả cái đó chỉ được làm vì lợi ích thiêng liêng của tâm hồn chúng ta.
  13. Đừng bao giờ tự bào chữa, trừ ra khi nào Cha Giáo Tập bảo làm sáng tỏ vấn đề.
  14. Ngay bước đầu, hãy thúc đẩy mình đạt tới sự thánh thiện cao độ nhất, theo lời khuyên của cha thánh Bênađô: “Nếu chúng con bắt đầu, hãy bắt đầu một cách hoàn toàn. Vì nếu chúng con bắt đầu cách hoàn toàn, chẳng bao lâu, chúng con sẽ đạt đến điểm cao nhất của sự hoàn thiện”.
  15. Vào đầu mỗi tháng, hãy làm bảng thống kê thiêng liêng, hãy tự hỏi mình đã tiến đến đâu đối với việc cải tiến đời sống; đối với việc đàn áp các đam mê, đối với việc giãm bớt các lỗi lầm, đối với việc chịu đựng những lời chống đối, đối với lòng luôn ước muốn sốt sắng hơn và sự trọn lành luôn kiến hiệu hơn.
  16. Luật thinh lặng là điểm chính yếu của Dòng: hãy giữ nghiêm túc, cũng như tất cả mọi quy luật, ngay cả những điểm được coi là không quan trọng bởi những người nguội lạnh, đến nỗi chúng ta không vi phạm chúng trong bất cứ trường hợp nào, hay bằng cách nào.
  17. Hãy luyện cho mình có một đời sống trong trắng, một lương tâm chân chính, để hầu như không có một lỗi nào cố ý phải cáo.
  18. Hãy tập cho quen không bao giờ bỏ mất chút thời gian nào, nhưng hãy thường xuyên lo làm hài lòng Chúa bằng mọi sự, theo sự vâng lời và phù hợp với các ý định của Cha Giáo Tập.
  19. Hãy canh phòng giác quan, tuân giữ cách thận trọng các quy luật của sự nết na đoan trang, để đóng các đại lộ tâm hồn mình không cho thù địch xâm nhập.
  20. Đừng từ chối điều gì anh em xin, miễn là quy luật cho phép chúng ta làm điều đó và miễn là điều đó không làm thiệt hại đến điều lành lớn hơn.
  21. Đừng kết án lời nói và hành động kẻ khác, nhưng trong tư tưởng mình, hãy cắt nghĩa lành tất cả các sự việc; và nếu cần, vì lòng mến Chúa, hãy nói lên bằng lời tế nhị và chân thành.
  22. Bất cứ cách nào, đừng bao giờ kết án cũng như chỉ trích các ý kiến, các lời quở trách, lời nói hay các hành động của Cha Giáo Tập, bề trong cũng như bề ngoài, nhất là đừng bao giờ cho kẻ khác biết các cảm tưởng, các tình cảm của mình về ngài.
  23. Hãy năng làm các hành vi khiêm nhường, yêu mến kẻ khác hơn bản thân mình, cư xử với họ cách kính trọng như họ là những người tốt hơn và xứng đáng với mọi sự kính trọng.
  24. Hãy hoàn toàn tín nhiệm chạy đến cùng Mẹ Maria, các thánh thiên thần và các thánh.
  25. Hãy làm lời này trở nên quen thuộc với mình: “Lạy Chúa, con muốn làm và chịu đựng vì Chúa tất cả các điều Chúa muốn, và con muốn tránh xa tất cả những gì có thể làm mất lòng Chúa”, và còn thêm: “Lạy Chúa, con xin dâng cho Chúa Máu Thánh và công nghiệp của Chúa Giêsu với chính những ý hướng mà chính Người đã có khi dâng cho Chúa”.
  26. Hãy yêu mến cầu nguyện không ngừng và không bao giờ chán nản, theo như lời của Thầy Chí Thánh. Hãy chu toàn các Giờ Kinh Phụng Vụ ở ca tòa cách nhiệt thành cũng như sự nết na thiên thần.
  27. Hãy làm một tập ghi chú thiêng liêng, và ghi vào đó những gì đánh động nhất khi đọc sách hay nghe khuyên bảo, để sau này có thể tìm lại tư tưởng ấy và tùy thích thấm nhuần chúng, nhất là điều đó tương quan với nết xấu mà Thầy muốn nhổ tận rễ hay tương quan với nhân đức mà Thầy muốn thu hoạch.

Đó là đề tài mà Tập Sinh đặt luôn dưới mắt mình, là thủ bản Tập Sinh phải giữ luôn trong tay: Thầy không thể tưởng tượng ra một thủ bản ngắn hơn và hoàn hảo hơn được.

 IV. VỀ VIỆC LINH HƯỚNG HAY VỀ VIỆC GIÃI BÀY TÂM HỒN

 Thực hành linh hướng - một điều rất được khuyến khích, luôn luôn là một trong những phương tiện hữu hiệu nhất để nhổ tận rễ các nết xấu, đạt đến sự hoàn thiện và bền đỗ trong ơn gọi mình. Thực vậy, nhờ phương tiện linh hướng, những phương chước của ma quỷ bị lột mặt nạ, những dụ dỗ của tính tự nhiên được mở màn, các chán nản, buồn sầu bị tiêu tan, kiêu ngạo bị đánh bại, lòng thích cầu nguyện được tăng cường, đường hoàn thiện được tỏ rõ, bình an ngự trị trong tâm hồn và ơn cứu độ được bảo đảm.

Vậy, đây là những điều chính mà bất cứ Tập Sinh nào cũng phải trình bày với Cha Giáo Tập hay Cha Linh Hướng.

  Về ơn kêu gọi. Có chán ơn kêu gọi hay tiếp tục yêu mến?

  1. Về lời khấn. Thực hành tinh thần lời khấn cách thích thú hay nhọc mệt?
  2. Về tu luật, hiến pháp, nội quy Tập Viện. Trung thành tuân giữ hay âm thầm kêu trách hoặc tự ý chước miễn?
  3. Các việc thực tập đạo đức. Làm các việc đó với ý hướng nào? Từ đó kéo ra được kết quả nào? Có bỏ các thực tập đó vì lười không?
  4. Về vui vẻ hay buồn phiền. Vì lý do nào? Những kết quả của các tâm trạng đó như thế nào? Có để lộ chúng ra ngoài không?
  5. Về khổ chế. Có nổ lực bài trừ những khuynh hướng xấu tự nhiên không? Có chăm chú vào các việc khó nhọc và nặng nề không? Tìm hay không tìm những việc làm mình khiêm nhường?
  6. Về các cơn cám dỗ. Bản chất của những cơn cám dỗ là gì? Và đã chống trả như thế nào?
  7. Về cầu nguyện. Thích cầu nguyện không ngừng không? Đi đến ca tòa cách vui vẻ hay chẳng chút thích thú?
  8. Về các Bí Tích. Chuẩn bị lãnh nhận các Bí Tích như thế nào? Các ân sủng mà chúng ta cố gắng thu hoạch ở đó là gì?
  9. Về Cha Giáo Tập. Có tín nhiệm vào ngài không hay cảm thấy muốn xa tránh ngài?
  10. Về bác ái huynh đệ. Có ác cảm, thương riêng, hay lãnh đạm?
  11. Về các đam mê chủ yếu. Có chiến đấu với chúng kông? Như thế nào? Và bằng phương tiện gì?
  12. Về sự xét mình riêng, xét lương tâm. Làm các việc đó như thế nào? Có rút ra được lợi ích không?
  13. Về nguyện gẫm. Sáng tối có nguyễn gẫm cách chú ý, nghiêm chỉnh mà việc đó đòi hỏi để cho được tiến bộ thiêng liêng không? Rút ra được kết quả nào?
  14. Về lòng ao ước sự hoàn thiện. Tăng hay giãm? Từ lần gặp vị linh hướng cuối cùng đến nay thoái hay tiến?

Việc linh hướng, thánh Phanxicô Salien nói là điều giúp chúng ta tuân giữ cẩn thận các điều khác, mà điều đó nếu được thi hành đúng đắn thì sẽ cứu độ được rất nhiều linh hồn.

Ước được như vậy.

 VI. ĐỜI SỐNG ĐẶC BIỆT CỦA CÁC ĐAN SĨ XITÔ

 1. Đời sống đặc biệt đó là đời sống nào?

Là một đời sống cô tịch.

Đời sống cô tịch là đời sống thế nào?

Đó là sự cô tịch về bản thân.

Là sự cô tịch về tinh thần.

Là sự cô tịch về tâm hồn.

Ba sự cô tịch đó hệ tại điều gì?

Không bao giờ xuất hiện ngoài thế gian.

Quên tất cả những gì ngoài thế gian.

Yêu mến đời sống giấu ẩn trong Đan Viện.

Người Đan Sĩ nào giữ được ba sự cô tích đó sẽ được Chúa viếng thăm, nghe Chúa phán bảo trong tâm hồn, được đầy tràn mọi ân huệ Chúa ban.

Người Đan Sĩ nào không giữ được ba sự cô tịch đó: chỉ còn là một Đan Sĩ hư vị, mọi sự trong Thầy trở nên nông nổi và thiếu suy xét, Thầy tưởng mình sống nhưng thực ra là đã chết.

Hỡi các Đan Sĩ, đừng bao giờ quên những lời này: “Không một Đan Sĩ nào ở trên trời mà không tử đạo cho sự cô tịch” (Nullus in coelo monachus, nisi martyr pro solitudine.)

  2. Đời sống đặc biệt đó là đời sống nào?

Là một đời sống cầu nguyện.

Thế nào là lời cầu nguyện?

Là một lời cầu nguyện luôn luôn tinh ròng.

Là lời cầu nguyện luôn luôn sốt sáng.

Là lời cầu nguyện luôn luôn bền vững.

Phải cầu nguyện cho những ai?

Cho toàn thể Giáo Hội.

Cho tất cả các linh hồn nơi luyện ngục.

Cho tất cả các ân nhân của mình.

Người Đan Sĩ nào không cầu nguyện liên lỷ như vậy là không chu toàn nhiệm vụ đầu tiên của ơn gọi mình, đánh lừa Giáo Hội và các ân nhân mình, trở nên cây vô dụng và bị chúc dữ.

Hỡi các Đan Sĩ, đừng bao giờ quên những lời này: “Không một Đan Sĩ nào ở trên trời mà không tử đạo cho sự cầu nguyện”.

  1. Đời sống đặc biệt đó là đời sống nào?

Là một đời thống hối.

Đời sống thống hối là đời sống thế nào?

Là thống hối về việc giữ quy luật.

Là thống hối về công việc mình làm.

Là thống hối về cách sử dụng các giác quan của mình.

 Đời sống thống hối hệ tại việc gì?

Tuân giữ quy luật trong mọi chi tiết.

Không đánh mất một thời gian nào.

Khổ chế các giác quan và thân xác.

Người Đan Sĩ nào thực hành ba loại thống hối đó là mang Thánh Giá mình mỗi ngày, là bước theo Thầy Chí Thánh, sẽ được một phần thưởng xứng đáng cho Nước Trời.

Khốn cho Đan Sĩ nào không sống đời thống hối. Thầy không thể được gọi là tôi tớ của Chúa. Đời sống của Thầy không có tình yêu, không kết quả, không công nghiệp. Đến ngày thẩm phán Thầy sẽ thấy mình tay không.

Hỡi các Đan Sĩ, đừng bao giờ quên những lời này: “Không một Đan Sĩ nào ở trên trời mà không tử đạo về sự thống hối”.

(theo PETIT MIROIR DU NOVICE – de la Congregation des Cisterciens de l’Immaculée Conception-dite de Sénanque-par Dom Marie Bernard Barnouin, pp. 49-86)

 Bản vi tính 06/07/2014 - Martin OCist

Thiết kế Web : Châu Á