Tản mạn

Tản mạn: "ÁNH MẮT..."

Tình yêu ở khắp mọi nơi nên đâu phải dày công đi tìm nó, nhưng tình yêu sẽ đến và ra đi tùy tâm hồn của mỗi người. Vì thế, không phải đi tìm nhưng là hãy phá bức rào chắn của tâm hồn để đón nhận tình yêu và trao ban nó cho đối tượng mình yêu.

 

Tản mạn:
ÁNH MẮT...
 
… Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu thì tình yêu đã có từ đời đời, nghĩa là có trước cả vũ trụ. Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu thì tình yêu không lệ thuộc một không gian nào, nghĩa là tình yêu ở khắp mọi nơi. Thế mà nhiều người vẫn hát: tình yêu có từ nơi đâu, để rồi đi tìm tình yêu ở một khúc sông cầu nào đó. Tình yêu rất trừu tượng nhưng cũng rất thực tế, ngọt mà đắng, bùi mà cay, gần mà xa… Tình yêu được ví như căn bệnh ngặt nghèo của hai con tim lành mạnh. Tình yêu là sự bay bổng của hai con người không có cánh. Tình yêu là sự bùng nổ động cơ đốt trong của hai tâm hồn. Tình yêu là điều tốt đẹp lan tỏa khắp thế giới… Tình yêu nếu thêm một sẽ bằng tất cả nhưng trừ đi một sẽ chẳng còn gì hết. Tình yêu còn được thi vị hóa như làn gió thoảng, như ánh trăng chiếu qua cửa sổ…vv và vv…
Nếu định nghĩa về tình yêu sẽ không bao giờ hết, và như đã nói ở trên, tình yêu ở khắp mọi nơi nên đâu phải dày công đi tìm nó, nhưng tình yêu sẽ đến và ra đi tùy tâm hồn của mỗi người. Vì thế, không phải đi tìm nhưng là hãy phá bức rào chắn của tâm hồn để đón nhận tình yêu và trao ban nó cho đối tượng mình yêu.
 
1. NHÌN NHAU 
Tình yêu có từ khởi thủy, phát xuất từ cái nhìn đầu tiên khi Chúa Cha - Chúa Con chiêm ngắm và yêu mến nhau vô cùng, đã phát xuất ra Thánh Thần Tình Yêu. Tuy trái tim là nơi phát xuất tình yêu, nhưng nó lại được biểu lộ đầu tiên qua ánh mắt, rồi mới đến các cơ quan khác của thân thể. Thế mới có câu hát: “Anh đã yêu em từ cái nhìn đầu tiên”. Cái nhìn đầu tiên đó, là tín hiệu mạnh nhất được phát đi, là thông điệp không lời của hai người yêu nhau, mà người đầu tiên nhận ra ánh mắt “đưa tình” đó lại chính là ông bà nguyên tổ của chúng ta. Chúng ta chẳng lạ gì khi cặp tình nhân cứ nhìn nhau say đắm, nhìn nhau không biết chán, nhìn nhau đến mức như chỉ còn hai người hiện hữu, nhìn nhau cho vạn vật biến tan, cho vũ trụ quay cuồng, cho thỏa lòng nhung nhớ... Một cái nhìn của cô gái có thể thiêu cháy trái tim bao chàng trai trẻ, đến nỗi:
 
Mắt em đốt cháy trái tim,
hồn anh gục ngã chết chìm biển mơ.
 
Vâng, có thể một đại tướng xưng hùng bách chiến bách thắng, nhưng lại ngã gục bởi một cái nhìn của cô thôn nữ xuân thì. Một trận cuồng phong có thể không lay động nổi con tim, nhưng chỉ một cơn gió thoảng nhẹ nhàng lại cuốn phăng cả ngục tù băng giá của tâm hồn.
Ánh mắt “đưa tình” tạo nên một sự mời gọi, một sự quyến rũ “mê hồn trận”, đến lúc đối tượng phải ra ngẩn vào ngơ, và nỗi nhớ còn vượt quá khả năng đề kháng của nghị lực con người, để rồi:
“Nhớ ai, ra ngẩn vào ngơ?
Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai?”
                                     (Ca dao).
 
Như đã nói, thông điệp của ánh mắt là ngôn ngữ không lời, nó diễn tả ngôn ngữ của trái tim và từ trái tim này trả lời cho cả những mầu nhiệm mà lý trí không bao giờ với tới được. Ánh mắt còn hàm chứa và biểu lộ những vui buồn, yêu thích, hờn giận, thất vọng, chán chường…. Gặp một ánh mắt long lanh của thiếu nữ có thể chắc nàng đang yêu, gặp ánh mắt buồn biết rằng họ đang còn đau khổ, gặp ánh mắt sáng ngời chắc họ đang vô tư và hạnh phúc, và nếu gặp một ánh mắt trừng trừng thì chắc chắn họ đang hằn học giận dữ…
Ánh mắt tràn trề yêu thương thì luôn gởi đi những thông điệp yêu thương và biểu lộ một sự tràn ngập yêu thương từ đáy tâm hồn. Đức Giêsu đã nhìn Phêrô bằng cái nhìn yêu thương mà không nói một lời nào, ấy thế mà Phêrô đã nhận ra thông điệp của Ngài để hối cải ăn năn và tin tưởng vào lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa.
… Ánh mắt yêu thương dành cho Phêrô ngày nào vẫn nhìn bạn nơi Bí Tích Thánh Thể, ánh mắt yêu thương ấy vẫn mòn mỏi trông bạn, như người cha cứ hướng mắt ra đường nhìn đăm đăm về phía đứa con hoang đàng ra đi và mong nó trở về.
 
2. CÙNG NHÌN VỀ MỘT HƯỚNG
Sau cái nhìn đưa tình đầu tiên ấy là một lời mời gọi bạn tình hướng đến một chân trời mới. Chính vì vậy mà Exupéry nói: “Yêu nhau là cùng nhìn về một hướng”. Vâng, cùng nhìn về một hướng để xây dựng tương lai. Sự thành công hay thất bại trong tình yêu đôi lứa, tình yêu vợ chồng lệ thuộc vào hướng đi của hai người. Nếu hai người cứ theo hướng riêng của mình, không thống nhất với nhau thì dễ tan vỡ hạnh phúc.
Chúa Giêsu luôn hướng về Chúa Cha, để nói tiếng “xin vâng”, sẵn sàng chọn thánh giá, chọn đường hy sinh cứu độ, hướng về Chúa Cha để cầu xin ơn lành cho nhân thế. Đức Kitô cũng cùng với Chúa Cha hướng về con người và cùng một hướng yêu thương và cứu độ con người. Chúng ta cũng được mời gọi đồng hướng với Chúa Giêsu, là luôn hướng về Chúa Cha để tìm Thiên Ý và cùng hướng về con người để hiệp thông cứu độ. Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn không thiếu những lần chúng ta đi theo hướng ngược lại, để chạy theo thú vui như người con hoang đàng, không thiếu những lần theo hướng đi của sự toan tính lừa gạt như Giuđa để rồi không ngại bán đứng tha nhân, không thiếu những lần luồn cúi như Hêrôđê bù nhìn, hoặc Philatô chỉ vì cái ghế….
 
Tóm lại, Ánh mắt đầy yêu thương của Chúa Giêsu Thánh Thể đang mời gọi ta cùng đồng hành và đồng hướng với Ngài, hãy học với Ngài để trao cho nhau những cái nhìn thân thiện và hãy cùng nhau tiến bước trong một hướng duy nhất là làm vinh danh Chúa và phần rỗi các linh hồn.
 
Hiền Lâm.
 
Thiết kế Web : Châu Á