Tản mạn

SINH NHẬT MẸ MARIA: Suy tư Thánh Kinh về CÁC LỜI TIÊN BÁO LIÊN QUAN ĐẾN MẸ MARIA.

Hiền Lâm.

 

Nhờ ánh sáng Phục Sinh các Kitô hữu lần giở lại các trang Cựu ước, đã gặp thấy toàn bộ sách thánh quy hướng về Đức Kitô, từ các biến cố, hình ảnh, biểu tượng, đến các lời tiên báo. Cùng với nhữnglời tiên báo về Đức Kitô, chúng ta cũng gặp thấy nhiều sấm ngôn về Đức Maria là Thân Mẫu của Đấng Messia.
Trong ngày sinh nhật mẹ Maria, các bài đọc Lời Chúa được Giáo Hội chọn là những trích đoạn về các "Lời Sấm" liên quan đến Đức Mẹ:
- Bài đọc I (chọn một trong hai bài Sáng thế 3,15.. hoặc Mk 5,1-4... Thường thì St 3 đọc trong Giờ Kinh Sách và Mk 5,1... đọc trong Thánh Lễ).
St 3,15: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó”
Mk 5, 1-4: “Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel..."
- Còn bài Tin Mừng, thánh sử Mát-thêu trích dẫn lại Is 7,14: “Này đây người thiếu nữ sẽ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Emmanuel”.
 

a, Tin Mừng Cứu Độ đầu tiên: đặc trưng chiến đấu chống sự dữ (x. St 3, 15 // Kh 12).

“Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3, 15).

Tưởng cũng cần nói rõ ở đây là, khi tìm hiểu đoạn Kinh Thánh này, người viết đang sử dụng bản dịch Kinh Thánh của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, mà trong đoạn văn St 3, 15 này được dịch từ nguyên bản Hípri. Sở dĩ cần nói ra ở đây là có một sự khác biệt giữa ba bản: bản Hípri, bản LXX (Hy Lạp) và bản Vulgata (Latinh)[1].

Bản Hípri: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó (zéra) sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó”.

Bản LXX: Có lẽ đã hiểu và dịch chữ “zera” trong tiếng Hípri theo nghĩa cá thể, nên dịch: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; người đàn ông (autôs: autos) sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó”.

Bản Vulgata: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; người đàn bà ấy (ipsa) sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó”.

Trước đây tại Việt Nam còn có bản dịch rằng: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người phụ nữ, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; người phụ nữ sẽ đạp dập đầu mi và mi sẽ tìm cắn gót chân nó.[2]

Ở đây, không cố ý đưa ra một nhận xét hoặc so sánh các bản dịch, nhưng tin tưởng đi về bản văn nguồn là bản Hípri, được nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch là: “… dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi…”, để đi tìm hình ảnh tiên báo về Đức Maria, và đâu là ý nghĩa mang tính truyền giáo từ lời sấm ngôn này với ba điểm chính:

*1 Dòng giống người phụ nữ: Khi Kinh Thánh tuyên nhận bà Eva là nguyên tổ của loài người, và Tin Mừng cứu độ được ban ra, bà Eva đã nhận lời hứa cho dòng giống của bà: “… Dòng giống người ấy sẽ đánh vào đầu mi”, điều này có nghĩa sau này chính Đấng Cứu Độ sẽ là con cháu Eva theo nhân tính, và Đức Maria đã sinh ra Đấng Cứu Độ, nên trước hết, hình ảnh này làm nổi bật vai trò người phụ nữ, bổn phận làm mẹ của người phụ nữ và viễn tượng công trình cứu độ, mà trong đó, Đức Maria là Đấng đã sinh ra Đấng Cứu Độ.

*2 Tư thế chủ động của dòng dõi người nữ trong cuộc chiến đấu và chiến thắng: Bản văn St 3, 15 cho thấy, dòng dõi người người đàn bà sẽ chiến đấu với Satan trong tư thế “đứng”, chứ không phải tư thế “bò” như con rắn[3]. Điều này cũng ngầm ý cho thấy thế giới sự dữ có nhiều mưu mô xảo trá quỷ quyệt luồn lách như con rắn (x. St 3, 1), nhưng với thế chủ động, dòng giống người nữ sẽ chiến thắng (Stabat Mater).

*3  Thiên Chúa đứng về phía người phụ nữ: Khác với sự chúc dữ dành cho con rắn, Thiên Chúa tuyên phạt dòng giống người phụ nữ, nhưng không nguyền rủa họ như nguyền rủa con rắn (x. St 3, 14). Thiên Chúa nghiêng về phía dòng giống Eva, chống lại Satan cám dỗ (x. St 3, 15). Thật vậy, dù không hiểu câu chuyện “sa ngã” theo nghĩa đen, nhưng có thể hiểu rằng, nhờ linh hứng, tác giả sách Sáng Thế đã tin tưởng rằng có quyền lực sự dữ đối nghịch với loài người, mà Thiên Chúa, Đấng Toàn Thiện sẽ bênh vực loài người chống lại. Lời hứa cứu độ là một chuỗi dài cho những biểu hiện của “lòng nhân hậu”… cho đến ngày được viên mãn trong Đức Kitô được sinh ra bởi người phụ nữ là Đức Maria.

Như vậy, từ ba điểm nổi bật trên, cho thấy tính truyền giáo được rút ra ở đây là làm cho muôn dân trở thành “dòng giống” của Trinh Nữ Maria cùng với Trưởng Tử Giêsu, Con Chí Thánh của Mẹ; cho mọi người can đảm và chủ động chiến đấu với quyền lực Satan; đồng thời làm cho muôn dân biết chọn đứng về điều thiện và tin tưởng vào Thiên Chúa luôn bênh đỡ con người chống lại sự ác.

 

b, Emmanuel - Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta: đặc trưng rao giảng Tin Vui (x. Is 7, 14 // Mt 2, 18. 22-23).

“Này đây người thiếu nữ sẽ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Emmanuel” (Is 7, 14).

Có thể nói, sấm ngôn về người thiếu nữ sinh con được trích dẫn trên đây là một trong những sấm ngôn quan trọng nhất trong Kinh Thánh, và cũng đoạn Kinh Thánh này để lại nhiều vấn đề nan giải, ít nhất là có ba lối giải thích:

1*  Đó là người vợ của vua Akhab và sự sinh nở của bà là một điềm lành cho vương quốc[4].

2*  Sấm ngôn chỉ có ý nghĩa cho tương lai sau này được ứng nghiệm nơi Đức Maria, sinh ra Đấng Messia.

3*  Sấm ngôn vừa là dấu chỉ cho toàn dân lúc đó áp dụng cho vợ vua Akhab sinh con, vừa tiên trưng cho Đức Trinh Nữ Maria sinh hạ Đấng Cứu Thế.

Cùng với các nhà Kitô học và Thánh Mẫu học, chúng ta thiên về lối giải thích thứ hai, nghĩa là Isaia tiên báo về Đức Maria sinh hạ Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, khi đọc kỹ bản văn, chúng ta lại gặp phải một khó khăn lớn khi đối chiếu các bản văn Hípri và Hy Lạp.

Bản Hípri viết là “một thiếu nữ” mang thai (thiếu nữ: nghĩa là cô gái còn trẻ chứ không nhất thiết phải hiểu là đồng trinh), trong khi bản Hy Lạp ghi là: “một trinh nữ” se mang thai; bản văn Hípri sử dụng thì hiện tại, còn bản Hy Lạp lại sử dụng thì tương lai (một thiếu nữ mang thai // một trinh nữ sẽ mang thai).

Như vậy, theo bản Hípri thì dường như dấu chỉ “người thiếu nữ sinh con” đã gần kề, xét về thời gian, áp dụng cho việc vợ vua Akhab sinh hạ Ezechias, phần là vì bà vợ Akhab là thiếu phụ chứ không phải “trinh nữ”, phần là vì nếu đọc câu 16 tiếp theo đó sẽ thấy ứng nghiệm khi Ezechias lớn lên thì đất đai hai vua mà ngài khiếp sợ sẽ không còn (x. Is 7, 16), mà theo lịch sử thì lúc này vương quốc Đamát đã mất và Samari đã bị sát nhập vào Assur. Tuy nhiên, cũng cần biết, lời tiên tri ở đây mang vẻ thật long trọng và siêu việt khi tuyên bố về sự hiện diện của Đấng Emmanuel, cho thấy mang tính cánh chung hơn là dấu hiệu hiện thời (x. Is 9, 1-5; 11, 1-9). Đàng khác, chính vua Ezechias sau này cũng không thế phục hưng vương quốc.

Còn bản Hy Lạp, như đã nói ở trên, có lẽ khi nhóm ký lục biên dịch (bản LXX) đã thấy rõ sự suy tàn của triều đại David và đọc thấy bản văn đầy vẻ trang trọng phản ánh tính cánh chung, nên đã nghĩ tới một sự ứng nghiệm xa hơn.

Nguyên bản Hípri sử dụng danh từ Alma: thiếu nữ, còn dịch văn Hy Lạp lại sử dụng từ parthênôs: trinh nữ và xác định sự thụ thai đồng trinh.[5] Như thế, bản Hy Lạp có ý nghĩa gần hơn về sự đồng trinh của Đức Trinh Nữ Maria mà sau này được thánh Matthêu trích dẫn để áp dụng cho việc thụ thai và sinh hạ Đức Giêsu.

“…Maria đã thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần… và tất cả sự việc đã xảy ra để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: ‘Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ đặt tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 2, 18. 22-23).

Qua việc trích dẫn của tác giả Tin Mừng Matthêu, cho ta việc suy tư về mầu nhiệm Đức Maria sẽ dễ chấp nhận hơn khi dùng bản Hy Lạp, vì theo công đồng Vaticano II trong Hiến chế về Hội Thánh dạy: “Phải đọc và hiểu dưới ánh sáng mặc khải trọn vẹn sau này. Phải đọc dưới ánh sáng mặc khải Tân Ước mới hiểu đúng, vì đoạn văn Is 7, 14, cũng như đoạn văn St 3, 15 là một phác hoạ còn mờ”.[6]

Tuy đưa ra một vài chú thích thần học trên đây, nhằm có một cái nhìn xác đáng hơn, nhưng vấn đề quan trọng ở đây nhắm đến là hai cụm từ “trinh nữ” và “Emmanuel”. Hai từ này trong lời tiên báo của Isaia được áp dụng cho Đức Maria khi sinh ra Đấng là Emmanuel. Dấu chỉ người trinh nữ sinh con là điềm lành cho vương quốc Giuđa ngày xưa, thì nay việc Trinh Nữ Maria sinh Con cũng là Tin Mừng cho muôn thế hệ; Emmanuel, dấu chỉ Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta xưa ở nơi Hòm Bia đi theo dân Israel suốt hành trình và ngự trong đền thờ Giêrusalem, cũng là Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đã nhập thể và nhập thế thực sự, đã đến trong cung lòng Đức Maria, làm người, sinh ra và sống với mọi người, và cuối cùng ở với mọi người cho đến tận thế qua các Bí Tích, đặc biệt nơi huyền nhiệm Thánh Thể.

Như vậy, trong lời sấm ngôn Is 7, 14, khi tiên báo về một dấu chỉ, một điềm lành cho triều đại David, được các Kitô hữu nhìn dưới ánh sáng Phục Sinh để áp dụng cho Đức Trinh Nữ Maria sinh Đấng Emmanuel là một Tin Vui cho nhân loại. Ngoài ra, khi nói về đức đồng trinh của Mẹ Vô Nhiễm, nghĩa là sự xứng đáng khi tiếp nhận và cưu mang Lời Chúa, người truyền giáo phải tôn trọng gìn giữ sự tinh tuyền của Lời Chúa khi được rao giảng cho nhân loại, phải được cắt nghĩa nhờ ơn soi sáng của Thánh Thần, chứ không phải do ý muốn của con người (tựa như Đức Maria cưu mang Ngôi Lời là do quyền năng Chúa Thánh Thần chứ không phải do ý muốn của nam nhân). Đặc biệt, khi thời đại hôm nay đang sống như vắng bóng Thiên Chúa, thậm chí như Thiên Chúa đã chết rồi. Vì thế, hơn lúc nào hết, các chứng nhân rao giảng Tin Mừng phải giúp cho mọi người nhận ra Đức Giêsu Nazareth chính là Đấng Emmanuel đã đến, đã sống và đang sống ở giữa nhân loại.

 

c, … Cho đến thời một sản phụ sinh con: đặc trưng đem đến sự bình an (x. Mk 5, 1-4 // Mt 2, 1-6 và Lc 2, 4-7)

Ngôn sứ Mikha sống cùng thời với ngôn sứ Isaia, và hai sấm ngôn của hai vị tiên tri này hầu như giống nhau khi tuyên sấm về “một người phụ nữ sinh con”, có liên hệ đến sự xuất hiện của Đấng Messia trong tương lai, cũng như hàm ý nói về Thân Mẫu của Người. Tuy nhiên, khi đọc kỹ lời tiên báo của Mikha, chúng ta nhận thấy có phần năng động hơn. Xét về tính lịch sử, bối cảnh, cũng như địa lý được ghi nhận trong Tân ước, thì  lời tiên báo của Mikha được ứng nghiệm cách rõ ràng và chi tiết hơn.

“Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha,

ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa,

từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện

một vị có sứ mạng thống lãnh Israel.

Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa.

Vì thế, Đức Chúa sẽ bỏ mặc Israel cho đến thời một sản phụ sinh con.

Bấy giờ những anh em sống sót của người con đó

sẽ trở về với con cái Israel.

Người sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa

và uy danh Đức Chúa, Thiên Chúa của Người mà đứng lên chăn dắt họ.

Họ sẽ được an cư lạc nghiệp

và bấy giờ quyền lực của Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất.

Chính Người sẽ đem lại hoà bình(Mk 5, 1-4).

 

Có thể nói hầu như toàn bản văn trên đều đã được ứng nghiệm cả về bối cảnh, địa lý, nguồn gốc thần linh và cách cai trị của Đấng Messia.

* Bối cảnh: “Đức Chúa bỏ mặc Israel cho đến thời một sản phụ sinh con”. Israel suốt một thời gian dài không ngôn sứ, không thủ lãnh và bị đô hộ, cho tới khi Đức Kitô được một người phụ nữ là Đức Maria sinh ra.

* Địa lý: “Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiệnmột vị có sứ mạng thống lãnh Israel”. Đức Giêsu sinh ra tại Bêlem, thuộc chi tộc Giuđa (x. Mt 2, 1-6; Lc 2, 4-7).

* Nguồn gốc thần linh: “Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa”// “Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1, 1).

* Cách cai trị: “Người sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa và uy danh Đức Chúa, Thiên Chúa của Người mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc nghiệp và bấy giờ quyền lực của Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất. Chính Người sẽ đem lại hoà bình” // “… Đức Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacob đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận”(Lc 1, 32-33).

Các tác giả Tin Mừng biết lời sấm này, và nhận ra rằng lời sấm được hoàn tất nơi Đức Kitô Giêsu (x. Mt 2, 6; Ga 7, 42). Khi vị ngôn sứ nói về Bêlem, chắc hẳn ông muốn nói rằng Đấng Messia, Đấng có sứ mạng thống lãnh Issrael, sẽ là người kế vị hợp pháp của Đavít, vị vua có gốc gác ở Bêlem. Nhưng nếu ông nói nguồn gốc của Người có từ thời trước, chắc chắn là ông muốn nói rằng, Người còn vượt hậu duệ của David: Thiên Chúa đã nghĩ đến Người và chuẩn bị cho Người xuất hiện.[7]

Cũng như ngôn sứ Isaia trong 7, 14, ngôn sứ Mikha 5, 1-4 cũng gắn liền Thân Mẫu của Đấng Messia với Đấng Messia ấy khi đều nhắc tới việc “một người nữ sinh con’. Điều này cũng dễ hiểu, vì trong văn hoá triều đình Đông Phương, cách riêng vùng Cận Đông, Thái Hậu có một vị trí rất quan trọng và Thánh Kinh đặc biệt cẩn thận ghi chép tên tuổi và những ảnh hưởng của các bà (x. 1V 14, 21; 15, 2-10; 22, 42; 2V 9, 6; 12, 2; 14, 2; 15, 2. 35; 18, 2; 22, 1; 23, 31. 36; 24, 18); ngoài ra, vị trí của Thái Hậu còn lớn hơn cả Hoàng Hậu (so sánh: 1V 1, 16. 31 và 1V 2, 19: Hoàng hậu bái đế vương, trong khi đế vương phải bái thái hậu). Khi áp dụng các lời tiên tri này cho Đức Maria sinh hạ Đức Giêsu, mà Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Vua Hoàn Vũ, thì thế giá của “Thái Hậu Maria” cao trọng biết bao.

Thiết nghĩ, tính truyền giáo nơi lời sấm này áp dụng cho Đức Maria mà các sứ giả Tin Mừng phải noi theo là làm cho Lời Thiên Chúa được sinh ra, để đem lại bình an cho thế giới. Thật vậy, lời sấm của ngôn sứ Mikha nói về việc Thiên Chúa như bỏ rơi Israel cho đến thời một người nữ sinh con và đứa con đó sẽ đem lại hoà bình, mặc nhiên ứng nghiệm cho thời đại hôm nay, khi mà thế giới như bị bỏ rơi, như vắng bóng Thiên Chúa vì đã lãng quên hoặc không nhận biết Người, thì đã đến lúc rất cần những con người làm cho Lời Thiên chúa được sinh ra và nhờ đó đem lại bình an cho nhân loại. Mặt khác, Đức Maria như một thái hậu luôn can thiệp chuyển cầu cho mọi người, thì những ai mang sứ mệnh truyền giáo cũng luôn biết chuyển cầu cho thế giới hôm nay.

 

[1] Phần các bản dịch được tham khảo từ cuốn THẦN HỌC VỀ ĐỨC MARIA của Linh mục Tanila Hoàng Đắc Ánh,  tr. 54.

[2] Hiện nay vẫn còn thấy trong Sách Bài Đọc (bản cũ) đọc trong Thánh Lễ.

[3] Có học giả cho rằng khi viết bản văn này, tác giả Thánh Kinh sử dụng bút chiến chống lại những dân tộc láng giềng có thói quen thờ thần Rắn.

[4] Lối giải thích này không tương thích, vì trước đó thái tử Ezechias – sau này được ca ngợi là ông vua tốt lành - thì đã sinh ra rồi, hơn nữa Ezechias đã không thể phục hưng đất nước, nên chắc chắn lời sấm ngôn trên phải ứng nghiệm ở một tương lai xa hơn.

[5] x. Lm Tanila Hoàng Đắc Ánh, THẦN HỌC VỀ ĐỨC MARIA, tr. 58.

[6] Công đồng Vaticano II, HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM, số 55.

[7] x. Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, LỜI CHÚA CHO MỌI NGƯỜI, phần chú thích, tr. 1551

Hiền Lâm.
Thiết kế Web : Châu Á