Suy niệm theo chủ đề

VIỆC GIỮ CHAY CÒN THÍCH HỢP KHÔNG?

Đức Giêsu không lên án việc giữ chay tịnh. Bởi từ khi sa ngã, con người thường bị các khuynh hướng dục vọng chi phối, việc giữ chay tịnh giúp con người hãm dẹp các dục vọng nơi bản thân, là nguồn của mọi xáo trộn, để tạo trong tâm hồn một sự tĩnh lặng cần thiết nhờ đó con người có thể vươn lên với Thiên Chúa.

 

 

VIỆC GIỮ CHAY CÒN THÍCH HỢP KHÔNG?

 

M. Damasceno Hùng

 

Chúng ta đang bước vào Chúa Nhật II Mùa Chay. Với một số Kitô hữu ngày nay, giáo lý về việc giữ chay đã trở nên lỗi thời không còn thích hợp cho con người hiện đại nữa. Họ nghĩ rằng: ăn uống là chuyện bình thường tự nhiên của con người, chẳng có vị Thiên Chúa nào lại bắt con người phải kiêng khem những chuyện như thế. Hơn nữa, dù con người có ăn chay nhiệm nhặt đến mấy thì cũng chẳng thêm gì cho Chúa, bởi tự bản chất Thiên Chúa là Đấng tròn đầy.

 

Việc giữ chay tỉ mỉ chỉ xuất phát từ quan điểm nhị nguyên xưa như trái đất, quan trọng là tình yêu của ta đối với Thiên Chúa, còn chuyện kiêng khem ăn uống chẳng mang lại ý nghĩa thiêng liêng nào. Theo họ “ăn chay lòng” mới thực là ăn chay, bởi chẳng phải Thiên Chúa đã dạy: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích là chia cơm sẻ áo cho người đói rách, rước vào nhà những người bần cùng không nơi trú ngụ…” đó sao?

 

Trái lại, những người theo trường phái bảo thủ thì lại coi trọng việc giữ chay tịnh. Họ ăn chay với với gương mặt nghiêm nghị, áo quần xốc xếch, giữ luật tỉ mỉ từng chấm từng phết. Họ thuộc lòng bài học mà chính Chúa Giêsu đã rút ra cho các môn đệ: “Loại quỷ đó chỉ có ăn chay và cầu nguyện mới có thể trừ được” (Mc 9,29). Chẳng phải là chính Chúa Giêsu cũng đã ăn chay 40 đêm ngày đó sao? Những người này ăn chay như muốn làm cho Thiên Chúa cảm động và kêu gọi Thiên Chúa nhìn đến tấm lòng sùng đạo của họ. Như thế, họ lại chủ trương dùng sự chay tịnh khắc khổ để mua lấy cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Vậy, chay tịnh có còn thích hợp cho con người hiện đại ngày nay? Đâu là thái độ đúng đắn trong việc thực hành chay tịnh đối với người Kitô hữu?

 

Chay tịnh không phải là đặc sản của Kitô giáo, trong Cựu Ước đã nói nhiều đến việc ăn chay và hầu như tôn giáo nào cũng có quy định việc chay tịnh. Trong Tân Ước, câu chuyện về việc ăn chay được bắt đầu khi các môn đệ của ông Gioan và những người biệt phái thắc mắc lý do tại sao các môn đệ Đức Giêsu không ăn chay (x. Mt 9,14-17). Ở đây cần lưu ý là họ không tranh luận với Đức Giêsu về việc ăn chay theo luật buộc, bởi mỗi năm luật Do Thái chỉ buộc một lần vào ngày lễ Hòa Giải. Nhưng họ tranh luận về ăn chay tự nguyện. Theo họ, mặc dù là ăn chay tự nguyện, không buộc, nhưng nếu ai ăn chay càng nhiều càng chứng tỏ là con người đạo đức, vì rõ ràng ăn chay là một công việc đạo đức. Họ chỉ trích: “Tại sao môn đệ ông lại không ăn chay”.

 

Để trả lời cho câu hỏi đó, Đức Giêsu đã dùng một bức tranh sống động để diễn tả ý nghĩa đích thực của việc ăn chay. Đức Giêsu đã ví việc nhập thể của Ngài đến với trần gian như vị tân lang kia trong niềm vui tân hôn. Ngài đã khai mở một bữa tiệc Thiên sai để khởi đầu một triều đại mới. Tất cả những ai đến với Ngài đều được xem là bạn của tân lang: “Chả lẽ khách dự tiệc lại ăn chay bao lâu chàng rể còn ở với họ”? Việc thánh Gioan buộc mình và các môn đệ ăn chay nghiêm nhặt là để chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Thiên Sai. Việc ăn chay như thế rất thích hợp cho thời gian chuẩn bị. Nhưng bây giờ Đấng Thiên Sai đã đến, Tân Lang và các bạn không phải ăn chay nữa.

 

Theo Tin Mừng Gioan, chính Gioan Tẩy Giả có lần đã tự xưng mình là bạn của tân lang, sẵn sàng rút lui một khi hôn lễ chấm dứt (Ga 3,29). Việc Chúa Giêsu so sánh hoàn cảnh của mình như một cuộc hôn nhân không phải chỉ để biện minh hay tự bầu chữa, nhưng là để loan báo Tin Mừng: Chính Ngài là Đấng Thiên Sai, Ngài đang hiện diện giữa họ. Sự hiện diện của Chúa là một niềm hạnh phúc cho con người. Đời không có Chúa thì cuộc sống thật chênh vênh và buồn khổ biết bao: “Mùa đông về đời vẫn không băng giá, thiếu tình Ngài đời con hóa đơn côi”. Điều này cho chúng ta thấy thái độ đặc biệt của Kitô giáo đối với đời sống là sự vui vẻ. Việc khám phá ra Chúa Kitô và kết bạn với Ngài là chìa khóa của hạnh phúc. Nếu đã thích hợp để dọn đường cho Chúa đến, việc ăn chay nay không còn hợp thời nữa vì Chúa đã có đây rồi, nhưng nó sẽ hợp thời lại như dấu chỉ tang chế: “Khi chàng rể đã bị đem đi, lúc đó họ mới ăn chay”.

 

Như vậy, Đức Giêsu không lên án việc giữ chay tịnh. Bởi từ khi sa ngã, con người thường bị các khuynh hướng dục vọng chi phối, việc giữ chay tịnh giúp con người hãm dẹp các dục vọng nơi bản thân, là nguồn của mọi xáo trộn, để tạo trong tâm hồn một sự tĩnh lặng cần thiết nhờ đó con người có thể vươn lên với Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu cũng đã ăn chay 40 đêm ngày trước khi thi hành sứ vụ công khai. Nhưng Chúa Giêsu không chấp nhận một lối sống đạo máy móc vô nghĩa, vô lý theo thói quen, có hình thức mà không có nội dung, nghĩa là việc ăn chay trở thành khập khễnh, vô hiệu. Ngài muốn một đời sống đạo phải được phát xuất từ bên trong tâm hồn được thể hiện qua các hành động bên ngoài. Ngài cũng không chấp nhận một lối sống đạo vay mượn vá víu, lai tạp, nhưng phải là một lối sống đạo luôn được canh tân, đổi mới cho phù hợp với giáo lý và những đòi hỏi mới của Ngài: “Rượu mới thì phải đổ trong bầu da mới”.

 

Tin Mừng của Ngài chính là rượu mới, rượu của niềm vui, rượu của Thánh Thần. Rượu mới này mang theo nồng độ cao của tình yêu và của sự hy sinh. Vì thế cần phải có một tâm hồn mới, một quyết tâm mới khi đón nhận Tin Mừng của Đức Kitô. Trong đời sống mới này cái cũ và cái mới, niềm vui và thử thách kết hợp với nhau một cách mầu nhiệm. “Chữ viết thì giết chết, nhưng thần khí mới làm cho sống” (2Cr 3,6).  Các quy luật cũ, được thực hiện trong một tinh thần duy luật chỉ biết tin tưởng vào việc làm, đó chỉ là những bầu cũ, áo cũ. Người Kitô hữu phải là người có con tim mới và tinh thần mới, biết lấy tình yêu làm thước đo cho mọi hành động trong cuộc sống của mình.

 

Như thế, chay tịnh không thể thiếu trên con đường tu dưỡng, nhất là muốn tiến tới sự trọn lành cho Kitô hữu ở mọi thời đại. Nó cũng là phương cách tích cực và hữu hiệu để triệt hạ thói hư tật xấu, triệt tiêu những xu hướng và bản năng hướng hạ nơi con người. Nhờ vậy nó tạo trong tâm hồn con người một sự bằng an, một sự quân bình, một cái tâm sáng mà chân lý có thể soi rọi vào dễ dàng. Điều kiện trong một trật tự của quy luật là phải nhận ra chính mình, đồng thời cũng phải nhận ra Thiên Chúa. Muốn được như thế tất phải biết từ bỏ, biết rũ bỏ những dục vọng mà con người đang đắm chìm trong đó. Ăn chay như thế không những đã bị người hiện đại quên lãng mà ngay cả ý nghĩa và mục đích của việc giữ chay người ta cũng hiểu sai đi.

 

Chay tịnh đã lỗi thời rồi sao? Hay ngày nay con người quá yếu đuối?

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á